Yêu mến kẻ thù, Giới răn yêu thương mới

1- Đặc tính của yêu thương

            Chỉ có tình yêu mới có thể hiệp nhất những điều trái nghịch nhau, hay ít ra, những điều khác nhau. Cho nên, sự khác biệt chính là điều kiện của tình yêu: khác biệt giữa Thiên Chúa “ở trên trời” và con người “ở dưới đất”, giữa người nam và người nữ, họ có thể yêu nhau vì khác nhau. Và chính trong sự khác biệt con người -  được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa” - được mời gọi yêu thương “kẻ thù” (x.Mt 5,44). Tình yêu (agapè)theo tiếng Hy Lạp chủ yếu diễn tả hành vi tiếp đãi, qua đó ta đón nhận người xa lạ, người khác, và qua đó dành cho họ một chỗ. 

Agapè như vậy là nhìn nhận và đón tiếp sự khác biệt [1].

Vì thế, phần việc của mạc khải Kinh Thánh – mạc khải sự khác của Đấng khác – là biểu lộ bản tính chân thực của tình yêu là agapè. Bởi vì đặc điểm căn bản của tình yêu là sáng tạo. Tình yêu gom lại những gì mà tất cả đều ngăn cách, ngay cả kẻ thù. Cũng vì thế, trong Tin Mừng Mátthêu, giới răn yêu thương kẻ thù dựa trên thực tại tính duy nhất của Thiên Chúa sáng tạo, quét sạch các kỳ thị, các thứ đặc quyền, đặc lợi của con người. “Các ông đã nghe: Ngươi hãy yêu thân nhân và ghét kẻ thù. Nhưng tôi bảo: Hãy yêu cả kẻ thù … để thực sự là con cái của Cha các ông, Đấng ngự trên Trời, cho mặt trời mọc trên kẻ dữ người lành và cho mưa rơi xuống trên người công chính lẫn kẻ bất lương” (Mt 5,44-45).

Như vậy, tình yêu không bãi bỏ những dị biệt, nhưng liên kết và vượt qua cả những điều dị biệt. Cũng vẫn như thế, trong dụ ngôn “người con hoang đàng” (x.Lc 15,11-32): tình yêu của Cha trải rộng cả tới tội nhân trở về. Tình yêu đã mời người con cả liên kết với cha, để “chung vui với cha” và đi tới yêu thương thằng con hư, dù có những dị biệt thật lớn ngăn cách hai người. Dụ ngôn người Samaria nhân hậu (x.Lc 10,29-36) cũng tiến bước theo hướng này. Quả vậy, chìa khóa ở đường lối đảo lại tình thế mà nó làm ra. Với “luật sĩ” hỏi Chúa – nhân việc giải thích hai luật yêu thương – ai là anh em tôi? Chúa Giêsu đã trả lời bằng câu chuyện người bất hạnh bị bỏ bên đường mà hai người đạo đức lờ đi, lại được một người Samaria cứu giúp. Chúa hỏi một cách hóm hỉnh: “Theo ý ông, ai trong ba người ấy tỏ mình là anh em với người rơi vào tay bọn cướp?” (Lc 10,36). Như thế, Chúa đưa người đối thoại đến chỗ tự nhận mình, không phải ở người này, người kia thương giúp đời, mà chính ở người cần được cứu giúp. Câu hỏi “Ai là anh em mà tôi phải yêu thương?” bao giờ cũng chỉ là “có tính phụ mẫu” và do đó, đi ngược với thực tại sâu xa của tình yêu thương. Là vì yêu thương chỉ có thể thực sự phát sinh ở nơi nào người ta chấp nhận được kẻ khác yêu thương giúp đỡ chứ không phải là sự chấp nhận yêu thương và giúp đỡ… dù là bởi một người Samaria, tức là kẻ thù, kẻ chẳng ra gì [2].

Tình yêu vốn liên kết điều khác biệt: người nam và người nữ, điều phổ quát và điều tư riêng, Thiên Chúa và thế giới. Mà đức tính liên kết này luôn được biểu lộ qua hai nhu cầu của tình yêu là sự cố kết trên đối tượng riêng mà nó chọn lựa ngay theo mức độ mà nó mở vào sự to lớn vô hạn của thế giới. Quả thế, yêu thương luôn luôn là chọn lựa và kiên trì ở trong chọn lựa ấy, mà cũng ngược lại, yêu thương luôn tuôn trào và chia sẻ, cho và tha thứ, tức là cho dồi dào, không tính toán nhỏ nhen, không kết toán, cho tới “bảy muơi lần bảy” (Mt 18,22). Tình yêu không thể là bần tiện; nó không biết giới hạn, biên cương, “nó tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). Tình yêu chưa đạt được “kẻ thù” (Mt 5,44), kẻ chỉ gây hận thù, thì chưa thể an nghỉ [3].

2- Yêu mến kẻ thù [4]

Khi nói đến kẻ thù thì mấy ai mà chẳng lên án, sợ hãi, trốn chạy hay có câu nói quen thuộc mà người ta hay dùng là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của thế gian, còn giáo huấn của Chúa Giêsu thì hoàn toàn ngược lại. Ngài không chỉ dạy ta chỉ biết yêu mến những người yêu mến mình nhưng còn cần phải yêu mến cả những người làm hại đến ta nữa. “Anh em nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như  vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt… Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,43-48).

Một điều tưởng chừng như vô lý không thể thực hiện được, nhưng lại là một sự thật và sự thật đó chính là mạc khải và lệnh truyền của Chúa cho nhân loại nói chung và cho mọi Kitô hữu nói riêng. Nhìn lại lịch sử của dân Israel, họ đã nhiều lần phản bội Chúa nhưng Chúa vẫn yêu thương và tha thứ tất cả. Và một bằng chứng cho thấy là dù có ra những hình phạt để cảnh cáo dân Do thái, nhưng Chúa cũng đã cứu họ như việc “Con Rắn đồng và ai nhìn lên thì sẽ được khỏi”. Bên cạnh đó trong Cựu Ước còn rất nhiều đoạn mà Chúa đã ra lệnh cho người Do thái phải yêu thương kẻ thù. Ví dụ: “Nếu gặp bò hay lừa của kẻ thu đi lạc, ngươi phải dẫn nó về cho người ấy. Nếu thấy lừa của kẻ ghét ngươi quỵ ngã vì chở nặng, ngươi không được để mặc người ấy; ngươi phải giúp người ấy đỡ lừa dậy” (Xh23,4); “khi quân thù gục ngã, con đừng lấy làm vui, lúc nó bị lảo đảo, lòng con chớ reo mừng” (Cn24,17). Ngoài ra Cựu Ước còn cho thấy tấm gương yêu thương kẻ thù tuyệt vời của Giuse, ông đã tha thứ cho những người đã từng đánh đập mình và bán ông làm nô lệ[5].

Đi thêm một bước nữa, đến thời Đức Giêsu thời Tân Ước, thời của ánh sáng mạc khải. Đức Giêsu mở rộng tình yêu kẻ thù đi xa hơn, nó không còn giới hạn là kẻ thù nào nhưng mà là tất cả kẻ thù: “Đức Giêsu đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”(Mt18,22); “Nhưng Tôi nói cho các ngươi biết: hãy yêu thương địch thù, hãy cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em”(Mt 5,44). Đức Giêsu đã thừa lệnh của Chúa Cha để đem giáo huấn yêu thương đến cho mọi người, giáo huấn yêu thương đó không chỉ là yêu thương kẻ yêu thương mình, nhưng là hết mọi người kể cả những người ghen ghet ta, xỉ vả ta, nhục mạ ta, kẻ thù của ta nữa. Vì bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu, yêu là tha thứ tất cả, yêu là cho đi tất cả, yêu là hiến dâng tất cả, thậm chí ngay cả con yêu dấu của Ngài nữa. Vâng lời Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đổ máu đào ra để cứu chuộc nhân loại, mặc dù nhân loại đã bao lần phản bội. Ngay cả lúc thoi thóp trên thập giá, lời nói đầu tiên cũng là lời tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc23,34).

Tới đây một phần nào cho thấy lịch sử cứu rỗi của Thiên Chúa toàn là tha thứ và nó được Thiên Chúa mạc khải dần dần từ Cựu Ước đến Tân Ước. Vì Người hiểu rằng thân phận con người chỉ là bùn đất, nó sẽ có nhiều yếu đuối và chỉ có ơn tha thứ thì con người mới đón nhận được lòng thương xót của Chúa. Như lời chúng ta vẫn hát qua kinh nguyện đó là: nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai cứu rỗi được ư. Đó là về phần Thiên Chúa, Ngài đã tha thứ chọn vẹn, nhưng Ngài không muốn điều đó chỉ dừng lại nơi chính bản thân Ngài mà là muốn mac khải cho mọi người thực thi điều đó.

Và điều này đã được Giáo Hội tiếp nhận lệnh Chúa là, Vatican II đã nhắn nhủ các tín hữu hãy kính trọng và yêu thương kẻ thù. “Giáo huấn của Đức Kitô còn đòi hỏi ta phải tha thứ những xúc phạm và mở rộng luật yêu thương tới mức kể cả luôn kẻ thù của mình[6]. Điều này đã được chứng minh bằng một chứng nhân sống động trong xã hội hôm nay: chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã làm. Việc đầu tiên ngài làm khi tỉnh dậy sau nhiều ngày nằm viện, vì trọng thương do viên đạn của kẻ ám sát bắn vào gần tim, là đi thăm chính kẻ ám sát mình và làm giấy bãi nại không truy tố.

Tha thứ chính là ân ban của Thiên Chúa, chính nhờ ân ban đó mà con người được ơn cứu rỗi và đó cũng chính là điều cơ bản của giáo lý công giáo vì xuất phát từ mạc khải.

Tóm lại, “yêu thương kẻ thù” chính là mạc khải của Kitô giáo, mạc khải này được sáng dần ra từ Cựu Ước đến Tân Ước, có thể nói rằng, sự yêu thương kẻ thù là một sự tiên trưng của Cựu Ước, và đỉnh điểm của yêu thương kẻ thù chính là lúc Chúa Giêsu nói ra lời yêu thương và yêu thương nhân loại một cách tuyệt đối trên thập giá: “lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Đây được xem là lời mac khải rõ ràng nhất và thiết thực nhất. Và khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ vụ cứu chuộc ở trần gian, thi giáo hội lại tiếp tục sứ vụ đó. Vì nhận thức rằng nơi mỗi con người dù là kẻ thù của ta họ cung vẫn con nhưng điều tốt và hơn thế nữa họ vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa và là con của cùng một Cha trên trời.


[1] Bernard Lauret và Francois Refoulé, Đường vào thần học, tập 4A, do Lm.Nguyễn Đức Việt Châu dịch, tr.50

[2] Ibid, tr.57

[3] Ibid, tr.57

[4] Bernard Haring CSsR, Tự do và trung thành trong Chúa Giêsu Kitô, Tập 4, Lm.Nguyễn Đức Thông dịch, 2004, tr.262-265

[5] Thần học Luân lý chuyên biệt, tập  II, tr.40

[6]  Hiến chế Gaudium et Spes, số 28

Xuân Sơn