Hướng Dẫn Vào Các Thánh Vịnh Và Thánh Ca - Kinh Sáng Và Kinh Chiều (1)

HƯỚNG DẪN VÀO CÁC THÁNH VỊNH VÀ THÁNH CA

KINH SÁNG VÀ KINH CHIỀU

***

***

LTS: Nhằm giúp hiểu rõ hơn ý nghĩa của các thánh vịnh và thánh ca, chúng tôi xin dịch những lời hướng dẫn vắn tắt theo tiến trình bốn cấp như sau (xc. Văn kiện trình bày và quy định các GKPV số 106-109): I. Ý chính của thánh vịnh hay thánh ca (nghĩa văn chương). II. Áp dụng vào Đức Kitô. III. Áp dụng vào Hội thánh. IV. Áp dụng cho các tín hữu.

Vài thuật ngữ của người Do thái: các thánh vịnh Hallel hát vào dịp lễ Vượt qua (113-118; 136; 146-150) Các thánh vịnh lên đền (120-134) hát khi lên đền thánh.

* Người dịch: Nữ tu Têrêsa Quỳnh Giao, Dòng Nữ Đaminh Thánh Tâm. Hiệu đính: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.  Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu 2012.

***

CHÚA NHẬT TUẦN I

Kinh Chiều I
 
Tv 140, 1-9: Lời cầu nguyện trong cơn nguy biến
Từ tay Thiên Thần, khói hương quyện theo lời cầu nguyện của các thánh, bay lên trước tôn nhan (Kh 8,4).
 
I. Thánh vịnh 140 là lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa trong lúc hiểm nguy, với niềm hy vọng sẽ được Thiên Chúa chấp nhận như là hương thơm quyện theo lễ vật hiến tế dâng trên bàn thờ.
II. Thánh vịnh này báo trước hiến tế của Đức Ki-tô trên cây Thánh Giá, Ngài giang tay ra trong tư thế chuyển cầu cho tất cả nhân loại.
III. Giáo Hội cũng có bàn thờ ngát hương, bàn thờ này là chính Đức Ki-tô; mỗi sáng mỗi chiều Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa những làn hương thơm, đó là lời cầu nguyện của các tín hữu.
IV. Lời khẩn nguyện này gợi lại điều Chúa Giê-su dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha: “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, giúp chúng ta vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
 
Tv 141: Chúa là nơi tôi trú ẩn
Khi chịu thương khó, Đức Ki-tô đã hoàn tất những điều nói trong thánh vịnh này (thánh Hi-la-ri-ô)
 
I.Thánh vịnh 141 đoan quyết  rằng Thiên Chúa là nơi trú ẩn trong thời gian nguy khốn. Vịnh gia rên rỉ và khẩn cầu lên Chúa,  vì biết rằng chỉ nơi Người chúng ta mới tìm được nguồn an ủi thật sự.
II. Tất cả những gì được báo trước trong thánh vịnh thì đã hoàn tất nơi cuộc thương khó của Đức Ki-tô; Ngài đã thực sự cảm thấy cô đơn và cầu khẩn Chúa Cha cho được thoát khỏi giây phút đó.
III. Chúa Ki-tô tiếp tục lời khẩn nguyện của mình trong Hội thánh. Hội thánh còn phải vượt qua muôn vàn khó khăn để nối kết con người lại với Thiên Chúa.
IV. Vì chúng ta mà trong vườn Giệt-si-ma-ni Chúa Giê-su đã cảm thấy xao xuyến tột độ; chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta có đủ sức mạnh để vượt qua được những khó khăn của cuộc sống hàng ngày.
 
 
Tc Pl 2, 6-11: Đức Ki-tô, tôi trung của Thiên Chúa
 
I. Có lẽ đây là một bài thánh ca phụng vụ đã có trước thánh Phaolô, trình bày Đức Ki-tô tự nguyện trở thành người tôi tớ của Thiên Chúa; chính vì thế mà Người được tôn vinh.
II. Bài thánh ca nhắc lại những biến cố trong cuộc sống của Ngôi Lời Nhập Thể: từ điạ vị cao sang, Người đã tự hạ xuống đến chỗ thẳm sâu nhất, để đạt đến vinh quang phục sinh.
III. Với bài thánh ca này, Giáo hội tin nhận sự hằng hữu của Chúa Ki-tô và thiên tính của Người, đồng thời nhắc nhớ rằng nhân tính của Người được tôn vinh sau khi đã trải qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá.
IV. Bài thánh ca này chuẩn bị cho chúng ta cử hành hàng tuần sự phục sinh của Chúa Ki-tô, nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có con đường thập giá mới dẫn đến vinh quang. 

Kinh Sáng

Tv 62, 2-9: Tâm hồn khao khát Chúa
Giáo Hội khao khát Đấng Cứu Độ, khát mong được thỏa lòng từ dòng nước sự sống trào lên từ nguồn sống đời đời (x. Cassiôđôrô)
 
I. Thánh vịnh 62 diễn tả tâm hồn khao khát Thiên Chúa; một ước muốn cháy bỏng kiếm tìm Thượng Đế, như mảnh đất khô cằn mong nguồn nước. 
II.Sau khi phạm tội, nhân loại như mảnh đất cằn cỗi và khô khan; qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Giêsu làm dấy lên nơi con người lòng mong ước và khao khát Thiên Chúa.
III. Bài thánh vịnh này cho thấy Giáo hội khao khát Đấng Cứu Độ của mình biết bao, và ao ước được thỏa lòng bởi dòng nước sự sống vọt ra từ nguồn sống đời đời.
IV. Chúng ta được mời gọi hãy giải khát từ nguồn ân sủng, mà cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô đã làm phát sinh giữa chúng ta.



Tc Đn 3, 57-88.56 – Muôn loài muôn vật hãy ca ngợi Chúa
Nào ca ngợi Chúa đi, hỡi những ai hằng kính sợ Người (Kh 19,5).
 
I. Với bài thánh ca, ba trẻ được cứu thoát khỏi ngọn lửa hồng mời gọi tất cả thụ tạo, khởi đầu từ các tầng trời, hãy kết hiệp với họ  trong bài ca tạ ơn Thiên Chúa.
II Hết mọi thụ tạo phải ngợi khen Thiên Chúa, vì Người là Đấng tạo dựng nên muôn loài, và trong Ngôi Lời Nhập Thể, Người đã hợp nhất tất cả với mình; đặc biệt loài người được Đức Kitô cứu chuộc phải dâng lời ngợi khen Thiên Chúa.
III. Với bài thánh ca này, Giáo Hội mời gọi tất cả thụ tạo, loài sinh động cũng như vô tri vô giác, hãy tôn vinh Thiên Chúa  là Đấng tạo dựng, và hãy ngợi khen Đức Ki-tô là vua vũ trụ.
IV. Được Thiên Chúa đặt làm chóp đỉnh của mọi loài thụ tạo, chúng ta được mời gọi, hãy nhân danh muôn loài mà ngợi khen  Chúa qua bài ca chúc tụng này.
 
Tv 149: Các tín hữu khải hoàn vinh hiển
Hỡi con cái của Giáo Hội, tức là những thành phần của dân mới, hãy vui mừng vì được Đức Ki-tô làm Vua hiển trị (thánh Hê-xi-ki-ô).
 
I. Thánh vịnh 149 loan báo về lễ hội của các bạn hữu Chúa. Vịnh gia mời gọi toàn dân hãy hát mừng Thiên Chúa bài ca mới, và ngợi khen Ngài nơi cộng đoàn các thánh nhân.
II. Qua bài thánh vịnh, Giáo Hội mời gọi con cái hãy vui mừng và hoan hỷ trong Chúa để loan báo niềm vui Giáng Sinh và Phục Sinh.
III. Thánh vịnh 149 cho thấy hai khía cạnh của mầu nhiệm Giáo hội: vừa “nhiệt tâm trong chiêm niệm” vừa “hiện diện trong thế giới và lữ hành”.
IV. Tâm hồn chúng ta phải thật sự hân hoan và vui sướng, để cho bài thánh ca mới ở nơi cộng đoàn tín hữu trở thành khúc dạo đầu của bài thánh thi mà chúng ta sẽ cất lên cùng với những người được tuyển chọn trong vinh quang nước Chúa.
 

Kinh Chiều II


Tv 109, 1-5. 7: Đức Ki-tô là Vua và Thượng Tế
Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người(1 Cr 15, 25). 
 
I. Thánh vịnh 109 nói về Đấng Mêsia, là Vua và Thượng Tế. Điều này cũng được truyền thống Do Thái khẳng định về chức vụ vương giả và tư tế của Đấng Mêsia.
II. Với việc tiến dâng bánh và rượu, Đức Giê-su đã móc nối hy lễ của giao ước mới với nghi thức của vua Men-ki-xê-đê; nghi lễ mới này dành cho tất cả mọi tín hữu, trong khi nghi lễ cũ của Mô-sê chỉ dành riêng cho người Do Thái.
III. Giáo Hội cầu nguyện thánh vịnh này trong kinh chiều II của tất cả các Chúa Nhật và lễ trọng, để cử hành các mầu nhiệm cứu chuộc và để thông phần vào vinh quang của Phu quân.
IV. Là những người được hòa giải với Chúa Cha nhờ máu Đức Ki-tô, và được thông phần vào quyền năng  tư tế và vương giả của Chúa Giê-su; chúng ta phải thực hiện chức vị này cách xứng đáng.



Tv 113: Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi Ai-cập
Anh em hãy biết rằng: mình cũng ra khỏi Ai-cập khi dứt bỏ thế gian (thánh Âu-tinh).
 
I. Phần thứ nhất của thánh vịnh 113 nhấn mạnh đến những điều kỳ diệu của biến cố xuất hành. Kinh này được đọc trước bữa tiệc vượt qua; vào đầu nghi thức, người gia trưởng nhắc nhớ những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện trong sa mạc.
II. Cảm nghiệm về Thiên Chúa Cứu Độ đạt đến đỉnh cao nơi biến cố Ngôi Lời Nhập Thể; cuộc vượt qua của Israel được hoàn tất nơi cuộc vượt qua của Đức Kitô, bởi vì  khởi đầu một cuộc xuất hành mới.
III. Lịch sử của Giáo Hội lữ hành nơi dương thế bắt đầu từ biến cố phục sinh của Đức Ki-tô cho đến khi Ngài trở lại ngày sau hết; con đường mới của ơn cứu độ được mở ra qua nguồn nước của bí tích Rửa tội.
IV: Thánh vịnh này nhắc nhở cuộc giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khỏi sự chết muôn đời; thánh vịnh đảm bảo rằng quyền năng của Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta trong cuộc xuất hành thiêng liêng.

 

Tc Kh 19,1-7: Hôn lễ Chiên Thiên Chúa
 
I. Đây là bài vinh tụng ca long trọng cuối cùng của sách Khải Huyền, bài thánh ca của niềm vui tiếp theo cuộc chiến thắng của Đức Kitô sau biến cố sụp đổ của Ba-bi-lon.
II. Đức Ki-tô, nguyên thủ của thân thể nhiệm mầu, sau khi chiến thắng quyền lực của sự dữ, dâng bài thánh ca này để tôn vinh Thiên Chúa, nhân danh toàn thể đoàn dân được cứu chuộc.
III. Trong bài thánh ca chúc tụng này, Giáo Hội kết hợp với Đức Kitô, hưởng nếm trước niềm hạnh phúc trên thiên quốc được vị lang quân thần linh dọn sẵn cho mình.
IV. Là những người tôi tớ của Thiên Chúa còn đang trên hành trình hướng về cùng đích,  chúng ta chắc chắn là đã được cứu chuộc; khi chiếm ngắm vinh quang của Đức Ki-tô, chúng ta tưởng đến vinh quang thiên quốc được dọn sẵn cho chúng ta.

 

Tc 1 Pr 2, 21-24
Đức Kitô, tôi trung của Thiên Chúa, đã tự nguyện chịu đau khổ
 
I. Đọc bài thánh ca, chúng ta công bố những gì mà thánh Phê-rô đã viết cho các nô lệ: họ bị đối xử bất công cũng giống như Đức Ki-tô;  để những đau khổ đó có giá trị, họ cần phải bắt chước Đức Ki-tô.
II. Đức Ki-tô đã bị kết án cách bất công, nhưng Người đã nhẫn nhục chịu đựng tất cả, và đã dâng những đau khổ của mình lên Chúa Cha, để cứu chuộc nhân loại.

THỨ HAI TUẦN I
 

Kinh sáng


Tv 5,  2-10.12-13: Lời kinh sáng xin ơn trợ lực
Ngôi Lời đến ở cùng nhân loại. Những ai đón nhận Người vào cuộc đời của mình sẽ vui mừng muôn thuở.
 
I. Thánh vịnh 5 là lời cầu nguyện buổi sáng để xin ơn trợ lục; vịnh gia, bị tố cáo cách bất công, giãi bày với Thiên Chúa hoàn cảnh của mình và mong đợi được minh oan cho sự vô tội của mình.
II. Một truyền thống cổ xưa coi thánh vịnh 5 là  lời cầu nguyện của Đức Ki-tô bị kết án bất công nhưng đã được an ủi vì chắc chắn rằng Chúa Cha luôn chúc phúc cho Người.
III. Thánh vịnh này là lời cầu nguyện của Giáo Hội bị tấn công bởi các quyền lực chống đối đức tin, bởi các người lạc giáo và ly giáo; bất chấp những cuộc bách hại, Giáo Hội vẫn tin vào sự che chở của Thiên Chúa.
IV. Thiên Chúa ghét bỏ sự ác, diệt trừ kẻ kiêu căng, nhưng chúc lành và bảo vệ những người công chính  với lòng nhân hậu; vì thế, nếu chúng ta đón nhận Chúa Ki-tô và sứ điệp của Ngài, chúng ra sẽ được vui mừng luôn mãi.
 
Tc 1 Sb 29, 10-13 : Thiên Chúa là nguồn phú quý và vinh quang
Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta (Eph 1, 3).
 
I. Thánh ca này được đặt tên là bài Magnificat của  vua Đa-vít; sau khi đã thu góp được nhiều lễ vật để tiến dâng trong đền thờ, nhà vua dâng lên Thiên Chúa lời nguyện này, bởi vì mọi danh dự chỉ được dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi.
II. Với bài thánh ca mà vua Đa-vít hát dâng lên Chúa, chúng ta hãy hát để dâng lên Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể; thật thế, tất cả mọi sự trên trời dướt đất đều thuộc về Người và  nhờ Người mà chúng ta nhận được phú quý và vinh quang.
III. Giáo Hội là đền thờ mới của Thiên Chúa và tất cả mọi người được mời gọi để góp phần xây dựng Giáo Hội, không phải bằng vàng bạc châu báu, nhưng bằng cách là chính họ trở thành những viên đá sống động.
IV. Chúng ta phải xây dựng ngôi thánh đường của Thiên Chúa ở trong tim mình; nhờ vậy chúng ta có thể tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao kỳ công Chúa đã làm trong cuộc đời chúng ta.



Tv 28 Bài ca tụng Ngôi Lời Thiên Chúa
Có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17).
 
I. Trong thánh vịnh 28, Thiên Chúa long trọng tuyên bố lời của Người; lời đó chế ngự  trên các yếu tố thiên nhiên đã bị lay chuyển bởi một cơn bão tàn phá các đại dương, núi rừng.
II. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và Chủ tể của vũ hoàn, đã  tỏ mình ra cho chúng ta nơi Đức Ki-tô; quả vậy, Chúa Giê-su đã truyền khiến  gió biển và  đi trên mặt nước.
III. Giáo Hội móc nối sự biểu lộ về quyền năng của Thiên Chúa trên thiên nhiên với những cuộc tỏ hiện thiên tính của Đức Ki-tô trong biến cố Ngài chịu phép rửa và biến hình.
IV. Thiên Chúa biểu lộ sự hiện diện của Người nơi những quyền lực của vũ trụ; vì vậy chúng ta hãy nhận ra ngôi đền diệu kỳ đó ở nơi vũ trụ; nơi mà chúng ta có thể ngợi khen Thiên Chúa nhân danh tất cả mọi loài thụ tạo.
 

Kinh Chiều


Tv 10: Chúa là Đấng kẻ lành tin tưởng
Phúc thay ai khao khát sống cuộc đời chính trực, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa chí toại lòng (Mt 5,6).
 
I. Thánh vịnh 10 nhắc nhở rằng người công chính đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa; các bạn bè của vịnh gia khuyên ông phải chạy trốn, bởi vì kẻ thù của ông đang âm mưu gài bẫy, nhưng ông bày tỏ lòng tín thác nơi Thiên Chúa.
II. Khi đối mặt với kẻ thù, và khi các môn đệ tìm cách ngăn cản đừng thi hành kế hoạch của Chúa Cha,  Đức Giê-su tìm thấy lý do tin tưởng nơi  công lý của Chúa Cha.
III. Đức Kitô là kẻ bị bách hại nơi các phần tử của Giáo hội. Người khích lệ họ với những tâm tình tin tưởng giống như mình, đảm bảo rằng những người đói khát sự công chính sẽ được no thỏa (x. Mt 5,6).
IV. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cảm thấy mọi sự dường như sụp đổ; hãy nhớ rằng Thiên Chúa luôn hiện diện và can thiệp khi đến thời cơ.

 

Tv 14: Ai được vào ngụ trong nhà Chúa?
Anh em đã tiến tới núi Si-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống (Dt 12,22).
 
I: Thánh vịnh 14 được dành cho những người xứng đáng diện kiến trước nhan Chúa; đây là bản tóm lược tất cả lề luật của Thiên Chúa và nhắc nhớ những điều kiện cần thiết để được Chúa đón nhận vào diện kiến.
II. Đền thờ mới của Thiên Chúa là Đức Ki-tô; nhờ tuân theo giáo huấn và bắt chước gương của Người, con người có thể được đón nhận vào lều trại của Thiên Chúa và trở thành công dân của núi thánh.
III. Giờ đây lều trại của Thiên Chúa là cộng đoàn các tín hữu, trong khi Giáo Hội là thành được xây dựng trên núi, dân dân lũ lượt kéo về thành thánh để tìm gặp Chúa.
IV. Khi được hỏi là làm thế nào để đạt được sự sống đời đời, Chúa Giê-su nhắc nhớ cách đặc biệt về nghĩa vụ đối với tha nhân, nhấn mạnh rằng chỉ những người yêu mến tha nhân mới có thể được cư ngụ nơi nhà Chúa.

 

Tc Ep 1,3-10: Ca tụng Thiên Chúa cứu độ
 
I. Bài thánh ca loan báo kế hoạch của Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ: Thiên Chúa muốn khôi phục tất cả muôn loài trong Đức Ki-tô, để quy tụ tất cả nơi Người.
II. Chúa Ki-tô thâu họp nơi Người tất cả mọi sự trên trời dưới đất.
III. Với bài thánh ca này, Giáo hội nhắc nhở con người đích điểm mà họ phải hướng tới: đó là Thiên Chúa là Cha của họ; và khuôn mẫu mà họ phải noi theo: đó là Đức Ki-tô là người anh của họ.
IV. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, Người đã tiền định cho chúng ta trở nên nghĩa tử của Người và đã cứu chuộc chúng ta nhờ bửu huyết của Đức Ki-tô.

 

THỨ BA TUẦN I

 

Kinh Sáng


Tv 23: Chúa ngự vào đền thánh
Cửa trời rộng mở đón Chúa Ki-tô khi Người lên ngự bên hữu Thiên Chúa (thánh I-rê-nê)
 
I. Thánh vịnh 23 nhắc nhớ việc Chúa tiến vào đền thánh; phần đầu là nghi thức để được chấp nhận vào nơi thánh, phần hai cử hành  cuộc rước hòm bia vào Giê-ru-sa-lem.
II. Thánh vịnh này có thể xem như việc cử hành biến cố Con Thiên Chúa đi vào thế gian, và tiên báo việc Người tiến vào thiên quốc trong biến cố thăng thiên.
III. Phụng vụ cầu nguyện thánh vịnh này trong dịp cung hiến nhà thờ, và áp dụng cho Đức trinh nữ Maria, cánh cửa mà qua đó Đức Vua vinh hiển đi vào trần gian.
IV. Chúng ta ghi nhớ rằng, để bước lên núi của Thiên Chúa cần có tấm lòng thành thực và trong trắng. Đó cũng là điều kiện để chúng ta có thể thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực
 
 
Tc Tb 13,2-8: Chúa sửa phạt và cứu chữa
Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho ta được tái sinh (1 Pr 1,3).
 
I. Ông To-bi-a dâng bài thánh ca lên Thiên Chúa lúc kết thúc cuộc hành trình của mình, nhắc nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng sửa phạt và cứu chữa. Đây cũng là lời tán tụng lòng thương xót của Chúa: ngay cả khi trừng phạt cũng là để thúc giục con người biết quay trở về.
II. Thiên Chúa đã chăm nom giữ gìn cuộc đời của To-bi-a, đã gởi thiên sứ đến với ông; Thiên Chúa cũng trông nom săn sóc toàn thể nhân loại và Người đã phái Đức Ki-tô đến để cứu độ và dẫn dắt họ.
III. Như ông To-bi-a đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã thương cứu giúp ông, Giáo hội dâng lời tạ ơn Cha trên trời, bởi vì do lòng nhân hậu, Người  kêu gọi con người trở về với nẻo chính đường ngay nhờ Đức Kitô.
IV. Trên hành trình tiến về thiên quốc, nhiều lần chúng ta lạc xa đường lối Chúa; nhưng đừng sợ hãi, bởi lẽ Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta, nếu chúng ta sẵn sàng ăn năn hối cải; do lòng thương xót vô bờ, Người đã tái sinh  chúng ta vào một cuộc sống mới (x. 1 Pr 1,3).
 
Tv 32: Ca ngợi Chúa quan phòng
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành (Ga 1,3).
 
I. Thánh vịnh 32 ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa, được biểu lộ qua công trình tạo dựng, qua việc điều khiển mọi diễn biến trên thế giới, qua việc bảo vệ những người lương thiện và sự cứu độ  các tín hữu.
II. Cầu nguyện với thánh vịnh này, chúng ta nhớ đến Thiên Chúa, Đấng đã thực hiện và tiếp tục công trình của Người qua Đức Ki-tô, bởi vì “nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành” (Ga 1,3).
III. Trải qua nhiều thế kỷ, bài ca ngợi khen đã được dùng để chúc tụng Thiên Chúa trong cương giới hạn hẹp của dân tộc Ít-ra-en, nay được mở rộng trên toàn cõi đất, nhờ lời Giáo Hội cất lên để tôn vinh Thiên Chúa.
IV. Chúng ta hãy ca ngợi Thiên Chúa trong hết mọi biến cố của lịch sử cứu độ, về những gì liên quan đến toàn thể nhân loại, cũng như về những gì liên hệ đến mỗi người chúng ta.
 
 

Kinh Chiều


Tv 19: Xin Chúa ban cho vua chiến thắng
Ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu độ (Cv 2,21).
 
I. Thánh vịnh 19 là lời nguyện xin cho nhà vua được chiến thắng; có lẽ lời nguyện này đi kèm theo phụng vụ nhà vua dâng hy lễ trước khi lên đường đánh giặc.
II. Nhà vua là kẻ được xức dầu (= Mêsia); vì thế Giáo Hội coi  thánh vịnh này như là lời nguyện chức cho Đức Ki-tô, Vua Mêsia.
III. Với thánh vịnh này, Giáo Hội cầu nguyện cho vương quốc của Đức Kitô ngự trị trên thế giới, và nguyện xin Chúa Cha chấp nhận lễ vật hy sinh mà Giáo Hội, cùng với Chúa Ki-tô, dâng lên để cầu cho nhân loại được cứu rỗi.
IV. Với thánh vịnh 19, chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục là những người lãnh đạo dân Chúa trong đức tin; chúng ta cũng cầu nguyện cho các vị lãnh đạo quốc gia là những người được trao phó vận mạng của các dân tộc.
 
Tc Kh 4,11; 5,9.10.12: Những người được Chúa cứu chuộc, dâng lời ca ngợi Chúa
 
I. Đây là bài thánh ca của những người được Chúa cứu chuộc, được kết hợp từ ba bài thánh ca dâng lên Đức Ki-tô khi Người, là Con Chiên được sát tế, mở ra quyển sách có bảy dấu ấn.
II. Bằng việc sát tế chính mình, Đức Ki-tô đã chinh  phục về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ; do đó Người xứng đáng nhận mọi lời tôn vinh và chúc tụng.
III. Với bài thánh ca này, Giáo Hội dâng lời chúc tụng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ, và ngợi khen Đức Ki-tô là Đấng cứu chuộc nhân loại.
IV. Hợp lời với các vị bô lão, bốn con vật và các thiên thần, chúng ta - những người được cứu độ,  hãy dùng thánh ca này để ca ngợi  Đức Ki-tô.
 
 
THỨ TƯ TUẦN I
 

Kinh Sáng


Tv 35: Ác nhân mưu kế, nhưng Chúa nhân từ
Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ được chiếu soi nhờ ánh sáng đem lại sức sống (Ga 8,12).
 
I. Thánh vịnh 35 diễn tả tâm trạng của kẻ tội lỗi xa cách Thiên Chúa; nhưng thánh vịnh cũng là lời tụng ca Thiên Chúa là Đấng yêu thương ban thưởng những người công chính; và là lời khẩn cầu, xin Chúa bảo vệ khỏi tay kẻ ác.
II. Thánh vịnh này đối diện với mầu nhiệm tội lỗi và ân sủng, biểu hiện  một bên là ác tâm của kẻ thù địch chống Đức Giê-su, và bên kia  là lòng nhân từ của Chúa Ki-tô.
III. Thánh vịnh nói đến Giáo Hội là nhà của Thiên Chúa; trong đó chúng ta tìm được sự phong phú của sự sống và ánh sáng đến từ Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ không phải đi trong tăm tối.
IV. Nhìn thấy nỗi khốn khổ mà tội lỗi gây ra cho con người, chúng ta hãy cố gắng luôn bước đi trong ánh sáng đức tin, không ngừng tiến đến nguồn ân sủng.
 
 
Tc Gđ 16, 1-2.13-15: Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ, hằng che chở dân Người.
Dân Chúa hát một bài ca mới (Kh 5,9).
 
I. Bài thánh ca này được cất lên sau khi bà Giuđitta chiến thắng tướng Oloferne, tin chắc rằng Thiên Chúa, đấng tạo dựng trời đất, đã bảo vệ dân Người.
II. Thiên Chúa nhớ đến Israel trong những cơn nguy khốn; Người cũng nhớ đến tất cả nhân loại, nên đã sai Con của Người đến để giải thoát họ khỏi vòng nô lệ của ma quỷ.
III. Là đoàn dân mới, đoàn dân được tuyển chọn và cứu độ nhờ Đức Ki-tô, Giáo Hội dâng bài ca mới lên Đức Chúa, Đấng vĩ đại và vinh quang, đáng ca tụng vì quyền năng của Người.
IV. Cả chúng ta nữa cũng đã được cứu chuộc khỏi tay kẻ thù nhờ ơn cứu độ của Chúa; Thiên Chúa tiếp tục giải thoát chúng ta muôn điều nguy biến, vì thế chúng ta hãy vui mừng dâng lên Chúa bài ca cảm tạ này.
 
Tv 46: Thiên Chúa là Vua khắp hoàn vũ
Đức Giê-su Ki-tô ngự bên hữu Chúa Cha, triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.
 
I. Thánh vịnh 46 tuyên bố rằng Thiên Chúa là vua của vũ hoàn. Thánh vịnh này được soạn ra để mừng cuộc chiến thắng của đức vua, hoặc là để rước hòm bia tiến vào đền thánh.
II. Thánh vịnh này mang ý nghĩa súc tích khi đặt trong viễn tượng Đấng Mêsia, và có thể nhắc nhớ chúng ta về cuộc khải hoàn của Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, hoặc là việc Ngài lên trời vinh hiển.
III. Thánh vịnh 46 mang chiều kích Giáo Hội cách sâu xa: thật vậy nó loan báo cuộc chiến thắng của Thiên Chúa và sự thiết lập vương quyền của Đức Ki-tô nơi trần thế, đó là Giáo Hội.
IV. Với thánh vịnh này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa của ơn bình an và cứu độ, xin Người lôi cuốn tất cả mọi dân tộc trên mặt đất về với Người, tái lập tình huynh đệ phổ quát trong vương quốc của Người, là vương quốc của tình yêu.
 

Kinh Chiều


Tv 26,1-6: Tin tưởng giữa gian nguy
Đây là nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại (Kh 21,3)
 
I. Phần thứ nhất của thánh vịnh 26 mời gọi hãy luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ngay cả trong lúc nguy biến, Người vẫn là ánh sáng và sức mạnh cho hết mọi người.
II. Đức Ki-tô cũng cầu xin cho chúng ta hồng ân được cư ngụ trong nhà của Chúa Cha, và luôn được kết hợp với Người, nhất là trong lúc gặp thử thách gian nan.
III. Giáo Hội sơ khai mời gọi các người tân tòng hãy hát bài thánh vịnh này, bởi vì Thiên Chúa là ánh sáng và nguồn ơn cứu độ đối với họ, và Giáo Hội là ngôi nhà của Thiên Chúa, trở thành nhà của họ.
IV. Lòng tin tưởng, niềm xác tín, an bình và niềm vui của thánh vịnh này phải trở thành những tâm tình của chúng ta; bởi vì chúng ta được may mắn sống trong nhà của Chúa.
 
Tv 26, 7-14: Lời cầu nguyện của người vô tội bị bách hại
Một số người đứng lên làm chứng gian, tố cáo Đức Giê-si (Mc 14,57).
 
I. Phần thứ hai của thánh vịnh 26 là lời cầu nguyện của người vô tội bị bách hại; vịnh gia – bị chính cha mẹ mình ruồng bỏ, nên kêu cầu Thiên Chúa đừng bỏ rơi mình nhưng hãy dẫn dắt trên đường ngay nẻo chính.
II. Phụng vụ đặt vào miệng Đức Giê-su lời của thánh vịnh này, bởi vì khi những kẻ làm chứng gian tố cáo Người thì Người đã nài xin Chúa Cha đừng bỏ rơi mình.
III. Đời sống của Giáo Hội là một cuộc liên lỉ kiếm tìm  thánh nhan Thiên Chúa, trong  Kinh Thánh, trong phụng vụ, nơi những người nghèo khó và những kẻ bị bách hại, đang khi chờ đợi để được chiêm ngắm Thiên Chúa trong cõi vinh phúc.
IV. Sự xác tín sẽ được chiêm ngắm Chúa trong cõi đất dành cho kẻ sống phải mang lại cho chúng ta sức mạnh của niềm hy vọng, ngay cả khi gặp đau khổ và thử thách.
 
 
Tc Cl 1,12-20: Quyền trưởng tử của Đức Ki-tô
Đức Ki-tô được sinh ra trước mọi loài thụ tạo, là trưởng tử của những người được sống lại từ cõi chết.
 
I. Có lẽ bài thánh ca phụng vụ này đã có trước thánh Phao-lô, loan báo quyền bá chủ của Ngôi Lời nhập thể trong trật tự tạo dựng cũng như trong trật tự cứu chuộc.
II. Được sinh ra trước mọi loài thụ tạo, Đức Ki-tô - trong hình dạng con người hữu hình, đã mạc khải cho nhân loại về Thiên Chúa vô hình; Người cũng là trưởng tử trong trật tự sáng tạo, và mở rộng hoạt động ra toàn thể vũ trụ.
III. Qua bài thánh ca này, Giáo Hội mời gọi mọi người nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, để cho Người trở thành vua của họ.
IV. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta được trở nên công dân nước trời;  tạ ơn Đức Ki-tô vì nhờ bửu huyết của Người đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha.
 
 
THỨ NĂM TUẦN I
 

Kinh Sáng


Tv 56: Tin tưởng vào Lời Chúa
Thánh vịnh này nói về Đức Ki-tô chịu khổ hình (thánh Au-gút-ti-nô).
 
I. Thánh vịnh 56 là lời cầu nguyện ban sáng trong lúc đau khổ; vịnh gia, dù bị phường gian xảo vây phủ, vẫn không mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, nhưng tuyên bố sẵn sàng xướng  bài ca tạ ơn.
II. Trong cuộc khổ nạn, Đức Ki-tô cũng dâng tiếng kêu gào và lời khẩn nguyện; tuy bề ngoài xem như Thiên Chúa bỏ quên Người  nhưng thực sự đã nhậm lời; thật vậy, Người đã thoát khỏi cạm bẫy của kẻ thù và chỗi dậy.
III. Lời cầu nguyện của Đức Ki-tô cũng là lời cầu nguyện của Giáo Hội; lễ phục sinh được chuẩn bị bằng mùa chay là thời kỳ sám hối, nhưng kế đó là niềm vui sâu xa mừng Chúa sống lại.
IV. Đối với chúng ta cũng vậy, sự chiến đấu là con đường dẫn đến vinh quang, niềm vui bộc phát từ đau khổ, sự sống trên trời bắt đầu từ cái chết ở đời này.
 
Tc Gr 31,10-14: Dân Chúa được giải thoát, thật là hạnh phúc
Đức Giê-su đã chết để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp mọi nơi (Ga 11,51.52).
 
I. Bài thánh ca loan báo cho dân Do thái đang lưu đày tại Ba-by-lon biết rằng họ sẽ sớm quay trở về Giê-ru-sa-lem; bấy giờ khuôn mặt mọi người sẽ lại vui cười rạng rỡ.
II. Những lời hứa trong bài thánh ca được thực hiện khi Thiên Chúa sai Con của Người đến với nhân loại, để quy tụ những kẻ lưu lạc và giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ ma quỷ.
III. Bài thánh ca này phải mang lại niềm bình an cho Giáo Hội lữ hành; bởi vì đảm bảo rằng cuộc lưu đày sẽ kết thúc, và Giáo Hội có thể cất lên bài thánh ca vui tươi dâng lên Thiên Chúa.
IV. Niềm vui của dân tộc Do Thánh phải trở thành niềm hoan lạc của chúng ta, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta tin chắc rằng, dù phải trải qua thử thách, chúng ta sẽ đạt đến quê hương vinh phúc trên trời, là Giê-ru-sa-lem mới.
 
Tv 47: Tạ ơn Chúa đã cứu dân Người
Tôi được thiên thần đem lên một ngọn núi cao hùng vĩ, rồi chỉ cho tôi xem thành thánh Giê-ru-sa-lem từ trời cao (Kh 21,10).
 
I. Thánh vịnh 47 là lời tạ ơn vì Thiên Chúa đã cứu thoát dân Người; dân cư thành Giê-ru-sa-lem, ngợi khen Chúa sau khi đối phương thảm bại ngay dưới tường thành.
II. Thánh vịnh này là bài thánh ca ngợi khen của Đức  Ki-tô phục sinh; Người đã chiến thắng kẻ thù cách lạ lùng, mặc dầu họ chắc chắn rằng đã hạ được Người khi giết Người trên thập giá.
III. Sự vĩ đại của Thiên Chúa cũng được biểu lộ cả trong Giáo hội, là thành thánh, trong đó Thiên Chúa tiếp tục cho thấy Người vẫn can thiệp để cứu rỗi con người.
IV. Khi nhắc nhớ chúng ta về tình yêu của Đức Ki-tô đối với Giáo Hội, thánh vịnh này củng cố đức tin của chúng ta; bởi vì Thiên Chúa vẫn tiếp tục công trình cứu độ  nơi chúng ta.

Kinh Chiều
 
Tv 29: Tạ ơn Chúa vì đã  cứu khỏi chết
 
Sau khi sống lại vinh hiển, Đức Ki-tô tạ ơn Chúa Cha (thánh Cassianô).
 
I. Thánh vịnh 29 là bài ca tạ ơn Chúa vì đã giải thoát khỏi chết;  sau khi được chữa lành cách kỳ diệu, vịnh gia nghĩ lại thời kỳ phải đau khổ và bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa.
II. Truyền thống giáo phụ coi thánh vịnh này như là lời tiên báo về sự phục sinh của Chúa Giê-su; và cho rằng đây cũng là lời Đức Ki-tô tạ ơn Chúa Cha, sau khi được giải thoát khỏi cái chết.
III. Thật là hợp lý khi Giáo hội hát bài ca này. Thật vậy, nhờ được Đức Kitô cứu thoát khỏi cái chết, Giáo Hội nhận thấy dòng nước mắt của mình đã biến thành niềm vui,  và nỗi buồn sầu  trở thành lời ca tạ ơn.
IV. Chúng ta hãy tập thói quen nhận ra những ân huệ của Chúa trong cuộc đời chúng ta, để dâng lời tạ ơn Đấng thường biến những tiếng khóc của chúng ta trở thành niềm vui.
 
Tv 31: Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ
Đây là điều Đa-vít nói khi ca tụng hạnh phúc của người được Chúa kể là công chính, mà không xét đến việc làm (Rm 4,6).
 
I. Thánh vịnh 31 là lời tạ ơn vì tội lỗi được tha thứ; vịnh gia tường thuật kinh nghiệm đau khổ và nhận ra lầm lỗi của mình; sau khi xưng thú tội lỗi, lòng ông ngập tràn bình an.
II. Chúa Ki-tô đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta, đã loan truyền lòng thương xót của Thiên Chúa, và ban cho Giáo Hội quyền tha tội.
II. Thánh vịnh 31 là một trong bảy thánh vịnh sám hối, được đọc trong phụng vụ sám hối, bởi vì nó nêu bật việc xưng thú tội lỗi và xin ơn tha thứ.
IV. Thánh vịnh này nhắc nhở chúng ta rằng việc xưng thú tội lỗi sẽ đem lại sự tự do nội tâm thực sự, đó là linh dược chữa lành con người, và đồng thời ban cho con người cảm nghiệm được niềm vui của sự tha thứ.
 
Tc Kh 11,17-18; 12,10-12: Chúa xét xử thế gian.
 
     I. Trong thánh ca này, phụng vụ kết nối bài hát nói về việc tái lập vương quốc của Đấng Mêsia với lời  công bố sự chiến thắng vang lên trên bầu trời sau khi con rồng bị đánh bại.
II. Đức Ki-tô là Đấng được Thiên Chúa xức dầu; tất cả mọi quyền lực chống đối quyền bính của Người, kể cả sa-tan, đều bị đánh bại.
III. Với bài thánh ca này, Giáo hội tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì nhờ Đức Ki-tô, Chúa đã tái lập vương quốc của Người, thưởng công cho các tôi tớ Người và đã tống cổ con rồng xuống đất.
IV. Thật là chính đáng khi tạ ơn Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sa-tan, hoàn thành ơn cứu độ, tái lập vương quốc của Thiên Chúa và ban cho chúng ơn được trở thành  công dân của vương quốc ấy.
 
 
THỨ SÁU TUẦN I
 
Kinh Sáng

Tv 50: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con
Anh em phải đổi mới tâm can, và mặc lấy con người mới (Ep 4,23-24)
 
I. Thánh vịnh 50, do vua Đa-vít soạn ra sau khi phạm tội ngoại tình và sát nhân, là lời khẩn nài của dân Chúa xin ơn tha thứ vì nhiều lần  bất trung phạm đến Người.
II. Chúa Giê-su đền  tội thay thế  cho loài người,  và với thánh vịnh này, Người khẩn nài Chúa Cha  tha thứ; Người xưng thú tội lỗi của tất cả nhân loại và cầu xin Cha thương xót họ.
III. Thánh vịnh được dùng trong các ngày thứ sáu quanh năm và được Giáo Hội dùng trong nghi thức sám hối, nhằm khơi lên sự canh tân tâm hồn và trở thành bài ca chỗi dậy cuộc đời mới.
IV. Khi chúng ta sa ngã phạm tội, thánh vịnh này quả quyết cho chúng ta biết, nếu chúng ta muốn, Thiên Chúa sẽ tạo ra trong chúng ta một trái tim trong sạch và ban cho chúng ta niềm vui vì được cứu độ.
 
Tc Is 45,15-26: Muôn dân hãy trở về với Chúa
Nghe danh thánh Giê-su, muôn vật phải bái quỳ (Pl 2,10).
 
I. Trong bài thánh ca này, Thiên Chúa tuyên bố Người là vị Chủ tể duy nhất, nơi Ngươi mọi người có thể tìm thấy ơn cứu độ mà các ngẫu thần không thể nào mang đến.
II. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa loan báo thì đã được mạc khải nơi Đức Giê-su. Lời tiên tri: “trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối”, được hiện thực nơi Đức Giê-su: “nghe danh thánh Giê-su, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10).
III. Giáo Hội, kế thừa những lời hứa với dân tộc Do Thái, qua bài thánh ca này nhắc nhở những người tin tưởng nơi các ngẫu thần rằng chỉ nơi Thiên Chúa họ mới tìm được ơn cứu độ.
IV. Chúng ta là những kẻ đã được cứu độ và nhận biết Thiên Chúa thật, cần phải suy niệm bài thánh ca này để tránh xa những quyến rũ của các ngẫu thần.
 
Tv 99: Niềm vui của những người bước vào đền thánh
 
Chúa dạy những ai được ơn cứu chuộc hát bài ca chiến thắng (thánh A-tha-na-xi-ô).
 
I. Thánh vịnh 99 mời gọi những người bước vào đến thánh hãy hân hoan. Thánh vịnh được hát trong lúc dâng hy lễ tạ ơn, khuyến khíc tất cả mọi dân tộc, đặc biệt là Ít-ra-en, hãy ca ngợi Chúa.
II. Lòng nhân hậu mà Thiên Chúa đã tỏ lộ cho Ít-ra-en, được biểu lộ  cách rõ ràng nơi Đức Ki-tô, Đấng đã mở cửa Giáo Hội cho hết mọi dân tộc.
III. Giáo Hội là dân mới của Chúa, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt; thánh vịnh này làm sống lại tấm lòng đạo đức nơi các tín hữu, mời gọi họ ngợi ca và chúc tụng Thiên Chúa.
IV. Chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi của thánh vịnh: “Hãy phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ”, và hãy chúc tụng danh Chúa suốt cuộc sống trần thế, đang khi chờ đợi bước vào cửa thiên đàng với lời ca tạ ơn.
 
Kinh Chiều

 
Tv 40: Lời cầu của bệnh nhân
Một người trong anh em sẽ nộp Thầy, và lại là người đang cùng ăn với Thầy (Mc 14,18).
 
I. Thánh vịnh 40 hứa rằng ai yêu mến người nghèo sẽ không bị Thiên Chúa bỏ rơi, ngay cả khi người đó bị bệnh tật, bị kẻ thù nhạo báng, hay bị bạn bè ruồng bỏ.
II. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su mang lại cho thánh vịnh này một ý nghĩa tiên tri khi công bố sự phản bội của Giu-đa: “Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy, và lại là người đang cùng ăn với Thầy” (xc.Mc 14,18).
III. Mầu nhiệm của Đức Kitô trở thành hiện thực trong Giáo Hội, vì Giáo Hội là mẹ của người nghèo và là nơi cứu trợ những kẻ yếu hèn, thế nhưng không ít lần Giáo hội đã bị phản bội từ những đứa con yêu dấu của mình.
IV. Lời cầu nguyện này làm cho chúng ta kết hợp với Chúa Ki-tô và Giáo Hội, ban cho chúng ta sức mạnh để đền bù tội lỗi của chúng ta và của tha nhân.
 
 
Tv 45: Chúa là nơi ẫn náu và sức mạnh của người tín hữu.
Người ta sẽ gọi con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23).
 
I. Thánh vịnh 45 đoan chắc rằng Thiên Chúa là nơi nương náu và là sức mạnh của dân Người; đây là bài ca chiến thắng sau cuộc thất bại thảm hại của dân A-si-ri dưới tường thành Giê-ru-sa-lem, vào thời vua Ê-dê-ki-a.
     II. Lòng tin tưởng của It-ra-en vào Thiên Chúa, nay được củng cố nơi dân Ki-tô giáo, bởi vì Thiên Chúa đã làm người qua biến cố Ngôi Lời Nhập Thể.
III. Lịch sử của dân tộc Ít-ra-en cho thấy rằng khi dân chối bỏ Thiên Chúa thì họ không được Chúa bảo vệ; nhưng Chúa lại che chở họ khi họ trở về với Người; đây cũng là kinh nghiệm của Giáo Hội,.
IV. Thánh vịnh 45 nhắc nhở chúng ta rằng niềm tin vào Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, là động lực cho sự chiến thắng; mỗi khi chúng ta ở với  Đức Ki-tô, thì vị Chủ tể vũ hoàn sẽ ở cùng ta,  sẽ là nơi trú ẩn và là sức mạnh của chúng ta.
 
 
Tc Kh 15,3-4: Những người được Chúa cứu chuộc đồng thanh ca ngợi và thờ lạy Chúa.
 
     I. Bài thánh ca là thánh thi trên trời tôn vinh Con Chiên hiển thắng, được hát bởi những người trung thành với Đức Ki-tô trong cuộc giao tranh mà sa-tan bày ra để chống lại Đức Ki-tô.
II. Chúa Ki-tô, sau khi cứu rỗi nhân loại, dâng bài thánh ca lên Thiên Chúa, cũng giống như ông Mô-sê đã làm sau khi giải thoát dân khỏi Ai-Cập.
III. Giáo Hội hát dâng bài thánh ca này lên Thiên Chúa, vì Người đã thực hiện biết bao kỳ công, và đã tỏ bày sự thánh thiện và công lý của Người nơi  biến cố nhập thể và cứu chuộc.
IV. Ghi nhớ rằng chúng ta đã được cứu chuộc nhờ máu của Đức Ki-tô, Chiên Thiên Chúa của giao ước mới, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa, thay cho tất cả mọi người, bài thánh ca mừng ơn giải thoát.



THỨ BẢY TUẦN I
 
 
Kinh Sáng
 
Tv 118, 145-152: Suy niệm Lời Chúa trong luật Người ban.
Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người (Ga 5,3).
 
     I. Đoạn  19  của thánh vịnh 118 (được đưa vào Kinh sáng bởi vì nó gợi đến hình ảnh bình minh) là một lời hứa sẽ tuân thủ lề luật; vịnh gia chạy đến cùng Thiên Chúa bởi vì ông tin tưởng nơi Người.
     II. Đức Ki-tô, trong cuộc khổ nạn, mặc dù cảm thấy như là Chúa Cha bỏ rơi mình, vẫn tiếp tục tin rằng Cha vẫn ở gần kề ; Đức Kitô cầu nguyện với Chúa Cha và tuyên bố sẵn sàng làm theo ý muốn của Người (x. Lc 22,42).
III. Ngay cả trong cơn bách hại, Giáo Hội vẫn trung thành với việc suy niệm Lời Chúa và tuân thủ luật Chúa; bởi biết rằng tình yêu đối với Thiên Chúa được thể hiện chủ yếu qua việc tuân giữ các điều răn của Người.
IV. Trong lúc xao xuyến âu lo, chúng ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa bỏ rơi chúng ta; nhưng hãy nhớ rằng, Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta, và Người hướng dẫn chúng ta qua lề luật của Người.
 
 
Tc Xh 15,1-4.8-13.17-18: Dân Chúa ca khúc khải hoàn sau khi vượt qua biển đỏ
Những người đã chiến thắng con vật, cất tiếng hát bài ca của ông Mô-sê, tôi trung của Thiên Chúa (Kh 15,2-3).
 
I. Đây là bài ca chiến thắng mà ông Mô-sê cất lên sau khi vượt qua Biển Đỏ; bài ca này tán dương công trình cứu độ của Thiên Chúa, xuất phát từ tình yêu và quyền năng của Người.
II. Đức Ki-tô, là Mô-sê mới, đã cứu độ không phải chỉ một số ít người, mà là tất cả nhân loại, khi giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ của sa-tan; vào lúc phục sinh là cuộc xuất hành mới, Người dâng lên Thiên Chúa bài thánh ca này.
III. Nơi các bí tích, Chúa lại thực hiện các phép lạ Người đã làm cho dân Ít-ra-en; về phần mình, Giáo Hội dâng lời ca tụng Thiên Chúa, Đấng rạng ngời chiến thắng.
IV.Với bí tích rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi và được đón nhận vào đất hứa là ân sủng; vì thế, giống như Mô-sê, chúng ta hãy dâng lên Chúa bài thánh ca này.
 
Tv 116: Ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa
Tôi xin nói với anh em: dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người (Rm 15,8.9).
 
I. Thánh vịnh 116, ngắn nhất trong các thánh vịnh, mời gọi ngợi khen Thiên Chúa; thánh vịnh này là  một phần của các bài ca Hallel và loan báo viễn tượng phổ quát mà  mầu nhiệm phục sinh sẽ tỏ lộ.
II. Khi Đức Giê-su hát bài ca này trong bữa tiệc Vượt qua, thì lời tiên báo bắt đầu trở thành hiện thực; thật vậy, cuộc vượt qua của Đức Giê-su đã mở ra nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi người.
III. Thánh vịnh 116 nhắc nhớ chiều kích truyền giáo của Giáo Hội; thật vậy, kể từ ngày lễ ngũ tuần, Giáo Hội luôn mời gọi tất cả các dân tộc hãy ca ngợi Thiên Chúa.
IV: Điều mong ước của thánh vịnh này là chúng ta hãy hiệp lời đồng thanh ca ngợi Chúa, và góp phần cộng tác để mọi người thuộc mọi chủng tộc và quốc gia cùng ca ngợi Chúa.
 
Nguồn: Catechesis.net