SINH ĐỘNG HÓA,
MỘT PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO MỚI
Các bề trên trong hội dòng được trao cho quyền bính để phục vụ cộng đoàn nhà dòng của mình. Các ngài có quyền bính thực sự và được mời gọi thực thi quyền bính đó theo phong cách Giáo Luật diễn tả:
Trong tinh thần phục vụ, các Bề Trên hãy hành sử quyền hành đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua tác vụ của Giáo Hội. Vì vậy, các vị hãy tỏ ra ngoan ngoãn với ý Chúa trong khi chu toàn nhiệm vụ, cai trị các người thuộc quyền như những người con của Chúa, biết tôn trọng nhân vị của các người ấy qua việc xúc tiến sự vâng lời tự nguyện, vui lòng lắng nghe họ và cổ xúy sáng kiến của họ nhằm thiện ích của dòng và của Giáo Hội, tuy vẫn duy trì quyền của Bề Trên quyết định và truyền khiến điều gì phải làm [GL 618].
Các Bề Trên hãy tận tâm thi hành nhiệm vụ của mình, và cùng với các phần tử được giao phó, hãy tìm cách xây dựng trong Ðức Kitô một cộng đồng huynh đệ, trong đó mọi người tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Vì vậy các Bề Trên hãy nuôi dưỡng các phần tử với lương thực thường xuyên của lời Chúa và dẫn đưa họ tới cử hành phụng vụ. Các Bề Trên hãy làm gương cho họ về việc trau dồi nhân đức và tuân hành lề luật và truyền thống của Dòng; chu cấp tương xứng các nhu cầu của họ, săn sóc và viếng thăm các người bệnh, sửa trị các người ngỗ nghịch, an ủi những người nhút nhát, nhẫn nại với hết mọi người [GL 619].
Việc thực thi này trên thực tế ra sao? Giáo Luật không có nói và dành cho mỗi hội dòng cũng như sự thích ứng theo hoàn cảnh. Con xin được trích “hồi ức” của một vị đã nhiều năm giữ vai trò Bề trên, từ cộng đoàn địa phương cho tới lãnh đạo hội dòng. Ngài chia sẻ:
“Nhiều năm làm việc kéo dài gần như suốt một thời gian dài cho tới ngày hôm nay, thì vấn đề của tôi phần lớn là làm sao lãnh đạo cho tốt hơn là làm sao vâng phục; mối lo lớn nhất của tôi là làm sao quyết định cho đúng trong tư cách một người lãnh đạo, hơn là làm sao vâng lời một bề trên. . . . Trong tư cách một người nắm giữ quyền điều hành và lãnh đạo trong nhiều năm, hơn ai hết dĩ nhiên tôi thâm tín về giá trị và sự cần thiết của tôn ti trật tự trên dưới đối với bất kỳ một xã hội hay tổ chức nào. Vâng phục dứt khoát là hợp lý và cần thiết vì tính điều hợp và gắn kết của nó! Về mặt lý thuyết sẽ không có gì để bàn cãi, thế nhưng, về mặt nhân cách tu sĩ, thì hình như luôn có một tiếng thì thầm bên tai tôi rằng: cho dẫu cần thiết và có giá trị thật đấy, nhưng Vâng phục vẫn chỉ là một điều tôi phải miễn cưỡng chấp nhận mà thôi! Hoàn toàn vì… kết quả tốt lành của nó trên xã hội và tập thể thì nhiều, nhưng trên chính con người đang Vâng phục thì ít.” Và ngài kết lại suy tư về vâng phục của bản thân: “Tóm lại quan niệm vâng phục của tôi không mấy nhất quán.”
“Mối lo duy nhất là làm sao quyết định cho đúng trong tư cách người lãnh đạo”. Đây là một phong thái làm bề trên của một hội dòng và rồi khi suy nghĩ lại, vị bề trên này cảm thấy có cái gì không ổn và mang nhiều trăn trở.
Kính thưa Bề trên, phải chăng vai trò của bề trên là phải lo sao quyết định cho đúng trong tư cách người lãnh đạo, người lên tiếng nói cuối cùng, người chịu trách nhiệm về các quyết định trong việc điều hành đời sống và sứ mệnh của cộng đoàn tu sĩ?
Quả đúng là như thế, như HL SDB chúng con diễn tả, áp dụng GL 618 [và con tin rằng các Hiến Pháp Hội Dòng cũng diễn tả cách tương tự]: “Bề trên thi hành quyền bính của mình bằng cách lắng nghe anh em, khích lệ sự đóng góp của mọi người và cổ võ sự liên kết các ý chí trong đức tin và đức mến. Ngài kết thúc giờ phút tìm kiếm chung bằng cách lấy những quyết định thích hợp, thường đến tự việc đồng quy các quan điểm” [HL 66]
Đó là phong cách lãnh đạo của các bề trên được các hội dòng diễn tả: “Lo sao lấy được những quyết định thích hợp, thường đến tự việc đồng quy các quan điểm.” Phong cách này đã được vị bề trên chia sẻ như ta đã nghe. Nhưng chính bản thân ngài cảm thấy có gì không ổn [!]
Tại sao thế, một điều rất rõ là chúng ta đã bước vào một thời đại mới, thời đại của thông tin bùng nổ, đa chiều. Một vấn đề được nhìn từ nhiều góc cạnh và rồi không chỉ có một giải pháp cho một vấn đề để rồi Bề trên an tâm đây là giải pháp thích hợp [chưa dám nói là thích hợp nhất!], truyền lệnh cho bề dưới, coi đó là Ý Chúa và rồi bề dưới cũng coi đó là ý Chúa được diễn giải qua Bề trên và vâng nghe!
Trong khi đó, hiện nay, Giáo Hội nói tới một phong cách lãnh đạo trong các hội dòng được hàm ý trong GL 619, mà chúng ta có thể sử dụng từ “sinh động hóa” để chỉ đến phong cách này. Bài nói chuyện này xin được triển khai qua ba phần. Phần Nhất, chúng ta hiểu gì về Sinh Động Hóa? Phần Hai đề cập đến chính vị Bề Trên là người Sinh Động, đâu là những tố chất và thái độ cần vun trồng để có thể chu toàn trách vụ Sinh động hóa này? Và Phần Ba, đâu là những bước cần thiết trong việc Sinh Động Hóa, hay nói cách khác, Sinh động hóa được thi hành cụ thể ra sao?
- SINH ĐỘNG HÓA: XÁC ĐỊNH NỘI HÀM VÀ ĐỐI TƯỢNG
Từ ngữ “sinh động hóa” đến từ chữ Latin và những chữ xuất phát từ tiếng Latinh
“Animare”, động từ hóa danh từ Anima, nghĩa là “hồn”, “Sinh khí”, “Sống”. Cái gì có “hồn”, có “sinh khí” là sinh vật, hữu thể sống.
Áp dụng trong bối cảnh đời sống thánh hiến chúng ta, animare là “làm cho sống”, “làm cho sinh động”. Sinh động gì nếu không phải là sinh động chính đời sống thánh hiến? Chắc chắn đời sống thánh hiến cốt yếu là một đời sống, đời sống được thánh hiến. Chúa Giêsu chính là Sự Sống. Ngài đến để ban cho ta sự sống, sự sống đích thực và là sự sống dồi dào (Ga 10, 10). Song sự sống mà những người môn đệ của Đức Giêsu là chúng ta đây cùng với các thành viên hội dòng mình mưu tìm, quan tâm, khao khát, hẳn không phải là một loại đời sống xàng xàng nào, mà là đời sống tận căn, tuyệt hảo, phong phú, tràn đầy, đầy phẩm chất, tốt hơn cả (PC).
Khi tuyên khấn, mọi tu sĩ thánh hiến đều khao khát từ bỏ ý riêng của mình để mưu tìm và vâng phục thánh ý Chúa[1]. Thánh ý ấy được tỏ hiện qua Tin Mừng, qua Huấn quyền của Giáo Hội, Tu Luật Hội Dòng [Hiến Pháp/Quy Chế] và qua hiện trạng cuộc sống. Sống đúng theo Ý Chúa như thế, họ được sống sự sống Thiên Chúa cách sung mãn và được bình an. Bề trên đóng vai trò trung gian để diễn giải Ý Chúa trong những tình huống cuộc sống hàng ngày. Các ngài được ban cho ”quyền bính” [Authority] để diễn giải Ý Chúa cho thành viên hội dòng. Từ ngữ Authority [autoritas] này lại đến từ gốc Latinh: augeo, augere, auctum mà chúng ta thấy từ ngữ tiếng Anh đến từ đó là Author [tác giả, người hình thành nên], cũng như Augment, Auction [đấu giá]. Như thế, Authority có nghĩa là làm cho gia tăng, tăng trưởng, gợi lên sự tham gia [auction: đấu giá].
Như vậy, vai trò của bề trên chắc chắn không phải chỉ là để “cầm cương nảy mực”, “giữ gìn” theo nghĩa là “thủ”, “bảo thủ” mà là phải giúp cho hội dòng mình “tiến”, “tiến bộ”, “phát triển”, “cấp tiến” hiểu theo nghĩa đúng đắn của nó. Chúng ta cứ lấy hình cảnh của một CEO, một vị lãnh đạo công ty đời, người lành đạo quốc gia. Việc chính của họ là làm sao cho công ty được “tiến” [thêm thị phần, mở rộng thị trường; người dân thêm thu nhập, cuộc sống được thăng tiến v,.v . . .]. Như vậy, các cha xứ, giám mục, được trao cho quyền bính nghĩa là trao cho trách nhiệm làm gia tăng đoàn chiên cả phẩm lẫn lượng; bề trên dòng trao cho quyền bính để làm gia tăng phẩm chất đời sống thánh hiến, huynh đệ, và mở rộng sự phục vụ tông đồ cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Đương nhiên, chúng ta cũng hay nói tới nhiệm vụ là “duy trì”, “gìn giữ” “bảo vệ vẹn toàn đức tin, trung thành với đoàn sủng v. v. . . [Và vẫn có người vấn nạn khi nhìn đến một số lãnh đạo ngày nay nắm chặt vị trí quyền bính của mình và không hề tỏ ra dấu hiệu nào sẽ từ bỏ. Tiếc thay, trong Giáo Hội cũng có biểu hiện như thế]. Đó là vì quyền bính đã bị hiểu và thực thi cách sai lạc, trở thành một thứ lạm dụng quyền bính [quyền hành] và vì thế là bảo thủ. Trong khi đó, đức tin, đoàn sủng là những thực tại sống, chứ không phải là vật. Mà thực tại sống lại phải triển nở, vươn ra, lớn lên. Tự nó, quyền bính [Authority/Augmentare] cũng là một thực tại sống động, năng động, mang tính phát triển nếu được hiểu đúng và thực hiện đúng. Trong lãnh vực đời, khi người ta nói đến phát triển kỹ thuật, gia tăng thị phần, thâu tóm quyền quyết định để mưu lợi cho bản thân [danh giá, kinh tế], thì quyền bính hay quyền hành trong Giáo Hội lại nói đến sự thăng tiến, phát triển của những con người, người Kitô hữu trong Đức tin, cộng đoàn giáo hội trong đức ái, trong sự hiệp nhất, của những con người tu sĩ phát triển đời sống thánh hiến và lòng trung thành của mình với đoàn sủng v. v. . Đó là nhiệm vụ Giáo hội ủy thác, trao ban và các bề trên lãnh nhận [GL 619].
Chúng ta đã nghe rất nhiều về “sự phục vụ của quyền bính”, “quyền bính là nhằm phục vụ”. Chắc chắn là đúng, nhưng việc phục vụ đây không chỉ có nghĩa là cầm cái chổi quét nhà, lao động v. v.. Hẳn rằng những công việc trong gia đình, khiêm hạ như thế là đáng quý, nhưng tự chúng lại không phải là việc phục vụ của quyền bính mà các bề trên được mời gọi thực thi. Quyền bính là giúp/phục vụ anh [chị] em mình thăng tiến, được thăng tiến như người Kitô hữu, như người tu sĩ sống đời thánh hiến, đưa tới mức cuộc sống dồi dào, sung mãn, niềm vui trọn vẹn [1Ga 1].
- Hiểu như thế, sinh động hóa là làm cho thực thể sống được sống động hơn, một thực tại sống được sống và phát triển, một con người và những con người dưới quyền mình được thăng tiến. Câu hỏi được đặt ra là thăng tiến gì? Câu trả lời hệ tại ba vòng tròn đan xen vào nhau:
- Vòng thứ nhất mang tên hiệp nhất. Nói cách khác, trách vụ đầu tiên của quyền bính là quy tụ, hiệp nhất, hình thành một đội ngũ hiệp nhất bởi vì chỉ như thế công việc mới hiệu quả. Giáo Hội nói:
Những ai cầm quyền cổ võ sự tăng trưởng đời sống huynh đệ qua việc lắng nghe, đối thoại, tạo nên mội trường thuận lợi để chia sẻ và đồng trách nhiệm, sự tham dự của mọi người vào việc quan tâm lẫn nhau, quân bình phục vụ giữa cá nhân và cộng đoàn, phân định và cổ võ sự vâng phục.[2]
Tuy nhiên, hiệp nhất không chỉ được xây dựng ở chiều ngang, tức là, sự hiệp nhất của những thành viên trong cộng đoàn với nhau. Hiệp nhất còn phải được cổ võ theo chiều dọc nữa, tức là, sự hiệp nhất của cộng đoàn địa phương với cộng đoàn lớn hơn là Tỉnh Dòng và các cộng đoàn lớn hơn nữa là Hội Dòng và Giáo Hội.
Vì vậy, người có quyền bính, là người hiệp nhất, và thực tại này phải thật là rõ trong những thái độ, lời nói và hành động. Nếu ngược lại, vị đó có khuynh hướng hay phê bình Đức Thánh Bề trên, Bề trên Bề Trên Cả, hay các Bề Trên khác, hẳn ngài sẽ thất bại ngay chính trong trách vụ đầu tiên của người có quyền bính là xây dựng sự hiệp nhất.
- Vòng tròn thứ hai có tên là sứ mệnh. “Sứ mệnh” nói tới công cuộc tông đồ. Để được như thế, một Bề Trên tốt biết cách hun đúc lòng nhiệt thành và tinh thần truyền giáo, với lòng yêu mến sâu xa người nghèo khổ, tới đối tượng hội dòng hướng tới phục vụ và giúp họ thăng tiến cả về nhân bản lẫn Kitô hữu. Bề trên khéo léo và nhẫn nại phối hợp nỗ lực của mọi người phục vụ cho sứ mệnh. Ngài nhắc nhở cho mọi thành viên cộng đoàn trong sứ mệnh hoặc đang làm một việc tông đồ nào, ngay cả khi một mình, rằng họ đang hành động nhân danh công cuộc hay cộng đoàn và như thế làm việc nhờ cộng đoàn.[3]
Vị bề trên tìm cách tốt nhất sao cho “cộng đoàn cùng nhau tiến bước, và nếu cần, chờ đợi anh em tiến chậm hơn, trân trọng sự đóng góp của từng người, chia sẻ bao có thể niềm vui và nỗ lực, cách nhìn và những gì không vững chắc, để rồi ai nấy đều cảm thấy việc tông đồ của người khác cũng là của mình, không tị hiềm hay ghen tương.” [4]
Hơn nữa, ngài cổ võ sự cộng tác với người đời trong các công cuộc và hoạt động của hội dòng, ý thức rằng sự tham gia của người đời đem lại những đóng góp vô giá nhờ tính chất họ “hiện diện ở đời” và công việc chuyên biệt của họ. Lưu tâm như thế, ngài nỗ lực nhận diện khả năng và trách nhiệm của người đời cũng như của tu sĩ và những thực thể trung gian (hội đồng quản trị chẳng hạn).
- Sau cùng, vòng tròn thứ ba liên quan tới việc mỗi cá nhân thành viên hội dòng hoàn thành ơn gọi của mình. Ngay cả khi vị Bề Trên lưu tâm đến cộng đoàn, ngài không được xao lãng người hội viên và những nhu cầu của họ. Ngài đồng hành với cá nhân họ, nhìn nhận những khả năng và sự nhạy bén của họ, lưu tâm đến hiện trạng của họ và tìm cách để họ cống hiến tốt nhất cho các hội viên và đối tượng hội dòng/cộng đoàn phục vụ. Như Giáo Hội dạy:
Người có quyền bính được mời gọi cổ võ phẩm giá của nhân vị,” lưu tâm đến từng thành viên của cộng đoàn và sự tăng trưởng của họ, trân trọng và suy xét tích cực từng người, nuôi dưỡng lòng cảm mến chân thực với mọi người và gìn giữ cẩn mật những gì được tín cẩn thổ lộ.”[5] Ngài phải “lưu tâm đến tính tình của mỗi hội viên . . . những khó khăn và khuynh hướng của họ, để có thể giúp cho từng người biết cách diễn tả . .. những tài năng của họ, . . . tôn trọng sự tự do của hết mọi người . . .[6]
Điều đáng lưu ý là cả ba vòng tròn này đang xen vào nhau, nghĩa là, chúng tương quan với nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng hạn, trong một cộng đoàn được hiệp nhất (vòng tròn thứ nhất) và hiến mình cho sứ mệnh (vòng tròn thứ hai) và từng thành viên thấy chu toàn được trong ơn gọi của mình (vòng tròn thứ ba), ít nhất là theo mức độ nào đó. Tương tự như thế, nếu một thành viên cảm thấy mình được hoàn thành trong ơn gọi của mình (vòng tròn thứ ba), thì chỉ nguyên kinh nghiệm này mà thôi đã có thể đưa tới việc mình sống và làm việc hài hòa với anh [chị] em thành viên khác trong cộng đoàn (vòng tròn thứ nhất và thứ hai).
Còn có một điều quan trọng nữa cần phải lưu ý: nếu phải vẽ ba vòng tròn, chúng không chỉ đan xen với nhau nhưng còn cùng một kích cỡ, chỉ vì cả ba trách vụ phục vụ của quyền bính đều quan trọng như nhau. Nếu như vòng tròn hiệp nhất to hơn hai vòng tròn kia, kết quả sẽ là một cộng đoàn chỉ nhìn vào bên trong với những hội viên chỉ lo an hưởng một đời sống thoải mái và không muốn tận tâm dấn thân hy sinh cho sứ mệnh. Nếu vòng tròn sứ mệnh lớn hơn, tâm điểm sẽ là làm việc, làm việc, làm việc; tất cả những gì còn lại –tương quan, cầu nguyện, đời sống cộng đoàn--tất cả trở thành thứ yếu và dễ dàng bị hy sinh. Sau cùng nếu vòng tròn cá nhân lớn hơn hai vòng tròn kia, kết quả sẽ là chủ nghĩa cá nhân, ganh tị và ích kỷ trong cộng đoàn.
- Đến đây, chúng ta đã thấy ba trách vụ của quyền bính làm làm sao tăng trưởng—sự hiệp nhất, sứ mệnh phục vụ và sự hoàn thành cá nhân trong ơn gọi—ta không thể nào lại không hỏi: đâu là phương thế mà quyền bính có được để chu toàn những trách vụ này? Câu trả lời nằm trong hai chữ đã được biết nhưng không luôn luôn hiểu rõ, tức là sinh động hóa và cai quản. Trong hai từ này, từ ngữ dễ hiểu và thực hành là cai quản chứ không phải là sinh động.
Cai quản có nghĩa là: ra lệnh, đưa ra chỉ thị, nói cho người ta làm những gì và không làm những gì. Khi tôi nói cho ai hoặc nhóm nào đó thời gian và cách thức thi hành hay không thi hành một việc cụ thể nào đó, tôi đang làm một hành vi cai quản. Tuy có nhẹ nhàng hay khéo léo thế nào đi nữa, sự việc rõ ràng là tôi ấn định ý muốn của mình trên những người khác: đó là việc phải làm hay không được làm vì tôi muốn như thế.
Nếu trái lại, tôi đề ra những lý do cho người khác [hay những người khác], giải thích tại sao một hành vi cần phải làm hay không được làm, tôi đang thi hành một hành vi sinh động hóa, hay nói cách khác, “động viên hữu hiệu”, “thuyết phục”. Điều tôi đang làm đây là tác động trên anima [tâm hồn, con người nội tâm] của người/những người khác, tìm cách để người ấy/họ làm hay không làm điều gì đó một cách tự do và chủ động.
Ở trên chúng ta vừa thấy quyền bính là sự phục vụ giúp cho con người thăng tiến. Vậy chúng ta hỏi: cai quản có làm cho con người thăng tiến không? Cai quản chú tâm làm sao cho công việc được thi hành, giải quyết những vấn đề, không phải là [trực tiếp] giúp con người tăng trưởng theo đúng nghĩa. Đúng hơn, những quyết định được lấy hoặc những lệnh truyền được ban ra đặt con người hay các cộng đoàn vào một vị thế tốt hơn để tăng trưởng. Chẳng hạn, khi vâng lời làm điều được chỉ bảo, một tập sinh làm điều đúng; nhưng nếu thày còn phải học biết lý do tại sao mình phải làm điều ấy thì mới biến điều đó thành của mình và là một hành vi xác tín. Khi một thành viên làm cho cộng đoàn bị xáo trộn, việc thuyên chuyển thành viên đó sang một cộng đoàn khác (qua “bài sai”, “thư vâng phục”) có thể là một cơ hội để đương sự phản tỉnh và thay đổi lối sống, cùng lúc đó, giúp cho cộng đoàn hội viên ấy rời đi có được một bầu khí an bình giúp cộng đoàn ấy xây dựng lên.
Tuy nhiên, thông thường cách hữu hiệu nhất giúp con người tăng trưởng là sinh động. Tại sao thế? Bởi lẽ con người ngày nay ngày càng ý thức về phẩm giá của mình như là nhân vị và muốn được đối xử với sự tôn trọng. [7] Đã qua rồi mô hình bề trên truyền lệnh và bề dưới cúi mặt làm theo mà không biết được lý do [!] bởi lẽ không những mọi hành động đều hướng tới một cứu cánh [Aristote], mà mọi hành vi nhân linh để là nhân linh đều mang yếu tố “hiểu biết” và “tự do” và từ đó, chủ thể hành động chịu trách nhiệm về hành vi đó [chứ không chỉ đổ lỗi ‘là do bề trên truyền lệnh’]. Công đồng Vatican II khẳng định cho chúng ta:
Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi nhờ tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện và khôn khéo cũng như thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng. [GS 17]
Vì vậy, khi đưa ra lý lẽ để ai đó làm việc gì, Bề trên tôn trọng trí khôn và tự do của họ. Bề trên xây dựng họ và làm cho họ chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Khi có được điều này, họ sẽ làm không phải để làm vui lòng bề trên hoặc vì họ e ngại bất tuân phục lệnh truyền của bề trên, nhưng bởi vì họ biết và xác tín rằng đó là điều hợp lẽ phải làm. Vì thế, sinh động hóa là cách thức tiêu biểu qua đó Bề trên giúp con người thăng tiến, trưởng thành, biết đứng trên đôi chân của mình.
Một cách diễn tả khác về trách vụ sinh động hóa là làm sao để cho thành viên tự nội giới hóa giá trị của hành động mà họ mong đợi/được yêu cầu thi hành. Roger Haight[8] trong chương nói về phân biệt đạo giáo và tôn giáo đã đề ra ba cấp bậc của sự trưởng thành đạo đức và tôn giáo: tiền-quy ước; quy ước và hậu-quy ước. Theo đó, một người làm một hành vi nào đấy mà nhắm đến phần thưởng được ban cho hoặc để tránh hình phạt sẽ áp đặt trên mình [được hưởng thiên đàng/tránh xa hỏa ngục; được phần thưởng vật chất/bị chế tài nếu vi phạm luật lệ], còn ở trong mức độ tiền-quy ước. Người hoàn toàn làm theo quy định của tập thể/đoàn thể đời hay đạo] chỉ vì đó là quy định của nhóm/tập thể thì ở trong mức độ quy ước. Họ được tập thể tiếp nhận, sống hài hòa, và được coi là tốt [!]. Nếu họ đi ra ngoài quy định của tập thể, thì bị kết án là phá hoại đoàn kết, sự hiệp nhất. Lối sống hài hòa, dĩ hòa vi quý được trân trọng. Nhưng nếu mãi mãi ở trong mức độ đó, thì họ chỉ mới đạt tới mức độ phát triển đạo đức hay tôn giáo ở cấp quy ước. Sự trưởng thành của một hữu thể nhân linh hệ tại ở mức đó họ “nhận ra” và đón nhận các “giá trị” tự nội [in themselves] như là lời mời gọi [call] để họ tự nguyện đáp trả và sự đáp trả này đôi khi phải trả giá.
Vấn đề này liên quan tới cả một tiến trình đào tạo mà con tin rằng các bề trên đã luôn lưu tâm để có được những tu sĩ tốt trong hội dòng của mình. Song đó cũng là một thách đố rất lớn cho thế hệ tu sĩ trẻ gia nhập các hội dòng thời gian qua và mới đây và cũng là một trong những lãnh vực chính cần được bề trên sinh động hóa.
II- BỀ TRÊN, NGƯỜI SINH ĐỘNG
Nếu trách vụ sinh động hóa nhắm đến đối tượng là hữu thể nhân linh, lại là một hữu thể nhân linh chọn lựa lối sống thánh hiến, trọn lành, thì sinh động hóa hẳn mời gọi những người lãnh đạo thi hành quyền bính phải là:
- Con người thiêng liêng [của Thần Khí]:
Sinh động hóa những con người sống đời sống thánh hiến và phục vụ sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội tiên vàn có bản chất là thiêng liêng. Vì thế Bề trên hẳn phải là con người thiêng liêng trổi bật trước những thành viên của hội dòng mình. Các vị trau dồi thái độ dễ dạy đối với Thần Khí, Đấng sinh động đệ nhất của toàn Dân Chúa và làm cho mình có khả năng phân định ý nghĩa của những thúc đẩy liên lỷ của Thần Khí trong đời sống cá nhân và cộng đoàn và qua khắp lịch sử. Khác với người sinh động trong thế trần, bề trên trong đời tu khi phục vụ sự sinh động biết rõ mình là cộng sự viên thấp hèn và là khí cụ dễ dạy của Thần khí, hầu giúp người khác sống trong tinh thần vâng phục được đâm rễ trong đức tin và đức ái hoàn hảo. Như vậy, việc đầu tiên ngài phải làm là hiến mình cách ngoan ngoãn cho Thánh Thần hằng sinh động liên tục. Ngài không bao giờ có thể cho người khác điều họ chờ đợi nơi ngài trừ phi ngài kinh nghiệm Thiên Chúa cách chân thật và sâu sắc. Khía cạnh này đáng được nhấn mạnh bởi vì có thể nói, đấy là cốt lõi khoa linh đạo của bề trên.
Bề trên nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của mình và của những người mình phục vụ, sống kinh nghiệm Chúa Ki-tô của riêng mình trong Giáo Hội, cảm nhận kinh nghiệm này như mầu nhiệm, như sự hiệp thông tất cả mọi sự làm việc cho nước trời. Các vị cũng tin và cảm nghiệm Đức Maria là người tín hữu đầu tiên, người thánh hiến đều tiên, hình ảnh cách thức là Ki-tô hữu trong Hội Thánh phục vụ việc loan báo Tin Mừng.
Và rồi, các vị sống và được thôi thúc bởi đức ái mục tử khiến các vị nên nhạy cảm và chú tâm tới mọi hoàn cảnh tác động đến sự tăng trưởng của thành viên, giúp cho họ nhận thức được các dữ kiện đồng cộng tác vào sự tăng trưởng này hoặc có phương hại cho sự tăng trưởng đó.
- Con Người phục vụ theo Tin Mừng:
Một số bản văn Tin Mừng soi sáng cho chúng ta:
i- Ga 21, 15-17: Đức Giêsu nói cho Simon Phê rô, “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến thày hơn những người khác yêu mến không?” Ông trả lời: “Vâng, lạy Thày, Thày biết con yêu mến Thày.” Đức Giêsu nói với ông: Hãy chăm sóc các chiên con của thày.” Lần thứ hai Đức Giêsu nói với ông: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến thày không?” Ông trả lời: Vâng, lạy Thày, Thày biết con yêu mến Thày.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc các chiên mẹ của thày.” Lần thứ ba, Đức Giêsu nói: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến thày không?” Phê rô buồn vì Đức Giêsu hỏi mình lần thứ ba, “Con có yêu mến thày không?” Vì thế, ông nói với ngài: “Lạy Thày, Thày biết hết mọi sự; Thày biết con yêu mến Thày!” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc các chiên mẹ của Thày.”
Đây rõ ràng là một bản văn nói về người lãnh đạo, bởi lẽ nói đến việc Đức Giêsu đặt Phêrô chăm sóc Giáo Hội. Quyền bính được ủy thác cho người yêu mến Chúa Giêsu thật sâu đậm. “Ta phải liên li nhắc nhở mình rằng quyền bính của ta khôn gì khác hơn là hành vi yêu mến Đức Giêsu và yêu mến anh em em mình trong Đức Giêsu. Tiếp đến, đây không chỉ là về việc yêu mến Đức Giêsu hay không, nhưng là có yêu mến Ngài hơn những người khác yêu mến Ngài. Sự kiện là dẫu cho ta có nhiều khiếm khuyết , Chúa vẫn ủy thác cho ta quyền bính, mời gọi bề trên yêu mến hơn nữa. Và điều đó mời gọi thật nhiều đức khiêm nhường nơi những con người được ủy thác quyền bính. Và sau cùng, Đức Giêsu ủy thác Giáo Hội cho Phêrô. Thực vậy, tới ba lần, Đức Giêsu nói cho Phê rô: “Hãy chăm sóc chiên con/chiên mẹ.” Vậy, quyền bính là lời mời gọi trở thành mục tử như Đức Giêsu: người mục tử nhận biết, kêu gọi đích danh, hướng dẫn, nuôi dường, che chở, chăm sóc kẻ lầm đường, hiến mạng sống cho tất cả. Nói tắt, ai được đặt trong vai trò quyền bính được mời gọi trở thành mục tử nhân lành theo gương Chua Kitô, vị Mục Tử nhân lành.
ii- Mt 23, 8-11: “Anh em không được để được gọi là “thày” bởi vì anh em là anh em với nhau và chỉ có một người Thày. Anh em không được gọi bất kỳ ai ở dưới thế là “Cha” bởi vì anh em chỉ có một Cha trên trời. Anh em cũng không được gọi mình là “Lãnh Đạo” bởi vì anh em chỉ có một lãnh đạo là Đức Kitô. Người lớn nhất trong anh em phải là người tôi tớ của anh em.”
Giữa những người Do Thái, tên gọi “thày” là “rabbi”, và rabbi là người có những người đi theo, tức là, một nhóm môn đệ đồng hành với mình suốt mọi nơi, học hỏi từng lời nói và cử chỉ, và quảng bá giáo thuyết và hành xử của mình. Vậy, Đức Giêsu nói cho các tông đồ rằng họ không được như các rabbi, có trường phái tư tưởng và cách sống và môn đệ riêng của mình. Vì thế, điều này có nghĩa là những ai trong vị thế cầm quyền trong Giáo Hội như là thày dậy, người cha và người lãnh đạo tất cả đều là môn đệ Đức Giêsu cùng với mọi người khác: họ đều là anh em với nhau như là anh em Kitô hữu với nhau. Cùng lúc đó, nếu họ là thày dạy, là người cha và lãnh đạo, họ là như thế không phải tự mình, nhưng là nhân danh Đức Giêsu hoặc Chúa Cha. Họ đại diện cho Đức Giêsu hoặc Chúa Cha. Vatican II nói về các Bề Trên là “những người thay cho Thiên Chúa.” [9] Nói khác đi, những ai cầm quyền không được nói và hành động nhân danh mình, nhưng là nhân danh Đức Giêsu và Chúa Cha của ngài. Đó là một trách nhiệm khủng khiếp và nó cho thấy người cầm quyền cần phải đặt mình vào trong khuôn khổ Đức Giêsu và Chúa Cha trong tư tưởng, lời nói và hành động.
iii- Gioan 13, 1-15: Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. [Rồi Ngài rửa chân cho các môn đệ]. Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “an hem có hiểu việc Thày mới làm cho an hem không? Anh em gọi Thày là “Thày”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thày lá Thày, là Chúa. Vậy nếu Thày là Chúa, là Thày, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thày đã nêu gương cho an hem, để anh em cũng làm như thày đã làm cho anh em.”
Chúng ta không cần phải quảng diễn ý nghĩa của những lời ấy: chúng đã quá rõ. Quyền bính là việc phục vụ anh em mình do tình yêu sâu xa (“Ngài đã yêu thương họ cho đến cùng”) và do lòng khiêm nhường. Kiếu thống trị và cha chú [clericalism] không liên quan gì tới quyền bính. Đức Giêsu muốn phong cách thực hành quyền bính trong Giáo Hội phải rất khác với đường lối xã hội trần tục chủ trương. Thực vậy, ngài nói cho các tông đồ: “Anh em biết những người cầm đầu trong dân ngoại cai trị họ, và kẻ làm lớn trong họ thống trị họ. Anh em thì không được hành xử như thế; ai muốn làm lớn trong anh em phải trở thành người tôi tớ phục vụ.” [10] Cũng thế, trong lá thư thứ nhất, thánh Phê rô nhắn nhủ ba phẩm hạnh dành cho những ai được kêu gọi lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu: 1) “chăm sóc đàn chiên của Chúa trao cho mình, . . không phải do chịu đựng mà là tự nguyện; 2) không để mưu lợi bản thân; và 3) đừng thống trị trên những người thuộc quyền, nhưng hãy nên gương sáng cho đàn chiên.”
- Khả năng sư phạm: Chúng ta thường nghe nói người lãnh đạo phải là người có đức [tố chất thiêng liêng] song cũng phải là người có tài [khả năng sư phạm lãnh đạo], hoặc nôm na hơn là người có tâm và có tầm. Thực vậy, Giáo Hội dạy ta rằng bề trên còn phải trau dồi cho mình khả năng sư phạm, theo nghĩa có những hiểu biết tâm lý, tiến trình trưởng thành tâm lý và tâm linh của con người, những phương pháp sư phạm mới, hoàn cảnh xã hội tác động và khả năng tương tác, thông truyền. Điều đó được diễn đạt thành:
- Hết sức tôn trọng mọi người, dù tuổi tác hay hoàn cảnh họ thế nào và mở rộng lòng với họ. Bề trên cần nhận rằng hình thức tốt nhất để lấy quyết định trong cộng đoàn hiện nay không phải là theo mô hình truyền lệnh, qua đó, chỉ một người dù tài giỏi và khả năng đến mấy đi nữa, lấy quyết định. Cũng không phải là theo mô hình tham khảo, ngay cả khi thành viên cộng đoàn đều tham gia vào tiến trình lấy quyết định theo mức độ nào đó. Lẽ dĩ nhiên, những mô hình lấy quyết định này ngày nay vẫn còn có giá trị, chẳng hạn, khi cần phải có một quyết định khẩn cấp. Nhưng thông thường, và đặc biệt khi vấn đề liên quan tới các thành viên cộng đoàn, cách tốt nhất là hướng tới quyết định đồng thuận trong đó những khác biệt trong các ý kiến được nổi lên, được lắng nghe với thiện cảm và được san bằng bao có thể để đi tới một quyết định trong đó mọi người đều đồng thuận, ngay cả khi không đáp ứng hoàn toàn kỳ vọng của mỗi người trong từng chi tiết.
Đương nhiên, trách nhiệm của Bề trên là lấy quyết định cuối cùng, song, thần học hiệp thông hiện nay cho thấy mô hình hình tháp không còn là hợp thời mà là mô hình hiệp thông. Trách nhiệm của những vị lãnh đạo trong Giáo Hội không bao giờ là trách nhiệm đơn lẻ. Trong Giáo Hội, không hề có việc một người chịu trách nhiệm về tất cả mọi sự. Cũng thế, mọi trách vụ ủy thác không hề được ủy thác chỉ cho một người chịu trách nhiệm nhưng là cho nhiều người chịu trách nhiệm với thẩm quyền theo từng cấp. Mọi trách nhiệm đều có sự phân cấp và đan kết vào nhau.[11]
- Khả năng mời gọi sự tham gia:
“Vị hữu trách thì có trách nhiệm đi đến quyết định cuối cùng, nhưng không tự một mình đi tới quyết định ấy . . song là qua việc trân trọng sự đóng góp đầy tự do nhất của mọi anh [chị] em mình . . Cộng đoàn chính là thực thể mà các thành viên làm nên. Vì thế, kích thích và động viên sự đóng góp từ từng con người để ai nấy cảm thấy mình có bổn phận đóng góp phần ... đức ái, khả năng và sự sáng tạo của mình là điều căn bản. Thực vậy, mọi nguồn lực nhân sự được kiện cường và được quy tụ vào trong dự án của cộng đoàn, động viên họ và tôn trọng họ” [12]
iii- Khả năng đối thoại: là kỹ năng sư phạm mà Bề trên cần trau dồi; biết thuyết phục một cách hiệu quả để đi tới một sự đồng quy. Đối thoại là phương cách đặc thù nhờ đó các ngôi vị thông giao với nhau và cùng nhau thông giao với Thiên Chúa, nhằm để hiểu biết và chu toàn thánh ý Ngài. Đối thoại với một người có nghĩa là có thể cho họ một câu trả lời thẳng thắn và chân thành mà không công thức hóa một phán đoán liên quan đến con người của họ.[13] Bề trên có khả năng đối thoại nếu bề trên thường xuyên sẵn sàng cho và tiếp nhận lại loại đáp trả ấy, và như thế thông truyền cho người khác rằng bề trên tiếp nhận họ, kính trọng họ vô điều kiện mặc dầu bề trên không đồng ý với quan điểm của họ. Nếu thiếu dự thế nội tâm này, thật sẽ vô ích để nói về năng động tập thể hay về những phương pháp thông giao khác. Không có dự thế nội tâm này, sự san sẻ quyền bính sẽ không ích chi.
Cùng lúc đó, toàn bộ cuộc sống người thành hiến là đi tìm và thi hành Thánh Ý Chúa. Vậy, đối thoại còn là đối thoái với Chúa theo nghĩa là đặt mình, như cá nhân và cộng thể, trong tình trạng tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần dẫn người thánh hiến nhìn cuộc đời theo cách thức Đức Kitô phục sinh đã nhìn xem; lượng giá và lấy những quyết định và hành động hợp với những tiêu chuẩn của Người; làm cho những ưu tiên của Người thành của mình; chống lại điều Người chống đối; đồng nhất chính mình với những tình cảm sâu xa nhất của Người. Bằng cách này Chúa Giêsu trở thành chuẩn mực tối hậu cho đời sống người thánh hiến trong một tiến trình liên tục tập luyện khiêm tốn. Bởi vì sự phân định luôn can dự đến một tiến trình của sự dễ dạy, hầu vị Thầy sống trong mình có thể hướng đạo và soi sáng cho mình; ý muốn của mình phải dễ dạy để mình có thể sẵn sàng được dẫn dắt trong các hoạt động hằng ngày của mình.
Vậy những người can dự vào tiến trình phân định ý Thiên Chúa cần những thái độ khác nhau. Hơn mọi thành viên khác, do thẩm quyền lấy quyết định sau cùng, bề trên đặc biệt cần phải thận trọng và kiên nhẫn trong giai đoạn tìm kiếm. Trong khí đó, khi thực thi những quyết định, bề trên cần mạnh mẽ và can đảm. Vì nếu Ý Chúa là quá rõ ràng và cụ thể trong Hiến Pháp hay Quy chế Hội dòng, thì cũng chẳng cần đi tìm làm gì.
- Vun trồng nghệ thuật lắng nghe: đối thoại luôn luôn là hai chiều, mà chiều ưu tiên trên hết lại là lắng nghe. Đây là một kỹ năng cần được luyện tập như một nghệ thuật và được diễn ra khi được trang bị bằng những thái độ:
+ Sẵn sàng tiếp nhận người khác vô điều kiện, dành cho họ không gian tự do để họ là chính mình, những gì họ muốn nói cũng như không muốn tỏ lộ, tránh suy diễn, phán đoán lập tức và tệ hơn là điều tra. Chấp nhận họ có những khả năng lẫn giới hạn, cả những tiên kiến/thành kiến, cách thức tương quan và đối thoại, những tổn thương, thiếu sót, bộ mặt [masks], và luôn tin tưởng sự chân thực, khao khát đón nhận chân lý và sự thiện của họ để giúp họ vươn lên.
+ Trong tâm thế cầu nguyện: Bất kỳ cuộc trao đổi với anh chị em mình là những vấn đề bên ngoài, kể cả vật chất nữa, cũng luôn là một sự tỏ lộ thế giới nội tâm, một “mảng lịch sử thánh”, trong đó có sự hiện diện của Chúa, của một hành trình ơn gọi, với những trung thành pha lẫn bất trung . . . Lắng nghe trao đổi như thế với cõi lòng như thế hẳn buộc bề trên phải đi kèm với kinh nguyện; tạ ơn vì những điều thiện người anh em mình đã làm được, hân hoan vui tươi dấn thân cho sứ mệnh . . .: “Lạy Cha, con cảm tạ cha vì đã tỏ lộ những điều này cho những người bé mọn . .” cũng dâng lên những lời kinh sám hối trước những yếu đuối sa ngã.
+ Mời gọi thông tri: hết sức nhẫn nại, dần dần qua thời gian, Bề trên khai mở được cõi lòng bề dưới để họ thực sự chia sẻ cuộc sống, cùng họ duyệt lại hành trình ơn gọi thánh hiến, khơi lên những nền tảng tối hậu, những cam kết đã từng thề thốt, lưu tâm đến những gì cốt yếu nhất trong đoàn sủng hội dòng; và bề trên cũng hiệp thông trong sự chia sẻ thiêng liêng ấy với kinh nghiệm của chính bản thân.
+ Mời gọi duyệt lại dấn thân tông đồ: Hoạt động tông đồ của người tu sĩ luôn mang chiều kích cộng đoàn, nhân danh cộng đoàn, việc trao đổi này cũng dễ. Song điều quan trọng không phải là những công tác đã hoàn thành cho bằng những giá trị đã được hấp thụ, sự hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, tinh thần thôi thúc bên trong.
Là một bề dưới, con đã chứng kiến và cũng từng được các bề trên “trung cấp” chia sẻ về khuynh hướng hành xử theo kiểu quyền hành qua lời nói và cách cư xử của Bề trên thượng cấp đối với người khác mà quý ngài không biết. Sự kiện hiểu được là chúng ta sống và làm việc trong một xã hội quyền hành theo đó ngay từ những năm đầu, chúng ta được chỉ bảo là phải làm cái này hoặc không được làm cái nọ, chúng ta hiền lành vâng phục vì sợ hoặc không muốn gây ra bất bình hoặc sợ bị phạt gì đó. Chẳng hạn, mỗi lần bề trên chúng ta lập luận với ai, chúng ta nói rằng: “Đức Thánh Cha nói thế này . . vì thế, chúng ta phải làm thôi . . Tổng Tu Nghị/CôngNghị đòi hỏi chúng ta làm điều này, vậy chúng ta phải làm thôi . . Bề Trên Tổng Quyền yêu cầu chúng ta làm điều này, vậy, chúng ta hãy thực thi thôi . .”, chúng ta đang sử dụng đường lối quyền hành, và quả thực, chúng ta nại tới quyền bính sao cho việc đó phải được thực hiện; chúng ta gián tiếp nói rằng một vị thẩm quyền –Đức Thánh Cha, Bề Trên Tổng Quyền, Tổng Tu Nghị . . .—đã nói và vì thế, việc đó phải làm.
Chúng ta thấy rõ mình cũng thường đi theo đường lối quyền hành này trong các nhà đào luyện, trong đó, do bởi tuổi tác và kinh nghiệm giữa các Bề Trên và những ai đang được đào luyện, các Bề Trên không đưa ra những lời giải thích nhưng chỉ nói cho các đệ tử, tiền tập sinh, tập sinh và các tu sĩ trẻ điều họ phải làm và răn đe họ nếu họ làm sai. Chúng ta thực sự không nỗ lực mấy để đối thoại với họ, thấu hiểu những động lực của họ, thách đố họ nếu cần, lý lẽ cặn kẽ với họ. Vậy, không ngạc nhiên mấy khi đôi lúc chúng ta thấy họ hành xử vì sợ, vì để uốn mình theo khuôn luật lệ, hoặc để tránh rơi vào phiền toái hoặc để làm Bề Trên vui lòng. Liệu chúng ta có thể thực sự coi đường lối đó mang tính đào luyện hay không? Xin trích dẫn nhận định của một cựu giáo tập/tập sư:
Nền huấn luyện trong nhiều dòng khiến các ứng sinh và các tu sĩ sau một thời gian trở nên nhanh nhạy tìm ý Bề trên hơn tìm Ý Chúa, sợ con người hơn sợ Thiên Chúa. Đó chính là vì bề trên và nhất là những người huấn luyện cũng không thực sự có chiều sâu thiêng liêng, nên sinh hoa kết trái như thế. Anh em hội viên trẻ không thấy mẫu gương tiền nhân có chiều sâu nội tâm, không thấy các vị nhanh nhạy đọc ra ý Chúa, mà chỉ thấy những nguòi có chút khả năng điều hành. Khi gặp khó khăn, họ không thấy nới các vị tiền bối như là những con người thiêng liêng làm chỗ dựa tinh thần.
iv- Biết san sẻ trách nhiệm/quyền bính
- Mời gọi san sẻ trách nhiệm: Cần nhiều ân điển và tác vụ để xây dựng cộng đoàn và quyền bính là một trong những ân điển này. Nhưng theo những phạm vi và những tình huống khác nhau, người có quyền bính phải được trợ giúp do những người san sẻ việc thực thi những trách nhiệm này. Trách nhiệm hàng đầu của bề trên là xin người khác chia sẻ. Bổn phận đặc biệt của những người có quyền là kích thích mọi người quan tâm và tham gia tích cực. Đây là phương cách thực tiễn truy nhận sự trưởng thành của các cộng sự viên của bề trên và nó biểu lộ tinh thần gia đình như nó được tìm thấy nơi sự hiệp thông của một nhóm các thành viên cùng làm việc để đạt được cùng những mục tiêu.
- Cung cấp những động cơ cho việc tham gia. Bề trên và các thành viên phải hiểu đúng sự tham gia có nghĩa là gì. Trong bối cảnh Giáo Hội, động cơ làm nền tảng cho mọi sự san sẻ quyền bính là: “Điều thuộc về một người thì thuộc về mọi người”, dẫu vì những lý lẽ khác nhau và bằng những cách thức khác nhau. Vậy, không ai còn có thể được đóng kín trong chính mình và thi hành công việc của mình cách cá nhân chủ nghĩa.
- Áp dụng nguyên tắc bổ sung bằng việc công nhận giá trị độc đáo của các cá nhân và cộng thể: “Quyền bính thuộc bất kỳ loại nào là thuộc mọi bình diện phải để cho cấp thấp hơn và các cá nhân có thể hành động và quyết định.”[14] Sự bổ sung tự bản tính đòi phải tản quyền, vốn là “một sự tự lập đúng đắn và có trách nhiệm và như thế là một sự phân phối quyền bính chính đáng giữa những cơ quan cai quản khác nhau.” Các thành viên phải cùng nhau làm việc trong khi thực thi các hoạt động của mình và đem lại sự phục vụ đa dạng bởi vì những hoàn cảnh thường phức tạp, những vấn đề và các giải đáp thật rắc rối. Theo nghĩa này sự tham gia tích cực có nghĩa là chịu trách nhiệm chung về ơn gọi và sứ mệnh hội dòng.
- Đồng hành với trách nhiệm được san sẻ: Nghệ thuật của bề trên là phải thấy rằng san sẻ trách nhiệm được thực thi đúng đắn. Ngài dùng quyền bính để đảm bảo rằng thế quân bình của hiệp nhất không bị đảo lộn. Cách bề trên can thiệp vào các hoạt động của các thành viên hẳn sẽ không gây ra bất an hay chống đối nếu bề trên để cho mỗi người có lãnh vực tự lập riêng.
Sự kiện là có những vai trò khác nhau giả định rằng các thành viên biết cách san sẻ trách nhiệm. Thông thường họ đều biết thế. Nhưng bề trên sẽ thấy khả năng này có nhiều mức độ khác nhau và có những tình huống khác nhau. Chẳng hạn, một số người sẵn sàng tham gia hoàn toàn; số khác chỉ tới một mức độ nào đó; và có những người hoàn toàn không thích. Một số thành viên giữ im lặng và không thông tri, nhưng đồng ý cho những người khác tham gia. Cộng thể chấp nhận họ theo đúng thực trạng của họ với một sự thỏa thuận ngầm. Bề trên đừng ép. Phản ứng có thể rất tiêu cực.
Bề trên cũng có thể gặp trường hợp một thành viên không chút im lặng, nhưng công khai gây hấn và bất đồng với mọi hình thức tham gia. Đôi khi nhóm có một tinh thần cộng thể tốt đẹp đến nỗi có thể tiếp thu một người như thế mà không gây tác hại nào. Nhưng tình trạng có thể đe dọa cho đời sống cộng thể. Trong trường hợp đó bề trên có nhiệm vụ phải nghiên cứu những phương cách và trao đổi hầu đi tới một giải pháp dứt khoát.
* Đào tạo cho có khả năng: Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng khả năng tham gia có thể được phát triển. Qua giòng thời gian, điều này có thể thực hiện được rong khung cảnh cộng đoàn mời gọi trao đổi và thông hiệp [họp cộng đoàn]. Chính nơi đây mà việc đào luyện ban đầu và liên tục thường được thực hiện, dưới trách nhiệm của bề trên các cấp.[15]
Thực vậy, đào tạo liên tục diễn ra trước tiên nơi chính cộng đoàn địa phương trước khi là những khóa tu nghiệp chuyên môn. Thực vậy, chính đời sống thánh hiến và hoạt động tông đồ hàng ngày là môi trường thực tế đào tạo thường hằng. Nhiệm vụ người sinh động là làm sao các dự án tông đồ mang đầy tính chất đào tạo [formative] thành viên chứ không chỉ là để hoàn thành công việc.[16] Trách nhiệm này cần phải được triển khai theo một đường lối có tổ chức, nhất là trong những cộng thể có các thành viên sống chung nhưng không có việc tông đồ chung; hoặc là trong những nơi mà đời sống của cộng thể tu sĩ đúng nghĩa phải được hài hòa với một việc tông đồ có nhiều cộng sự viên giáo dân. Bề trên thượng cấp hẳn phải có trách nhiệm cung cấp những chỉ dẫn thích hợp để cộng đoàn địa phương có được những kế hoạch tông đồ mang tính đào tạo.
Chính ở đây mà ta thấy được khả năng sinh động của người lãnh đạo. Bề trên không phải là người làm hết tất cả mọi sự, lấy mọi quyết định từ cấp thấp đến cấp quan trọng nhất, hoặc sẽ là người can dự vào mọi tiến trình hoạch định lẫn hành động. Nếu bề dưới là người chưa có đủ khả năng thi hành sứ vụ ấy, nhiệm vụ của bề trên không phải là nhảy vào thay thế, mà là làm sao để người bề dưới đó được tăng trưởng, đủ sức làm được công việc ấy, họ học biết được cách làm.
III- THI HÀNH VIỆC SINH ĐỘNG HÓA [ANIMATION IN PRACTICE]
Sau đây, xin mạn phép liệt kê một cách thứ tự áp dụng việc sinh động hóa ra sao cho cộng đoàn.[17]
- Hình thành nên một đội ngũ cố vấn có khả năng [best team]: Như đã nói ở trên, bề trên [có quyền bính/lãnh đạo] không phải là người toàn năng để rồi mọi lãnh vực mình đều có thể kiêm nhiệm và xuất sắc, hơn nữa, dù cho khả năng của ngài là xuất sắc đi nữa do kinh nghiệm mục vụ qua giòng thời gian, ngài cũng chẳng đủ thời gian để làm mọi việc ở mọi nơi. Giáo Luật và Hiến Pháp các dòng quy định bề trên mọi cấp đều có ban cố vấn của mình và liệt kê ra những trường hợp buộc phải có sự đồng thuận của các thành viên ban cố vấn. Qua đó, ta thấy việc sinh động hóa là dành cho cả ban cố vấn của bề trên.
Để lập được ban cố vấn này, hẳn chắc rằng các bề trên mong muốn đó là một ban cố vấn làm việc sao cho có hiệu quả. Muốn như thế, chính tâm thức của bề trên phải là rộng mở [open mind] để sẵn sàng cho các cố vấn mình mang đến những sự khác biệt, những cái nhìn khác nhau do những tính tình, bối cảnh giáo dục, gia đình, khả năng chuyên môn và kinh nghiệm tông đồ khác nhau.
Bên cạnh đó, xây dựng được sự tín nhiệm giữa mình và từng thành viên ban cố vấn cũng như giữa các thành viên với nhau là rất quan trọng. Các thành viên ban cố vấn thấy mình được trân trọng trong khả năng và giới hạn của mình, sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với nhau về mọi vấn đề. Đó là thành quả đầu tiên của việc sinh động hóa. Bầu khí họp mặt trao đổi luôn là bầu khí tích cực, vì nhận ra Thiên Chúa đang sử dụng những dụng cụ mọn hèn nhân loại để góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng và cứu độ thế gian.
- Nắm rõ hiện trạng của Hội Dòng mình trong xã hội đương thời: Cùng với các thành viên hội dòng, với ban cố vấn của mình, bề trên bao có thể phải nắm vững được hiện trạng của cộng đoàn mình. Từ ngữ hiện nay gọi là SWOT là chữ đầu của những chữ Strengths [Ưu điểm], Weaknesses [Khuyết điểm/điểm yếu], Opportunities [Cơ hội] và Threats [Thách thức], trong đó, nguồn lực nhân sự [S] là điều quan trọng nhất và cần được trân trọng nhất. Thiên Chúa không đòi hỏi ta phải làm những gì quá sức hiện trạng của mình nhưng mời gọi mình luôn vươn lên. Các ưu điểm cần được phát huy và các khuyết điểm cần phải được giảm thiểu. Trong khi đó, cần tận dụng những cơ hội môi trường, hoàn cảnh đem đến cũng như biết làm giảm đi hay né tránh được những nguy cơ đe dọa đời sống và sứ mệnh của cộng đoàn.
- Đề ra được một tầm nhìn (Vision) chung và lộ trình khung để đi tới: Đây là điểm tối quan trọng để cộng đoàn được tăng trưởng. Câu hỏi “Tăng trưởng gì?” là muốn nói tới tầm nhìn. Người lãnh đạo xuất sắc là người đề ra được một viễn đích nhắm để động viên toàn bộ nguồn lực hướng tới. Cụ thể hơn, bề trên mong muốn cộng đoàn và cá nhân tăng trưởng đến mức nào đời sống thiêng liêng, huynh đệ và tông đồ, đó chính là tầm nhìn.
4- Cùng đội ngũ cố vấn hình thành nên được một kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược: Tầm nhìn không sẽ mãi chỉ là “ước mơ” hay “giấc mơ” nếu không được triển khai thành một kế hoạch. Tùy theo từng cấp, các bề trên là người, cùng với đội ngũ cố vấn của mình, hình thành nên được một kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược [những mục đích nhắm tới và những điều kiện để đạt tới được mục đích ấy].
4- Phân trách nhiệm cụ thể để cấp dưới lập kế hoạch hành động triển khai kế hoạch tổng thể đó với kế hoạch hành động với những quyết định cụ thể cấp dưới phải lấy [What, When, Where, How]. Bề trên sẽ không làm thay cho họ mà là tạo điều kiện cho họ để chính họ hình thành kế hoạch hành động ấy [nhân sự, thời gian]. Câu hỏi được đặt ra là nếu bề dưới không biết triển khai thành kế hoạch hành động thì sao? Bề trên cũng không làm thay mà là sẽ đào tạo /động viên họ để họ biết làm, bởi vì chính họ sẽ là người thi hành các kế hoạch đó.
5- Chịu trách nhiệm về quyết định tổng thể: Bề trên sẽ đồng hành để bảo đảm để bảo đảm kế hoạch hành động được thực hiện, và điều chỉnh sau lượng giá. Điều đó có nghĩa rằng, tuy có phân công [và trao trách nhiệm, chia sẻ quyền bính], bề trên vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Các bề dưới bảo đảm có sự thông truyền các kế hoạch, việc thi hành và lượng giá cho bề trên. Sẽ không có chuyện “đã giao cho tôi rồi thì giao hẳn cho tôi chứ!” theo nghĩa bề dưới không cần tường trình/báo cáo. Sự can thiệp của Bề trên là lúc đang hoạch định kế hoạch, nhất là kế hoạch tổng thể hơn là kế hoạch chi tiết. Những bề trên can thiệp rất sâu vào lúc lập kế hoạch hành động và còn can thiệp vào tiến trình hành động, sẽ làm cho bề dưới nhụt chí, thụ động, mất lửa nhiệt tình, sáng kiến và chịu trách nhiệm.
6- Định kỳ lượng giá: Như chúng ta đã nói, đời sống thánh hiến là để thực thi kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Kế hoạch ấy được tỏ lộ cho chúng ta. Nhưng ngài nói cho chúng ta qua nhiều cách thức. Ngài nói cho chúng ta qua những cảm nhận và ước muốn, qua tính tình chúng ta và qua những tài năng ngài ban cho chúng ta, qua hoàn cảnh và những biến cố xảy ra trong cuộc đời chúng ta, qua những con người chúng ta tương tác. Và nhất là qua kế hoạch ngài dành cho ta trong Hội dòng với sứ mệnh được Giáo Hội ủy thác. Vấn đế là ta không luôn luôn dễ nhận ra được điều Chúa đang nói. Chúng ta có thể bị cảm xúc lôi kéo sai trệch và không khách quan lắng nghe điều Chúa đang nói cho ta qua những cách thức này; chúng ta bị giằng xé giữa tiếng gọi của Chúa mời ta vượt lên trên bản thân và sự yếu đuối của mình luôn có khuynh hướng ghìm chúng ta lại. Lập kế hoạch cá nhân và cộng đoàn là cách thức chúng ta cùng ngồi lại và nhận ra tiếng Chúa gọi mình dấn thân trong hoàn cảnh cụ thể. Các bề trên là người trung gian, cùng với cộng đoàn để xem Chúa gọi mình dấn thân cụ thể trong không gian và thời gian như thế nào. Tuy nhiên, không có kế hoạch nào con người làm, dù với thiện chí, tâm trong sáng và nhiều kinh nghiệm mục vụ tông đồ bao nhiêu nữa là hoàn hảo cả. Đó là chưa nói đến những thay đổi mau chóng của thời cuộc, của đối tượng thụ hưởng, và cả yếu đuối con người khiến cho kế hoạch tổng thể lẫn hành động đều cần được duyệt xét và điều chỉnh nếu cần. Lãnh đạo cộng đoàn thăng tiến nhờ những buổi lượng giá các kế hoạch như thế.
- Toát yếu tiến trình lấy quyết định:
- Giai đoạn thông tri và san sẻ thông tin về vấn đề có tầm quan trọng lớn lao;
- Một thời gian dài suy tư trước nhan thánh Chúa và học biết điều thuận điều nghịch;
- Dâng kinh nguyện cộng thể và cá nhân cho ý hướng này;
- Giai đoạn phân định và cân nhắc chín chắn để quyết định xem điều gì làm vinh danh Chúa hơn;
- Giai đoạn trong đó những nhận xét của các thành viên hội nghị đồng qui và lấy quyết định và đặt ra những bước để thực thi nó [What, Who, When, Where, How].
Kính thưa quý Bề trên,
Giáo hội, cộng đoàn Dân Chúa, bề dưới luôn trân quý sự phục vụ quyền bính, sinh động hóa này của các Bề trên. Tự trong thâm tâm, họ hẳn tri ân các bề trên đã làm cho họ tăng trưởng trong đức tin, đức ái và sự phục vụ khi giúp họ phân định và tìm ra Thánh Ý Chúa. Cũng có thể có Bề trên ở đây có khi lại không cảm thấy được như thế như có vị bề trên chia sẻ: nhiệm vụ của ngài như là lính cứu hỏa, dập tắt lửa chỗ này, dập tắt lửa chỗ kia [chiến tranh trong cộng đoàn đòi bề trên giải quyết]. Vất vả khó nhọc như thế nên phần lớn các vị đều đong đếm những ngày tháng cuối cùng của mình xong nhiệm kỳ [!]. Chắc chắn, thi hành quyền bính với tất cả đòi hỏi phục vụ khiêm tốn cũng là một gánh nặng. Bề dưới chúng con hiểu rõ điều này vì nó gắn liền với thực tại sống động của quyền bính.
Song, cũng theo kinh nghiệm của nhiều vị đã từng nắm trọng trách trong hội dòng, chỉ khi nào nhìn nhận quyền bính như là sự phục vụ những anh em mình tăng trưởng, hẳn Bề trên mới tìm thấy được niềm vui, ý nghĩa và sự thành tựu trong vị trí quyền bính.[18] Ước mong quý Bề trên mãi mãi là những mục tử biết chăm sóc đoàn chiên của Chúa để đoàn chiên được sống và sống dồi dào.
[1] Việc phục vụ của quyền bính, 1.
[2] Việc Phục Vụ của Quyền Bính…, 20.
[3] Việc Phục Vụ của Quyền Bính …, 25.
[4] Sđd.
[5] Việc Phục Vụ của Quyền Bính, 13.
[6] Việc Phục Vụ của Quyền Bính, 20. Chính khi đó quả là không thể thiếu được sự quân bình của những người có quyền bính, tỏ lộ qua khả năng đón nhận những khía cạnh tích cực của từng người và sử dụng cách tốt nhất thế mạnh của từng người.
[7] Những phương tiện truyền thông mới mẻ và mỗi ngày một thuận tiện hơn giúp con người theo dõi được các biến cố cũng như phổ biến hết sức mau lẹ và rộng rãi những cách cảm nghĩ và suy tư, do đó chúng gây nên nhiều âm hưởng vang dội có liên quan với nhau [GS 6]. Những biến đổi về tâm lý, luân lý và tôn giáo. Sự thay đổi tâm thức và cơ cấu thường làm cho con người bất đồng ý kiến về những giá trị đã được chấp nhận, nhất là nơi những người trẻ là lứa tuổi đôi khi thiếu nhẫn nại; hơn nữa vì lo âu, nên họ mới nổi loạn, và vì ý thức tầm quan trọng của riêng mình trong đời sống xã hội, nên họ mong muốn sớm được dự phần vào đời sống xã hội hơn. Do đó, nhiều khi cha mẹ và các nhà giáo dục càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chu toàn bổn phận [GS 7]. Cuối cùng bản chất tri thức của nhân vị được kiện toàn và phải được kiện toàn nhờ sự “hiểu biết”. Chính sự hiểu biết lôi kéo một cách dịu dàng tâm trí con người tìm kiếm và ái mộ những gì là chân, là thiện. Rồi nhờ thấm nhuần sự hiểu biết mà con người được đưa từ thế giới hữu hình tới thế giới vô hình. Hơn hẳn những thế kỷ trước, thời đại chúng ta càng cần đến sự hiểu biết để tất cả những khám phá mới của con người mang tính chất nhân bản hơn [GS 15].
[8] Roger Haight, Tôn giáo là gì?
[9] Perfectae Caritatis, 14.
[10] Mt. 20,25-27.
[11] Ý thức mới về Giáo Hội Học [ấn bản Việt ngữ, Dẫn Nhập của các dịch giả Nguyễn văn Phương, Phan tấn Thành OP, Vũ văn Thiện, Mai Đức Vinh, tr.xii]: “Bộ Giáo Luật cũ (1917) nhấn mạnh đến cơ cấu pháp lý của Giáo Hội, với sự chỉ huy chặt chẽ, quy củ. Giáo Hội được quan niệm như một kim tự tháp: ở dưới đáy là các giáo dân, lên dần dần đến các giáo sĩ, rồi tới các Giám Mục với Giáo Hoàng ở chóp đỉnh, tập trung mọi quyền hành. Mọi hoạt động đều bắt đầu từ lệnh ở trên ban xuống, cấp dưới chỉ răm rắp thi hành. Công đồng Vatican II đã muốn trình bày hình ảnh Giáo Hội hợp với Kinh Thánh hơn. Đành rằng Giáo Hội là một tổ chức có phẩm trật, nhưng trước tiên, Giáo Hội là một mầu nhiệm và một sự hiệp thông. Trong Giáo Hội, mỗi người tín hữu, dù ở địa vị nào, cũng đều có một số quyền lợi và nghĩa vụ nhằm hoạt động xây dựng Nước Chúa
[12] Việc Phục Vụ của Quyền Bính …, 20.
[13] Chrys Saldanha, “Sửa lỗi huynh đệ” trong Khóa Thường Huấn cho Bề Trên: Khi sửa lỗi, dừng ở hành vi chứ không phán đoán về nhân cách của người được sửa lỗi.
[14] HL 127
[15] x. HL SDB 54
[16] X. Ban Mục vụ Giới Trẻ Salêdiêng và Con Đức Mẹ Phù Hộ, Sinh động viên trong Nhóm Trẻ, (Roma, 1987) tr. 74-89.
[17] X. Sđd. tr. 18.57. 105-110.
[18] Chrys Saldanha, Khóa Thường Huấn Bề Trên, K’Long, 2016.