Đức Tin và Hành Động - Nguyên Minh

Thánh Phaolô nói: “Chúng ta được nên công chính là vì tin chứ không phải vì làm những gì luật dạy” (Rm 3, 28), còn Thánh Giacôbê lại bảo: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra ở đây là, hai cách trình bày này có gì trái ngược và mâu thuẫn với nhau không? Và làm sao để một người được nên công chính trước mắt Thiên Chúa? Cách đặt câu hỏi như thế thôi thúc một sự kiếm tìm ý nghĩa đích thực trong cách diễn tả của mỗi vị tông đồ trong từng bối cảnh, thời điểm và cộng đoàn cụ thể của mình. Có lẽ, cả hai vị đều muốn diễn tả cái thực tại cao quý của việc “chạm” đến Đức Kitô, bởi lẽ, theo các ngài, Đức Kitô đã trở thành khởi điểm và mục đích cuộc đời, là động lực và là cùng đích của cuộc đời.

Thánh Phaolô, đã nhiều lần đề cập và nhấn mạnh đến một sự công chính dựa trên lề luật với các đòi hỏi của nó và một sự công chính dựa trên đức tin vào Đức Kitô, đó là viễn tượng của ơn cứu độ, được diễn tả như là sự công chính hóa nhờ tin vào Đức Kitô. Nên công chính có nghĩa đơn giản là ở với Đức Kitô và trong Đức Kitô. Đức tin là nhìn lên Đức Kitô, lệ thuộc vào Đức Kitô, bám chặt lấy Đức Kitô, đồng hóa với Đức Kitô và đời sống của Người. Chính Thiên Chúa là sự Công Chính vẹn toàn, đã làm cho ơn công chính hóa và ơn cứu độ có thể chạm đến mọi người. Trong khi đó, thánh Giacôbê lại nhấn mạnh đến việc làm như là hoa trái của đức tin.

Khi trình bày cách hiểu của mình, thánh Phaolô muốn dùng ý niệm công chính hóa để diễn tả thái độ tự do đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa mà không thắc mắc gì. Sự công chính này là một ân ban nhưng không nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô. Ở đây, đức tin được hiểu là sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, mặc dù không biết Thiên Chúa sẽ dẫn đi đâu. Điều quan trọng là phải thể hiện niềm tin đó ra cuộc sống như thể đã được cứu rỗi bởi ân sủng của Thiên Chúa. Việc làm ở đây được thánh Phaolô hiểu là những việc làm của lề luật[1]. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh rằng, ơn công chính hóa là ân huệ đến từ Thiên Chúa chứ không do nỗ lực của loài người, cũng như không do sự vâng phục lề luật.

Đi xa hơn, nếu một mặt, tất cả niềm hy vọng về sự công chính dựa trên nỗ lực tôn trọng lề luật của con người[2] là hão huyền, là viển vông, và nếu mặt khác, Thiên Chúa ban cho con người một khả tính và phổ quát về sự công chính mới dựa trên nền tảng đức tin, thì không còn nơi nào trên trái đất này còn có đường nào khác để đi nhờ làm theo lề luật.

Như vậy, công chính hóa, theo thánh Phaolô, là sự thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không phải vì sợ hãi hay chỉ đơn thuần làm theo lề luật dạy, mà vì đức tin. Nhờ đó, con người tin rằng sự cứu rỗi đã hoàn thành nơi Đức Giêsu Kitô, và qua những công việc hằng ngày, người ta cụ thể hóa niềm hy vọng về một vương quốc tương lai đang khởi đầu trong hiện tại.[3] Theo quan điểm này, các việc làm không có nghĩa là không có vai trò gì cho ơn cứu độ, nhưng ngược lại, chúng phải phát sinh từ ơn cứu độ của Đức Giêsu.

Cùng một ý hướng đó, Thánh Giacôbê hiểu việc làm là những hiệu quả phát xuất từ đức tin. Việc làm mà Thánh Giacôbê đề cập ở đây được hiểu là những hành động tốt, chứ không phải việc làm theo lề luật. Thánh Giacôbê không đồng hóa đức tin với việc làm mà chỉ nhấn mạnh rằng, đức tin phải được diễn tả qua các việc làm, nhất là các việc bác ái và cầu nguyện.[4] Các việc làm phải phát xuất từ đức tin chứ không phải ngược lại.

Đến đây, vấn đề được đặt ra là, đức tin có thể cứu được người ta? trong bối cảnh này, rõ ràng câu trả lời hiển nhiên là không. Sự trái ngược giữa việc trở nên kẻ thi hành chứ không phải chỉ là người lắng nghe suông ở đây là sự trái ngược giữa đức tin và việc làm. Người ta phải biến đức tin thành hành động, nghĩa là người ta phải trở nên kẻ thực hành đức tin. Thánh Giacôbê lý luận rằng, đức tin phải được đi kèm với việc làm, không phải vì tự thân chúng chiếm được ơn cứu độ, nhưng là vì chúng mật thiết gắn liền với ân sủng Thiên Chúa đã ban và đòi hỏi. Trong góc nhìn này, lề luật chỉ là giải pháp tạm thời cho vấn đề tội lỗi, nhưng cũng bị ân sủng của Thiên Chúa qua mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu đạp đổ.

Như vậy, hai quan niệm này không trái ngược nhau, nhưng lại bổ sung và cần thiết cho nhau. Cụ thể, chính đức tin phải đưa người ta đến một đời sống thánh thiện qua các việc làm. Đến lượt mình, các việc làm cho phép chứng tỏ rằng đức tin thực sự ở trong chính con người đó, được thể hiện qua hành động bắt nguồn từ tình yêu. Đức tin chỉ thực sự sống động khi được minh họa trong việc làm của tình yêu. Đó là một đức tin đem đến ơn cứu độ. Theo đó, đức tin tách khỏi việc làm là đức tin chết, và điều này trái ngược với một đức tin sống động. Việc làm giúp chứng minh rằng bản chất của đức tin vẫn sống, nhưng lại không thể thay thế cho đức tin.[5]

Như thế, phải có những tác động đức tin, những việc làm thể hiện niềm tin thì đức tin mới phát triển. Một đức tin mà không tự biểu lộ ra, không được linh động, ắt sẽ bị mai một đi. Đức tin nếu chỉ là một ý niệm trừu tượng nội tại, là sự chấp thuận hay cảm nhận của trí khôn, là một quan điểm về vũ trụ quan, thì chắc chắn sẽ không có cơ may tồn tại. Ðức tin cần phải có mặt ngoài, cần phải được diễn tả ra, cần phải được trình bày ra bên ngoài. Chính trong việc đức tin được diễn tả hay được trình bày ra bên ngoài như thế, đức tin trở nên một điều đáng tin, đáng chấp nhận. Nói cách khác, muốn cho đức tin thăng tiến cần phải thực hành đức tin bằng việc làm.

Nguyên Minh 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sacra Pagina. Patrick J. Hartin. James, Volume 14. Minnesota: Liturgical Press, 2003. tr. 149-171.

2. Sacra Pagina. Brendan Byrne. Romans, Volume 6. Minnesota: Liturgical Press, 2003. Tr. 135-148.

3. Nhóm Phiên Dịch CGKPV. Kinh Thánh Tân Ước (bản dịch có hiệu đính). Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.

4. Ronald D. Witherup, 101 câu hỏi đáp về Thánh Phaolô. TPHCM: 2008.

5. Daniel Marguerat. Thư Giacôbê. TTHVĐM: Gò Vấp, 2010.

6. Phạm Xuân Hưng. Tìm hiểu các Thư Phaolô. TPHCM: TTHVĐM, 2010.

 
 
 
 
 

[1] x. Chú thích của nhóm PDCGKPV, Kinh Thánh Tân Ước (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), tr. 887.

[2] x. Rm 3,28.

[3] x. Ronald D. Witherup, 101 câu hỏi đáp về Thánh Phaolô (TPHCM: 2008), tr. 170-172.

[4] x. Chú thích của nhóm PDCGKPV, sđd., tr. 887.

[5] x. Sacra Pagina, Patrick J. Hartin, James (Minnesota: Liturgical Press, 2003), tr. 149-159.