Bí tích Thánh Thể trong đời sống của người Kitô hữu- Lm. Benjamin A. Andes, MF

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã công khai nói với các môn đệ Người đã chọn rằng: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Lời nói của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của người Công Giáo chúng ta.

Tháng 10 năm 2004, tại Guadalajara Mêhicô, Đức Cố Gioan Phaolô II đã tuyên bố khai mạc Đại Hội Năm Thánh Thể. Tháng 10 năm 2005 này tại Vatican, cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Năm Thánh Thể sắp bế mạc với chủ đề “Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”.

Trong huấn thị “Ecclesia de Eucharestia - Giáo Hội với Bí tích Thánh Thể” của Đức Cố Gioan Phaolô II, ngày 17 tháng 4 năm 2003, ngài đã phó dâng lễ mừng kỷ niệm 25 năm lên ngôi Giáo Hoàng “dành cho việc chiêm ngắm Chúa Giêsu nơi trường học của Đức Maria, Đức Nữ Trinh Đầy Ân Phúc, Mẹ Thiên Chúa”. Ngài nói: “Tôi không thể để ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2003 này qua đi mà không dành thời gian hiện diện trước dung mạo của Chúa Giêsu Thánh Thể, để hướng sự chú ý với một ấn tượng sâu sắc mới mẻ về trung tâm của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo Hội. Đó chính là Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng đời sống Giáo Hội” (số 7). 

 

Ý tưởng  công bố năm thánh đặc biệt cung hiến cho Bí tích Thánh Thể của Đức Thánh Cha, với mong ước mỗi tín hữu cũng như toàn thể cộng đoàn Kitô hữu tái nhận thức về  những tình cảm và hành động với niềm tri ân điều kỳ diệu trước dung mạo Chúa Giêsu Thánh Thể, để làm tốt hơn việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngắm Bí tích Thánh Thể. Nhờ đó mỗi tín hữu sẵn sàng thể hiện chứng tá tình yêu đời sống mình cách tích cực và sinh động hơn.  

 

Vì vậy, khi tham dự vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể nói cách xác tín rằng Thánh Lễ chính là nguồn mạch và và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu. Vậy đâu là lý do?

 

Thứ nhất, việc tham dự sống động vào việc cử hành Thánh Thể và hành động phụng tự của toàn thể dân Chúa mời gọi chúng ta ở với Chúa Giêsu, cảm nghiệm sự sống thánh thiện của Người.

 

Trong khoảnh khắc Chúa đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, “Người dường như muốn đi xa hơn” (Lc 24, 29). Hai môn đệ mời Người: “Xin Thầy ở lại với chúng con”. Đây là mối tình cảm tuyệt vời nuôi dưỡng chúng ta không chỉ trong Bí tích Thánh Thể mà còn mọi lúc: tâm hồn ta luôn sẵn sàng  đối diện với một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa với Chúa Giêsu.

 

Sự thánh thiện của Thiên Chúa thể hiện ra trong xác phàm, Chúa Giêsu là Đấng đã thiết lập Giáo Hội trên viên đá tảng vững chắc một dân Thiên Chúa. Thánh Phaolô giải thích rằng Chúa Giêsu yêu thương Giáo Hội và mong ước Giáo Hội trở nên thánh thiện vô tì tích (x. Ep 5, 25-27). Bí tích Thánh Thể là sự thánh thiện vô song, vì nơi đây Chúa Giêsu Kitô với bản thể của Ngài thực sự hiện diện.  

 

Thứ hai, việc chúng ta tham dự tích cực vào mầu nhiệm Thánh Thể thực sự biểu lộ tình yêu sâu xa của chúng ta với Chúa Giêsu qua việc phục vụ anh chị em mình. Chúa Giêsu đã nói rằng: “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”.

 

  Nhìn lên hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá nhắc nhở chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta thật bao la và cái giá đáng sợ tội lỗi của chúng ta. Hãy cảm nghiệm những lời của Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Lời này đã thực sự diễn tả trọn lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. 

Lạy Cha, trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con” (Lc 23, 46). Trong lời này, Chúa Giêsu đã tỏ bày cho toàn thể nhân loại biết lòng phó thác và tin tưởng của Người Con nơi Cha trên trời.

  Để cảm nghiệm sâu xa hơn mỗi khi tham dự việc cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải có tâm hồn khiêm nhường và nhu mì, chúng ta nhận ra nhiều lần đã lãng quên sống xứng đáng với ân huệ tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho chúng ta. “Vì Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi Người đã ban Người Con dấu yêu của Người, để ai tin vào Người Con thì có sự sống sung mãn” (Ga 3, 16). Nhờ Bí tích Giao Hòa, chúng ta xưng thú mọi trọng tội trước khi đến tham dự Thánh Lễ và chúng ta đặt tất cả niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa khi chúng ta công khai tuyên xưng trước mầu nhiệm Thánh Thể rằng chúng ta thực sự tin tưởng nơi Người. Vì Người đã nói: “Ta đến để cứu vớt thế gian chứ không phải để lên án”.

  Mặt khác, tại cuộc cử hành bữa tiệc Thánh Thể đầu tiên, Chúa Giêsu đã làm một điều lạ thường. Người rời khỏi bàn ăn và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rồi Người bảo họ: “Thầy để lại cho anh em một gương mẫu, vì vậy  anh  em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).

  Đến với Bí tích Thánh Thể bằng một thái độ phục vụ là đường lối để làm trọn điều Chúa Giêsu đòi hỏi. Thay vì đến với thái độ của “điều gì có thể được làm cho mình”, trong Thánh Lễ, chúng ta theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ cho sự cứu rỗi của nhiều người.

  Sau cùng, việc chúng ta tham dự tích cực trong Thánh Lễ cần phải được đáp trả cụ thể trong cuộc sống của chúng ta, như trợ giúp Giáo Hội trong chương trình Phúc Âm hóa qua cuộc sống để nên như những môn đệ đích thực của Thiên Chúa.

  Tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể chúng ta trở nên một với Chúa Kitô như Người đã hứa: “nếu anh em ở lại trong Thầy, và lời Thầy ở trong anh em, bất cứ điều gì anh em cầu xin thì anh em sẽ nhận được” (Ga 15, 9).

  Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, mỗi lần cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta luôn có cơ hội để đáp lại tiếng Chúa Kitô bằng những lời cầu nguyện, những bài thánh ca và những cử chỉ cùng với toàn thể cộng đoàn. Những điều này đòi hỏi những hy sinh cá nhân vì lợi ích chung của cộng đoàn. Khi chúng ta tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Thánh Thể bằng sự đáp trả, nên nhớ rằng chúng ta kiến tạo nên một thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô.  

Vì vậy, mỗi Thánh Lễ chúng ta cảm nghiệm một điều gì đó được chia sẻ với loài người. Đức Cố Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh điều này khi ngài nói: “Mỗi lần ta dự phần vào Mình và Máu Người, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể khơi lên trong Giáo Hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng” (Gioan Phaolô II, Mane Nobiscum Domine, 24).

Câu Latinh “Ite Missa est” có nghĩa là “Hãy ra đi, anh em được sai đi”. Sự thông hiệp mà chúng ta cảm nghiệm nơi Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, nâng đỡ và chuẩn bị cho chúng ta một sứ mạng - mang Chúa đến cho thế giới.

Để kết luận, khi chúng ta họp nhau cử hành Bí tích Thánh Thể, sự tập họp này trở nên sự hiện thân của Đức Kitô. Hành động của mầu nhiệm Thánh Thể làm nên hiện tại những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta và cho mọi thụ tạo. Thánh Lễ là hành động của Giáo Hội làm nên hiện tại qua phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. (EE n. 8 và Giáo Lý Công Giáo n. 1076-1206). Chính Thiên Chúa là Đấng mang đến việc quy tụ hết thảy dân Người và trao cho họ quyền hành động nhân danh Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta.

 

Lm. Benjamin A. Andes, MF. Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Thanh Ngư, MF.

 Lm. Benjamin A. Andes, MF.