Huấn Giáo Công Giáo Về Những Liên Quan Của Bí Tích Rửa Tội Và Thánh Thể

Huấn Giáo Công Giáo Về Những Liên Quan

Giữa Bí Tích Rửa Tội Và Thánh Thể

Soạn Thảo Do Ủy Ban Giám Mục Pháp

Đặc Trách Hiệp Nhất Các Kitô

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Giải thích huấn giáo công giáo

"Không thể chấp nhận cho những người không được Rửa Tội, dầu với tư cách biệt lệ, có thể lãnh nhận Thánh Thể, cách hữu ý và thường xuyên, dầu trong cuộc hướng dẫn tạm thời để được Rửa Tội. Chúng tôi không gặp một cơ sở nào cho thực hành này hoặc trong Kinh Thánh, hoặc trong truyền thống giáo phụ hay mới đây", lời giải thích của Ủy Ban Giám Mục Pháp đặc trách Hiệp nhất các Kitô hữu, chủ tịch ủy ban này là Ðức Cha Francois Saint-Macary, Tổng Giám Mục Rennes. Giáo Hội sợ "sự lẫn lộn" mà quyết định này có thể gây nên trong các tâm trí.

Dưới đây chúng tôi trình bày bản tường trình huấn giáo Công Giáo về những liên quan giữa bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, soạn thảo do Ủy Ban Giám Mục Pháp đặc trách Hiệp nhất các Kitô hữu nhân có quyết định của Hội nghị cải cách Soissons liên hệ với bí tích Rửa Tội và Tiệc Thánh.

- Những suy tư của Ủy Ban Giám Mục đặc trách Hiệp nhất các Kitô hữu

Ủy Ban Giám Mục đặc trách Hiệp nhất các Kitô hữu, xúc động trước quyết định của Hội nghị quốc gia (Synode national) của Giáo Hội cải cách, tưởng cần phải cho biết quan điểm Công Giáo về một vấn đề quan trọng như vậy.

1. Muốn nói về bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, nên đặt hai bí tích này trong sự cấu kết của giáo lý và của kinh nghiệm Kitô giáo.

Nếu người ta xem xét chỗ đứng theo thứ tự của hai bí tích này trong một tiến trình đức tin, như là không quan trọng hay có thể thay đổi nhau, thì người ta có nguy cơ không còn thấu hiểu tương quan giữa hai bí tích đó, về mặt thực hành và về mặt tín lý.

Trong viễn ảnh Công Giáo, sự cứu rỗi được ban tặng nhưng không cho con người nhờ sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Con người đi tới đó qua trung gian Giáo Hội-bí tích. Ðó là hậu quả của chế độ nhập thể (régime de l'incarnation). Sự trung gian này là một yếu tố quan trọng nói lên sự khác biệt với giáo lý của Giáo Hội cải cách.

Ở đây chúng tôi không đề cập tới vấn đề phần rỗi của những người không Kitô hữu.

Theo Kinh Thánh, việc loan báo Tin Mừng kích thích con người tìm hiểu biết Chúa và yêu Chúa. Bấy giờ, theo một quyết định tự do, con người đi vào tương quan với Chúa qua bí tích Rửa Tội (Mc 16, 16; Mt 28, 19; Cv 2, 38. 41; 8, 36; 9, 18), làm cho họ sống, qua biểu trưng bí tích, mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Kitô (Rm 6 ; Col 2, 2) và cho họ sống một đời sống mới (Ga 3, 5). Bí tích Rửa Tội cứu thoát con người (1 P, 3, 21) và làm cho họ thành dưỡng tử của Chúa, bởi vì họ nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Con (Ga 4, 6) nhờ Người họ có thể hướng tới Chúa Cha, gọi Người là Cha, với một niềm tín thác như chính Chúa Giêsu (Rm 8, 14-17). Nhờ bí tích Rửa Tội, con người trở thành một tạo vật mới về mặt thiêng liêng. Họ vào trong nhà Chúa (Ep 2, 19), như thành phần dân Chúa (1 Pr 2, 9-10), chi thể Thân Thể Chúa Kitô (1 Cr 12, 13).

Còn hơn nữa, bí tích Rửa Tội biến con người thành một thực thể tư tế (1 Pr 2, 5. 9; Kh 1, 6; 5, 10): con người có khả năng sống đời sống của mình như một lời ngợi khen và như một sự hiến dâng chính mình và thế giới cho Chúa (Rm 12, 1; Pl 4, 18; 1 Pr 2, 5).

Khi chia sẻ những niềm vui và những nỗi buồn của tất cả mọi người trong thế giới này, người đã được Rửa Tội tự hướng mình và hướng thế giới về với Chúa, Ðấng sáng tạo và cứu chuộc. Con người tìm ở đó niềm vui và sự phát triển đầy đủ của mình.

Ðược cởi mở như vậy đến chiều kích bí ẩn và nhiệm mầu của chính thực thể nhân vị của mình và được đặt trong liên quan với Chúa qua Chúa Kitô đấng cứu độ, người Kitô hữu nào sống bằng Chúa Thánh Thần và được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa mình, thì đạt được những tài sản thuộc thân thể Chúa Kitô. Lương thực thiêng liêng này do chính Chúa Kitô ban cho người đã được Rửa Tội để làm của ăn và của uống cần cho sự sống, trong thời gian lịch sử (x. Ga 6, 51-54).

Việc đi tới Thánh thể giả thiết rằng người ta sống bằng Thần Khí Người, biết phân biệt Mình và Máu Ðấng Phục sinh trong của ăn này, của ăn lấy ra từ những của cải Chúa ban cho chúng ta (1 Cr 11, 29).

Những người hiệp lễ cũng như những người cử hành Thánh thể đều là thành phần dân tư tế. Trong việc cử hành Thánh Thể, thật vậy, giáo lý Công Giáo dạy rằng chính cộng đồng được tập hợp (với điều kiện là được triệu tập, liên hiệp và chủ toạ bởi một thừa tác viên thụ phong) là chủ thể nguyên vẹn của động tác phụng vụ.

Chính nhân danh chức tư tế phổ quát mà người ta đến cùng Thánh Thể; điều đó có nghĩa là người ta chỉ hiệp lễ nếu người ta là thành phần dân tư tế của Chúa, tức là đã chịu phép Rửa Tội.

Như vậy không thể chấp nhận cho những người không được Rửa Tội, dầu với danh hiệu miễn chuẩn, có thể hiệp thông trong thánh thể, một cách ý thức và cách thường xuyên, dầu khi tạm hướng dẫn để được Rửa Tội sau này. Chúng tôi không thấy một cơ sở nào cho thực hành này hoặc trong Kinh Thánh, hoặc trong truyền thống giáo phụ hay mới đây hơn.

Sách Didachè nhấn mạnh điều này: "Ðừng có ai ăn hay uống Thánh Thể của anh em, nếu không phải là những người đã được Rửa Tội nhân danh Chúa" (Didaché IX, 5); hay là thánh Justin đã nói:"Chúng tôi gọi thức ăn này là Thánh Thể, và không ai có thể thông phần nếu họ không tin vào chân lý của giáo lý chúng ta, nếu họ không chịu thanh tẩy để được tha tội và tái sinh, và nếu họ không sống theo những mệnh lệnh Chúa Kitô. Bởi vì chúng ta không dùng thức ăn này như bánh thường và của uống thường" (1 Apologie 66), hay là thánh Cyprien, khi giải thích kinh Lạy Cha, nói về Thánh Thể như "của ăn hằng ngày" của người Kitô hữu.

2. Những qui định của Hội nghị cải cách Soissons dựa trên việc mục vụ phải lưu ý đến những lý do tâm lý xã hội, theo thực tại phức tạp và bùng nổ của xã hội hiện nay. Tất cả những Giáo Hội nào đón tiếp mà không phân biệt những người có mặt, hay những công đồng nồng nhiệt rộng mở đều bị tình trạng này là những người không được huấn luyện vẫn đến tham dự một buổi cử hành, vì thấy trong sự hiệp lễ một cử chỉ huynh đệ để họ hiệp thông mà không rõ ý nghĩa. Chúa biết lòng của những bà và những ông hành động như thế, nhưng khi những thành phần trong cộng đồng khám phá ra điều đó, thì họ có bổn phận cảnh cáo và giúp những đương sự suy nghĩ, bằng cách đề nghị đón tiếp họ và giúp khai tâm họ, như luôn luôn hành động cách đó trong lịch sử Kitô giáo.

Không có gì thay đổi thật sự về điểm này trong lịch sử, qua các thời kỳ Kitô giáo mà mỗi người đều biết Giáo Hội và sự sống Kitô hữu là gì.

Trong tình thế lẫn lộn hiện nay, khi mà những kẻ tìm cách cho đời sống mình có ý nghĩa hơn, bị cám dỗ bởi những kinh nghiệm khác nhau, trước lúc quyết định một cam kết, chắc thường gặp những trường hợp riêng rẽ này. Ðó là lý do hơn nữa để tăng cường thời kỳ tân tòng, hầu khai tâm và chuẩn bị một phương pháp tiến hành có suy nghĩ và tự do.

3. Cho người ta dự Tiệc mà không rửa rội chỉ có thể gieo sự lẫn lộn trong tâm trí những người tin và những kẻ co ùcảm tình đến gần. Ðó là ít kính trọng điều mà những Kitô hữu đầu tiên gọi, theo thánh Phaolô, "Bữa Ăn của Chúa" (1 Cr 11, 20), nghĩa là bữa ăn do Người sáng lập, cho những kẻ tin và là nơi những kẻ tin đi vào hiệp thông với Người.

Nếu biện pháp cho dự Tiệc trước khi Rửa Tội được áp dụng, vì bất cứ lý do gì, đối với các trẻ em và thanh niên, thì sự lẫn lộn chúng tôi coi như phải lớn hơn nữa.

Nhưng chắc chắn ở đó biểu lộ hai quan niệm rất khác biệt về các bí tích mà chúng ta không thể bỏ qua. Một bên, để cho ngắn gọn, các bí tích là những hành vi của Chúa và là đường ban ân sủng, ghi khắc trong sự cố kết của một quảng đường và của một cuộc xây dựng hữu thể thiêng liêng; bên khác, là những dấu biểu trưng cùng một bản tính như việc rao giảng Tin Mừng, "một hình thức diễn tả ẩn dụ và đặc biệt của Lời Chúa" (x. Réforme, 5-11 juillet 2001, Forum p. 6), và, với danh hiệu này, những dấu đó là những tiếng kêu phải tin và như vậy, tùy cơ hội, có thể phân phát như những dấu chỉ sự chung sống có khả năng làm sinh động đức tin.

Ðiều đó kêu gọi đào sâu việc đối thoại bởi vì những từ ngữ không còn chỉ cùng một sự việc nữa; điều này kêu mời chúng ta xác định việc mục vụ đi cùng của chúng ta. (pastorale de l'accompagnement).

4. Phương pháp tiến hành đại kết thúc giục chúng ta nói với nhau cho rõ ràng. Trong năm 1982, tài liệu Lima, do Ủy Ban Ðức Tin và Thể Chế của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội chủ xướng, nhắm về bí tích Rửa Tội, Thánh Thể và các thừa tác vụ, đã nêu lên những đề nghị chúng tôi xem như không được biết ở đây, tuy đã bị cáo giác. "Có một sự tương quan cần thiết giữa sự hiểu biết và thực hành của chúng ta về bí tích Rửa Tội và sự hiểu biết và thực hành của chúng ta về Thánh Thể" (BEM 6). Về phần mình, Nhóm Dombes đã cố đạt tới sự đồng thuận về ý niệm bí tích trong bản văn 1979 "Chúa Thánh Thần, Giáo Hội và các bí tích", bằng những từ ngữ có thể soi sáng cuộc tranh cãi xảy ra bây giờ.

Chúng tôi mong ước rằng việc đối thoại cho phép chúng tôi xích gần về ý niệm bí tích, và xác định, cho tất cả chúng ta, bí tích Rửa Tội là gì, một bí tích chúng ta nói là chung cho chúng ta. Chúng tôi nhận thấy không phải chỉ có chúng tôi mới bày tỏ âu lo.

Nhưng, sự thực hành nói ra một điều gì đó thuộc về giáo lý, và nếu sự thực hành do Hội nghị Soissons đề nghị phải được củng cố, chúng tôi không còn được bảo đảm nữa về cái điều làm nền của sự hợp nhất chúng ta. Ðiều đó có nghĩa là một sự trượt trong thần học về bí tích Rửa Tội. Ðó là một sự thối lui rõ ràng trên con đường hiệp nhất.

          + Francois SAINT MACARY

             Tổng Giám Mục Rennes

Chủ tịch Ủy Ban Giám Mục phụ trách Hiệp Nhất các Kitô hữu

    (Ðức Ông Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển dịch).

                      (29/07/2001)

 

Những quy định của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ

về việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể

 

Ðối với những Tín Hữu Công Giáo

Các tín hữu Công Giáo gia nhập trọn vẹn vào Thánh Lễ Missa bằng cách lãnh nhận Phép Thánh Thể, hoàn thành Lời truyền dạy của Chúa Kitô: các con hãy ăn Thịt Ta và hãy uống Máu Ta. Ðể xứng đáng được lãnh nhận Mình Thánh Chúa, người lãnh nhận Mình Thánh Chúa phải sạch tội trọng, giữ chay một tiếng đồng hồ trước khi Rước Lễ, và phải sống bác ái yêu thương những người anh chị em khác. Những ai còn vướng mắc tội trọng phải đi Xưng Tội, Giáo hội cũng khuyến khích mọi tín hữu hãy thường năng Xưng Tội (tham dự Bí tích Hòa Giải).

Ðối với những tín hữu kitô ngoài Công Giáo

Giáo hội Công Giáo hoan nghênh tất cả các anh chị em tín hữu kitô ngoài Công giáo cùng đến tham dự Thánh Lễ Missa, nhưng điều đáng buồn là vì họ đã tách lìa khỏi sự hiệp nhất với Giáo Hội Công giáo, và đây cũng là lý do Giáo hội Công giáo không thể mời họ lãnh nhận Bí Tích Mình Thánh Chúa, là Bí tích với dấu chỉ hiệp nhất trong một Ðức Tin, một Ðời sống, một Lễ tế của một cộng đồng hiệp nhất. Việc cho phép những tín hữu kitô không hiệp nhất với Công giáo được lãnh nhận Bí tích Mình Thánh Chúa là một điều chưa có, và chúng ta cũng cần phải cầu nguyện nhiều cho sự việc này.

Ðối với những ai không lãnh nhận Bí Tích Mình Thánh Chúa

Với những ai không thể lãnh nhận Bí Tích Mình Thánh Chúa thì Giáo hội khuyến khích họ hãy tỏ lòng hiệp nhất với Chúa Giêsu và với mọi người anh chị em khác qua những lời cầu nguyện và với lòng ước ao lãnh nhận.

Ðối với những người ngoài Kitô giáo

Giáo hội Công giáo cũng hoan nghênh tất cả mọi người không cùng niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô đến tham dự và chia sẻ với Giáo hội qua Thánh Lễ Missa. Tuy Giáo hội không thể mời họ lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, Giáo hội vẫn kêu mời họ hãy hiệp nhất với Giáo hội trong lời cầu nguyện.

 

+ Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ

                8/11/1986

            Washington, DC.

(Rev. Joseph Trương Văn Phúc chuyển dịch)

                 (05/12/2002)