Sống Chậm

Người ta thường nói: “Thời gian quý như vàng”. Người xưa cũng có câu: “Đời người chỉ một gang tay, Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang” để nhắc nhở về giá trị và ý nghĩa của thời gian. Trong nhịp sống hối hả, xô bồ hiện nay, người ta tìm mọi cách để tận dụng tối đa thời gian sống và gồng mình chạy đua với nó, nhưng để sử dụng nó cho ý nghĩa thì rất ít người làm được. Đặc biệt, đối với phần lớn giới trẻ hiện nay, họ sống qua loa, vội vã cốt sao để hưởng lạc cho nhiều, ăn chơi cho thỏa thích để rồi dẫn đến bao hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội. Trước thực trạng ấy, đâu đó lại vang lên lời nhắn nhủ đi tìm ý nghĩa cuộc sống: “ Sống chậm lại, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn”.

“Sống chậm” không phải là lãng phí thời gian nhưng là sống một cách kỹ lưỡng hơn để cảm nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những điều tốt đẹp ấy đôi khi là tiếng hót của một chú chim được tự do tung cánh trên bầu trời xanh thẳm, là vẻ lấp lánh của một giọt sương mai đọng trên cánh hoa đang hé nở hay vẻ đẹp của một tia nắng hồng lúc bình minh rồi tím dần khi hoàng hôn đến...

Đơn giản thế thôi, bình dị thế thôi, nó diễn ra hằng ngày và tưởng chừng như đã quá quen thuộc, nhưng có lẽ vì vội vàng nên người ta đã bỏ lỡ và thấy nó thật xa lạ. Thế rồi một lúc nào đó vô tình gặp lại, người ta lại cảm thấy ngờ ngợ, quen quen mà hối tiếc xót xa.

Hơn thế nữa, “sống chậm” còn giúp ta có thể cảm nghiệm về cuộc sống và những người xung quanh nhiều hơn. Cuộc sống vội vã, chạy theo nền kinh tế thị trường đã làm cho người ta đánh mất đi nhiều giá trị thiêng liêng của gia đình, của các mối quan hệ giữa người với người và thậm chí đánh mất cả chính mình nữa. Sáng mai khi thức dậy, người cha vội vàng mặc bộ đồ rồi lao vút ra đường; người mẹ vội vàng bỏ vào cặp sách của đứa nhỏ hai đồng giấy bạc rồi đi vội vàng; thế rồi đến đứa con lại vội vàng lôi chiếc cặp của mình lao ra đường, mua vội một ổ bánh mì, ăn vội và cũng đi vội…Họ không có thời gian để trao nhau một lời chào buổi sáng, vợ không có thời gian để pha cho chồng một ly cà phê và chồng cũng chẳng có thời gian để mà uống; mẹ không có thời gian đánh thức con dậy, làm cho con một món đồ ăn sáng. Tất cả đều vội vàng và có lẽ cũng vì thế mà tình cảm vợ chồng, mẹ con, mối quan hệ gia đình dần phai nhạt đi. Đôi khi, nó chỉ còn được ràng buộc cách vội vàng như đồng tiền mà thằng bé vội vàng trả cho người bán bánh mì. Có những gia đình cả tuần, cả tháng người này không gặp được người kia một lần để kể một câu chuyện, hay để nói đôi câu tâm tình, để trao nhau đôi ba cử chỉ yêu thương. Chỉ trong giấc ngủ, người ta mới có mặt đầy đủ ở nhà; và mái nhà giống như quán trọ hơn là mái ấm. Cũng có khi người ta dành cho nhau thật nhiều yêu thương, thật nhiều tình cảm nhưng vì vội vàng mà chẳng có thời gian đón nhận và thế là những yêu thương ấy trở thành của để dành. Để dành cho đến khi người chồng trong cơn say chợt nhớ đến có một mâm cơm và một người phụ nữ đang lặng lẽ dọn vào, trở về nhà thì cơm đã lạnh, canh đã nhạt, trời đã quá khuya. Để dành cho đến khi đứa con “sống chậm lại” và chợt nhận ra những sợi bạc trên mái tóc mẹ và những nếp nhăn trên vầng trán cha, mong ước đáp đền thì năm đã cùng tháng đã tận, Thái Sơn đã nghiêng bóng về cuối chân trời. Vội vàng đã làm cho cuộc sống con người ta trở nên mất cân bằng, làm cho con thuyền tình cảm phải lao đao, chìm nghỉm mà không tới được bến tâm hồn.

Vì thế, người ta cần “sống chậm” lại để có những khoảng lặng mà rút kinh nghiệm, rút ra những bài học từ những thất bại đã qua và tìm cho tương lai những niềm hy vọng mới. “Sống chậm” để lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống; đặc biệt hơn, “sống chậm” giúp cho tâm hồn mỗi người trẻ trở nên thâm trầm, sâu sắc, chín chắn và trưởng thành hơn.

“Sống chậm” mang lại nhiều lợi ích như thế, nhưng để “sống chậm” là một điều không hề dễ trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Thật là khó khi “mọi người đều thế” mà “tôi không thế”. Mọi người đều lấn lên vỉa hè, lách chỗ này, lạng chỗ kia để được đi nhanh hơn, tại sao tôi lại phải đứng chờ? Mọi người đều thế, có sao đâu? Cả làng đi lượm bia, sao mình không ra kiếm vài thùng kẻo thiệt? của chùa mà, có sao đâu? xấu chung mà…Sao mình không sống thử nhỉ? Có người nấu ăn, giặt đồ cho, lại thêm “vui cửa vui nhà”, đôi bên cùng có lợi; sinh viên bầy giờ đều thế mà, có sao đâu? Mình không biết chơi bời, không biết hưởng thụ liệu có bị chúng bạn chê cười là quê mùa, ngu dốt không nhỉ?...Những câu hỏi ấy, những não trạng ấy đã trở nên những rào cản làm cho người ta thấy băn khoăn, sợ hãi không dám “sống chậm”, không dám sống là chính mình.

Vì thế, muốn “sống chậm” thì cần phải có những “suy nghĩ khác”. “Suy nghĩ khác” là biết cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn cho mình những lối đi riêng. Lối đi riêng đó là những suy nghĩ tích cực, là nghị lực vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để không rơi vào tuyệt vọng, chán nản, để tự tin và vững bước trong cuộc sống.

“Sống chậm, suy nghĩ khác” sẽ là con đương dẫn chúng ta tới “yêu thương nhiều hơn”. Yêu thương nhiều hơn sẽ là con thuyền mới vững chắc, chở đầy tình cảm cập bến tâm hồn mà không sợ bão táp, phong ba của sự vội vàng nhấn chìm. Yêu thương nhiều hơn là biết sống vị tha, bao dung, biết suy ngĩ, biết quan tâm, chăm sóc và hướng tới người khác nhiều hơn. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, với những người trẻ, sự lãnh đạm, thờ ơ, vô cảm đang diễn ra như một căn bệnh của thời đại, như một dịch bệnh trong cộng đồng. Họ thờ ơ với những giá trị đạo đức, tâm linh, thờ ơ với những người bị nạn, thờ ơ với những mảnh đời bất hạnh, thờ ơ với những tội ác diễn ra ngay trước mắt thậm chí còn cổ vũ, tán dương…

Vì thế, yêu thương là cái mà con người ngày nay đang cần nhất. Yêu thương là cái gốc của con người, của nhân loại: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Một lời ân cần với mẹ cha sau giờ làm việc mệt mỏi đó là yêu thương. Một nụ cười cho người bên cạnh một niềm vui đó là yêu thương. Một bàn tay đưa ra để một bàn tay khác được nắm lấy ấy là yêu thương. Hay một đôi chân đứng lên cho một chiếc gậy ngả xuống như thế là yêu thương. Yêu thương là cho người mù dùng chung đôi mắt. Yêu thương là cho người què đi chung đôi chân. Yêu thương là cho người cùi dùng chung đôi tay. Yêu thương là hai thành một và một là hai. Như thế yêu thương đâu phải là những điều quá lớn lao, vượt sức con người nhưng nó lại làm cho người ta trở nên nhân hậu hơn, cao cả và lớn lao hơn rất nhiều. “Yêu thương nhiều hơn” chính là biết cho đi nhiều hơn để được nhận lại nhiều hơn.

Vì vậy, “Sống chậm lại, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn” không còn là lời nhắn nhủ riêng cho những người trẻ nữa nhưng là lời nhắc nhở chung cho tất cả mọi người trong xã hội hiện nay. Mỗi người hãy “sống chậm” nhưng không phải là sống chậm chạp, lạc hậu, sống cho qua ngày đoạn tháng mà là sống hết mình, sống có ý nghĩa. Hãy suy “nghĩ khác” nhưng đừng lập dị, quái đản nhưng là suy nghĩ tích cực mong muốn ích lợi cho mọi người và cho chính mình. Và hãy “yêu thương nhiều hơn”, nhiều hơn nữa để những vực sâu ngăn cách giữa người với người được lấp đầy. Cuối cùng, xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Thanh Bình thay cho lời kết: “…tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời, tình người lấp lóe bên tôi…”.

 

Phêrô Nguyễn Văn Ba