Cuộc Ly Khai Của Giáo Hội Anh Giáo

Cuộc ly khai của Giáo Hội Tin Lành hay Giáo Hội Cải Cách do Martin Luther khởi xướng kéo dài chưa được bao lâu, thì năm 1534 lại xảy ra một vụ ly khai mới: đó là vụ ly khai của Anh Giáo, do vua Enricô VIII khởi xướng.

HenryVIII.jpg

 

Vua Enricô VIII sinh năm 1491 là hoàng tử thứ hai con vua Enricô VII, và là vị vua thứ hai thuộc triều đại nhà Tudor. Chỉ có ba trong số 6 người anh em của Enricô sống sót là Arturo hoàng tử vùng Galles, Marguerita hoàng hậu Êcốt và Maria hoàng hậu Pháp. Năm 1494 Enrricô trở thành công tước York. Năm 1501 Enricô hiện diện trong đám cưới của anh cả là Arturô với Caterina Aragona, công chúa Tây Ban Nha, khi đó hai người mới 15 và 16 tuổi. Nhưng Arturo chết ít lâu sau đó vì bị nhiễm trùng, và Enricô mới 11 tuổi trở thành người nối ngôi cha.

Vì muốn kết thúc một giao ước hôn nhân giữa Anh quốc và Tây Ban  Nha, vua Enricô VII giàn xếp hôn nhân giữa con mình và con dâu là Caterina Aragona. Nhưng để được như thế cần phải có phép chuẩn của ĐGH Giulio II, mặc dù hôn nhân trước chưa hoàn thành, nhưng cả hai bên đều muốn có phép chuẩn của ĐGH để loại trừ mọi nghi ngờ liên quan tới sự hợp pháp của hôn nhân. Vì bị hoàng hậu Isabella, mẹ của Caterina thúc giục, ĐGH Giulio II công bố sắc chỉ ban phép chuẩn. Nhưng năm 1505 vua Enricô VII không hứng thú đối với liên minh với Tây Ban Nha nên hôn nhân đã không được cử hành trong các thời điểm dự định. Khi vua cha qua đời năm 1509, Enricô lên ngôi lúc mới 18 tuổi với tên gọi là Enricô VIII. Nhà vua bắt đầu cải tổ guồng máy cai trị, bằng cách giảm thiểu quyền lợi của các người thượng lưu có chức lớn, và dựa trên sự ủng hộ của giới quyền quý tỉnh nhỏ, tức các đại điền chủ, là những người tuy không thuộc giai cấp thượng lưu, nhưng có các tước hiệu và quyền lợi đặc biệt của giới thượng lưu. Chín tuần sau, do sự thúc bách của triều đình Tây Ban Nha Enricô VIII thành hôn với Caterina, đã được đính hôn với mình trước đó. ĐC William Warham, TGM Canterbury, nghi ngờ sự hợp pháp của hôn nhân, mặc dù đã có phép chuẩn trước đó và các lời thề lập đi lập lại của Caterina là hôn nhân trước với hoàng tử Arturô đã không bao giờ hoàn thành, vì hai người đã không ăn ở với nhau. Tuy nhiên, lễ nghi đội triều  thiên đăng quang hai người đã được cử hành ngày 24 tháng 6 cùng năm.

Là người cao lớn đẹp trai, rất thể thao, vui vẻ và hào hiệp, được định nghĩa là “hoàng tử đẹp nhất của Kitô giáo” vua Enricô VIII có một nền văn hóa nhân bản rộng rãi, hiểu biết thông thạo các thứ tiếng Latinh, Tây Ban Nha và Pháp, lại ưa thích thần học, vì đã nhận được nền giáo dục tôn giáo từ bé, và là con trai thứ hai nên đã được chỉ định làm giáo sĩ. Ngoài ra nhà vua cũng có tài âm nhạc. Ban đầu nhà vua chống lại phong trào Cải Cách do Luther khởi xướng nên được ban tước hiệu là “ông hoàng bảo vệ Giáo Hội”.

Nhưng vấn đề nỗi dõi tông đường nảy sinh và theo đuổi nhà vua suốt đời. Hoàng hậu Caterina mang thai lần đầu tiên một người con trai nhưng chết năm 1510; đứa con trai thứ hai sinh năm 1511 chết sau hai tháng. Trong hai năm đầu của triều đại quyền bính được thi hành bởi ĐC Richard Foxe, Giám Mục Winchester và ĐC William Warham. Từ năm 1511 trở đi quyền bính nằm trong tay ĐHY Thomas Wolsey, là người có ảnh hưởng lớn trên nhà vua. Vua Enricô VIII gia nhập Liên Minh Thánh, do ĐGH Giulio II phát động nhằm loại trừ chính sách bành trướng của vua Louis XII của Pháp. Thuộc Liên Minh cũng có hoàng đế Massimiliano I và vua Ferdinando II vua Tây Ban Nha. Năm 1514 vua Ferdinando II bỏ Liên Minh và giải hoà với Pháp. Biến cố vua François I lên ngôi khiến cho hai nước Anh và Pháp lại có các lập trường  đối nghịch nhau. Năm 1516 hoàng hậu Caterina sinh công chúa Maria khiến cho vua Enricô VIII hy vọng mình sẽ có con trai nối ngôi. Năm 1516 vua Ferdinando II qua đời và người cháu là Carlo V lên ngôi cũng là cháu của hoàng hậu Caterina. Năm 1519 vua Massimiliano I cũng qua đời. Các ông Hoàng bầu vua Carlo V làm hoàng đế của Đế quốc Roma thánh. Sự cạnh tranh giữa vua François I của Pháp và hoàng đế Carlo V của Tây Ban Nha khiến cho vua Enricô VIII trở thành kim của cán cân chính trị Âu châu. Cả hai bên đều tìm liên minh với Anh quốc, nhưng sau năm 1521 ảnh hưởng của Anh suy giảm bên Âu châu, vua Enricô VIII liên minh với hoàng đế Carlo V trong chiến tranh với Pháp.

Vua Enricô VIII  đợi mãi mà không có con trai nên lo sợ cho triều đại của mình, vì dân Anh không muốn bị cai trị bởi một hoàng hậu. Cho tới nay chỉ có công chúa Maria là sống sót. Truớc đó nhà vua cũng đã có nhiều người yêu trong đó có Maria Bolena và Elizabeth Blount. Con trai của bà Elizabeth là Henry Fitzroy chết năm 17 tuổi. Trong khi có người nói là hai con của bà Bolena là Caterine Carey và Henry Carey rất giống nhà vua là con của vua Enricô VIII, nhưng nhà vua không làm gì để thừa nhận chúng như con riêng của mình.

Năm 1526 sức khỏe của hoàng hậu Caterina suy giảm và bà bắt đầu vào thời kỳ tắt kinh, nhà vua bắt đầu ve vãn em gái của Maria Bolena là Anna Bolena, được giáo dục bên Pháp, đã là mỹ nữ của hoàng hậu Caterina và đã lấy Henry Percey Phó quận công Northumberland. Vua Enricô muốn có hoàng tử kế vị nên nghĩ với việc xin huỷ bỏ hôn nhân với hoàng hậu Caterina dựa trên hôn nhân trước của hoàng hậu với người anh đã chết. ĐHY Wolsey và ĐTGM William Warham bắt đầu cho điều tra, nhưng nhận thấy khó mà qua mặt giáo luật. Năm 1527 Vua Enricô yêu cầu thẳng lên Toà Thánh. Viên bí thư của nhà vua là William Knight cho rằng sắc chỉ của ĐGH Giulio II đã có được là nhờ một sự đánh lừa, vì thế nên không có giá trị. Do đó nhà vua cho rằng phép chuẩn này không có giá trị và hôn nhân với hoàng hậu Caterina cũng không có giá trị Năm 1527 vua Enricô cũng xin ĐGH Clemente VII ban phép chuẩn cho nhà vua thành hôn với bà Anna Bolena. Nhưng câu chuyện lại liên quan tới lợi lộc của hoàng gia Tây Ban Nha, vì Carlo V, hoàng đế của Đế quốc Roma thánh, là cháu của hoàng hậu Caterina. Ảnh hưởng của hoàng đế khiến cho ĐGH Clemente VII từ chối lời xin của vua Enricô VIII, không huỷ bỏ sắc chỉ của ĐGH Giulio II. Vì thật ra ĐGH Clemente cũng lo sợ gia đình của hoàng hậu Caterina và hoàng đế Carlo V nổi giận với mình.

Tuy nhiên, lương tâm bối rối hợp với sức quyến rũ của bà Anna Bolena khiến cho vua Enrico VIII nhất quyết loại trừ hoàng hậu Caterina. Và đây là lý do làm nảy sinh ra Anh giáo, khi vua Enricô VIII bẻ gẫy liên hệ với Giáo Hội Công Giáo Roma, không thừa nhận quyền của ĐGH nữa, và tuyên bố mình là giáo chủ tối cao của Giáo Hội tại Anh.

Năm 1529 quốc hội Anh nhóm họp để thảo luận việc huỷ bỏ hôn nhân cũ, quy tụ mọi người ước mong có một cuộc cải cách nhưng đã không có sự đồng thuận liên quan tới hình thức thực hiện. Nhiều người chống lại đặc quyền của hàng giáo sĩ có thể triệu vời giáo dân ra trước toà án đạo. Có người chịu ảnh hưởng của phong trào cải cách của Luther chống lại thần học công giáo. Cũng có những người ủng hộ quyền tối thượng của nhà vua trên Giáo Hội của Anh quốc. Thomas More thay thế ĐHY Wolsey vừa muốn có cải cách vừa muốn có các luật lệ mới chống lại lạc giáo. 

Thủ tướng mới của vua Enricô VIII là Thomas Cromwell, dân biểu quốc hội và là người theo Tin Lành, biết phải lèo lái quốc hội ra sao để nhà vua có quyền tối thượng trên Giáo Hội. Năm 1530 khi một uỷ ban gồm các nhà luật pháp và giáo sĩ cho biết không thể cho phép ĐTGM hành động chống lại một lệnh cấm của ĐGH, nhà vua bắt đầu bách hại giới giáo sĩ. Sau khi kết án ĐHY Wolsey, vua Enricô tố cáo hàng giáo sĩ “tội vâng lời các thế lực nước ngoài” với mục đích bắt ép họ phải đồng ý huỷ bỏ hôn nhân cũ của ông với hoàng hậu Caterina. Đây là luật có từ năm 1392. Sau khi tố cáo các vị bênh vực hoàng hậu Caterina nhà vua trải dài việc tố cáo chống lại tất cả hàng giáo sĩ và bắt phải nộp 100.000 bảng Anh trong hội nghị của hàng giáo sĩ nhóm tại Canterbury để được nhà vua tha tội. Hàng giáo sĩ chấp nhận bắt đầu trả vào ngày 24 tháng giêng năm 1531, nhưng xin được kéo dài trong vòng 5 năm. Nhà vua từ chối. Khi đó hàng giáo sĩ yêu cầu có các bảo đảm trước khi nộp tiền, nhà vua từ chối mọi điều kiện, nhưng chấp nhận cho kéo dài việc trả tiền trong 5 năm và thêm vào 5 khoản mà hàng giáo sĩ Anh phải chấp nhận: Thứ nhất hàng giáo sĩ thừa nhận vua như người bảo hộ duy nhất và là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội và hàng giáo sĩ Anh quốc. Thứ hai, nhà vua có nhiệm vụ tinh thần. Thứ ba, các đặc ân của Giáo Hội  bị hủy bỏ, nếu vi phạm các quyền lợi của nhà vua và luật lề của vương quốc. Thứ tư, vua tha tội cho hàng giáo sĩ vi phạm luật cấm vâng lời các thế lực và nhân vật nước ngoài. Thứ năm, cả các giáo dân cũng được tha tội này. Trong quốc hội ĐC John Fischer, đã là người ủng hộ hoàng hậu Caterina và hàng giáo sĩ, thêm vào khoản thứ nhất các lời này: “Nếu lời Chúa cho phép”. Trong hội nghị ĐTGM William Warham mở đầu cuộc thảo luận, nhưng khi thấy mọi người đều thinh lặng, thì nói: “Ai thinh lặng là đồng ý”. Hội nghị chấp nhận 5 khoản do nhà vua đưa ra và nộp tiền phạt ngày mùng 3 tháng 3 năm 1531. Không ai dám phản đối vì sợ bị kết án là phản bội và bị tử hình.

Việc ly khai với quyền bính của ĐGH xảy ra từ từ. Năm 1532 thủ tướng Cromwell đưa ra trước quốc hội một thỉnh cầu gọi là “Yêu cầu chống lại Trật tự của thánh lễ” kê khai ra 9 lời than phiền chống lại Giáo Hội bao gồm cả việc lạm dụng quyền bính và quyền ra luật mà không có sự đồng ý của Hội nghị giáo sĩ.

Ngày mùng 10 tháng 5 năm 1532 nhà vua yêu cầu Giáo Hội khước từ quyền ra luật. Hàng giáo sĩ ký nhận ngày 15 tháng 5. Qua đó Giáo Hội thừa nhận quyền tối thượng của nhà vua trên Giáo Hội, và không có quyền ra  luật mà không có phép của nhà vua. Đây đã là hành động huỷ bỏ hoàn toàn chủ thể làm luật của Giáo Hội. Việc quy phục này được quốc hội chấp nhận năm 1534 và năm 1536. Sự kiện này khiến cho Thomas More là một vị quan công giáo, từ chức, nhường chính trường cho Cromwell làm chủ.

Tiếp theo đó là một loạt các luật quốc hội. Luật “Giữ lại các lợi tức hàng năm vô điều kiện” cấm hàng giáo sĩ trả hơn 5% lợi tức cho Giáo Hội Roma. Nó đã gây ra các phản đối mạnh mẽ, và nhà vua phải hiện diện ba lần và với sự đe đọa của quốc hội nó mới được bỏ phiếu thông qua. Luật này cũng đe dọa rằng nếu các nhà thờ chính toà từ chối việc chỉ định các Giám Mục từ phía nhà vua, thì sẽ có nguy cơ bị tố cáo là thuộc các quyền bính nước ngoài và bị trừng phạt.

“Luật hạn chế các lời kháng án” cấm không được kêu về Roma liên quan tới các vấn đề giáo hội. Luật khẳng định rằng: “Vương quốc Anh là một đế quốc, như được chấp nhận trên thế giới và nó được cai trị bởi một thủ lãnh tối cao, là nhà vua, có tước hiệu và hàng vương giả của triều thiên hoàng đế của đất nước, một ngoại giao đoàn, một tổng thể cá nhân thuộc mọi điều kiện và tầng lớp, nhân danh tinh thần tu đức và tinh thần đời, có bổn phận vâng phục nhà vua một cách tự nhiên và khiêm tốn, sau Thiên Chúa”. Ngoài ra, luật cũng nhấn mạnh rằng Anh quốc là một quốc gia độc lập trên tất cả mọi phương diện.

Sau cùng năm 1534 vua Enricô VIII ban hành “Luật về quyền tối thượng” khiến cho nhà vua trở thành “Thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh, loại trừ tất cả mọi thói quen, tập tục, luật lệ, quyền bính hay các điều luật đến từ nước ngoài. Tuớc hiệu này sẽ được hoàng hậu Elíabeth I đổi thành “Thống đốc tối cao của Giáo Hội Anh”.

Sau một tuần trăng mật tại Pháp vua Enricô VIII và bà Anna Bolena thành hôn vào tháng giêng năm 1533 tại nhà thờ chính toà Wesminster. Lễ thành hôn được dễ dàng vì cái chết của ĐTGM Warham, là người chống lại hôn nhân của nhà vua. ĐTGM Thomas Cranmer lên thay thế và là người đồng ý huỷ bỏ hôn nhân trước của nhà vua với hoàng hậu Caterina. Ba tháng sau hoàng hậu Anna sinh một công chúa sau này sẽ là hoàng hậu Elisabeth I. Tháng 7 năm 1533 ĐGH Clemente VII ra vạ tuyệt thông cho nhà vua và ĐTGM Cranmer. Ngày 17 tháng 12 năm 1538 nhà vua bị ĐGH Paolo III ra vạ tuyệt thông lần thứ hai. Vạ tuyệt thông này cũng sẽ được ra cho hoàng hậu Elisabeth I, khi tình hình cuộc ly giáo không thể cứu vãn được nữa.  Trong cùng năm 1533 “Luật các của đầu mùa và thuế thập phân” khiến cho mọi tiền thuế của Giáo Hội trả cho ĐGH chạy vào quỹ của nhà vua. Nó liên quan tới “đồng tiền thánh Phêrô và các khoản tha” mà giới điền chủ đóng góp cho ĐGH. Luật này nhấn mạnh rằng “Anh quốc không có thủ lãnh nào khác ngoài Thiên Chúa và Đức vua và triều thiên hoàng đế của vua Enricô đã được bảo toàn khỏi các vụ tiếm quyền và các thuế khóa bất công và ít bác ái của Đức Giáo Hoàng.”

Để tránh tất cả mọi chống đối các điều này năm 1534 Quốc hội bỏ phiếu “Luật phản bội” coi việc khước từ quyền tối thượng của nhà vua là phản bội có thể bị tử hình. Sau cùng năm 1536 Quốc hội  bỏ phiếu “Luật chống lại quyền bính của Đức Giáo Hoàng” huỷ bỏ phần còn lại của quyền giáo hoàng, nghĩa là quyền đưa ra một phán quyết liên quan tới Thánh Kinh trên nước Anh.

Việc bẻ gẫy với Giáo Hội Roma vẫn chưa đích thật là một cuộc Cải Cách nảy sinh với việc phổ biến các tư tưởng mới. Các ý kiến của Martin Luther và các đồ đệ đã được biết tới và thảo luận nhiều bên Anh quốc, nơi khuynh hướng thần học triệt để vẫn luôn hiện diện. Nó đuợc biểu hiện với phong trào Lollardi, gồm những người được gợi hứng từ các bút tích của John Wycliff, dịch giả Thánh Kinh, nhấn mạnh quyền ưu tiên của Thánh Kinh. Tuy bị đàn áp nhưng phong trào này vẫn tồn tại và tìm cách thay đổi Giáo Hội bằng cách dành chỗ nhất cho Lời Chúa và chỉ coi bí tích Thánh Thể là một nghi lễ tưởng niệm đơn sơ. Họ bi ảnh hưởng bởi các tư tưởng của Luther chủ trương chỉ có Thánh Kinh và việc công chính hóa nhờ đức tin chứ không nhờ các hành động tốt. Người ta cũng chỉ nhận ba bí tích Rửa Tội, Thánh Thể và Giải Tội. Năm 1536 và 1538 đã có nhiều điều khác được thêm vào trong đó có việc huỷ bỏ nhiều ngày lễ bị coi như dịp cho các thói xấu và sự lười biếng phát triển. Các dâng cúng và đốt nến trước các hình tượng, cũng như các cuộc hành hương đều bị cấm cản. Trong nhiều trường hợp các ảnh tượng bị đập phá hay đốt cháy, viện cớ chúng diễn tả một niềm tin mê tín dị đoan; tín hữu chỉ đuợc mua các sách Thánh Kinh bằng tiếng Latinh hay bằng tiếng Anh.

Năm 1534 Cromwell viếng thăm các đan viện để lượng định gia tài tôn giáo trước khi tịch thu. Viện cớ các đan viện là nơi các đan sĩ nam nữ có cuộc sống tính dục vô luân và các hoạt động tài chánh bất hợp pháp, ông hủy bỏ và tịch thu các đan viện và đất đai phụ thuộc. Vào thời đó Giáo Hội sở hữu từ một phần năm tới một phần ba đất đai trên toàn nước. Năm 1536 triều đình huỷ bỏ các đan viện nhỏ trước. Nhà vua đã sử dụng số tiền có được để xây các chiến lũy phòng thủ chống các cuộc xâm lăng. Tất cả đất đai của các tu viện thuộc nhà vua. Nhưng dân chúng nổi loạn chống lại hành động này của triều đình và tấn công quan quân. Năm 1539 cả các đan viện lớn cũng bị huỷ bỏ. Nhiều đan viện chịu trận, nhiều đan viện khác tìm cách trả tiền để sống còn. Đan sĩ các đan viện bị đóng cửa tìm tới các đan viện lớn hơn còn mở cửa. Một số khác trở thành linh mục triều. Những người chống đối bị giết. Việc huỷ bỏ quyền của ĐGH đã gây ra các bất đồng và bạo lực. Các vụ đập phá tượng ảnh thánh, các cãi vã phản đối và hành động bạo lực xảy ra hàng ngày, nhưng đều bị dấu nhẹm nhà vua. Năm 1538 khi biết chuyện, vua Enricô VIII ra luật cấm tranh luận liên quan tới Thánh Thể, và cấm các linh mục lập gia đình, nếu không sẽ bị xử tử. Năm 1539 quốc hội bỏ phiếu “Sáu Khoản” xác nhận kinh tin kính công giáo, việc truyền phép, luật độc thân linh mục, tầm quan trọng của việc xưng tội  riêng, và các hình phạt cho tất cả nhũng ai từ chối các điều này. Với “Luật tiến tới đích thật của tôn giáo” ban hành năm 1543 vua Enrricô hạn chế quyền đọc Thánh Kinh cho giới quyền quý.

Năm 1547 vua Enricô VIII qua đời, vua Eduardo VI lên ngôi khi mới 9 tuổi và là một thiếu niên đuợc giáo dục trong niềm tin Tin Lành. Dưới quyền nhiếp chính của người bác là Edwart Seymour các luật lệ chống lại tượng ảnh được áp dụng triệt để. Tất cả mọi thứ tuợng ảnh, thánh tích, kể cả các kính mầu trong các nhà thờ đều bị đập phá, làm hư hại, các thánh giá, các lan can, các cửa sắt đều bị phả huỷ, các chuông nhà thờ bị gỡ bỏ. Các phẩm phục thánh bị bán hay đốt cháy. Các bình xin tiền bị nung chảy hay bán đi. Luật độc thân linh mục bị hủy bỏ. Cấm các cuộc rước kiệu; huỷ bỏ ngày thứ tư lễ tro và Chúa Nhật lễ lá. Hủy bỏ các hội hát lễ mồ. Năm 1550 các bàn thờ bằng đá được thay thế bằng các bàn thờ bằng gỗ thường. Năm 1551 chức giám mục được rập khuôn với việc chỉ định các mục sư. Cuộc cải cách từ đó tiến rất nhanh.

Sau đây là vài nét chính yếu về Giáo Hội Anh giáo. Thứ nhất, Thánh Kinh là nền tảng đức tin kitô chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho ơn cứu rỗi. Thứ hai Kinh Tin Kính là chứa đựng những điều cần thiết và đủ cho việc trình bầy giáo lý kitô. Thứ ba, các bí tích Rửa Tội và Thánh thể là các phương thế bề ngoài hữu hình và đích thật của ơn thánh Chúa. Thứ tư, việc kế vị các tông đồ liên tục và được các giáo hội chính thống và công giáo cổ thừa nhận. Thứ năm, nhà vua là thủ lãnh của Giáo Hội. Thứ sáu, tuy khước từ quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng người kế vị thánh Phêrô, nhưng Anh giáo vẫn duy trì hàng giáo phẩm, có Giám Mục, linh mục và phó tế, nhưng không có luật buộc độc thân. Thứ bẩy, phụng vụ anh giáo rất giống phụng vụ công giáo. Liên quan tới Đức Maria Anh Giáo không chập nhận các tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội và Hồn xác lên trời.

Các Giáo Hội Anh giáo quy tụ trong tổ chức  Liên hiệp anh giáo và nhóm họp trong Hội nghị Lambeth do ĐTGM Canterbury chủ tọa. Từ khi phụ nữ được phép làm linh mục có nhiều Giám Mục và linh mục Anh giáo xin tái gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Vào thế kỷ XVIII sau cuộc cách mạng tại Hoa Kỳ các Giáo Hội Anh Giáo  Hoa Kỳ và Canada trở thành các Giáo Hội tự trị có các Giám Mục riêng và các cơ cấu tự quản. Nó trở thành kiểu mẫu của các Giáo Hội Anh Giáo bên Phi châu, Australia và vùng Thái Bình Dương. Giáo Hội Anh Giáo bị chia rẽ trầm trọng, sau khi một phụ nữ và một người đồng tính luyến ái được phong chức Giám Mục. Sự kiện này khiến cho các Giáo Hội Anh Giáo Phi châu phản đối rất mạnh mẽ và làm cho viễn tượng tìm về hiệp nhất gặp thêm chướng ngại. Một trong những lý do là vi Anh giáo không có một quyền bính trung ương, cũng giống như Giáo Hội Chính Thống.

Vào đầu thế kỷ XX các Giáo Hội Kitô cảm thấy nhu cầu đại kết nên thành lập Hội Đồng đai kết các Giáo Hội Kitô quy tụ 349 Giáo Hội thành viên gồm mọi khuynh hướng chính thống, tin lành, anh giáo và nhiều cộng đoàn kitô khác. Giáo Hội Công Giáo không là thành viên, nhưng hiện diện trong các uỷ ban đối thoại thần học. Phong trào đại kết đã được đẩy mạnh sau Công Đồng Chung Vaticăng II, đặc biệt dưới triều đại của ĐGH Gioan Phaolô II với tông thư “Ut unum sint Để chúng nên một”. Cuộc đối thoại song phương của Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Kitô anh em vẫn tiếp tục trong tình bác ái và chân lý, nhưng còn nhiều khó khăn cần được vượt thắng trước khi tìm lại được sự hiệp nhất trọn vẹn.

 

Tư liệu từ Linh Tiến Khải, RadioVaticana