Giáng Sinh với ba vị chủ chăn PHANXICO, BENEDICTO XVI, GIOAN PHAOLO II
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
– “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1). “Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.” (Lc 2,9).
Việc sinh hạ của Đấng Cứu Thế: như ánh sáng tràn ngập và xua tan bóng tối dày đặc nhất. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người đã trút bỏ đi gánh nặng của thất bại và nỗi u buồn của kiếp nô lệ, thắp lên niềm vui và sự hoan lạc.” (ĐTC. Phanxico).
– Trong đêm hồng phúc này, chúng ta cũng đến nhà Chúa xuyên qua bóng tối đang phủ khắp mặt đất, nhưng “chúng ta được ánh lửa đức tin dẫn đường, ánh lửa ấy soi chiếu từng bước chân của chúng ta và chúng ta cũng được niềm hy vọng thúc bách đi tìm một “ánh sáng lớn hơn”. Mở lòng mình ra, chúng ta có thể chiêm ngắm phép lạ của Hài Nhi-Vầng Dương tỏa sáng tận chân trời bừng dậy từ trên cao này.” (ĐTC. Phanxico).
– Người vẫn tiếp tục chờ đợi với sự kiên nhẫn trước những thối nát của con người và các dân tộc. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, thật khó để hiểu mầu nhiệm này. Suốt dòng lịch sử dài, ánh sáng xé tan đêm tối đã mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha và lòng trung tín của Người mạnh mẽ hơn bóng tối và sự thối nát. Thiên Chúa không hề biết giận và mất kiên nhẫn. Thiên Chúa luôn luôn như thế, hệt như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng đợi con mình và thấy con mình từ đàng xa trở về.” (ĐTC. Phanxico).
– Nguồn ánh sáng huy hoàng mà tiên tri Isaia nói đến chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể năm xưa.
“Lời tiên tri của Isaia loan báo sự bừng lên của một luồng ánh sáng mạnh mẽ xua tan đêm tối. Người sinh ra ở Bê-lem và được vòng tay yêu thương của Maria, tâm tình của Giuse và sự ngạc nhiên của các mục đồng đón nhận. Khi các Thiên Sứ báo tin chào đời của Đấng Cứu Thế cho các mục đồng, các ngài đã nói với họ rằng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). (ĐTC. Phanxico).
– “Trong đêm thánh này, khi chúng ta chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu vừa được sinh ra và đặt nằm trong máng cỏ, chúng ta được mời gọi để suy tư phản tỉnh. Chúng ta đã đón nhận sự âu yếm của Thiên Chúa như thế nào? Tôi có để Người đến với mình không, có thể Người ôm lấy mình không, hay tôi ngăn cản Người đến với mình? (ĐTC. Phanxico).
– “Anh chị em thân mến, trong đêm thánh này, chúng ta chiêm ngắn hang đá: nơi đó, “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1). Người ta thấy nơi đó một dân đơn sơ, sẵn sàng đón nhận ơn Chúa. Ngược lại, người ta cũng thấy nơi đó những người kiêu ngạo, tự cao, những người thiết định lề luật theo những tiêu chí cá nhân, những người có thái độ đóng kín (ĐTC. Phanxico).
– Vinh danh Thiên Chúa! Trên hết, đây là những gì Giáng sinh mời gọi chúng ta thực hiện: đó là tung hô Chúa, vì Ngài tốt lành, thành tín, và đầy lòng thương xót. Hôm nay tôi nói lên hy vọng là tất cả mọi người nhận biết thiên nhan đích thật của Thiên Chúa, là Chúa Cha, Đấng đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa, sẽ sống trong sự hiện diện của Ngài, yêu mến và thờ lạy Ngài (ĐTC. Phanxico).
– Lạy Hoàng Tử Bình An, ở mọi nơi, xin Ngài hãy hướng tâm hồn con người khỏi bạo lực và linh hứng cho họ biết hạ vũ khí xuống và tiến bước trên con đường đối thoại (ĐTC. Phanxico).
– Anh chị em thân mến, hôm nay, trong thế giới này, trong nhân loại này, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra, là Đức Kitô Đức Chúa. Chúng ta hãy tạm dừng trước hài nhi Bethlehem. Chúng ta hãy để trái tim của chúng ta được rung động, chúng ta hãy để cho mình được sưởi ấm bởi sự dịu dàng của Thiên Chúa, chúng ta cần đến sự chăm sóc của Ngài (ĐTC. Phanxico).
– Trước Thiên Chúa đầy lòng lân tuất, chúng ta hãy ngợi khen và tôn vinh Ngài mãi mãi! Trước Thiên Chúa là sự bình an, chúng ta hãy xin Ngài phù giúp chúng ta kiến tạo hòa bình mỗi ngày, trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong các thành phố và quốc gia của chúng ta, và trên toàn thế giới. Chúng ta hãy để cho mình được rung động bởi sự thiện hảo của Thiên Chúa (ĐTC. Phanxico).
– Và lý do niềm hy vọng của chúng ta là điều này: Thiên Chúa ở với chúng ta và vẫn còn tin tưởng nơi chúng ta! Anh chị em hãy nghĩ tới điều này: Thiên Chúa ở với chúng ta và vẫn còn tin tưởng nơi chúng ta! Thiên Chúa Cha thật là quảng đại (ĐTC. Phanxico).
– Thiên Chúa đến ở với loài người, lựa chọn trái đất như nơi ở của mình để cùng sống với con người và để làm cho mình được tìm thấy tại nơi con người trải qua các ngày của mình trong niềm vui và trong khổ đau. Vì thế trái đất không chỉ còn là “thung lũng nước mắt” nữa, mà là nơi chính Thiên Chúa đã cắm lều của Ngài, là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người và liên đới với con người (ĐTC. Phanxico).
– Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu biểu lộ cho thấy Thiên Chúa đã đứng về phía con người một lần cho tất cả, để cứu vớt chúng ta, để nâng chúng ta dậy từ bụi đất của các nỗi bần cùng, khó khăn và tội lỗi của chúng ta. Từ đó phát xuất ra món quà vĩ đại của Hài Nhi Bếtlehem: một năng lực tinh thần giúp chúng ta không chìm sâu trong các mệt nhọc, thất vọng, buồn sầu của chúng ta; bởi vì nó là một năng lực sưởi ấm và biến đổi con tim (ĐTC. Phanxico).
– Trong lễ Giáng Sinh Thiên Chúa không tự mạc khải như một người ở trên cao và thống trị vũ trụ, nhưng như Ðấng tự hạ mình xuống trên trái đất bé nhỏ và nghèo nàn này, thì điều này có nghĩa là để giống như Ngài chúng ta không được ở bên trên các người khác, nhưng trái lại phải hạ mình xuống, để phục vụ, để trở nên bé nhỏ với những người bé nhỏ và nghèo với người nghèo. Thật là một điều xấu, khi thấy một Kitô hữu không muốn hạ mình xuống, không muốn phục vụ, một Kitô hữu vênh váo khắp nơi: thật là xấu có phải không? Người đó không phải là tín hữu Kitô, mà là một người ngoại giáo. Kitô hữu thì hạ mình và phục vụ (ĐTC. Phanxico).
– Nếu qua Chúa Giêsu Thiên Chúa đã liên lụy với con người cho tới nỗi trở thành như một người trong chúng ta, thì có nghĩa là bất cứ gì chúng ta sẽ làm cho một người anh chị em, là chúng ta làm cho Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nhắc cho chúng ta nhớ điều đó: ai cho ăn, lắng nghe, thăm viếng, yêu thương một trong những người bé nhỏ và nghèo nàn nhất là đã làm cho chính Con Thiên Chúa.
Trái lại, ai khước từ, quên lãng, không biết tới một trong các người bé nhỏ và nghèo nàn nhất là đã bỏ quên và khước từ chính Thiên Chúa (x. Mt 25,35-46). Như thánh Gioan đã viết: “Thật ra ai không yêu thương người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu thương Thiên Chúa mà mình không trông thấy” (1 Ga 4,20). (ĐTC. Phanxico).
ĐỨC BENEDICTO XVI
– Ngôi Lời trở nên trẻ sơ sinh giúp chúng ta hiểu làm thế nào Thiên Chúa hành động để chúng ta có thể để mình được biến đổi nhờ sự nhân từ và lòng thương xót vô tận của Ngài. Trong đêm tối của thế giới này, chúng ta hãy để mình ngạc nhiên và soi sáng bởi việc giáng lâm này, bởi ngôi sao mà, từ phương đông, làm cho vũ trụ ngập tràn niềm vui (Đức Benedicto XVI).
– Chúng ta hãy thanh tẩy lương tâm và cuộc sống của chúng ta khỏi những gì là trái ngược với việc giáng sinh của Chúa, những tư tưởng, lời nói và hành vi để làm việc thiện và giúp cho việc ngự đến của hòa bình và công lý trong thế giới này (Đức Benedicto XVI).
– Hang đá là biểu tượng của lễ Giáng sinh. Nó là « việc diễn tả sự mong đợi của chúng ta, cũng như là một lời cám ơn đối với Đấng ngự đến, trong sự khó nghèo và đơn sơ, chia sẻ thân phận làm người của chúng ta…Chứng tá đẹp đẽ này của đức tin Kitô giáo là một hình ảnh về tình yêu vô tận của Chúa Cha đối với toàn thể nhân loại » (Đức Benedicto XVI).
– Bởi thế, ước gì tâm hồn và tâm trí chúng ta có thể vượt quá chân trời của thế giới vật chất này, để theo cách của cây thông, vươn lên trời để chúng ta hướng thẳng về Thiên Chúa. Nếu Ngài không quên chúng ta, thì Ngài xin chúng ta đừng quên Ngài ! (Đức Benedicto XVI).
– Tin Mừng kể rằng một ánh sáng đã bao lấy các mục đồng trong đêm Giáng Sinh, để loan báo cho họ một niềm vui trọng đại, chính là sự ra đời của Đấng mang lại ánh sáng, Đấng là ánh sáng chiếu soi mọi người (Đức Benedicto XVI).
– Ước gì ta nhớ rằng chúng ta cần đến ánh sáng này dường nào, (ánh sáng) mang lại cho chúng ta niềm hy vọng trong suốt cuộc đời của chúng ta, cách riêng trong những lúc thử thách và những đau khổ phủ lấy chúng ta (Đức Benedicto XVI).
– Đâu là ánh áng có khả năng thực sự soi chiếu tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn nếu không phải Hài Nhi Giáng Sinh ?…Ngài là Đức Chúa trở nên gần gũi chúng ta, đòi chúng ta đón tiếp và yêu mến Ngài, chờ đợi chúng ta tin tưởng vào Ngài (Đức Benedicto XVI).
– Ước gì mỗi người chúng ta biết mang lại một chút ánh sáng ở nơi mình sống, trong gia đình cũng như ở nơi làm việc, trong khu phố hay trong xã hội. Chúng ta phải là ánh sáng cho người khác, để họ ra khỏi tính ích kỷ thường khép kín nơi chính mình, bằng cách mang lại cho họ một chút quan tâm và tính liên đới (Đức Benedicto XVI).
– « Vào ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta khám phá lại sự âu yếm của Thiên Chúa nghiêng mình xuống trên những giới hạn, những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, hạ mình xuống tận chúng ta…
Vì thế, chúng ta hãy sống thời điểm này và mầu nhiệm này trong niềm vui và, đặc biệt, trong việc cử hành Thánh Lễ trung tâm của lễ Giáng Sinh. Nó làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện, bánh đích thực từ trời xuống, chiến con đích thực hiến tế vì phần rỗi của chúng ta » (Đức Benedicto XVI).
– « Xin Chúa đến cứu giúp độ chúng con !» (Veni ad salvandum nos! ). Thiên Chúa là vị y sĩ, còn chúng ta là những bệnh nhân, nhìn nhận Ngài là bước đầu tiên hướng đến ơn cứu độ, là ra khỏi con người cao ngạo của chúng ta muốn thay thế Ngài. Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem, đó là bằng chứng Thiên Chúa đã lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng ta. Chúa Giêsu là bàn tay mà Thiên Chúa đã mở ra cho nhân loại (Đức Benedicto XVI).
– “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng Mãnh, Người Cha Muôn Thuở, Hoàng Tử Hòa Bình” (Is 9,6). Vâng, vị vua này không cần các cố vấn tuyển trạch từ các bậc thức giả của thế giới. Ngài mang nơi chính mình sự khôn ngoan của Thiên Chúa và lời dạy bảo của Thiên Chúa. Trong dáng dấp yếu đuối của một trẻ thơ, Ngài là Thần Linh Dũng Mãnh và Ngài cho chúng ta thấy sức mạnh của Thiên Chúa trái ngược với những quyền lực khẳng định chính mình của thế giới này (Đức Benedicto XVI).
– Khoảng cách vô hạn giữa Thiên Chúa và con người đã được vượt qua. Thiên Chúa không chỉ cúi xuống, như chúng ta đọc trong các Thánh Vịnh; mà Ngài thật sự “bước xuống,” Ngài đi vào trong thế giới, Ngài trở thành một người giữa chúng ta, để kéo tất cả chúng ta về với Ngài.
Người Con này thật sự là Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Đức Benedicto XVI).
– Người Con này (Chúa Giê-su) đã thắp lên ánh sáng thiện hảo nơi người ta và đã trao cho họ sức mạnh để vượt qua quyền lực bạo ngược. Người Con này xây dựng vương quốc của mình từ bên trong, từ trong trái tim của mọi thế hệ (Đức Benedicto XVI).
– Đêm nay trước hết là đêm của niềm vui được ở gần Chúa. Chúng ta tạ ơn vì Thiên Chúa tự đặt chính Ngài vào trong tay chúng ta, trong hình hài một trẻ thơ. Ngài van xin tình yêu của chúng ta, gieo trồng hòa bình của Ngài vào con tim chúng ta (Đức Benedicto XVI).
– Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã muốn chào đời trong tư cách người Con đầu lòng giữa nhiều anh chị em, xin ban cho chúng con tình anh chị em đích thực. Xin giúp chúng con nên giống Chúa. Xin giúp chúng con nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những người cần đến sự trợ giúp của chúng con, nơi những người đau khổ và bị bỏ rơi, nơi tất cả mọi người. Xin giúp chúng con sống với Chúa như anh chị em, để trở thành một gia đình, gia đình của Chúa (Đức Benedicto XVI).
– Thiên Chúa đã dự liệu trước cho chúng ta quà tặng là chính Con của Ngài. Thiên Chúa không ngừng dự liệu trước cho chúng ta trong những cách thế không ngờ. Ngài không ngừng tìm kiếm chúng ta, không ngừng nâng chúng ta dậy.
Ngài không bỏ con chiên lạc ngoài đồng hoang. Thiên Chúa không nổi giận dù chúng ta tội lỗi. Ngài không ngừng bắt đầu lại với chúng ta. Nhưng Ngài vẫn đợi chờ chúng ta đến với Ngài trong tình yêu. Ngài yêu chúng ta, để chúng ta cũng trở thành một dân biết yêu thương, để hòa bình có thể ngự trị trên cõi đời này (Đức Benedicto XVI).
ĐỨC GIOAN PHAOLO II
– Lạy Chúa Kitô, Ngài đã từ trời cao mà sinh xuống giữa chúng con. Ngài sinh xuống trần gian từ cung lòng của một người nữ đã được chúc phúc hơn mọi người nữ. Ngài là con của Ðấng Tối Cao, sự thánh thiện của Ngài đã thánh hóa thời gian của chúng con một lần vĩnh viễn luôn mãi, những ngày tháng, những thế kỷ, những ngàn năm (Đức Gioan Phaolo II).
– Với sự Giáng Sinh của Ngài, Ngài đã làm cho thời gian trở thành cái hôm nay của ơn cứu rỗi (Đức Gioan Phaolo II).
– Lễ Giáng Sinh là lễ của sự sống, bởi vì Ngài, Lạy Chúa Giêsu, khi đến trong thế gian như một người trong chúng con, Ngài đã chúc phúc cho giờ Ngài đã sinh ra, một giờ nói lên cách tượng trưng cho mầu nhiệm của cuộc sống con người, vừa liên kết những đau khổ của sự sinh hạ với niềm hy vọng, liên kết đau khổ với niềm vui (Đức Gioan Phaolo II).
– Ngày hôm nay, Ðấng ban hòa bình cho thế gian Giáng Sinh. Hôm nay Ðấng Cứu Thế Giáng Sinh cho chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, Ngài được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa Cứu Rỗi, bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi mọi tội lỗi (Đức Gioan Phaolo II).
– Không phải trong một lâu đài mà Ðấng Cứu Chuộc sinh ra, Ðấng có sứ mạng thiết lập lại Vương Quốc đời đời và phổ quát. Ngài sinh ra trong một chuồng loài vật và sống giữa chúng ta, Ngài thắp lên trong thế giới ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa và ngọn lửa này sẽ không bao giờ tắt (Đức Gioan Phaolo II).
– Ước chi ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa cháy lên trong các tâm hồn như một ngọn lửa tình bác ái hữu hiệu, tình bác ái trở thành sự tiếp đón, nâng đỡ cho biết bao anh chị em bị thử thách bởi sự nghèo cùng và đau khổ (Đức Gioan Phaolo II).
– Lạy Chúa Giêsu mà chúng con chiêm ngắm trong cảnh nghèo hèn tại Bêlem, xin hãy làm cho chúng con trở nên những chứng nhân của tình yêu Chúa, của tình yêu đã thôi thúc Ngài cởi bỏ vinh quang của Thiên Chúa để sinh ra sống giữa con người và chịu chết vì chúng con (Đức Gioan Phaolo II).
– Xin hãy làm cho ánh sáng của đêm Giáng Sinh hôm nay sáng hơn ban ngày, chiếu sáng trên tương lai và hướng dẫn những bước tiến của nhân loại trên con đường hòa bình (Đức Gioan Phaolo II).
– Christus Natus est nobis, venite, adoremus!
Chúa Kitô đã sinh ra cho chúng ta, hãy đến, và chúng ta thờ lạy Người!
Thưa Con Trẻ dịu dàng của Bêlem, trong ngày long trọng nầy, chúng con đến với Ngài! Khi sinh ra, Ngài đã che dấu thần tính, để nhận lấy bản tính nhân loại mỏng dòn của chúng con.
Ðược Ðức Tin soi sáng, chúng con nhìn nhận Ngài như là Thiên Chúa Thật đã nhập thể vì yêu thương chúng con.
Ngài là Ðấng cứu độ duy nhất của con người! (Đức Gioan Phaolo II).
– Trước hang đá, nơi Ngài nằm im, ước gì được chấm dứt biết bao hình thức của bạo lực lan tràn, nguyên nhân của những đau khổ không thể diễn tả được; ước chi được dập tắt nhiều lò lửa căng thẳng, có nguy hiểm biến thành những xung đột lộ liểu; ước chi được cũng cố ý chí đi tìm những giải pháp hòa bình, biết tôn trọng những khát vọng chính đáng của muôn người và của các dân tộc (Đức Gioan Phaolo II).
– Khắp mọi nơi, đâu đâu cũng cần đến Hòa Bình!
Ngài là Hoàng Tử của Hòa Bình thật, xin hãy giúp chúng con hiểu rằng con đường duy nhất để xây dựng hòa bình là ghê tởm tránh đi điều dữ, và luôn can đảm theo đuổi điều thiện.
Hỡi những người thiện chí của mọi dân tộc trên mặt đất,
Xin hãy đến bên hang đá của Ðấng Cứu Chuộc với lòng tin tưởng!
Ðấng đã trao ban Nước Trời, sẽ không lấy mất đi các vương quốc trần gian! Xin hãy chạy đến gặp gỡ Ðấng ngự đến để dạy chúng ta con đường sự thật, hòa bình và tình thương (Đức Gioan Phaolo II).
Góp nhặt: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ
dongten.net