Ngày nay, việc linh hướng rất phổ biến và cần thiết đến độ nó được xem như một phần không thể thiếu trong hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Dọc dài lịch sử với biết bao khám phá mới lạ khác, con người thời nay đã đạt đến sự nhận thức sâu xa về sự cần thiết và giá trị của việc hoàn thiện nhân cách. Thực sự, đây là một điều mới mẻ và đáng được quan tâm trong việc tự đào luyện bản thân. Linh hướng cũng có một tiến trình lịch sử lâu dài so với chiều dài của lịch sử nhân loại. Trong Cựu Ước, chúng ta nhận ra khuôn mặt của Môsê – một nhà linh hướng cho Dân Chúa trong suốt hành trình tiến về Đất Hứa và ông cũng chỉ định 72 vị kỳ mục trợ giúp ông trong sứ vụ này. Chúng ta cũng thấy Thầy cả Êli đã hướng dẫn cho cậu bé Samuel biết cách đáp lại tiếng gọi của Chúa, tiên tri Nathan hướng dẫn Vua Đavít xây đền thờ cho Đức Chúa. Và một trong những biến cố gây ấn tượng nhất về việc linh hướng được tìm thấy trong 2Sm 12 đó là việc tiên tri Nathan khiển trách Đavít về hai tội ngoại tình và giết người. Một vài ví dụ khác như trường hợp của Êlia hướng dẫn cho Êlisa, Sirac hướng dẫn cho những người dưới quyền ông. Bốn trong năm cuốn sách Ngũ Thư hầu hết là những trang sách linh hướng cho dân Israel.
Vào thời Tân Ước, Đức Giêsu đã dành phần lớn sứ vụ công khai của Ngài để hướng dẫn tâm linh cho các môn đệ. Thầy Gamaliel đã hướng dẫn cho Saolô thành Tac-xô, một rabbi Do Thái trẻ tuổi ở dưới quyền ông. Toàn bộ các thư của Thánh Phaolô có thể được nhìn nhận như là những tác phẩm linh hướng cho các giáo đoàn.
Về sau này, vào những thế kỷ thứ 4 và thứ 5, các giáo phụ trong sa mạc vẫn tiếp tục truyền thống linh hướng cho các tân tòng, khi họ tụ họp để thỉnh giáo những lời khôn ngoan của các vị ẩn sĩ. Cùng thời điểm đó ở Bắc Phi, Thánh Augustinô cũng linh hướng cho các nam nữ đan sĩ thuộc quyền Ngài và soạn luật sống giúp họ tiến mau trên con đường thánh thiện. Trong suốt thiên niên kỷ đầu của Kitô giáo, vào lúc hoàng kim, có các đan sĩ Benêđictô ở Tây Phương, các thầy dòng núi Athos ở Hy Lạp và các ẩn sĩ ở Nga tiếp tục truyền thống linh hướng...
Bước sang thiên niên kỷ thứ 2, truyền thống này vẫn được các Hội dòng Bênêđictô, Sixtô, Hội dòng khất thực như Dòng thánh Phanxicô và Dòng thánh Đaminh duy trì ở nhiều đan viện nam cũng như nữ.Vào thế kỷ 14, ở một số nước như Bỉ và Hà Lan,với sự canh tân lòng đạo đức, việc thực hành linh hướng đã lan rộng cho cả những nam nữ giáo dân. Cũng thế, nhiều Hội Dòng đã lập thêm Dòng Ba và các nhóm Tận hiến nam nữ giáo dân với mục đích hướng dẫn đàng thiêng liêng cho họ. Vào thế kỷ 16, các tu sĩ Dòng Carmel và Dòng Tên đã nới rộng việc thực hành linh hướng này không chỉ cho những người đồng chí hướng với mình, mà còn cho cả những giáo dân nữa.
Đến thế kỷ 17, ở Pháp có Thánh Phanxicô Salêsiô, Thánh Vinhsơn Phaolô,còn ở Roma có Thánh Philipphê Nêri, đã thường xuyên linh hướng cho những người nam nữ giáo dân ở phạm vi rộng. Đặc biệt tại Pháp, truyền thống này vẫn còn được duy trì trong suốt thế kỷ 18 và 19. Cuối thế kỷ 19, hai linh mục người Pháp và một giáo dân người Anh đã rất hay linh hướng cho các giáo dân. Hai linh mục đó là Cha Huvelin và Cha Saudreau; còn vị giáo dân người Anh đã linh hướng cho cô cháu gái Gwendyln qua những lá thư rất hay. Carl Jung đã phải thừa nhận rằng trong lịch sử phương pháp tâm lý học chiều sâu, người đã tiến đến gần nhất những bí quyết giải gỡ cho các linh hồn chính là Cha Huvelin ở Pháp vào thế kỷ 19.
Carl Jung và các môn sinh của ông đã đưa ra một nền tảng căn bản cho việc thực hành linh hướng. Các nhà xã hội học và sử gia đã khám phá ra một truyền thống hướng dẫn tâm linh cách tương tự ở những nền văn hóa khác ngoài Do Thái giáo và Kitô giáo. Bên Đông Phương, họ là những bậc thầy ở giữa các tín đồ Phật giáo và Ấn giáo, trong những nền văn hóa cổ ở Châu Phi và dân Eskimos, họ là những pháp sư, nơi thổ dân Mỹ Châu thì họ là các thầy lang. Việc các nhà tâm lý học chiều sâu khám phá ra vô thức và tầm ảnh hưởng lớn của nó trên những hoạt động ý thức đã đóng góp thêm những khía cạnh mới, góp phần làm cho việc thực hành tâm linh mỗi ngày hoàn thiện hơn. Nhà tâm lý học người Đức – Cha Josef Goldbrunner đã diễn tả rất hay về sự liên hệ giữa tâm lý và tu đức qua tựa đề cuốn sách Thánh Thiện là Toàn Diện. Ân sủng và tự nhiên không đối nghịch nhưng luôn bổ túc cho nhau và đều giúp cho chúng ta đạt đến sự trưởng thành như Thiên Chúa muốn. Vì thế, ngày nay bất cứ một vị linh hướng nào ít quan tâm đến những khám phá của tâm lý chiều sâu trong việc hướng dẫn các tâm hồn đạt đến sự thánh thiện, thì vị đó đang mắc phải một thiếu sót quan trọng trong hành trình phát triển tâm linh của người thụ huấn.
Trong thời đại hoàng kim của Kitô giáo, việc linh hướng dường như mới chỉ bắt đầu trước hết với việc đào tạo cho các thầy dòng ở các cộng đoàn tại Ai Cập, Palestine và Syria. Vị linh hướng thường được gọi với danh từ cha haybố. Thánh Antôn ở Ai Cập là một trường hợp điển hình, Gioan Cassian đặc biệt đề cập đến cha Isaac khi viết về việc linh hướng tại sa mạc Ai Cập. Ở phía Tây của Đế Quốc La mã, có một số vị linh hướng nổi tiếng là Gioan Cassiano, Thánh Syprianô, Thánh Ambrôsiô, Thánh Giêrônimô, Thánh Augustinô và Thánh Bênêdictô. Trong suốt thời kỳ tăm tối của lịch sử, việc linh hướng này đã bị giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp, chủ yếu dành cho các đan sĩ và các nữ tu. Vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, khi đi truyền giáo ở miền Nam Châu Âu, Các thầy dòng Irish đã giới thiệu việc linh hướng cho các giáo dân ở các nước Pháp và Đức. Thế kỷ 17 được xem như là thời hoàng kim của việc linh hướng. Đến thế kỷ 20, việc khám phá ra nền tâm lý học chiều sâu đã góp phần không nhỏ trong việc cố vấn tâm linh. Ngày nay lại một lần nữa dường như chúng ta đang ở sát thời đại vàng son của việc linh hướng, bằng chứng là trong thời gian gần đây có rất nhiều loại sách về chủ đề này đã được xuất bản.
Mary Phan chuyển ngữ
Nguồn: Chester P. Michael, An introduction to spiritual direction – A psychological approach for directors and directees, Paulist Press, 2006