Yêu Mình

 Tình yêu là nhu cầu căn bản của đời sống con người. Yêu và được yêu là một khao khát chân chính, một ý hướng chân thành, một đòi hỏi chân thực của đời sống con người. Bởi lẽ, làm sao con người có thể sống mà không yêu.

Nhìn vào đời sống con người, chúng ta nhận thấy con người có tình yêu, con người biết về tình yêu, con người cảm nhận được tình yêu nhưng để yêu và yêu đúng nghĩa thì không phải ai cũng làm được. Mỗi người chúng ta sinh ra là người, đảm nhận phận người để sống làm người, chúng ta mang trong mình những giới hạn. Có một thứ giới hạn căn bản trong tình yêu con người là “yêu mình”. Đó là thứ tình yêu chỉ quy về cho bản thân mà quên đi Thiên Chúa, bỏ quên tha nhân. Chính thái độ ích kị đó, chính thứ yêu thương đậm chất vị kỉ đó làm cho tình yêu con người hoen ố và bị giới hạn.

Giới hạn của tình yêu con người là con người chưa dám yêu thực sự. Con người cảm được tình yêu nhưng có mấy ai dám thực hành trọn vẹn hai chữ “yêu thương” trong cuộc sống và trong cuộc đời này. Yêu thương thực sự thì phải thể hiện bằng hành động, hành động đẹp nhất cho một tình yêu đúng nghĩa là chấp nhận hy sinh. Con người ngại hy sinh, vì hy sinh thì phải chịu thua thiệt, chấp nhận đau thương. Thật khó để vượt qua những giới hạn đó. Nếu chưa biết vượt qua được giới hạn đó thì tình yêu của con người chỉ là một tình yêu giả tạo.

Giới hạn của tình yêu con người là con người chưa sống yêu thực sự. Con người có tình yêu nhưng con người chỉ giới hạn tình yêu đó cho những người yêu thương mình. Đó là khuynh hướng tự nhiên mà phận người có mấy ai tránh được. Vì chưa biết yêu thực sự nên trong tương quan sống với nhau, con người luôn có sự phân biệt. Vì phân biệt nên khó chấp nhận, khó chấp nhận là khởi đầu cho sự thiếu đồng cảm, thiếu đồng cảm sẽ dẫn tới việc phá hủy tương quan sống với nhau. Do đó, con người luôn phải “đeo mặt nạ” mà chấp nhận nhau, ủng hộ nhau, khích lệ nhau bằng thái độ vuốt ve, giả dối.

Giới hạn của tình yêu con người là con người không dám bỏ mình để đi vào con đường của tình yêu chân chính. Con người hiểu được tình yêu nhưng có mấy ai dám đi vào con đường của tình yêu chân chính, tình yêu thực sự:“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”(Ga 12,25). Đó là con đường của tình yêu chân chính. Đó là một tình yêu quên mình, một hành động bỏ mình, một thái độ hy sinh xâm mình. Con đường đó, tình yêu đó, chính Chúa Giêsu đã đi, đã sống, đã chấp nhận để nêu gương và mời gọi mỗi người bước theo.

Chúa Giêsu đã sống và hoàn thành đời mình trong yêu thương. Ngài mời gọi chúng ta đi vào con đường đó. Nhưng có mấy ai dám đi, dám sống, dám làm và dám yêu như Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 1,13). Có thể, chúng ta không yêu được như Chúa Giêsu đã dạy nhưng chúng ta được truyền lửa “yêu thương” từ nơi Chúa Giêsu và từ lời mời gọi “Chạnh lòng thương”.

Đạo của chúng ta là “Đạo yêu thương”, đó không phải là một khái niệm yêu thương trừu tượng, nhưng tình yêu đó có đối tượng rõ ràng là “Mến Chúa và yêu người”. Mến Chúa thì dễ nhưng thương người thì khó. Vì yêu người khó hơn yêu Chúa nên Giáo Hội dạy cụ thể là yêu người như thế nào và yêu bằng cách nào. Đó là con đường thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối và thương linh hồn bảy mối. Chính yêu thương là tiêu chuẩn để đánh giá, xét định tâm tình, thái độ của người môn đệ bước theo Chúa. Cứ nhìn vào tình yêu, quan sát vào thái độ yêu thương chúng ta sẽ hiểu được tâm tình người môn đệ.

Bằng thái độ rộng mở, vui vẻ cho đi, chấp nhận hy sinh, sẵn lòng mất mát, bằng lòng thua thiệt, để chúng ta biết nhìn lên gương Chúa Giêsu mà học cách ra khỏi bản thân nhiều hơn để sống cho, sống vì người khác nhiều hơn. Có như thế, mỗi người sẽ thấm thía sống “hành trình tử đạo” là như thế nào và hiểu được thế nào là nét đẹp thực sự của hành động “Chạnh lòng thương”.

Chúng ta là những người yêu mình hơn yêu Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu về Chúa nhiều hơn, yêu Chúa nhiều hơn.

Chúng ta yêu mình hơn yêu tha nhân, lo cho mình nhiều hơn là biết lo cho tha nhân, thu về cho mình nhiều hơn là cho đi. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng biết nhận ra yêu người cũng là con đường để yêu Chúa.

Giuse Vũ Duy An – Học viện TSĐT