Sống Đức Tin

Theo Chúa là hành trình. Hành trình đó là hành trình tâm linh ghi dấu đức tin. Nhưng hành trình bước đi theo Chúa không phải lúc nào cũng thuận lợi. Con đường đi đến cùng Thiên Chúa không phải lúc nào cũng đầy hoa thơm. Hành trình đó là một hành trình dài vì chúng ta phải bước đi suốt cuộc đời mình. Con đường đó là con đường chông gai đầy sỏi đá và lúc nào đó ta cũng sẽ vấp ngã và bước đi trong “đêm tối đức tin” để sống với những kiểu, cách sống đức tin giả tạo làm thành những biểu hiện của một“bệnh đức tin”

Có đời sống đức tin được xây dựng bằng thái độchấp nhận cách thuần thành, không ý kiến, không thao thức. Đó là những lớp người đạo đức và cũng là những con người bình dân, thật thà, chất phác. Những người này không thao thức một vấn đề cụ thể về đời sống đức tin để dám chất vấn đời sống đạo của mình hay cật vấn người khác. Ai nói sao, bảo gì thì bản thân làm theo thế đó. Sự chấp nhận quá dễ dãi là điều tốt nhưng cũng không kém phần nguy hại. Nguy hại vì bản thân dễ đánh mất căn tính Kitô hữu mơi mình. Sự chấp nhận quá ưa dễ dãi đó nhiều khi làm bản thân không nhận ra được: “Tôi là Kitô hữu nghĩa là làm sao? Chất Kitô hữu trong người tôi như thế nào?”.Sự chấp nhận cách dễ dãi làm cho bản thân chỉ nhận ra được:“Tôi là Kitô hữu chỉ vì tôi được rửa tội từ nhỏ” hay “Tôi sinh ra trong môi trường toàn Kitô giáo mà ai cũng theo đạo nên tôi phải theo?”.

Có đời sống đức tin quy định bằng “luật lệ” chứ không phải là một đam mê chân chính theo các giá trị Tin Mừng. Lớp người này là đại đa số các bạn trẻ. Người trẻ ngày nay đang có khuynh hướng sống theo kiểu chạy theo những giá trị làm cho bản thân được vui thích hơn là những giá trị làm cho họ hạnh phúc thực sự. Người trẻ không muốn đặt ra một kỷ luật cho riêng mình để phấn đấu nhưng là luôn bằng lòng với những gì mình làm vì trong suy nghĩ và chọn lựa của họ, cái tôi quá lớn và họ cho rằng tôi như vậy là được rồi và đó là một đời sống đức tin rất nguy hại và không kém phần nguy hiểm cho một đời sống Đạo thực sự.

Có đời sống đức tin chỉ “nói mà không làm”, chỉ giảng dạy mà không dấm dấn thân để sống và làm chứng cho những điều bản thân giảng dạy. Đó là một thái độ giả tạo, thiếu sức sống chỉ muốn sống an nhàn, chấp nhận điều dễ dãi làm thiếu lửa dấn thân. Đại diện cho lối sống đức tin này, có lẽ, phần đông là các Tu sĩ. Chính kiểu sống đức tin đó làm cho chính bản thân không giữ được đức tin của mình, và một cách nào đó, đời sống đức tin như thế sẽ có nguy cơ tách bản thân ra khỏi Thiên Chúa và gương mù lôi kéo người khác ra xa rời Thiên Chúa.

Cũng có đời sống đức tin trọng vẻ “bề ngoài” mà thiếu tâm tình “bên trong”. Đó là thái độ sống đức tin chỉ tập trung, chú trọng đến những cái bên ngoài và không còn tha thiết, thao thức, đến nét đẹp bên trong tâm hồn nữa.

Ngoài ra, cũng vẫn còn đó đời sống đức tin theo kiểu “nửa mùa” khi vui, khi thành công thì tôi là Kitô hữu. Khi buồn, đau khổ, thất bại thì tôi không sống, không tuân giữ luật Chúa dạy. Chính cung cách sống đức tin đó sẽ làm cho mọi người có cảm tưởng đạo của Chúa Giêsu là một đạo hình thức

Các kiểu sống đức tin đó rất nguy hại vì dễ làm cho người Kitô hữu dần đánh mất căn tính của mình. Tin thì cũng yêu, yêu thì phải hành động. Hành động đẹp nhất là dám ra khỏi con người mình để gieo mình, đắm mình vào những gì mình tin. Do đó, chúng ta hiểu được phần nào lời dạy của Thánh Giacôbê: Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).

Những kiểu, cách sống đức tin trên, có lẽ, xuất phát từ một cái nền đó chính là khuynh hướng tự nhiên của con người. Cái gì là khuynh hướng tự nhiên thì con người dễ chiều theo, dễ đáp ứng là làm theo. Nói theo ngôn ngữ triết học, con người là khả giác và thích cái gì là cụ thể. Con người là nhân vị có lí trí và ý chí tự do. Lý trí để nhận biết và ý chí tự do để hành động và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Do đó, chúng ta cần phải đặt lại đời sống đức tin nơi chính mình. Đặt lại đời sống đức tin của mình, chúng ta phải nhận ra Chúa Giêsu  là một “người anh”, “người bạn”, “người Cha”. Một người anh Giêsu rất gần gũi và chia sẻ cùng kiếp người với những lo toan cuộc sống. Một người bạn Giêsu cùng chia ngọt sẻ bùi qua những biến cố vui buồn. Một người Cha luôn luôn giang cánh tay đón nhận bất cứ đứa con nào, chỉ cần nó biết trở về với Cha của mình.

Mỗi người cần phải tự vấn lương tâm mình: “Liệu rằng tôi là người mang danh Kitô hữu, tôi tự hào là người có đức tin nhưng tôi đã là người sống đức tin thực sự chưa?”. Có lẽ, chính đời sống của mỗi người, chính tương quan sống của mỗi người với Chúa và tha nhân là câu trả lời đẹp nhất.

 

Giuse Vũ Duy An

Học viện TSĐT