Cuộc viếng thăm của các đạo sĩ trong Kinh Thánh

Trình thuật về sự Hiển Linh được tìm thấy trong chương thứ hai của Tin Mừng Matthêô (1-12). Sau khi biết tin Chúa Giêsu hạ sinh, các đạo sĩ từ phương Đông đã đến Giêrusalem, theo một ngôi sao dẫn đường. Ở đó, họ gặp vua Hêrốt và hỏi vị vua của dân Do Thái mới sinh ở đâu. Hêrốt bối rối, triệu tập các kinh sư và yêu cầu họ tìm kiếm trong các bản văn cổ xưa để tìm ra dấu hiệu nói về nơi sinh hạ của trẻ sơ sinh nổi tiếng này. Sau đó, các kinh sư tìm thấy lời tiên tri nói đến thành Bêlem, ở Giuđêa. Hêrốt quay lại gặp các đạo sĩ và yêu cầu họ đi xác định vị trí của con trẻ và sau đó quay lại Giêrusalem để ông có thể tỏ bày lòng tôn kính với trẻ mới sinh này.

Các đạo sĩ lên đường và đi theo ngôi sao dẫn đường ở phía trước. Cuối cùng khi ngôi sao dừng lại phía trên nơi Hài nhi Giêsu ở, họ “vui mừng khôn tả”. Họ thấy căn nhà, bước vào và phát hiện ra Đức Maria và con trẻ. Sau đó, họ phủ phục và dâng Ngài vàng, nhũ hương và một dược. Sau đó, các đạo sĩ được cảnh báo trong giấc mơ là đừng quay lại gặp Hêrốt. Do đó, họ trở về nhà bằng con đường khác.

Tức giận, Hêrốt ra lệnh cho binh lính giết tất cả các bé trai dưới hai tuổi ở Bêlem (vụ thảm sát các Thánh Anh Hài). Được báo mộng, Giuse cùng gia đình trốn sang Ai Cập.

Ý nghĩa của hiển linh

Ba đạo sĩ là ai?

Tin Mừng Matthêô (2, 1-12) là văn bản Kinh thánh duy nhất đề cập đến việc Ba đạo sĩ đến Bêlem, mười hai ngày sau khi Đức Kitô giáng sinh. Văn bản không đề cập đến tên, số lượng cũng như xuất xứ của họ. Truyền thống qua nhiều thế kỷ đã thêm vào những chi tiết như chúng ta biết hiện nay.

Các đạo sĩ từ phương Đông

Các “Đạo sĩ” (mages) xuất phát từ magi trong tiếng Hy Lạp (số nhiều của magos). Thuật ngữ này chỉ các tư tế của Babylon và Ba Tư cổ đại, hai vương quốc nằm ở phía Đông của Đất Thánh. Vào thời điểm đó, các đạo sĩ là những nhà thông thái hay hiền triết có khả năng đọc được bầu trời. Họ là những nhà chiêm tinh, công việc của họ là đọc dấu hiệu của một vương triều mới qua các vì sao.

Không giống như các mục đồng Do Thái đến chào đón Chúa Giêsu Hài Đồng, Ba đạo sĩ là những người ngoại giáo, đến từ những vùng đất khác. Sự hiện diện của họ tượng trưng cho tính cách phổ quát của ơn cứu độ do Đức Kitô mang đến, mà thông điệp của Ngài là quy tụ tất cả các dân tộc trên Trái đất lại.

Tên gọi của các đạo sĩ?

Matthêô không nêu tên các đạo sĩ cũng không nói có bao nhiêu người. Theo số lượng lễ vật được dâng cho Hài nhi Giêsu (vàng, nhũ hương và một dược), nhà thần học Origen ở thế kỷ III, đã cho con số là ba vị. Mặc dù truyền thống chắc chắn đã đặt cho họ một cái tên từ lâu, song trong một bản thảo có niên đại từ thế kỷ thứ VII, Excerpta latina barbari, chúng ta mới tìm thấy dấu vết về những tên gọi được đặt cho ba đạo sĩ là: GaspardBalthazar và Melchior.

Nếu Matthêô không nói chính xác đến nguồn gốc của họ, thì truyền thống đã gán cho các đạo sĩ nguồn gốc chính xác hơn, nhờ vào những khám phá địa lý vào thời ấy. Thế nên, ngay từ đầu thời Trung cổ, người ta cho rằng Gaspard đến từ Châu Á, Balthazar đến từ Châu Phi và Melchior đến từ Châu Âu.

Đôi khi người ta còn nói ba đạo sĩ còn tượng trưng cho ba thời kỳ của cuộc đời: Tuổi trẻ, tuổi trung niên và tuổi già.

Tại sao các đạo sĩ cũng được gọi là vua?

Một số Giáo phụ Giáo hội (Tertullianô, Cyprianô thành Carthage, Ambrôsiô thành Milan, v.v.) đã gán tước hiệu “vua” cho các đạo sĩ. Về điều này, họ dựa vào một đoạn sách ngôn sứ Isaia (Is 60, 9): “Phải, các hải đảo đợi chờ Ta: Có đoàn tàu Tácsít dẫn đầu, chở con cái ngươi từ phương xa tới, mang theo vàng và bạc, để tôn vinh danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, để tôn vinh Đức Thánh của Israel, vì Người đã làm cho ngươi được vinh hiển”, và Thánh vịnh 72, 10-11: “Từ Tácsít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả Rập, Xơva, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự”.

Các đạo sĩ, đã trở thành các Vua, nên được củng cố thêm uy tín và khả năng đọc các dấu hiệu trên trời khi họ thông báo về sự xuất hiện của một triều đại mới. Vương quyền được gán cho họ cũng nhấn mạnh rằng ngay cả những người quyền lực nhất - không giống như vua Hêrốt cứ muốn giữ cho bằng được quyền lực của mình – cũng phải phủ phục trước Đức Kitô.

Ba đạo sĩ mang đến lễ vật gì?

Theo Matthêô, ba đạo sĩ dâng ba lễ vật: Vàng, nhũ hương và một dược. Những lễ vật này có ý nghĩa tượng trưng. Theo cuốn Légende dorée, khoảng từ 1261 đến 1266, của nhà chép sử biên niên và là tổng giám mục người Ý Jacques de Voragine, những lễ vật có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ.

Theo tác giả, ba lễ vật ám chỉ ba dấu hiệu của Đức Giêsu Kitô. Vàng biểu trưng cho vương quyền Đức Giêsu (xét cho cùng, ba đạo sĩ đã lên đường tìm kiếm “vua dân Do Thái” mới hạ sinh). Nhũ hương được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo; do đó tác giả nhấn mạnh đến thần tính của Đức Kitô. Một dược, được sử dụng như một phương pháp ướp xác, gợi lại nhân tính của Đấng Cứu Thế đã nhập thể (được sinh ra và cuối cùng sẽ chết).

Từ cuối thế kỷ IV, trình thuật về các đạo sĩ đến tôn thờ Đức Giêsu Kitô đã được đọc trên khắp thế giới. Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh, được chính thức thiết lập vào thời đại này, tượng trưng cho những phương tiện được nghi thức hóa để giúp các tín hữu hiểu (và sống) mầu nhiệm Nhập Thể. Rất có thể biểu tượng liên quan đến ba lễ vật này đã phù hợp với ý của Công đồng Nicea, được triệu tập vào năm 325, đã cố gắng xác định thần học về Chúa Ba Ngôi vốn có trong Đức Giêsu Kitô.

Đi theo ánh sao: Một truyền thống ngoại giáo và Do Thái

Trình thuật Hiển Linh và chuyến viếng thăm của Ba đạo sĩ tới Bêlem lấy một số chủ đề văn học ngoại giáo và Do Thái.

Theo nhà nhân chủng học Jean Lambert, hai chương đầu Tin Mừng Matthêô lấy cấu trúc văn học của truyền thống Cận Đông thời bấy giờ thông báo về sự ra đời của một hoàng tử mới (như trường hợp của Cyrus, ở Ba Tư). Theo truyền thống Ba Tư cổ đại, ngôi sao là dấu hiệu cho thấy một nhân vật đã được chỉ định làm người kế vị ngôi vương hiện tại. Các đạo sĩ từ phương Đông, đi theo ngôi sao trên trời dẫn họ đến máng cỏ. Theo nhà nghiên cứu, việc họ phủ phục trước Hài nhi Giêsu tượng trưng cho cử chỉ chính trị thể hiện lòng trung thành với quyền lực mới mà họ nhận ra nơi vị vua mới của người Do Thái. Đây có thể là lý do tại sao, trong số những điều khác, các đạo sĩ dâng vàng làm lễ vật cho Đức Giêsu như một thuộc tính của hoàng gia.

Đối với nhà thần học Joseph F. Kelly, Matthêô, người cũng kể lại sự ra đời của Đức Giêsu, đã liên hệ với lời tiên tri của một đạo sĩ ngoại giáo khác trong Cựu Ước là Balaam. Ông tiên đoán rằng “một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel đập vào màng tang Môáp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết” (Ds 24, 17). Giacóp thật sự có một tên gọi khác: Israel. Theo Matthêô, Đức Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít, nên câu chuyện về Ba đạo sĩ cho thấy những lời tiên tri trong Cựu Ước đã thành hiện thực và được thế giới ngoại giáo công nhận, và họ đã cúi đầu trước Đấng Messia mới.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Chuyển ngữ từ: lejourduseigneur.com (30/12/2021)

Nguồn: gpquinhon.net (01/01/2025)