Chúa Nhật Tuần VIII TN Năm A

Lời Chúa: (Is 49,14-15; 1Cr 4,1-5; Mt 6,24-34)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ.

Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.

Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì?

Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.

Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó.

Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

 

Suy Niệm: THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

 

Thánh vịnh 17 xác tín: “Người kéo tôi ra chỗ thảnh thơi, vì yêu thương tôi nên Người giải thoát” (Tv 17,20). Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay và là chìa khóa để giải thích ý định của Thiên Chúa tình thương, Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc trần gian, giúp chúng ta biết “vui vẻ phục vụ mà không lo lắng” và, mong sao “mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến theo sự quan phòng của Thiên Chúa Cha”. Vì thế, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa là sứ điệp chính yếu trong phụng vụ lời Chúa của Chúa nhật hôm nay.

Không làm tôi tiền của

Trong thời đại hôm nay, con người đang tìm mọi cách để kiếm tiền và kiếm thật nhiều tiền. Họ cho rằng: “Có tiền là có tất cả”; Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của lò xo,…,là cái cân của công lý, là triết lý của cuộc đời”;… Còn Chúa Giêsu dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24).

Tiền của cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho biết bao đau buồn trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình, hư đốn trong bản thân. Khi con người đề cao và bám víu vào tiền của, coi tiền của là vạn năng, là cùng đích của cuộc sống, thì con người sẽ trở thành nô lệ cho tiền của.

Tiền của tự nó không xấu, xấu hay tốt là ở cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, đặt tiền của cao hơn Chúa, coi tiền của là mục đích của cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để chiếm hữu thật nhiều tiền. Chúa Giêsu không bài bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Nhưng Ngài dạy chúng ta về thái độ và cách sử dụng tiền của, với mục đích là làm sáng danh Chúa và mưu ích phần rỗi linh hồn.

Tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, là phương tiện giúp ta đạt tới hạnh phúc Nước Trời, nhưng cũng có thể là ông chủ hà khắc, là dịp có nguy cơ đẩy ta xa Chúa, đi tìm kiếm những sự chóng qua của thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương tiện để tìm kiếm Nước Trời. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33)

Đừng lo lắng

Dường như sự tiến bộ về nhiều lãnh vực trên thế giới không làm con người cảm thấy bình an, thanh thản và hạnh phúc hơn. Trái lại, nó tạo ra những mối lo âu mới, khiến con người sống trong trạng thái bất an, căng thẳng. Bao nhiêu triệu người phải đối mặt với nạn thất nghiệp do khủng hoảng, với nạn đói và thiếu nước, với những bệnh mới chưa có thuốc chữa. Bao nhiêu triệu gia đình sống trong bạo hành, bị tan vỡ; giới trẻ bơ vơ, rơi vào nghiện ngập dưới đủ mọi hình thức.

Cách nay hơn hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã dạy môn đệ Ngài đừng lo. Xem ra nỗi lo âu đã có từ xa xưa rồi. Người xưa cũng phải lo những nhu cầu căn bản: lo ăn, lo mặc. Chúa Giêsu mời môn đệ nhìn ngắm những đàn chim trời. Chúng có vẻ thảnh thơi, không vất vả làm việc, cũng không tích trữ. Nhưng chúng vẫn sống no đủ, vì được Cha trên trời dưỡng nuôi. Rồi Ngài mời môn đệ nhìn ngắm những bông huệ ngoài đồng, ngắm vẻ đẹp của chiếc áo Thiên Chúa mặc cho chúng, đơn sơ nhưng sang trọng hơn cả áo vua Salomon. Khi ngắm chim trời và hoa huệ, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái, vì Thiên Chúa quan tâm săn sóc đến cả những sinh vật bé bỏng và tầm thường. Khi biết mình có giá trị hơn chúng nhiều, được Cha quý hơn nhiều, chúng ta được giải phóng khỏi nỗi lo lắng về đời sống vật chất.

Người Kitô hữu không phải là người ngây thơ, không biết lo. Họ cũng chẳng phải là hoa huệ hay chim trời sống vô tư, thụ động. Kitô hữu cũng phải lo: lo liệu, lo toan, và lo xa nữa. Nhưng họ lo mà như không lo, lo trong bình an thanh thản, vì đó là cái lo của một người con biết tin tưởng và phó thác vào Cha trên trời đã lo cho mình, biết Cha thấu rõ nhu cầu thầm kín của mình và Ngài sẽ cung cấp đủ (x. Mt 32-33). Đó không phải là cái lo âu, lo lắng hay lo sợ bồn chồn của người không có đức tin (x. Mt 30,32). Nhưng đó là cái lo của một người con có Đức ti, có tinh thần trách nhiệm. Kitô hữu không phải là kẻ ăn xổi ở thì, sống chỉ biết hôm nay. Nhưng họ lại không để mình bị nỗi lo âu về ngày mai đè nặng, bởi vì tương lai của họ ở trong tay Thiên Chúa.

Tín thác vào Chúa

Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Ai cũng đều có sự lựa chọn cho riêng mình về tinh thần cũng như vật chất. Hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách lựa chọn: “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 4,24). Và Ngài đã đòi chúng ta một sự lựa chọn dứt khoát: một là Thiên Chúa, hai là tiền của. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn và phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa đó.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng chọn Thiên Chúa vì chúng ta là con của Ngài, đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Khi đã chọn Thiên Chúa, chúng ta phải tuyệt đối yêu mến và tín thác vào sự quan phòng của Ngài. Chúa khuyên chúng ta đừng quá lo lắng về cơm ăn áo mặc, hãy nhìn xem chim trời, hoa cỏ đồng nội thì biết. Chúa khuyên chúng ta đừng ‘lo lắng’ nhưng phải biêt ‘lo liệu’. ‘Lo lắng’ là dấu chỉ chưa đủ tin tưởng vào Chúa, còn ‘lo liệu’ là biết khôn ngoan sắp đặt mọi sự trong sự yêu mến và tin tưởng phó thác vào Chúa. Tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng không có nghĩa là ỷ lại, để cho Chúa lo mọi sự, nhưng trái lại, phải có sự cộng tác của chúng ta.

Sống tín thác vào sự quan phòng của Chúa không phải là khoanh tay nhưng là nỗ lực làm mọi sự hết mình trong bình an. Hãy gác mọi nỗi lo toan của ta ở dưới và ở sau nỗi lo toan về Nước Chúa. Hãy để cho đời mình chỉ phụng sự một chủ là Thiên Chúa. Khi dành ưu tiên cho Thiên Chúa, ta sẽ thấy mình chẳng thiếu gì.

Con người thời nay đang sống trong lo sợ: lo sợ bệnh tật; tuổi già và chết chóc; lo sợ chiến tranh và thiên tai; lo sợ mất tiền, mất tình và mất hạnh phúc. Cuộc sống như trở nên bấp bênh vô định. Người ta dùng mọi phương tiện miễn sao tìm được một sự bảo đảm an toàn. Nhưng chẳng trên đời này chẳng có ai, chẳng có gì bảo đảm và an toàn, ngoại trừ chỉ có Thiên Chúa mà thôi. Đúng thế, với người có niềm tin thì Thiên Chúa là Cha đầy quyền năng và thương xót. Đời sống của chúng ta sẽ không còn lo âu khắc khoải nếu chúng ta bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài, và nếu chúng ta ra sức thực thi thánh ý Ngài. Bởi vì: Ngài đã tính trước và thấy trước mọi sự. Đồng thời, Ngài lại đặc biệt chăm sóc cho chúng ta: “Các con hãy nhìn xem chim trời và cánh hoa đồng nội. Các con còn trọng hơn chúng bội phần”. Lạy Thiên Chúa Quyền năng và Yêu thương, xin cho chúng con biết chọn Chúa, tin Chúa và tín thác vào Chúa để chúng con được an vui, bình an hôm nay và mai ngày được vào hưởng hạnh phúc với Ngài. Amen.  

 

 Giuse Nguyễn Văn Từ, MF