Dẫn Nhập Các Thư Thánh Phaolô

A. CUỘC ĐỜI THÁNH PHAOLÔ

Chúng ta biết về cuộc đời thánh Phaolô hơn bất cứ một Tông đồ nào kể cả Phêrô và Gioan, nhờ vào 2 nguồn tài liệu là sách Cv và chính các thư của Người.

Tuy 2 tài liệu này không đủ để trình bày trọn vẹn tiểu sử của thánh Tông đồ, vì chúng không được viết nhằm mục đích trên, nhưng nhờ chúng, người ta có thể phác họa những nét chính trong cuộc đời thánh Phaolô từ thuở thiếu thời cho tới khi Người tử đạo.

I. MỘT NGƯỜI DO-THÁI TRONG THẾ GIỚI HY-LẠP

Thánh Phaolô sinh tại Tarsô- Tarsus (Cv 21,39; 22,3), thủ phủ miền Cilicia, một trung tâm văn hóa và thương mại sầm uất trong vùng. Phaolô lớn lên tại thành phố quê hương và sau này có đôi lần trở về (Cv 9,30; 11,25; Gl 1,21).

Thuộc chi tộc Benjamin, là một Pharisêu nhiệt thành (Pl 3,5; Cv 23,6).

Trong các thư, thánh Phaolô tự gọi mình là Paúlos (pau/loj), nhưng trước khi trở lại, ông thường được gọi là Saul (Saou,l) (cho đến Cv 13,9). Những người Do-thái sống trong lãnh thổ La-mã thường mang 2 tên gọi: Hipri và Latin hoặc Hy-lạp.

Xem ra thánh Phaolô tham gia các môn thể thao như thấy qua lối nói của Người trong các thư (Rm 9,16; 1 Cr 9,24-27; 2, Cr 4,7-9; Gl 2,2; Ep 4,12-14; Pl 2,16; 1 Tm 4,7-8).

Thánh Phaolô cũng tỏ ra am hiểu về văn hóa văn chương(Cv 17,28) và triết học (Rm 1,20-23; 1 Cr 2,2. 11-15; Gl 4,4; Ep 1,23; Cl 2,9. Người cũng am hiểu các tôn giáo chính của dân ngoại (Cv 17,17; 1 Cr 6,12; Cl 2,8-10; 1 Tm 4,7; 2 Tm 4,3-4), nhưng xem ra các thắng cảnh, công trình kiến trúc lại không hấp dẫn mấy đối với Người mặc dù Người đi đây đó rất nhiều.

Thánh Phaolô hấp thụ đặc biệt nền giáo dục truyền thống Do-thái, khi Người theo học rất sớm tại Giêrusalem tại trường của thầy Gamaliel để trở thành một Rabbi (Cv 22,3). Gamaliel la là một trong những Rabbi nổi tiếng và nhiệt thành nhất thời bấy giờ (Gl 1,14). Cũng như các pharisêu, thánh Phaolô đã học nghề và làm nghề may lều (Cv 18,3).

Tóm lại: Thánh Phaolô là con người đa văn hóa: Do-thái, Hy-lạp và Rôma.

Nhưng hơn hết là con người siêu văn hoá, thuộc về Đức Kitô như Người đã khẳng định trong Gl 2,19-20. Chính tương quan với Đức Kitô đã giúp Người vượt lên khỏi mọi ràng buộc văn hóa để trình bày đời sống Kitô hữu như một tương quan liên ngôi vị trong đức tin, đức cậy và đức ái với Đức Kitô, từ đó mà cộng đoàn Kitô hữu, tức là Giáo Hội, phải trở thành cộng đoàn liên đới của mọi người vượt khỏi những trở ngại về văn hóa, chủng tộc hay địa vị xã hội (Gl 3, 27-29). Vì thế, thánh Phaolô đã có thể thiết lập các Hội Thánh gốc gác từ thế giới Do-thái, hội nhập vào thế giới Hy-lạp và La-mã.

II. CUỘC TRỞ LẠI

Biến cố bị quật ngã trên đường Đamas đã làm Phaolô tỉnh ngộ và nhận rằng mình sai lầm (Cv 9,1-9; 22,5-11; 26,9-18).

Sau này thánh Phaolô miêu tả biến cố này như sự thay đổi tận gốc rễ cuộc sống của Người (Pl 3,12; 1 Tm 1,13) vì đó là ơn gọi trực tiếp đến từ Đức Giêsu phục sinh, và Phaolô luôn xác tín mạnh mẽ ơn gọi của mình (Gl 1,15; Rm 1,1; 1 Cr 1,1; 15,9-10).

Ngay sau khi được chữa cho sáng mắt, lãnh phép rửa (Cv 9,18-19), Phaolô bắt đầu rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa và làm chứng rằng Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với ông trên đường Đamas chính là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa (Cv 9,20-22; Gl 1,15-17).

Sau biến cố Đamas ít lâu, Phaolô rút vào sa mạc Ả-rập (tây nam Syria ngày nay) một thời gian rồi qua lại Đamas (Gl 1,15-17) để thụ huấn thêm về niềm tin Kitô và tiếp tục làm chứng về Đức Kitô phục sinh và hậu quả là người Do-thái bách hại ông đến nỗi ông phải trốn khỏi thành vào ban đêm trong một cái thúng đuợc các môn đệ thả xuống từ tường thành (Cv 9,23-25).

Sau đó, Phaolô đến Giêrusalem nơi mà nhờ thánh Phêrô và Barnaba giới thiệu, ông đuợc cộng đoàn Kitô đón nhận (Cv 19,26-28; Gl 1,18). Vì tranh luận với người Do-thái mà một lần nữa tính mạng ông bị đe dọa (Cv 9,29). Ông được đưa về Caesarea rồi đáp tàu về lại quê hưong Tarsô (Cv 9,30). Rồi từ đây, ông rong ruổi nhiều thành vùng Cilicia và Syria để làm chứng cho niềm tin Kitô (Gl 1,21-24) và luôn đuợc thánh Barnaba khích lệ (Cv 11,25-26). Giai đoạn này kết thúc với việc Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem mang theo tiền lạc quyên của các Kitô hữu miền Giuđêa trợ giúp Hội Thánh ở Giêrusalem.

III. HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO

Cv 13,1—21,16 cho thấy thời gian miệt mài truyền giáo của thánh Phaolô. Cứ điểm chính là thành Antiôchia ở Syria. Thánh Phaolô từ đây ra đi và rồi trở lại nhiều lần.

1. Chuyến đi thứ nhất

Thông tin chính từ Cv 13,1-14,28. Được Thánh Thần tác động, thánh Phaolô và Barnaba bắt đầu rao giảng Tin Mừng (x. Cv 13,1-4), có Gioan Marcô đi theo.

Các ông rao giảng tại nhiều thành thị thuộc đảo Sýp (x. Cv 13,4-12), rồi quay về đất liền viếng thăm Pamphylia, Pisidia và Lycaonia (tây nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Ở đây các ông cũng gặp phải sự chống đối của người Do-thái. Tại Lystra, sau khi từ chối việc dân chúng phong thần cho mình, thánh Phaolô bị ném đá do sự xúi giục của những người Do-thái đến từ Icônio và Antiôchia miền Pisidia là nơi thánh Phaolô đã có bài giảng đáng ghi nhớ về lịch sử cứu độ (x. Cv 13,16-43).

Rồi các ông quay lại Antiôchia Syria và tại đây chúng ta thấy sự đụng độ đầu tiên với các Kitô hữu gốc Do-thái là những người đòi các Kitô hữu gốc dân ngoại phải giữ luật Môsê (Cv 15,1-2).

Các Kitô hữu Antiôchia quyết định gửi thánh Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem xin ý kiến các Tông đồ (Cv 15,2-3). Tại đây, thường gọi là công đồng Giêrusalem, các Tông đồ quyết định rằng các Kitô hữu không phải giữ luật Môsê (15,4-29).

2. Chuyến đi thứ hai

Thông tin từ Cv 15,36-18,22. Thánh Phaolô và Barnaba quyết định rời Antiôchia đến viếng thăm các cộng đoàn đã đưọc thiết lập trong hành trình truyền giáo I (Cv 15,36).

Nhưng hai vị bất đồng về chuyện cho Marcô đi cùng (15,37-39). Barnaba với Marcô đi đảo Syp (15,39), trong khi thánh Phaolô và Sila thì làm một vòng các Hội Thánh miền Syria và Cilicia (15,40-41).

Tại Lystra có thêm Timothe tham gia (16,1-3). Rồi họ tới Phrygia và Galatia và thiết lập các cộng đoàn mới ở đó (16,4-8).

Ở Troa, thánh Phaolô có giấc mơ về một người Macêđônia (16,9-10) và thế là thánh Phaolô đặt chân tới Âu châu. Các thành đầu tiên thánh Phaolô viếng thăm là Neapolis và Philipphê (16,11-15). Tại Philipphê, thánh Phaolô và Sila bị đánh đòn và bỏ tù vì trừ quỷ cho một cô gái bị quỷ ám để người khác lợi dụng khai thác qua việc bói toán (16,16-24), nhưng các vị được giải thoát cách lạ lùng (16,25-40).

Các vị lại chuyển tới Thessalonica (17,1-9) và Bêroea (17,10-14). Sila và Timôthê ở lại Bêroea (17,14), còn thánh Phaolô cùng với vài người mới trở lại đạo lên đường điAthen (17,15) ở đây thánh Phaolô rao giảng cho người Do-thái trong hội đường và cho dân ngoại trên đồi Arêopagô (17,16-33).

Rồi Người lại đi Côrintô (18,1), lập cộng đoàn tại đó và lưu lại một năm truớc khi ra đi vì bị một số người Do-thái chống đối (18,2-18). Rồi Người lại đi Antiôchia, có vợ chồng Aquila và Priscilla đi cùng, tới tận Êphêsô (18,19-21). Từ Êphêsô, thánh Phaolô đáp tàu đi Cêsarea của Palestine, lên Giêrusalem chào Hội Thánh rồi về lại Antiôchia.

3. Chuyến đi thứ ba

Thông tin tư Cv 18,23—21,16 cộng với vài chi tiết từ các thư Phaolô. Sau khi lưu lại Antiôchia của Syria, thánh Phaolô đã viếng thăm các Giáo Hội miền Galatia và Phrygia (18,23).

Người ở lại Êphêsô ba năm và trong thời gian đó, Người xây dựng nền móng cho Hội Thánh địa phương rất quan trọng này (19,1-20).

Từ Êphêsô mà Tin Mừng được loan truyền qua Côlôsê, Laodicea va Hierapolis (Cl 1,7; 2,1; 4,13-14). Rồi thánh Phaolô lại đến thăm Hội Thánh tại Côrintô (2 Cr 12,14; 13,1-2). Cuộc gây rối của các thợ bạc làm mô hình đền nữ thần Artêmê (19,23tt) khiến thánh Phaolô phải rời Êphêsô.

Người đi một vòng miền Macêđônia va Akhaia cùng với một số môn đệ (20,1-4). Từ Philipphê, thánh Phaolô đáp tàu đi Giêrusalem.

Người dừng chân ở Troa, Mytilene và Samos và tại Miletus (20,5-15) thánh Phaolô tụ tập các kỳ lão Êphêsô và giảng cho họ một trong những bài đáng nhớ nhất (20,17-38).

Rồi lại đáp tàu đi Cos, Rhodes và Patara và từ đó Người đi tới Tyre ở Phoenicia. Ở đây ít ngày, người tụ tập các môn đệ tại bãi biển để cầu nguyện (21,4-5). Rồi lại lấy tàu đi Ceasarea trước khi lên Giêrusalem cùng một số môn đệ (21,15-16).

Hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô

B. ĐÔI NÉT VỀ CÁC THƯ THÁNH PHAOLÔ

Ngay từ đầu, truyền thống Kitô giáo đã nhìn nhận thánh Phaolô là tác giả của 14 trong số 21 thư Tân Ước (kể cả thư Dt) và trở thành tác giả viết nhiều tác phẩm Tân Ước nhất.

I. THƯ TÍN TÂN ƯỚC

1. Phân loại

Trong thế giới Hy-La thời ấy, “thư” có 2 hình thức:

Lettera (letter, lettre), thư thường: mang tính cá nhân, viết cho người thân, bạn bè, buôn bán làm ăn… văn phong tự do, thân mật.

Epistola (epistle, éptre), thư luận đề: là tiểu phẩm nặng tính văn chương, gửi tới các nhân vật quan trọng hay để thảo luận với bạn bè. Nội dung dành để phổ biến rộng, có thể là một khảo luận về những chủ đề đăc biệt.

Các tác phẩm của Thánh Phaolô mang đăc tính của cả hai loại trên: mang tính thân mật qua cách chào hỏi, khuyên bảo… (lettera); đồng có những giáo huấn, tranh luận, biện bác (epistola).

Tất cả các thư của thánh Phaolô đều được viết do hoàn cảnh, do nhu cầu tín hữu đặt ra. Đó không phải là những tiểu luận thần học, mà là những câu giải đáp cho những hoàn cảnh cụ thể.

Các thư này không hoàn toàn riêng tư, cũng không phải thuần tuý văn chương. Đó là những bài thuyết trình dành cho các độc giả cụ thể, rồi qua họ dành cho mọi Kitô hữu.

Nội dung các thư bao gồm những điểm giáo lý căn bản xoay quanh trục Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu độ nhân loại, nhằm mục đích huấn luyện các tín hữu, củng cố đức tin, sửa chữa những sai lầm yếu đuối.

Các thư đưa ra hướng giải quyết những vấn đề do các cộng đoàn gây ra, chống lại những người truyền bá giáo lý sai lạc.

Qua các thư của thánh Phaolô, người ta nhận thấy tư tưởng của Người đã phát triển theo đường hướng liên tục, nhưng phát triển thực sự dưới sự thúc đẩy của Thần Khí, Đấng hướng dẫn Người hoạt động Tông đồ.

2. Cấu trúc

Nhìn chung các thư thánh Phaolô có cấu trúc gồm 4 phần.

a. Mở đầu

Công thức mở đầu thư gọi là Praescriptio: một câu gồm danh tánh người gửi, địa chỉ người nhận thư, và một lời chào vắn tắt. Chẳng hạn Cv 23,26: ”Clauđiô Lyxia trân trọng chào ngài tổng trấn Phêlích đáng kính”. Hoặc: Cv 15,26: ”Anh em Tông đồ và kỳ mục chúng tôi gởi lời chào anh em gốc dân ngoại tại Antiôchia, tại miền Syria và Cilicia”.

Các thư trong Tân Ước không theo sát hình thức thư tín của Hy-La.

Các thư của thánh Phaolô, 1 và 2 Pr, 2 Ga và Gđ gồm hai câu:

1) Câu thứ nhất nêu danh tánh người gửi (Superscriptio): tên tác giả, có khi kèm theo một yếu tố xác định rõ hơn (1 và 2 Tx, Tt 1); và nêu danh tánh người nhận thư (Adscriptio): tên riêng, có khi thêm vào một vài tước hiệu hoặc danh xưng(x. 1 và 2 Tx, 1 và 2 Cr, Gl).

2) Câu thứ hai là lời chào chúc (Salutario) theo kiểu Do-thái trong bầu khí Kitô giáo như “bình an” eirènè hay Shalôm, “kính chào”, khairein hay Ave. Tuy nhiên các thư thánh Phaolô thuờng tồng hợp nhiều thứ như “ân sủng”, “bình an”, “tình thương” (x. 1 Cr 1,3; 2 Cr 1,2; Ep 1,2).

Trong các thư của thánh Phaolô (1, 2 Tx; Gl; 1, 2 Cr; Pl; Cl; Plm), chúng ta nhận thấy ngoài danh tánh của thánh Phaolô, còn kể thêm nhiều người gửi khác. Đó là điều hiếm thấy trong các thư ngoài xã hội.

b. Lời tạ ơn

Tác giả tri ân vì lý do đặc biệt. Trong các thư thánh Phaolô, có khi là lời tạ ơn dài (1 Tx), có khi là vinh tụng ca dài (2 Cr 1,3-11), có khi gộp cả 2 yếu tố (Ep 1,3-23).

c. Thân thư: Sứ điệp hay chủ đề của thư

Các thư của thánh Phaolô thường gồm hai phần: đạo lý và luân lý; nêu cơ hội hay lý do viết thư (Pl 1,4; 2 Tm 1,4; Plm 7); trình bày sứ điệp; tóm tắt những điểm chính và hẹn hò (Rm 15,14.22; Plm 21-22; 1Cr 16,5.13; 2Cr 13,10-11).

d. Kết thư: Lời chào từ biệt.

Cuối thư tân ươc thường là những lời dặn bảo và từ biệt. Nếu thánh Phaolô đọc cho thư ký viết, thì Người cầm bút viết ít chữ (x. 1 Cr 16,21; Cl 4,18; 2 Tx 3,17) và bằng chữ hoa (Gl 6,11). Có khi kèm lời chào của các cộng sự viên (Pl 4,21-22; Tt 3,15). Kết thúc luôn là lời chúc tụng hay vinh tụng ca (Rm 16,25-27; Pl 4,20).

3. Cách soạn thảo thư

Thời xưa, người ta có thể sử dụng bốn cách để soạn thư từ:

a. Chính người gửi tự tay viết, ví dụ Plm.

b. Người gửi đọc từng lời cho thư ký viết (x. 1Cr 16,21; Cl 4,18; 2Tx 3,17; Gl 6,11).

c. Người gửi nói ý nghĩa, nội dung bức thư cho thư ký, rồi người này soạn và viết, ví dụ thư Cl, vì có văn phong khác với các thư được coi là xác thực của Phaolô.

d. Người gửi trao toàn quyền cho thư ký hay một ai đó viết thư nhân danh người gửi.

4. Thứ tự các thư Phaolô

a. Theo quy điển

Bản dịch Vulgata sắp xếp các thư thánh Phaolô theo thứ tự độ dài, vắn, tập thể trước cá nhân sau:

Rôma, 1 và 2 Côrintô, Ga-lát, Êphêsô, Philípphê, Côlôsê, 1 và 2 Thessalônica, 1 và 2 Timôthê, Titô, Philêmôn.

b. Theo thời gian

Năm Người nhận Nơi viết

51-52

54-55

56

57

Lễ VQ 57

Mùa thu 57

Mùa đông 57

61-63

65

67

1 và 2 Thessalônica

Galát

Philípphê (?)

Philêmôn (?)

1 Côrintô

2 Côrintô

Rôma

Philípphê (?)

Côlôsê

Êphêsô

Philêmôn (?)

1 Timôthê (?)

Titô (?)

2 Timôthê (?)

Côrintô

Êphêsô

Êphêsô

Êphêsô

Êphêsô

Makêđônia

Côrintô

Rôma

Rôma

Rôma

Rôma

Rôma

Rôma

Rôma

 

5. Phân loại các thư Phaolô

a. Theo tính xác thực

- Các thư do chính thánh Phaolô viết: 1 Tx, Gl, Pl, 1 và 2 Cr, Rm, Plm.

- Các thư do thánh Phaolô soạn, nhưng bị nghi ngờ: 2 Tx, Cl, Ep.

- Các thư bị coi là mạo danh: 1 và 2 Tm, Tt.

b. Theo sự kiện hoặc nội dung

- Các thư ”lớn”: Rm, 1 và 2 Cr, Gl, xét về mặt giáo lý, văn chương và nhất là mang đậm nét riêng của thánh Phaolô. Viết trong chuyến truyền giáo III (53-58).

- Các thư ”ngục tù”: Plm, Cl, Pl, Ep, viết trong thời gian bị cầm tù lần I tại Rôma (61-63).

- Các thư ”mục vụ”: 1 và 2 Tm, Tt. 1 Tm và Tt viết sau khi được tự do (năm 65), còn 2 Tm, thì viết trong lần bị cầm tù thư II tại Rôma trước khi chịu tử đạo (66/67). Các thư này gọi là mục vụ vì nhằm trợ giúp 2 môn đệ của thánh Phaolô trong việc mục vụ và cai quản cộng đoàn.

Sự sắp xếp các thư thánh Phaolô như hiện có thì không theo niên biểu mà theo tiêu chuẩn là: các thư viết cho cộng đoàn thì xếp truớc thư gửi cá nhân, thư dài xếp truớc thư ngắn (trừ trường hợp thư Dt vì có nghi ngờ về tác giả ngay từ đầu, vì thế xếp cuối cùng).

 

Tác giả: Lm. Vinhsơn Phạm Xuân Hưng, OP.

 

Catechesis.net