Con Người Được Nên Công Chính Nhờ Đức Tin Hay Việc Làm Của Đức Tin?

Dẫn nhập

Khi đề cập đến đức tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Tin vào Đức Giêsu Kitô và Đấng đã cử Người đến để cứu độ chúng ta là điều cần thiết để đạt được ơn cứu độ ấy”[1].Quả thật, là một hồng ân Thiên Chúa ban nhưng không, đức tin có một vai trò đặc biệt, đến nỗi tác giả thư gửi tín hữu Hípri khẳng định: “Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Hr 11,6).

Như để đề cao vai trò của đức tin, thánh Phaolô quả quyết rằng: không phải những gì luật dạy (việc làm), mà chính đức tin mới làm cho con người được nên công chính: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28). Nói cách khác, dưới nhãn quan của thánh Phaolô, chúng ta không thể chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa, nếu không có đức tin và“không bền chí trong đức tin cho đến cùng” (Mt 10,22; 24,13). Tuy nhiên, thánh Giacôbê lại khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).

Phải chăng có sự khác biệt giữa lập trường của thánh Phaolô và Giacôbê? Và đâu là yếu tố nền tảng để con người trở nên công chính?

 1. Lập trường đề cao đức tin của thánh Phaolô: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28)

Để hiểu được lời khẳng định trên của thánh Phaolô, chúng ta cần đặt câu nói của thánh nhân trong bối cảnh của nó, chứ không thể chỉ suy diễn dựa trên từng câu chữ.

Kinh Thánh cho biết, người Do Thái luôn coi mình có một địa vị đặc biệt đối với Thiên Chúa. Họ tự cho rằng mình được miễn khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, bởi họ là người Do Thái: “Khi Ngài sửa trị chúng tôi, Ngài đánh phạt kẻ thù chúng tôi hơn ngàn lần” (Kn 11,9). Họ quả quyết: “Trong tất cả các quốc gia, dân tộc trên mặt đất, Đức Chúa chỉ yêu Israel. Ngài sẽ xét đoán dân ngoại và dân Do Thái bằng những tiêu chuẩn khác nhau. Tất cả mọi người Do Thái đều có phần trong thế giới tương lai. Ápraham ngồi bên cửa địa ngục và không cho bất cứ người Do Thái gian ác nào đi vào cả”[2]. Thậm chí, họ cho rằng, trừ họ ra, mọi người đều phải chịu hình phạt. Người Do Thái tin chắc như vậy bởi họ nghĩ rằng họ “sở hữu” Thiên Chúa và họ có Lề Luật. Các luật sĩ giúp họ giải thích Lề Luật, xác định và giải thích các cách thức để đạt được sự sống đời đời. Vì thế, đối với người Do Thái, việc tuân giữ Lề Luật mang lại cho họ sự sống hiện tại và trong thế giới mai sau. Trong nhãn quan này, dần dần, sự sống đời đời trở thành phần thưởng cho những công việc tốt của con người. Các công việc được Lề Luật đòi hỏi có thể đảm bảo sự cứu độ. Đối với họ, Thiên Chúa giống như một viên kế toán giữ sổ sách và ghi các hành động tốt xấu. Qua các hành vi, các công việc tốt của mình, tức qua việc tuân giữ Lề Luật, người Do Thái cho rằng họ đáng được công chính hóa: họ đã hành động tốt, do đó, Thiên Chúa ‘phải’ thưởng công cho họ! Nhiều bản văn Cựu Ước đã minh chứng tinh thần này, chẳng hạn như sách Thánh Vịnh: “Ngài ban phúc lành cho người công chính, lấy ân tình bao phủ như thuẫn đỡ khiên che” (Tv 5,13). Trong khi những kẻ tội lỗi bị lên án mãi mãi, thì người đạo hạnh, công chính và tuân giữ Lề Luật sẽ được hưởng sự sống đời đời[3].

Trong khi đó, thánh Phaolô lại khẳng định rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai. Theo quan điểm của Phaolô, có thể có những dân tộc được tách riêng ra, được chọn để thực hiện một công tác đặc biệt hay một trách nhiệm đặc biệt, nhưng không có một dân tộc nào được chọn ra vì một sự quan tâm đặc biệt nào! Đối với Phaolô, trong kế hoạch của Thiên Chúa, không có dân tộc được đặc ân nhất. Trước khi khẳng định: “Chúng ta được nên công chính vì tin chứ không phải vì làm những gì Lề Luật dạy” (Rm 3,28), thánh nhân đã trưng dẫn việc cắt bì để cho thấy việc cắt bì là có ích (x. Rm 2,25a; 3,1-2) nhưng nếu vi phạm Lề Luật thì “có được cắt bì cũng kể như không cắt bì” (Rm 2,25b). Trong khi đó, người Do Thái lại quả quyết: cắt bì chính là dấu hiệu thuộc về dân Do Thái, là Dân riêng, mà đã là dân Do Thái thì kiểu gì cũng được phần thưởng đời đời. Thánh Phaolô phản đối lối nhìn nhận này khi cho rằng: “Người Do Thái chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, phép cắt bì chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, nơi thân xác. Nhưng người Do Thái chính hiệu là người Do Thái tận đáy lòng, phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật” (Rm 2,28-29). Đối với thánh Phaolô, việc cắt bì có nhiều lợi ích (x. Rm 3,1-2), nhưng cả người cắt bì và không cắt bì đều bị tội lỗi thống trị (x. Rm 3,9). Vì vậy, cắt bì hay không, tuân giữ Lề Luật hay không, không phải là lý do để trở nên công chính: “Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì luật dạy” (Rm 3,20).

Nói như thế không có nghĩa là thánh nhân phủ nhận Lề Luật, bởi trước khi ơn cứu độ được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô thì: “người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật” (Rm 2,13). Nói cách khác, Đức Giêsu đã thực hiện sứ mạng cứu độ qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, nên giờ đây, “sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê” (Rm 3,21). Dưới góc độ này, Lề Luật đã đóng xong vai trò lịch sử của mình. Tuy nhiên, Đức Giêsu đến không phải để phá bỏ Luật Môsê, mà là để làm cho luật Môsê được kiện toàn, như chính Ngài khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phảy trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,17-18).

Như để khẳng định đức tin là yếu tố căn bản làm cho con người nên công chính, thánh Phaolô quả quyết: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Lề Luật dạy” (Rm 3,28). Cũng như Đức Giêsu, thánh Phaolô không hạ thấp vai trò của Lề Luật, nhưng ngài khẳng định rằng vì tin chứ không phải vì làm những gì Lề Luật dạy mà chúng ta được nên công chính[4]. Tin mà thánh nhân muốn nói tới trong bối cảnh này là tin vào Đức Giêsu Kitô: “Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,22). Thành quả của đức tin, là việc được Thiên Chúa làm cho nên công chính, được dành cho hết mọi người, dù là Do Thái hay dân ngoại. Thánh Phaolô xác quyết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3,23-24). Sau đó, ngài minh họa bằng hình ảnh của tổ phụ Ápraham: “Không phải nhờ Lề Luật, mà ông Ápraham hay dòng dõi ông được lời hứa sẽ được thừa hưởng thế gian làm gia nghiệp, nhưng nhờ sự công chính do đức tin. Vì nếu những kẻ dựa vào Lề Luật mà được hưởng gia nghiệp, thì đức tin trở nên vô nghĩa, và lời hứa bị hủy bỏ” (Rm 3,13).

Tóm lại, đối với thánh Phaolô, Lề Luật đóng một vai trò quan trọng bởi Lề Luật dạy người ta nhận ra điều hay lẽ phải (x. Rm 2,18), nhưng chỉ có đức tin mới làm cho con người được nên công chính: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Lề Luật dạy” (Rm 3,28). Nhất là, sau khi Đức Giêsu đã thực hiện sứ mạng cứu độ qua cái chết và sự phục sinh của Ngài thì “người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,22).

2. Lập trường đề cao việc làm của đức tin nơi thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17)

Trong khi thánh Phaolô xác quyết tầm quan trọng của đức tin để được nên công chính, thì thánh Giacôbê lại khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Hai lập trường này làm chúng ta liên hệ đến cách lập luận của Martin Luther. Khi quan sát những người cùng thời với mình cố gắng tìm cách làm sao để được Chúa thương xót: từ cách thức làm những việc đạo đức cho tới việc mua bán các ân xá để được hưởng sự giảm nhẹ các hình phạt do tội lỗi gây ra, Luther đã hoài nghi trước tất cả những cách thức thực hành lòng đạo đức lúc bấy giờ. Đó là nguyên nhân chính khiến ông đi đến chỗ cực đoan: Con người được công chính hóa nhờ đức tin chứ không do các việc lành mình làm. Với sự khám phá ‘mới’ đó của mình, Luther đã nghiên cứu Thánh Kinh để tìm hậu thuẫn cho sự cảm nghiệm đó của mình: Ông đã tìm gặp được sự hậu thuẫn đó, trước hết, nơi các văn bản của thánh Phaolô. Vì thế, Luther chối bỏ quan điểm của thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Nói cách khác, thư Giacôbê đã không đồng quan điểm với sự khám phá đầy xác tín của Luther, là: con người được công chính hóa nhờ vào đức tin, chứ không do các việc lành con ngưòi đã làm. Thư Giacôbê đòi hỏi đức tin không chỉ thuần túy là một ý niệm suông, nhưng cần phải được cụ thể hoá bằng việc làm: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà người ấy không có việc làm, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,14). Lối nhìn nhận: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17) của Giacôbê là một trong những điểm gây nhiều tranh luận, vì xem ra quan điểm này đối lập với tư tưởng của thánh Phaolô.

Thật ra, thánh Giacôbê không chấp nhận một tư tưởng mà trong đó đức tin đối lập với việc làm. Thánh nhân đã nối kết một cách sâu xa sự liên hệ mật thiết giữa đức tin và việc làm.[5] Đối với ngài, đức tin mà không tự biểu lộ ra, không được linh động, thì sẽ bị mai một đi.

Ý niệm về đức tin nơi Giacôbê dường như nối kết hoàn toàn với ý niệm của Cựu Ước: chính bởi bản chất mà đức tin là một thái độ thông hiệp với Thiên Chúa và với người lân cận. Đức tin phải tác động trên những kẻ khác, bởi nó phát xuất từ một tác động hay một thái độ của chính Thiên Chúa. Câu chuyện về Ápraham cho ta thấy rõ điều đó. Thánh Giacôbê đã trưng dẫn câu chuyện của Ápraham để minh chứng: “Ông Ápraham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ việc làm, khi ông hiến dâng con mình là Ixaác trên bàn thờ đó sao” (Gc 2,21). Trở về với sách Sáng Thế, ta thấy, việc tổ phụ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa đã mở ra con đường cho ông đi một cách dứt khoát: ông thi hành những gì Thiên Chúa truyền; ông từ bỏ những người thân để đi đến một nơi “vô định”... Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, “Ápraham ra đi”, “ông lên đường”, “ông đi”; “ông sát tế”… Sự tiếp diễn của các động từ cho ta thấy rằng, qua thái độ, cử chỉ và lời nói, ông hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Tóm lại, ông tin (x. St 12,1-9). Trong sự hy sinh vâng phục, Ápraham không đưa ra yêu sách nào. Như thế, nhờ tin và hành động theo đức tin với lòng phó thác trọn vẹn, ông được nên công chính và được coi là ‘cha của những kẻ tin’.

Trở lại với bối cảnh văn mạch và tình hình thực tế của lời quả quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17) ta thấy, tác giả thư Giacôbê quan niệm: khi có các việc làm, người ta có thể đạt đến một đức tin vì chính nhờ đức tin tác động mà Thiên Chúa ban sự công chính hóa. Do vậy, ngài khẳng định: không thể có đức tin thật ngoài việc làm được! Chính Đức Giêsu đã từng khẳng định: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Đối với thánh Giacôbê, để công chính hóa con người, đức tin phải không giữ gì cả, cũng không đứng trơ ra đó, nhưng trái lại, phải luôn đáp lại lời mời gọi đổi mới của Thiên Chúa; đồng thời cũng phải đáp lại lời kêu gọi của các việc làm. Chính khi sống đức tin là khi chấp nhận duy trì mọi việc làm mà không tìm cách thoái thác thì bấy giờ con người có thể thoát khỏi ‘những bóng tối bên ngoài’.

Tóm lại, lời khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17) nằm trong đoạn Thư Giacôbê 2,14-26 là một lời mời gọi sống bác ái. Theo tác giả thư Giacôbê, đức tin không thể tách rời khỏi việc làm và phải đưa đến hành động cụ thể, nếu không đức tin sẽ ‘chết’. Như vậy, đức tin và việc làm phải luôn song hành như hồn và xác và chính “nhờ việc làm mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2,24).

3. Có hay không sự xung khắc giữa hai lập trường?

Nếu chỉ nhìn nhận lập trường của từng thánh nhân trên bình diện câu chữ, người ta rất dễ đi đến kết luận: Phaolô và Giacôbê hoàn toàn đối lập nhau. Dường như Phaolô nhấn mạnh, người ta được công chính hóa là bởi đức tin thôi, việc làm không can dự gì vào diễn tiến ấy: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy” (Rm 3,28) và “con người được nên công chính không phải bởi làm những việc Lề Luật dạy, mà nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô” (Gl 2,16). Người ta vẫn có xu hướng tranh luận rằng chẳng những Giacôbê quan niệm khác Phaolô mà còn nói ngược lại một cách rõ rệt. Đây là điều cần phải xem xét thật kỹ lưỡng:

§ Thứ nhất: Việc làm mà Giacôbê nhấn mạnh cũng chính là điều Tân Ước nhấn mạnh. Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng về việc phải làm việc lành xứng với ăn năn (x. Mt 3,8; Lc 3,8). Chính Đức Giêsu cũng từng giảng dạy: người theo Chúa phải sống thế nào cho người thế gian thấy các việc lành của họ mà tôn vinh Thiên Chúa (x. Mt 5,16). Ngài nhấn mạnh người ta chỉ được coi là chân thật hay giả tạo khi căn cứ vào hoa trái của họ. Đức tin chỉ ‘nói’ bằng lời chẳng bao giờ thay thế cho đức tin quảng diễn bằng việc làm theo ý Chúa (x. Mt 7,15-21). Điều nhấn mạnh này không phải là không có nơi Phaolô, tuy các Thư của ngài vốn mang nhiều tính chất giáo lý và thần học nhưng cuối cùng bao giờ có một đoạn nhấn mạnh về Kitô giáo trong hành động. Ngoài thói quen chung, Phaolô liên tục nêu rõ tầm quan trọng của công việc như một phần của đời sống người Kitô hữu. Ngài lưu ý rằng Thiên Chúa sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo các việc họ làm (x. Rm 2,6). Ngài nhấn mạnh việc con người sẽ phải tự khai trình với Chúa (x. Rm 14,12). Ngài cổ vũ mọi người nên cởi bỏ những việc làm của sự tối tăm để mặc lấy áo giáp sáng láng (x. Rm 13,12). Ngài quả quyết rằng mỗi người sẽ nhận lấy phần thưởng của mình tùy theo công lao khó nhọc của mình (x. 1Cr 3,8). Ngài lưu ý, mọi người chúng ta đều sẽ phải ra trước tòa án của Chúa Kitô, và mỗi người sẽ nhận lấy kết quả của những việc mình đã làm trong xác thịt, tùy theo đã làm thiện hay ác (x. 2Cr 5,10). Kitô hữu phải lột bỏ con người cũ và mọi việc làm cũ của nó (x. Cl 3,9). Sự kiện Kitô giáo đã được chứng minh bằng những việc làm đạo đức là một phần chính yếu trong đức tin Kitô giáo lan tỏa trong suốt Tân Ước.

§ Thứ hai: Vấn đề là khi đọc thư Giacôbê, người ta lại có cảm tưởng là Giacôbê nói khác Phaolô, vì có vẻ như điểm nhấn mạnh chính yếu của Phaolô là ân sủng và đức tin, còn điểm nhấn mạnh chủ yếu của Giacôbê lại là hành động và việc làm. Nhưng cần xác định rằng điều Giacôbê lên án không phải là giáo lý Phaolô đã dạy, mà thật ra, giáo lý của Phaolô dường như đã bị làm cho người ta làm sai lệch đi. Lập trường chính yếu của Phaolô, nếu cần, chỉ tóm tắt trong một câu, là: “Hãy tin vào Chúa Giêsu thì ông và cả nhà sẽ được cứu” (Cv 16,31). Nhưng rõ ràng ý nghĩa đó đưa đến những đòi hỏi nào thì hoàn toàn tùy thuộc vào ý nghĩa mà chúng ta gán cho chữ ‘tin’.

Có hai cách tin. Cách tin thứ nhất: có niềm tin hoàn toàn theo lý trí, tức là chấp nhận sự kiện bằng trí tuệ. Cách tin thứ hai: có niềm tin chấp nhận sự kiện không những bằng tâm trí mà còn cả đời sống và hành động. Thật ra, điều Giacôbê chống lại là cách tin thứ nhất, là chấp nhận một sự kiện, nhưng không để nó tác động hay có bất cứ ảnh hưởng gì đến cuộc sống. Chẳng hạn, ma quỷ cũng tin có Chúa bằng lý trí, thật ra chúng cũng run sợ trước sự hiện diện của Ngài (x. Gc 2,19), nhưng dù tin, niềm tin của chúng cũng chẳng thay đổi được chúng chút nào! Thật ra, Phaolô chủ trương cách tin thứ hai: tin Chúa Giêsu là đưa niềm tin ấy vào mọi góc cạnh, mọi lãnh vực của cuộc sống, và sống bằng đức tin ấy.

Thật dễ xuyên tạc giáo lý của Phaolô, dễ cắt bỏ phần ý nghĩa hiệu nghiệm của nó, và như thế, nó không còn là giáo lý đích thực của Phaolô nữa, mà đã bị hiểu nhầm, bị xuyên tạc và Giacôbê đã lên án giáo lý bị làm cho sai lệch đó. Giacôbê lên án việc ‘nói mà không làm’ và với cách lên án đó, thì chính Phaolô cũng phải đồng ý.

§ Thứ ba: Vẫn có những điểm khác nhau giữa Giacôbê và Phaolô. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai ngài là: hai vị đã bắt đầu tại hai thời điểm khác nhau trong cuộc sống Kitô hữu. Phaolô bắt đầu ngay tại khởi điểm khi ngài nhấn mạnh rằng: chưa hề có ai, nhờ tự lập công, mà được ơn tha tội của Thiên Chúa. Bước đầu tiên đó phải do ân sủng Chúa ban cho vô điều kiện. Người ta chỉ có thể nhận được ơn tha tội của Thiên Chúa ban cho mình trong Đức Giêsu Kitô. Trong khi đó, Giacôbê bắt đầu ở giai đoạn muộn hơn nhiều, ngài bắt đầu với những người “đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa vinh hiển của chúng ta” (Gc 2,1). Mà nếu đã tin vào Đức Giêsu rồi thì phải sống một đời sống mới, vì người ấy đã là con người mới. Khi đã tin rồi thì người đó phải chứng tỏ đức tin bằng việc làm. Trong quan điểm đó, chắc chắn Phaolô phải hoàn toàn đồng ý với Giacôbê. Vì, chẳng một ai có thể nhờ duy việc làm mà được cứu rỗi, nhưng cũng không hề có ai được cứu để chẳng làm việc gì cả. Đức tin là quan trọng, nhưng nếu chỉ duy tin không thì cũng chẳng ích lợi gì, đức tin cần phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể.[6]

4. Sự cần thiết của cả đức tin và việc làm của đức tin

Thoạt nghe hai lập trường của hai thánh Phaolô và Giacôbê, chúng ta dễ đi đến suy nghĩ: đức tin là tốt, việc làm cũng tốt; cả hai đều giúp trở nên đạo đức và chân chính: người này có thể có đức tin, người khác thì có việc làm. Vậy anh cứ làm công việc của anh, còn tôi giữ lấy đức tin của tôi, thế là cả hai chúng ta đều là những con người đạo đức theo cách của riêng mình. Đây là chủ trương người ta có thể có hoặc đức tin hoặc việc làm và đức tin và việc làm là hai cách biểu lộ riêng rẽ trong Kitô giáo.

Thật ra, tìm hiểu kỹ tư tưởng của Phaolô và Giacôbê, chúng ta sẽ thấy: không phải hoặc là đức tin hoặc là việc làm, nhưng nhất thiết phải có cả hai: cả đức tin lẫn việc làm. Một đời sống quân bình phải có cả tư tưởng và hành động, cầu nguyện và hoạt động, đức tin và việc làm. Có việc làm, đức tin mới được minh chứng, tự bày tỏ mình ra. Và chỉ nhờ đức tin, người ta mới có thể làm việc này việc kia. Đức tin bắt buộc phải tuôn trào ra thành việc làm và việc làm chỉ có thể bắt đầu khi người ta có đức tin. Nói cách khác, đức tin và việc làm không hề đối lập nhau, mà là bất khả phân ly. Nếu không có đức tin thì chẳng có gì thúc đẩy được một người hành động, mà đức tin của một người cũng chưa kể là thật nếu nó không thúc đẩy người ấy hành động.[7] Đức tin và việc làm là hai mặt kết hợp hỗ tương của một người làm con Thiên Chúa.

Kết luận

Thoạt tiên, có vẻ hai thánh Phaolô và Giacôbê mâu thuẫn nhau về đề tài đức tin và việc làm. Vì trong khi Phaolô khẳng định: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Lề Luật dạy” (Rm 3,28; Gl 2,16), thì Giacôbê lại quả quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Thật ra, hai loại việc làm trong các thư này có những nội dung khác nhau. Thánh Phaolô hiểu việc làm là những việc làm của Lề Luật. Nhưng, khi Đức Giêsu đã thực hiện sứ vụ cứu độ rồi thì việc “người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật” (Rm 2,13) không còn phù hợp nữa. Còn thánh Giacôbê lại hiểu việc làm là những hành động, những hiệu quả phát xuất từ đức tin. Và chính Phaolô, ở những chỗ khác nhau, cũng hiểu việc làm theo ý nghĩa này (x. Rm 2,6; Gl 5,6; Cl 1,10; 1Tx 1,3; 2Tx 1,11). Giacôbê không đồng hóa đức tin với việc làm, mà chỉ nhấn mạnh: đức tin phải được diễn tả qua việc làm, nhất là qua việc bác ái và cầu nguyện.[8]

Tóm lại, sự khác biệt căn bản giữa Phaolô và Giacôbê chỉ là sự khác nhau về thời điểm. Phaolô bắt đầu với sự kiện căn bản quan trọng là ơn tha tội của Chúa, điều mà không ai có thể tự tìm kiếm được hoặc xứng đáng nhận được nếu chỉ dựa trên công sức của bản thân mình. Giacôbê bắt đầu với những người đã tin vào Đức Giêsu và nhấn mạnh rằng khi đã tin thì  phải dùng việc làm để chứng minh niềm tin của mình. Chúng ta không nhờ việc làm của đức tin để được cứu, mà chúng ta được cứu để làm việc theo những gì đức tin chỉ dạy. Đó là hai chân lý song hành của đời sống người Kitô hữu. Phaolô hoàn toàn nhấn mạnh chân lý thứ nhất, trong khi Giacôbê nhấn mạnh chân lý thứ hai. Phaolô và Giacôbê không hề mâu thuẫn nhau, mà cả hai bổ sung cho nhau và thông điệp của cả hai ngài đều cần thiết cho đức tin và cuộc đời của mỗi người chúng ta.

 Nguyên Phan, MF 

  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

______________________________________

 

1.     CGKPV. Kinh Thánh Tân Ước, bản dịch có hiệu đính. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.

2.     Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Tp.HCM, 1997.

3.     Der Jacobusbrief erilautert Von Helga Rusche. Thư Giacôbê.

4.     Tanítla Hoàng Đắc Ánh. Thư Gửi Tín Hữu Rôma. Học Viện Đa minh, 2002.

5.     Norberto. Dẫn Nhập Phê Bình Vào Thư Các Tông Đồ.

6.     Pierre Cardon de Lichtbuer S.J. Các Dụ Ngôn về Nước Trời, quyển 1.

7.     William Barclay. Thư Gửi Tín Hữu Rôma. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.

8.     William Barclay. Các Thư Của Hai Thánh Phêrô và Giacôbê. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.

 

     [1] GLHTCG số 161.

     [2] Xc: William Barclay, Thư Gửi Tín Hữu Rôma (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), tr. 50.

     [3] Xc: Pierre Cardon de Lichtbuer S.J, Các Dụ Ngôn Về Nước Trời, quyển 1, tr. 134-137.

     [4] Xc: Tanítla Hoàng Đắc Ánh. Thư Thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Rôma (Học Viện Đa Minh, 2002), tr. 43-44.

     [5]Xc: Der Jacobusbrief erilautert Von Helga Rusche. Thư Giacôbê, tr. 45-48.

     [6] Xc: William Barclay, Các Thư Của Hai Thánh Phêrô và Giacôbê  (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), tr. 44-46.

     [7] William Barclay, Các Thư Của Hai Thánh Phêrô và Giacôbê  (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), tr. 48-49.

     [8] CGKPV, Kinh Thánh Tân Ước, bản dịch có hiệu đính, phần chú giải mục từ “r” (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), tr. 876-877.