Cẩm nang của vị mục tử hoàn hảo
Sau ba bài suy niệm ở ba Đền thờ khác nhau, Đền thờ Thánh Gioan Latran, Đền thờ Đức Bà Cả và Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành về chủ đề «Linh mục, thừa tác viên của Lòng thương xót», đúng là cẩm nang của vị mục tử mà Đức Phanxicô muốn ghi khắc vào tâm trí của hơn 6.000 tôi tớ Chúa trong ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa, một ngày lễ được thiết lập cách đây 160 năm, và cũng là ngày Thế giới Cầu nguyện cho chức thánh.
Đức Phanxicô đã đưa ra nhiều lời khuyên thực tiển để các linh mục không đánh mất sợi chỉ dẫn đường của mình, với nhiều «sáng kiến cho các sứ vụ đủ loại: giáo lý, phụng vụ, từ thiện, công việc mục vụ và quản trị». Và đây là một vài chỉ dẫn…
1. Linh mục hướng đến trái tim giáo dân
Linh mục được gọi để nhắm đến «trái tim», có nghĩa là «nội tâm, gốc rễ sâu đậm nhất của sự sống, hạt nhân của tình thương», là «trọng tâm» của con người… Như chiếc «la bàn mà đích đến dứt khoát là người ở xa nhất, trong niềm lo lắng đến với mỗi người và chăm sóc để không một ai đi lạc».
2. Linh mục đi tìm chiên của mình
Chính Chúa đã đi tìm chiên của Ngài (Ez 34, 11-16). Phúc Âm nói, «Ngài đi tìm con chiên đi lạc» (Lc 15, 4) và không để đàn chiên lo sợ vì các hiểm nguy; người mục tử cũng không chần chừ nếu phải đi ra ngoài các đồng cỏ quen thuộc, phải làm thêm ngoài giờ. Cũng không ngại phải trả thêm chi phí. Cũng không hẹn để đó, sẽ đi tìm sau này, người linh mục không nghĩ «hôm nay, tôi đã làm xong bổn phận của tôi».
3. Linh mục không sợ mình bị làm phiền
«Coi chừng các mục tử tư hữu hóa sứ vụ của mình!» Một linh mục tốt lành «không quyết giữ sự yên tỉnh hợp pháp của mình – tôi nói hợp pháp – vì linh mục không bao giờ đòi hỏi giáo dân không được làm phiền mình».
4. Linh mục phải sẵn sàng bị chỉ trích
Người mục tử theo trái tim của Chúa «không bảo vệ để mình được thoải mái, không lo lắng gìn giữ tiếng tốt của mình, nhưng như Chúa Giêsu, người linh mục sẵn sàng bị vu khống». Không sợ bị chỉ trích, «thậm chí linh mục phải dám bắt chước Thiên Chúa của mình».
5. Làm tất cả cho tất cả
Người mục tử theo Chúa Giêsu có tâm hồn tự do để buông hết tất cả công việc của mình: «Linh mục không sống cho những gì mình có và chỉ làm trong giờ phục vụ: linh mục không phải là người kế toán của đầu óc, nhưng là người Samaritain nhân hậu, đi tìm người đang cần được giúp. Linh mục là mục tử chứ không phải thanh tra viên của đàn chiên, người linh mục tận tâm với sứ vụ, làm hết mình chứ không phải chỉ làm với 50, 60%… Và như mọi tín hữu tốt lành khác, người linh mục làm gương cho các tín hữu, linh mục luôn đi ra khỏi con người mình. Linh mục không tập trung vào cái tôi của mình, nhưng vào Chúa và vào con người».
6. Linh mục biết đàn chiên của mình, trọn đàn chiên
«Chúa Kitô yêu thương và biết các con chiên của mình, Ngài hiến mạng sống mình cho đàn chiên và không một con chiên nào xa lạ với Ngài (Ga 10, 11-14). Đàn chiên là gia đình và là đời sống của linh mục. Linh mục không phải là người chủ mà đàn chiên sợ, nhưng là Mục tử đi bên cạnh đàn chiên và gọi chiên mình bằng tên của chúng (Ga 10, 3-4)».
7. Linh mục hướng dẫn đến sự thánh thiện
«Với cái nhìn yêu thương và quả tim phụ tử, linh mục đón nhận, hội nhập, và khi cần phải sửa sai thì luôn là để đến gần; linh mục không khinh ai, nhưng sẵn sàng để tay mình bị lấm dơ cho tất cả mọi người. Người linh mục không mang bao tay».
8. Người linh mục khiêm tốn
Thừa tác viên của truyền thông, người linh mục dâng mừng và sống, linh mục tốt lành «không chờ để được người khác khen thưởng, nhưng là người đầu tiên đưa tay ra, vứt bỏ các phán xét, các nọc độc, các ngồi lê đôi mách.
9. Linh mục là nghệ nhân của hòa bình
Linh mục kiên nhẫn lắng nghe các vấn đề, tháp tùng từng bước theo giáo dân, tha thứ với tấm lòng trắc ẩn vô biên. Linh mục không la mắng người ra đi, người lạc hướng, nhưng luôn luôn sẵn sàng hội nhập và làm êm dịu các cuộc cãi vã».
10. Linh mục vui vẻ trao đổi
Niềm vui của linh mục không phải là «niềm vui cho mình, nhưng niềm vui cho người khác và với người khác, niềm vui đích thực của tình yêu». Niềm vui này đến từ sự biến đổi do lòng thương xót, một «lòng thương xót được cho nhưng không». Linh mục có được sự «bình an nội tại và hạnh phúc thấy mình là tuyến dẫn của lòng thương xót, của sự tiếp cận của con người với Quả tim của Chúa». Buồn bã là chuyện không bình thường của linh mục, đó chỉ là chuyện nhất thời: «Linh mục không biết khắc nghiệt là gì, vì linh mục là mục tử theo Quả tim hiền dịu của Chúa.»
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org