Ơn Gọi Tu Sĩ Và Ơn Gọi Tử Đạo

Chúng ta đã tìm hiểu thần học của thánh Tôma về việc tử đạo. Tuy rằng việc tử đạo được bàn trong nhân đức hùng mạnh (hay mạnh bạo), nhưng nó còn bao hàm nhiều nhân đức khác nữa, đặc biệt là đức tin và đức mến. Chúng ta thử tìm hiểu thần học của thánh Tôma về tương quan giữa ơn gọi tu sĩ và ơn gọi tử đạo[1].

       Có gì giống nhau giữa đời tu và sự tử đạo không? 

     Có nhiều cách trả lời. Một câu trả lời đơn giản là: đi tu là chấp nhận chịu hy sinh gian khổ, cũng giống như tử đạo. Một câu trả lời khác: đi tu là chấp nhận những bực bội của việc sống chung, không phải là vài ba tháng mà là suốt đời. Người ta nói rằng nếu trong cộng đoàn có một vị thánh, thì người sống ở phòng kế bên sẽ trở thành kẻ chịu tử đạo. Đó là những lối trả lời bình dân; chúng ta hãy đi tìm nhưng câu trả lời mang tính cách lịch sử hoặc thần học hơn.

     Trở lại nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo, nhiều người cho rằng ơn gọi đan tu đã bắt đầu vào lúc chấm dứt thời bắt đạo trong đế quốc Rôma. Khi nhận thấy Giáo hội được hưởng nhiều ưu đãi, một số tín hữu bắt đầu lo ngại rằng lòng nhiệt thành sẽ ra nguội lạnh; vì thế họ rút lên sa mạc, chấp nhận những gian lao khổ sở, để rèn luyện chí khí, đi theo con đường hẹp của Thập giá, tiếp nối dòng máu các thánh tử đạo. Dần dần, chúng ta thấy xuất hiện nhiều từ ngữ đối chiếu. Chúng ta biết có ba thứ rửa tội: bằng nước, bằng máu, bằng lửa. Đối lại, cũng có ba thứ tử đạo: tử đạo “đỏ”, dành cho những người đổ máu vì đức tin; tử đạo “trắng” dành cho các trinh nữ; tử đạo “tím” dành cho những nhà khổ hạnh. Các đan sĩ Ailen diễn tả đời tu kết hợp bởi ba hình thức tử đạo: trắng – xanh – đỏ: tử đạo “trắng” ám chỉ sự từ bỏ những gì mình quyến luyến; tử đạo “xanh lá cây” ám chỉ những khổ chế để khử trừ những ước muốn tội lỗi; tử đạo “đỏ” ám chỉ việc từ bỏ mình, vác thập giá đi theo Chúa[2].

      Tại sao so sánh đời tu với sự tử đạo? Như vừa nói, chúng ta thường liên tưởng đến những hy sinh, hãm mình trong đời tu, ví như cực hình và cái chết. Khi suy nghĩ về đời tu và việc tử đạo, chắc hẳn thánh Tôma đã nghe biết câu chuyện của thánh Đaminh ước ao được tử đạo khi đi truyền giáo cho người Cuman, đã nghe biết câu chuyện của những anh em Ba Lan bị người Mông cổ giết, đã nghe chuyện về những anh em bên Pháp bị giết không phải bởi người ngoại giáo, nhưng bởi những người lạc giáo; rồi gần hơn nữa, đã nghe câu chuyện của thánh Pherô Verona, đã dùng máu của mình để viết chữ Credo khi bị giết bởi những người lạc giáo. Tuy vậy, thánh tiến sĩ Aquino không lý luận dựa trên những cảm xúc, nhưng cố gắng tìm ra những luận cứ thần học sâu xa hơn. Ngài đưa ra 6 tiêu chuẩn đối chiếu: 1/ cả hai là đặc sủng; 2/ cả hai là sự rửa tội lần thứ hai; 3/ cả hai là sự hoàn thiện của đức ái; 4/ cả hai là hiến lễ toàn thiêu; 5/ cả hai là chứng tá đức tin; 6/ cả hai xây dựng Hội thánh.

     1/ Sự tử đạo và ơn gọi tận hiến là đặc sủng Chúa ban cho một ít người, chứ không phải cho tất cả mọi tín hữu. Tất cả mọi tín hữu đều có thể nên thánh, nhưng không phải tất cả đều được ơn tử đạo hoặc được kêu gọi tận hiến. Dĩ nhiên, không phải tất cả các vị tử đạo đều là tu sĩ, và không phải tất cả các tu sĩ đều chịu tử đạo. Dù vậy, giữa đôi bên có nhiều điểm tương đồng, như sẽ thấy sau, và tiên vàn bởi vì là một hồng ân của Chúa ban, một đặc sủng.

     2/ Sự tử đạo và đời tu được ví như bí tích rửa tội thứ hai. Khi lãnh bí tích rửa tội, người dự tòng tuyên xưng đức tin trước mặt linh mục và được dội nước trên mình. Khi tử đạo, người tín hữu tuyên xưng đức tin trước mặt lý hình, và được tắm máu đào. Qua cái chết của mình, vị tử đạo diễn tả ra thực tại điều mà được tượng trưng nơi bí tích thánh tẩy, đó là tham dự vào cuộc tử nạn của đức Kitô (ST III, q.66, a.12) – Việc khấn dòng cũng là một lời tuyên xưng đức tin trước mặt Giáo hội, hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Lời khấn dòng là bí tích rửa tội thứ hai, chết cho thế gian để sống cho Thiên Chúa (ST II-II, q.88,a 11 ad.1). Theo thánh Tôma, lời khấn dòng mang lại công hiệu giống như bí tích rửa tội, nghĩa là sự tha thứ hết các tội (ST II-II, q.189, a.3 ad 3)

      3/ Sự tử đạo và đời tu diễn tả đức ái trọn hảo. Sự tử đạo diễn tả lòng yêu mến đối với Đức Kitô cách tuyệt đối. Ba lời khấn dòng cũng nhắm biểu lộ đức ái trọn hảo (ST II-II, q.186, a.6, ad 2) Lời khấn khó nghèo giải thoát con người khỏi những lo âu vật chất, ham mê của cải danh vọng, để mở rộng lòng yêu mến tha nhân. Lời khấn trinh khiết giải thoát tâm trí khỏi đam mê nhục dục ngõ hầu thanh thoát chiêm niệm chân lý. Lời khấn vâng phục giúp con người luôn sẵn sàng kết hợp với ý muốn của Chúa.

     4/ Đời tu và sự tử đạo đều là hiến lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa. Tử đạo là hiến dâng mạng sống vì lòng yêu mến Chúa. Theo thánh Tôma, các tu sĩ thực hiện cuộc hiến tế này qua lời khấn vâng phục, một hành vi tự nguyện dâng hiến ý chí tự do, biểu hiệu cao quý nhất của bản ngã (ST II-II, q.124 a.3, ad 2).

     5/ Đời tu và sự tử đạo đều là chứng nhân cho chân lý đức tin và thực hành đức tin. Các tu sĩ dành trót đời để chiêm ngưỡng các chân lý đức tin và tìm cách diễn tả ra cuộc sống hằng ngày. Cuộc đời người tu sĩ trở nên chứng tá cho đức tin. Đôi bên đều đã chiêm ngắm đức tin, và được đức tin nhào nặn cuộc đời: cả hai đã để cho đức tin chiếu tỏa ra cuộc đời.

     6/ Đời tu và sự tử đạo góp phần xây dựng Giáo hội. Các vị tử đạo và các tu sĩ không chỉ tìm cách sống đẹp lòng Chúa và thánh hóa bản thân. Họ còn góp phần vào việc xây dựng Giáo hội nhờ lời cầu nguyện, nhờ gương sáng. Họ góp phần vào việc bảo vệ Giáo hội nhờ việc bảo vệ chân lý đức tin trước những tấn công của thù địch. Đức tin không chỉ là điều thiện của cá nhân, mà còn là công thiện của xã hội. Thánh Tôma đặt sứ mạng các nhà thần học, các trinh nữ, các vị tử đạo ngang hàng với nhau bởi vì tất cả đều bảo vệ đức tin của Giáo hội[3]. Khi nhìn tấm gương của thánh Athanasiô bảo vệ đức tin Công giáo tại công đồng Nixea, thánh Tiến sĩ thiên thần nói rằng bảo vệ các tín hữu bằng khí giới tinh thần chống lại lạc giáo và ma quỷ thì cao quý hơn là bảo vệ cộng đoàn khỏi bị tiêu diệt bằng vũ khí vật chất[4]. Các vị tử đạo và các nhà giảng thuyết đều có chung sứ mạng là bảo vệ, nuôi dưỡng đức tin của Giáo hội, bằng những phương tiện khác nhau. Các tu sĩ tuy không hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin của Giáo hội, nhưng họ nâng đỡ đức tin của anh chị em tín hữu nhờ gương sáng và lời dạy dỗ.

     Thiết tưởng chúng ta không buộc phải nhớ hết tất cả các lý do mà thánh Tôma đã liệt kê. Chỉ cần nhớ đến lối tiếp cận của ngài. Người tu sĩ giống với vị tử đạo không phải vì những hình khổ mà mình chế ra, nhưng tiên vàn vì là một hồng ân của Chúa Thánh Thần nhằm giúp chúng ta trở nên chứng nhân của Đức Kitô, chứng nhân không chỉ bằng lời nói nhưng nhất là bằng cuộc sống, nhằm diễn tả sự thông hiệp vào cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Vị tử đạo và tu sĩ không phải là những siêu nhân, khinh thường đau khổ và cái chết, nhưng tuy là những con người mỏng dòn, họ đã để cho tình yêu Chúa chiếm đoạt, và cố gắng đáp lại tình yêu đó. Đau khổ hy sinh không có giá trị tự nó, nhưng chúng có giá trị khi diễn đạt tình yêu đối với Chúa Kitô. Các lời khấn muốn nói lên ý chí dâng hiến cuộc đời vì lòng mến Chúa. Việc học hành của chúng ta cũng góp phần vào việc bảo vệ đức tin của Giáo hội.

    Ước mong sao khi cử hành lễ Nữ Vương các thánh tử đạo, chúng ta có dịp để nhắc nhớ lại hồng ân thánh hiến của chúng ta, và cố gắng sống trọn ơn gọi, để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Trong hành trình này, chúng ta tin tưởng sẽ được nâng đỡ do lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, thánh Đaminh, và các vị tiền bối của chúng ta.

      Tôi muốn kết thúc với một hình ảnh. Trong kinh Te Deum, có câu hát: “đoàn tử đạo quang huy hùng dũng, máu đào đổ ra minh chứng về ngài”. Nguyên bản Latinh là: “Te martyrum candidatus laudat exercitus” có thể dịch là “đoàn quân áo trắng các vị tử đạo chúc tụng ngài”. Thật không khó khăn gì để áp dụng hình ảnh này cho dòng Giảng thuyết, dòng các tu sĩ mặc áo trắng. Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Trong sách Khải huyền 7,13, chúng ta đọc thấy câu hỏi: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy?” và tác giả đã nghe câu trả lời: “Họ là những người đã đến, sau khi đã trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy áo mình trong máu Con Chiên”. Trong bài giảng lễ cung hiến dầu thánh (thứ năm tuần thánh) năm 2006, đức thánh cha Bêneđictô XVI đã đặt câu hỏi: “làm thế nào mà áo giặt trong máu lại trở nên trắng, chứ không biến thành đỏ?”, và đây là câu trả lời: “Máu Con Chiên chính là tình yêu của Đức Kitô chịu chết trên thập giá. Tình yêu ấy làm cho chiếc áo nhơ nhớp của chúng ta biến thành trong trắng, tình yêu ấy làm cho tinh thần đen tối của chúng ta trở nên sáng suốt. Tình yêu ấy biến đổi chúng ta thành ánh sáng, bất chấp những tối tăm của chúng ta. Tình yêu ấy đã chịu đau khổ vì tôi. Tình yêu ấy lớn lao hơn tất cả mọi tội lỗi của tôi, nhờ thế mà tôi có khả năng làm chứng tá cho ánh sáng của ngài”. 

Chúng ta hãy thờ lạy tình yêu ấy trong bí tích Thánh Thể.

 

Giuse Phan Tấn Thành O.P. daminh.net

……………………………………………………….

[1] Sr. Lilly Kottacka Chacko, Theological Perspectives on the Link between Martyrdom and Consecrated Life, Angelicum Roma 2008, p.70-97.

[2] J. Ryan, Irish Monasticism: Origins and Developments, Dublin 1931, p.197-198.

[3] Cf. Commentarium in I Cor 3:8-15 (a.143).

[4] ST II-II, q.188, a.4.