Về Việc Xin Lễ Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

Cầu nguyện cho người đã qua đời

Trong sách Ma-ca-bê quyển thứ 2 kể lại việc « Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giêrusalem để xin dâng hy tế tạ tội ; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quí này vì cho rằng ngươì chết sẽ sống lại…Đó là lý do khiến ông xin dâng hy tế đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” ( x. 2 Macabê 12:43-46). Đây là nguồn gốc trong Kinh Thánh Cựu Ước về việc cầu nguyện cho người quá cố vì có niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết.

Niềm tin này đã được củng cố vững vàng hơn với biến cố lich sử về cuộc tử nạn và phục sinh của chính Chúa Giê-su Kitô như Kinh Thánh Tân Ước đã tường thuật tỉ mỉ.(x.Mt.27-28; Mc 15-15, Lc 23-24; Ga 19-20).Từ đó, việc cầu nguyện cho người chết đã trở thành truyền thống trong Giáo Hội cho đến nay vì niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết và vì tín điều các Thánh cùng Thông Công.


Sách Giáo Lý mới của Giáo Hội qua số 958 và số 1032 đã khuyến khích việc cầu nguyện cho kẻ chết dựa vào niềm tin nói trên và vào lời dạy của Thánh Gioan Kim Khẩu sau đây : “Chúng ta hãy cứu giúp và tuởng nhớ đến những ngươì đã qua đời. Nếu con cái Ông Job được thanh luyện nhờ sự hy sinh của Ông, thì tại sao chúng ta lại nghi ngờ rằng những việc hiến dâng của chúng ta sẽ đem lại an ủi cho các linh hồn ấy? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ”[1] .

Như vậy, việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời đã có từ thời Cựu Ước và được Giáo Hội Chúa Kito duy trì đến ngày nay là một việc làm rất cần thiết của người Kito hữu. Chúng ta có nhiều cách làm hữu ích cho các linh hồn nơi luyện ngục như đọc kinh cầu nguyện, ăn chay hãm mình đền tội, làm việc bác ái và xin dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn.

B. Bổng lễ

Liên quan đến việc xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn, xin chia sẻ ở đây về bổng lễ (tiền xin lễ) và việc các linh mục dâng lễ.

Khác với các nước ở Châu Âu và Mỹ, linh mục Việt Nam không được trả lương nên nguồn thu duy nhất để sống và làm việc tông đồ của linh mục là bổng lễ.


Thời xa xưa, mỗi khi dự lễ, giáo dân có thói quen đem bánh, rượu để dâng lễ và những quà tặng khác cho linh mục và người nghèo[2]. Đó là nguồn gốc của bổng lễ. Đến thế kỉ XI, thánh lễ được cử hành cách thường xuyên hơn. Sự kiện này dẫn đến việc giáo dân muốn linh mục dâng lễ riêng cho mình và họ dâng thêm một bổng lễ riêng, ngoài những của lễ chung. Dần dần, những bổng lễ riêng đã hầu như thay thế những của lễ chung.


Về tiền xin dâng một thánh lễ có bổng lễ, Giáo luật điều 848 qui định: “Khi ban các Bí Tích, thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải cẩn thận đừng để những người nghèo không được lãnh Bí Tích vì lý do nghèo túng”.


Nói rõ hơn, khi nhận dâng một thánh lễ do ai xin, linh mục không được phép đòi tiền (bổng lễ) quá mức mà Toà Giám Mục đã ấn định. Cụ thể, ở Việt Nam nói chung và ở Giáo Phận Phát Diệm nói riêng, để đảm bảo một mức sống tối thiểu và để hỗ trợ cho mục vụ trong giáo xứ, thì cho đến nay linh mục được nhận bổng lễ cho mỗi ý lễ xin là 10 đôla (tương đương 200.000 đồng việt nam). Qui định này áp dụng chung cho mọi nhà thờ, giáo xứ, không phân biệt. Nếu một người không có tiền hoặc chỉ có ít tiền mà muốn xin dâng lễ theo ý chỉ, người ấy cứ việc xin lễ với một vị linh mục vì Giáo luật điều 945,2 kêu mời các linh mục trong hoàn cảnh này chấp nhận dâng lễ mà không cần bổng lễ.


Vậy, linh mục không được phép đòi hỏi bổng lễ cao hơn mức Giáo quyền đã qui định.Tuy nhiên, nếu vì lòng hảo tâm mà giáo dân tự ý dâng số tiền cao hơn mức qui định trên thì linh mục được phép nhận mà không có lỗi gì. Cũng cần nói thêm là tiền xin lễ chỉ có giá trị giúp đỡ linh mục “ phục vụ Bàn thánh thì được hưởng lộc Bàn thờ” như Thánh Phaolô dạy (x.1Cor 9:13-14). Tiền xin lễ nhiều hay ít tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến việc Chúa ban ơn theo ý người xin lễ vì thánh lễ là vô giá và ơn thánh của Chúa thì không thể mua được bằng tiền bạc. Xin ghi nhớ điều quan trọng này để đừng ai lầm tưởng rằng nếu xin lễ với bổng lễ to thì có lợi nhiều cho linh hồn hơn là xin với bổng lễ nhỏ.


Về vấn đề rao các ý lễ trong thánh lễ thì không có luật nào buộc. Chỉ có luật buộc các linh mục “phải ghi cẩn thận những ý lễ đã nhận sẽ làm và những ý lễ đã làm xong”, cũng như phải ghi sổ sách rõ ràng các ý lễ muốn chuyển cho các linh mục hưu chí, và những giáo xứ nghèo khó rất ít người xin lễ (x.Giáo Luật số 955, triệt 3&4).


Giáo dân cũng nên biết rằng mỗi một ngày linh mục chỉ được hưởng một bổng lễ, dù lễ hôm đó linh mục rao tên nhiều ý lễ, dù làm nhiều thánh lễ trong một ngày, dù đồng tế thêm lễ thứ 2, trừ lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Bổng lễ thứ 2 trong ngày (nếu được phép của Giám Mục Giáo Phận qui định theo Giáo Luật điều 951), sau khi đã trừ thù lao một nửa để gửi về Tòa Giám Mục, số còn lại với mục đích giúp người nghèo, làm việc bác ái, tông đồ.


Vấn nạn về việc gom ý lễ, tức là linh mục có được phép dâng một thánh lễ với nhiều ý lễ không thì xin được chia sẻ trong một dịp khác.


Lm. Luca Pham Quang Huy

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội

 

 

-----------------------------

[1]Cf. Thánh Gio-an Kim Khẩu, In epistulam I ad 1 Cor. homilia 41,5: PG 61,361.
[2]Cf. St. Justin, Apologie 1,67