Cái Tôi

 

Con người luôn mang trong mình một sự khao khát trở về với chính mình. Trở về với chính mình là gì nếu chẳng phải là biết và hiểu về chính bản thân mình. Biết mình là ai là một đòi hỏi tất yếu của phận làm người.

Tôi là ai? đó là câu hỏi nền tảng để xây dựng đời mình. Cái tôi làm cho con người trở thành chủ thể trách nhiệm mang trong mình tự do, nói lên giá trị nhân vị, coi trọng chủ thể tính, hình thành “thế đứng”, “cái thế” riêng của mình và chính những điều đó là khởi điểm vững chắc, nền tảng kiên cố để bản thân mỗi người xây dựng đời mình.

Tôi là ai? không chỉ mang tính biệt lập, cá nhân, phản chiếu tính nội tại mà còn đặt chính chủ thể trong tương quan với tha nhân. Qua mối tương quan đó, bản thân tôi lại càng rõ nét hơn vì trong chính cái nhìn của tha nhân sẽ phản ánh về tôi. Mối tương quan càng khăng khít, thân tình thì bản thân tôi càng dễ bộc lộ ra.

Chính đời sống của mỗi người sẽ là một định nghĩa về bản thân mình, một câu trả lời về con người mình. Tương tự như thế, chính cái tôi vẽ nên chân dung con người tôi, phản ánh phần cuộc đời tôi, một chủ thể nội tại. Qua chính đời sống, các vấn đề đặt ra trong cuộc nhân sinh này, cái tôi lại càng hiển hiện hơn và rõ nét hơn.

Thú vị thay trong cuộc đời này, cuộc sống của con người được xây dựng trên nền móng là sự tương quan. Con người không sống một mình nhưng là sống với, sống cùng người khác. Chính vì đòi hỏi tất yếu đó, nên để sống cho xứng là người thì cần phải biết điều chỉnh cái tôi. Điều chỉnh cái tôi là điều chỉnh bản thân mình, con người mình để xây dựng một tinh thần mới trong một nhận thức mới bắt nguồn từ chính sự phản ánh về con người tôi thông qua các mối tương quan. Đó là một đòi hỏi và cũng là một thách đố nơi mỗi người.

Nhưng cũng thật trớ trêu thay nơi kiếp nhân sinh này. Con người luôn luôn bị rào cản bởi những mặc cảm nơi chính mình. Những thứ đó cản bước để con người quay trở về với chính mình, ngăn bước để nhận ra con người thật của mình với cái tôi trọn vẹn của mình.

Sống trong cuộc đời, không thiếu những người để cho cái tôi của mình quá lớn, lấn át hết mọi thứ, đó quả là điều rất nguy hại và sẽ làm băng hoại hết mọi tương quan. Nếu chúng ta chấp nhận một sự dễ dãi cho bản thân, chúng ta sẽ chiều theo bản tính tự nhiên của chính mình, điều đó làm cho cái tôi của mình lớn dần. Ngày nay, xu hướng phô diễn cái tôi là một vấn nạn không nhỏ đã dẫn đến việc “khẳng định bản thân” cách quá đáng. Lấy bản thân làm tâm điểm, lấy “cái tôi” làm tiêu chuẩn để xét định và dùng tự do của mình để tự định đoạt tiêu chuẩn đó thì quả là một điều nguy hại. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong cuộc sống thường ngày khi con người quá đề cao cái tôi trong cách nhìn nhận, phán quyết một vấn đề thực tiễn. Chân lý là gì? Phải chăng là kết quả của những cuộc đối thoại được tán thành theo số đông? Đâu là tiêu chuẩn của chân lý? Thật đáng buồn! Thay vì chân lý phải được khai mở trong yêu thương, tôn trọng, lắng nghe; Đón nhận chân lý là đón nhận trong tự do thì chính cái tôi quá lớn lại là một quy định, một sự áp đặt đón nhận.

Cũng có những người nhận ra cuộc đời này là giới hạn, phận người mong manh nên đã chọn cho mình một hướng đi thanh thoát, một ý hướng đơn sơ, chân thành để sống với cái tôi khiêm nhu, nhỏ bé, vị tha. Những người này học cách kiềm chế bản thân, biết thu gọn cái tôi của mình lại. Chúng ta phải đồng ý rằng chính tôi phải hình thành nên con người tôi. Đời tôi không ai sống thay được, tôi chính là chủ thể hiện hữu. Nhưng đó không phải là tất cả hành trang cho một cuộc hành trình đời người. Nét đẹp ấy, chúng ta nhận thấy trong Kitô giáo. Vì chỉ trong Kitô giáo, chúng ta mới nhận ra một sự đảo lộn trật tự: “Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: ‘Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,42-44) Đó là một sự hạ mình, là thu gọn cái tôi, là điều chỉnh con người mình. Soi chiếu vào hành trình đời Kitô hữu, chúng ta nhận thấy đó là con đường chân chính, đó là hành trang lên đường xây dựng đời mình và sống phận người trong tương quan với Chúa và tha nhân.

Mỗi người có một thế đứng trong cuộc đời, một sứ mạng trong con đường thiêng liêng, do đó, phải biết điều chỉnh bản thân. Điều chỉnh bản thân là cần đặt lại cuộc đời mình mà xuất phát điểm là việc xây dựng cái tôi sao cho phù hợp. Thiết nghĩ, để làm được điều đó mỗi người cần phải nhận ra và phải khám phá trong hành trình đời mình câu hỏi lớn: “Thiên Chúa dựng nên tôi với mục đích gì?”. Càng xác định được mục đích thì càng xây dựng được đời mình, cái tôi của mình càng hoàn thiện hơn.

 

Giuse Vũ Duy An, Học viện Thừa sai Đức Tin