Đôi Điều Suy Nghĩ Về Việc Giáo Dục Trong Bối Cảnh WTO

Cùng với sự phát triển của nền thời kinh tế thị trường, cuối năm 2006 xã hội Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặc quan trọng đối với vị thế của Việt Nam trên trường thế giới. Nó mở ra nhiều vận hội và cơ may giúp người dân ngày càng thăng tiến trong nhiều lĩnh vực. Do đó, việc gia nhập vào sân chơi lớn của thế giới giúp người dân mở rộng tầm nhìn, mở rộng tầm hiểu biết về thế giới, và tất nhiên người ta có thể biết về mình nhiều hơn. Đồng thời, như Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói, song song với việc mở toang cánh cửa sổ để đón nhận những ‘luồng gió mới’, những ‘bụi bặm’ và những ‘cơn gió độc’ của trần thế cũng có thể thừa cơ để len lỏi vào căn nhà của mình.
Trong lãnh vực kinh tế, người dân có nhiều cơ hội làm ra của cải để phục vụ cho những nhu cầu về đời sống vật chất của mình. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế giúp nâng cao đời sống vật chất, họ được hưởng nhiều dịch vụ xã hội do sự phát triển đem lại. Có thể nói, so với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, một nền kinh tế tự cung tự cấp theo chu kỳ khép kín, thì nền kinh tế thị trường trong sân chơi WTO đem lại cho người dân nhiều hứa hẹn phát triển về nhiều lãnh vực. Tuy nhiên, một sân chơi lớn với những cơ hội phát triển, những thách đố về chính bản thân những người tham gia cuộc chơi cũng không thiếu. Đó chính là quy luật về tính hai mặt của một vấn đề mà một triết gia ở thế kỷ 19 đã trình bày trong học thuyết của mình. Mọi cuộc chơi đều có luật chơi và những đòi hỏi nhất định của nó. Việc chuyển đổi từ một sân chơi ở cấp ‘làng – xã’ sang một sân chơi mà biên độ của nó không còn giới hạn trong những định chế, khuôn khổ của ‘lệ làng’ nữa thì bản lĩnh tối thiểu của những người tham gia cuộc chơi nhất thiết phải có. Ơ sân chơi lớn này, luỹ tre làng hay những định chế, qui ước phía sau luỹ tre làng sẽ không còn đủ sức che chắn trước những cơn sóng gió thình lình bao trùm lên những người tham gia cuộc chơi. Nói chung những ràng buộc từ bên ngoài khó có thể bảo vệ con người trong sân chơi toàn cầu như hiện nay. Như thế, họ phải cần đến một thứ che chắn vững chắc khác có thể bảo vệ và gìn giữ trước những giông tố của đời họ.
Đó chính là nhiệm vụ và là công việc chủ chốt của những người làm công tác giáo dục. Bởi lẽ, những người này thực sự đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp mà người ta thường nói với nhau là “sự nghiệp trồng người”. Hơn ai hết, chính những người làm công tác giáo dục phải thẩm thấu một điều rất đơn giản là muốn gặt hái thành quả ngày mai, ngày hôm nay phải bắt tay vào việc gieo trồng và chăm sóc.
Có một điều có vẻ rất đơn giản và dễ hiểu, và đã được nhiều người nhắc đến. Đó là, theo quy luật tự nhiên, nếu gieo mầm hạt xoài trên mảnh đất của mình, ắt sẽ có cây xoài và cây đó khi lớn lên sẽ trổ sinh nhiều trái xoài khác. Tuy nhiên, không ít người cho đến nay vẫn chưa hiểu được nguyên lý đơn giản này trong khi thi hành sứ mạng của mình.
Dĩ nhiên, để có được vụ mùa thu hoạch trên mảnh đất của mình, phải có cả một quá trình dài chăm sóc và dưỡng nuôi cây. Bản thân cây, để có được sự trưởng thành, cũng phải trải qua nhiều giai đoạn “thử thách” khác nhau. Nếu chỉ chuyên lo cho việc diệt sạch cỏ dại khi cây còn nhỏ mà không chăm lo cho sự phát triển của cây, nguy cơ suy dinh dưỡng trong quá trình phát triển là điều khó tránh khỏi, chưa nói đến khả năng đâm rễ sâu vào lòng đất làm nền tảng vững chắc của cây trước những cơn bão tố khi cây trưởng thành cũng sẽ suy yếu. Thay vì chỉ chuyên lo tiêu diệt cỏ dại, người ta vẫn có thể tập trung vào việc chăm sóc cây. Có thể, khi cây còn nhỏ, cỏ dại sẽ che phủ thân cây khi đứng từ xa nhìn vào. Nhưng khi cây đã lớn, những tán lá sẽ che phủ và tạo bóng mát cho cả một vùng đất xung quanh nơi cây sinh sống, góp phần làm tăng độ tơi xốp cho khu đất; đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển của cỏ dại và giảm thiểu nguy cơ xói mòn khu đất.
Công việc giáo dục đòi hỏi người làm công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân bản Kitô giáo, cần phải có được cái tâm của Thầy Giêsu. Nghĩa là công việc giáo dục đòi hỏi nơi họ những hy sinh âm thầm khi gieo trồng những mầm cây trên mảnh đất tâm hồn con người, và tất nhiên cần phải luôn biết chăm sóc, vun xới cho cây ngay cả những lúc cây chưa sinh hoa kết trái (x. Lc 13, 8). Đặc biệt, trong bối cảnh khi xã hội Việt Nam đã gia nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới, tinh thần của Tân ước cần phải được áp dụng cách cụ thể hơn, đó là tinh thần của người dám bỏ lại 99 con để đi tìm một con chiên lạc (x. Mt 18, 12) chứ không phải là tinh thần của những người ngồi một chỗ để chờ chiên tìm đến xin gia nhập đàn. Như vậy, việc giáo dục theo kiểu chủ nghĩa “sản xuất hàng loạt”, hay “chủ nghĩa sắp hàng” lúc này không còn mấy tác dụng nữa, thì đến lúc cần có sự biến đổi để có được những con người có thể góp phần vào vận mệnh của dân tộc.
Có lẽ ai cũng dễ dàng đồng ý rằng công tác giáo dục là công tác nòng cốt làm nền tảng cho sự phát triển xã hội ngày mai. Và cũng có thể không quá viển vông khi có người đã khá mạnh dạn phát biểu rằng, đầu tư cho giáo dục là đầu tư chính yếu cho sự phát triển. Trong vòng xoáy của một thời đại mà chất xám, hay còn gọi là hàm lượng trí tuệ được tôn trọng đúng mực thì những người không có khả năng hay thiếu năng lực chuyên môn sẽ nghiễm nhiên được gạt ra bên lề, để thế chỗ cho những người có khả năng và hiểu biết thực sự. Bên cạnh chiều kích phát triển xã hội, chiều kích thăng tiến con người cũng không kém phần quan trọng. Giáo dục không chỉ là cung cấp cho người ta một mớ kiến thức hỗn độn hay một số kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Nếu chỉ chú trọng đến khả năng chuyên môn, người ta có thể lập trình cho máy tính làm việc một cách hoàn chỉnh. Tuy nhiên, con người là một thực thể trọn vẹn cả hồn lẫn xác tồn tại trong một thời điểm nhất định giữa xã hội loài người. Giáo dục trước hết phải hướng đến một mô hình nhân cách trọn vẹn, phải hình thành nơi cá nhân một thái độ và một cách thế sống phù hợp với những điều kiện cụ thể nơi từng cá nhân[1]. Cùng một lối nghĩ đó, Giáo hội đã tỏ ra rất thao thức khi nhấn mạnh đến “vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người và ảnh hưởng của nó luôn gia tăng trên đà tiến triển của xã hội hiện nay”[2].
Triết gia Emmanuel Kant cho rằng, giáo dục có một sứ mạng rất quan trọng là phải làm sao để phát triển nơi cá nhân tất cả sự toàn hảo mà họ có thể có được, để từ đó, họ có khả năng hoàn thành được sứ mệnh riêng của mình trong cuộc đời của họ. Bởi ông cho rằng Thượng Đế đã sáng tạo con người có tự do và trí năng của con người có thể đạt đến một sự hiểu biết khả dĩ và chính khi cá nhân sống hết mình cho niềm đam mê của mình, họ xứng đáng và có quyền đón nhận phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ.[3]
Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo cho thấy một lập trường rõ ràng của Giáo hội như sau: “Nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành”[4].
Henri Joly lại cho rằng, giáo dục có mục đích giúp con người hoàn toàn làm chủ bản thân và sử dụng đúng mức tất cả mọi khả năng của mình. Trong một thời đại mà khối lượng thông tin trao đổi cách choáng ngợp qua các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay, ít ra quan điểm của Henri Joly tỏ ra rất đúng và cần thiết hơn bao giờ hết. Nếu không tạo ra nơi các các nhân khả năng làm chủ bản thân, họ sẽ dễ dàng chết ngộp trước một lượng thông tin khổng lồ, hằng ngày dồn dập như muốn chôn vùi người nhận.
Nhà xã hội học E. Durkheim cho rằng sứ mạng của giáo dục là phải chuẩn bị nơi cá nhân những thích ứng với xã hội chính trị và môi trường riêng mà sau này cá nhân đó sẽ sống. Bởi lẽ, suốt cuộc đời, con người tham gia vào rất nhiều loại hình cơ cấu trong xã hội. Trong những cơ cấu này, họ phải hoàn tất việc hội nhập của mình để tồn tại. Ông còn cho rằng, giáo dục là hoạt động không chỉ riêng của một người hay một nhóm người nhưng là của cả một cộng đoàn đối với một thế hệ để đảm bảo cho thế hệ đó tồn tại và phát triển không ngừng.[5]
Như vậy, sứ mạng của những người làm công tác giáo dục cũng được trông chờ ở việc làm cho những người được giáo dục có được một bản lĩnh cần thiết. Hay nói cách khác, bối cảnh xã hội hiện nay đòi hỏi những người làm công tác giáo dục phải tạo ra một sự trưởng thành và quân bình đầy đủ nơi những người được giáo dục để đến lượt mình, những người này có thể đảm nhiệm đúng vai trò của mình trong xã hội trần thế, nơi họ sinh sống.
Tình trạng xuống cấp về nền giáo dục nước nhà trong những năm gần đây, đã thôi thúc Hội đồng Giám mục Việt Nam ra một Thư chung với chủ đề: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai”. Mọi người hy vọng rằng, với những thao thức của những người có trách nhiệm trong việc giáo dục, và qua Thư chung trên đây, vấn đề giáo dục đào tạo sẽ được cải thiện. Người ta có quyền tin tưởng vào một xã hội và Giáo hội tốt đẹp hơn; bởi vì, vẫn còn rất nhiều những tâm hồn thành tâm thiện chí muốn đem sức lực và tài năng của mình để phục vụ xã hội, phục vụ con người. 

 

Nguyên Minh 

 

[1] x. Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên (TPHCM: Đức tin & Văn hoá, 2005), tr. 193.
[2] Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, mở đầu.
[3] x. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Kant, (Saigon: Văn Mới, 1974), phần I, chương 2; phần II, chương 3.
[4] Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 1.
[5] x. Nguyễn Xuân Nghĩa, Xã Hội Học (TPHCM: 2005), tr. 22.