Các Thiên Thần Là Ai?

Lễ Giáng Sinh đã gần kề và chắc hẳn nhiều người đang rộn rã chuẩn bị làm hang đá để diễn lại cảnh Chúa ra đời ở Belem. Bền cạnh những bức tượng Chúa Hài Đồng, Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, chiên bò lừa và đàn súc vật, không thể thiếu nhân vật quan trọng là các thiên thần.

Chính các thiên thần đã hiện ra kêu gọi các mục đồng đến thờ lạy Chúa, và đã hát lên lời ca tụng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế cho người Chúa yêu thương”.

Các thiên thần là ai vậy? Tại sao lại khoác cho các ngài áo trắng, có đôi cánh, có mái tóc vàng hoe? Tại sao người ta thường chọn các thiếu nữ làm thiên thần mà ít khi chọn các nam nhi? Thiên thần thuộc phái nữ hay phái nam? 
  


Trong tiếng Việt, ngoài từ thiên thần, còn có thiên sứ, sứ thần. Nói một cách ngắn gọn, thiên thần là thần trên trời. Tôi nghĩ từ này đã có trong Việt ngữ trước khi Phúc Âm được truyền bá đến nước ta. Quan niệm dân gian tin có rất nhiều thiên thần, thổ thần, thần hoàng. Các thần ấy có thể là những loài thiêng liêng ở trên trời, trong cung điện của Ngọc Hoàng, nhưng cũng có thể là các danh nhân trở thành “thần”. Đó là chưa nói đến các “quỷ thần”, tác oai, tác quái. Có thể nói quả quyết rằng tại hầu hết các dân tộc trên thế giới đã có sự tin tưởng vào thần thánh, trước khi có mặc khải của Thiên Chúa cho dân riêng của Ngài trong Cựu ước và Tân ước. Và vì vậy, chúng ta thấy Kinh Thánh cả Cựu ước và Tân ước phải cố gắng để sửa chữa những quan niệm bình dân cho thích hợp với đức tin.

Cha có thể cho vài thí dụ được không?

Chúng ta có thể lấy một ví dụ từ Cựu ước và một ví dụ từ Tân ước. Các ngôn sứ Cựu ước phải cố gắng bài trừ những quan niệm đa thần, để nhấn mạnh đến niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, tạo thành muôn vật. Trong Tân ước, đặc biệt là các thư của thánh Phaolô, người ta nhận thấy Giáo Hội ban đầu phải đương đầu với những chủ trương cho rằng Đức Kitô còn ở dưới các thiên thần.

Còn chính quan niệm của Kinh Thánh về các thiên thần thì sao?

Như đã nói, trong tiếng Việt, chúng ta còn có từ thiên sứ hay sứ thần. Hai từ này sát với quan niệm Kinh Thánh hơn. Kinh Thánh không chú trọng lắm đến hình thù hay bản thể của các thiên thần cho bằng đến sứ mạng của các Ngài. Các ngài được gọi là “sứ giả của Thiên Chúa”, được Chúa sai đến để thi hành một sứ mạng nào đó. Tuy nhiên đây chỉ là tư tưởng khái quát, chứ khi đi sâu vào các bản văn, thì quan niệm về các sứ thần có phần phức tạp hơn, xét vì mặc khải không chỉ xảy ra trong đôi ba tháng, mà kéo dài trong một lịch sử hàng bao thế kỷ, với những khung cảnh môi trường tôn giáo và văn hoá khác nhau. Do đó người ta nhận thấy có sự tiến triển không những giữa Cựu ước và Tân ước, mà cả giữa những giai đoạn đầu của lịch sử dân Do thái với những giai đoạn cuối gần ngày Chúa sinh ra đời. Điểm khác biệt của Cựu ước gây không ít thắc mắc cho các nhà chú giải ở chỗ cụm từ sứ thần của Thiên Chúa không những chỉ áp dụng cho những sứ giả được sai đi thi hành sứ mạng, nhưng còn ám chỉ chính Thiên Chúa nữa. Theo một số học giả, lối nói ấy chịu ảnh hưởng của một quan niệm quá siêu việt về Thiên Chúa: Ngài quá uy nghi cao cả, xa cách con người; bởi vậy khó có thể nghĩ đến việc Ngài trực tiếp can thiệp đến thế giới con người, nếu không phải là qua các sứ giả, tức là một sự cá thể hoá những ưu phẩm của Thiên Chúa. Về sau, do ảnh hưởng của tôn giáo ở Babilon, mới có sự phân biệt rõ ràng hơn về các vị thiên sứ, nghĩa là những vị, hoặc được chầu chực trước nhan Chúa, hoặc được phái uỷ thi hành một công tác nào đó. Chính vào giai đoạn này mà người ta đặt tên cho một số vị, như Micael (ai bằng Thiên Chúa), Gabriel (sức mạnh của Chúa), Raphael (linh dược của Chúa).

Còn trong Tân ước thì sao?

Có thể nói rằng trong Tân ước cũng có sự tiến triển. Khi thuật lại cuộc đối thoại của Chúa Cứu Thế, các Phúc Âm lấy lại một số quan niệm của Cựu ước, như thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria, hoặc như các thiên sứ báo tin cho các mục đồng trong đêm Giáng Sinh, hoặc đến an ủi Chúa trong vườn Cây Dầu. Trong các bài giảng Chúa Giêsu cũng nói đến các thiên sứ như là những người chầu chực Thiên Chúa, hoặc gìn giữ các trẻ thơ, hoặc triệu tập nhân loại vào ngày chung thẩm. Còn thư của thánh Phaolô, như đã nói ở trên, nhấn mạnh đến vị trí của các thiên sứ với các đẳng cấp khác nhau, đều ở dưới Đức Kitô. Trong các sách Tân ước, có lẽ sách Khải Huyền nói đến các thiên sứ nhiều hơn cả trong vai trò ca tụng chầu chực Thiên Chúa trên thiên cung. Tuy nhiên trong hai chương đầu, thánh Gioan có nói đến bảy thiên sứ của bảy giáo đoàn: các học giả ngày nay cho rằng các thiên sứ nói ở đây ám chỉ đến các giám mục.

Kinh Thánh có nói đến các hình dáng thiên sứ ra sao không?

Trong các bức tranh thiên thần, chúng ta thường thấy các hoạ sĩ vẽ các ngài với đôi cánh, tóc quăn, xem ra thuộc nữ giới. Thực ra Kinh Thánh không nói đến hình thù của các thiên thần. Khi các ngài hiện ra, như thiên sứ Raphael hay Gabriel, xem ra các vị có hình thù người nam. Tuy nhiên đó chỉ là những kiểu nói và hình ảnh nhằm thích ứng với thực tại của nhân loại. Trên thực tế, các thiên thần chẳng thuộc giới nam hay giới nữ. Thiên sứ Raphael xuất hiện như người nam vì giữ vai trò hướng đạo cho cậu Tôbia, nên cần có hình dáng một người khoẻ mạnh. Các hình ảnh tượng trưng thiên sứ Micael chiến đấu với ma quỷ cũng dùng đến hình ảnh của một binh sĩ, một nam nhân. Còn khi muốn trình bày vẻ đẹp của các thiên thần, thì dĩ nhiên các hoạ sĩ mượn khuôn mặt của các thiếu nữ; đôi cánh muốn nói lên sự linh động mau mắn trong việc chu toàn sứ mạng; còn tấm áo trắng nói lên sự trong trắng tinh tuyền, không những khỏi tội lỗi nết xấu mà còn khỏi vật chất nữa. Dù sao, những suy tư về bản chất của các thiên thần bắt đầu với thời các Giáo Phụ, và chín mùi với các nhà thần học thời Trung Cổ, đặc biệt là thánh Tôma Aquinô, quen gọi là “tiến sĩ thiên thần”.

Những hình ảnh mà các hoạ sĩ vẽ ra cũng như những trang suy tư của các nhà thần học đều nhằm giúp trình bày đức tin Công giáo với tầm hiểu biết của con người. Thế thì đức tin Công giáo nói gì về các thiên thần?

Như trên đã nói, mặc khải về các thiên thần trong Kinh Thánh tiến triển qua nhiều giai đoạn, và phần nào tuỳ theo khung cảnh tôn giáo và văn hoá của từng thời đại. Ta cũng có thể nhận xét tương tự như vậy về giáo huấn của Giáo Hội về các thiên thần. Giáo hội không trình bày một thiên khảo cứu có hệ thống về các thiên thần nhưng chỉ xác định những điều phải tin khi có một nguy cơ nào đó đưa đến lạc giáo. Những tuyên bố quan trọng nhất của Giáo Hội xảy ra ở Lateranô IV (1215) và Firenze (1442). Điều xác quyết căn bản là bên cạnh những loài có xác thể, Thiên Chúa còn dựng nên những loài thiêng liêng nữa, tựa như các thiên thần và linh hồn. Thoạt đầu, xem ra chân lý ấy chỉ nhằm chống lại những thuyết duy vật, không biết thực tại nào khác ngoài thế giới hữu hình. Tuy nhiên khi lồng trong bối cảnh lịch sử, thì những chân lý vừa nói nhằm chống lại những thuyết nhị nguyên, cho rằng có hai thế giới tuỳ thuộc vào hai nguyên uỷ biệt lập: một bên là thế giới của linh thiêng do Thiên Chúa tạo thành, gồm cả các thiên thần. Bên kia là thế giới của vật chất, do ác thần chỉ huy: hai nguyên uỷ ấy luôn giao tranh chống đối nhau. Đối lại với thuyết ấy, Giáo Hội dạy rằng, tất cả các loài thụ tạo, dù là thiên thần hay ác thần, dù là thiêng liêng hay vật chất, đều ở dưới quyền của một Thiên Chúa tạo thành duy nhất. Các thiên thần là loài thiêng liêng không có xác thể. Giáo Hội không đi sâu hơn vào các chi tiết khác.

Để kết luận, tin hay không tin các thiên thần có ảnh hưởng gì đến đời sống đạo?

Dĩ nhiên, đối với người Kitô hữu, tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta thì quan trọng gấp trăm ngàn lần tin nơi các thiên thần. Tuy nhiên, khi bàn về các thiên thần, các Giáo Phụ không ngừng lặp lại rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào, Ngài sai các thiên thần là một loài cao cả hơn chúng ta, đến giúp đỡ chúng ta trên đường lữ hành. Các thiên thần biểu lộ lòng yêu thương săn sóc của người Cha đối với từng người chúng ta.

 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành

daminh.net