Luận Thần Học Về Lòng Chúa Thương Xót

Bài này trích từ một cuốn sách của tác giả Robert Stackpole, STD. Đây là dạng bài “cao cấp” về lý luận thần học về Lòng Chúa Thương Xót của một vị Thánh Tiến sĩ Giáo hội, rất sâu sắc và uyên thâm, rất cần đọc để hiểu biết thêm, và để có thể thực hành đúng lòng thương xót.
Kiến thức về Lòng Chúa Thương Xót cần thiết suốt đời cho mọi người, không trừ ai, nhưng thực sự cần thiết hơn đối với những người đang trực tiếp tham gia hoạt động trong các cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót. 

Ai cũng là tội nhân, vì thế ai cũng cần đến Lòng Chúa Thương Xót. Được thương xót rồi thì phải biết thương xót người khác, chứ đừng như con nợ không biết xót thương (x. Mt 18:23-35).
Thánh Thomas Aquinas (Tiến Sĩ Giáo Hội, 1225-1274, Linh mục Dòng Đa-minh) đã giải thích rất sâu sắc về lý do Lòng Chúa Thương Xót là trung tâm của Đức Tin Công giáo. Trong bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae), Thánh Thomas định nghĩa nhân đức “thương xót” thế này:“Thương xót là lòng trắc ẩn trong trái tim chúng ta vì sự đau khổ của người khác, lòng trắc ẩn này khiến chúng ta làm những gì có thể để giúp đỡ người đó”(Tổng luận Thần học, II-II.30.1).
Đối với Thánh Thomas, nhân đức thương xót có hai phương diện: “lòng thương xót xúc động” (affective mercy) và “lòng thương xót tác động” (effective mercy).
Lòng thương xót xúc động là một cảm xúc: Cảm thương nỗi khốn khổ của người khác. Đối với vấn đề này, Thánh Thomas nói rằng lòng thương người có nền tảng về “nhược điểm” trong bản chất: Sự khiếm khuyết của con người về tính dễ bị đau khổ. Chúng ta cảm thấy thương những người chịu đau khổ vì chúng ta cũng là người bị những đau khổ như vậy. Như vậy, sự cảm thông với người khác nảy sinh từ khả năng thấu cảm. Thánh Thomas nói: “Những người tự nhận mình hạnh phúc và khỏe mạnh đến nỗi không bị bệnh thì có thể họ không biết động lòng trắc ẩn” (Tổng luận Thần học, II-II.30.2).
Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, cường độ của “lòng thương xót xúc động” ở chúng ta đối với sự đau khổ của người khác cũng tùy vào mối quan hệ thân thiết với người khác: “Ai yêu thương thì coi bạn mình như chính mình, và coi đau khổ của người bạn như của mình, cảm thấy thương họ như thương mình”(Tổng luận Thần học, II-II.30.2). Chúng ta có thể nói rằng mối quan hệ tình cảm dễ hình thành giữa bạn bè với nhau, và điều này tạo nên những người bạn tốt có thể cảm thông nỗi khổ của nhau. Ví dụ, khi chúng ta nghe nói người bạn, người thân hoặc người yêu sẽ phải đại phẫu, tự nhiên chúng ta cảm thấy thương họ, và chúng ta tự nhủ: “Tôi có thể hình dung bạn tôi lo lắng thế nào trước khi phẫu thuật”. Chúng ta có thể “hình dung” điều đó vì chúng ta đã từng bị bệnh và cần được điều trị. Sự thấu cảm này là điều mà Thánh Thomas có ý nói về “lòng thương xót xúc động”.
Mặt khác, “lòng thương xót tác động” là điều chúng ta làm, đó là hành động tích cực vì điều tốt của người khác, cố gắng giảm bớt đau khổ hoặc thỏa mãn nhu cầu của người khác. Theo Thánh Thomas, từ Latin misericordia có nghĩa đen là “có trái tim khổ sở” – cả về “xúc động” và “tác động” – về nỗi khổ của người khác. Ví dụ, khi chúng ta nghe nói người bạn của chúng ta sắp chịu phẫu thuật, chúng ta không chỉ cảm thông mà chúng ta còn có thể có kế hoạch đi thăm trước và sau phẫu thuật để an ủi người bạn đó. Đây là “lòng thương xót tác động” vì nó thỏa mãn nhu cầu của người khác. Nói cách khác, đó là sự cảm thông “xúc động” chuyển thành “tác động” vì điều tốt của người khác.
Thánh Thomas nhận thấy có ba “nỗi khổ” trong cuộc đời:
• Thứ nhất, nỗi khổ trái ngược với lòng khao khát tự nhiên về sự hiện hữu và sự sống: Nỗi khổ của người bệnh.
• Thứ nhì, nỗi khổ xảy đến bất ngờ: Nỗi khổ do tai nạn.
• Thứ ba, nỗi khổ cực độ: Nỗi khổ khi người ta theo đuổi điều tốt, nhưng lại gặp điều ác.
Ở đây Thánh Thomas nghĩ về những nỗi khổ và những điều bất hạnh khiến người ta đành lòng ráng chịu, những nỗi khổ không đáng phải chịu của người vô tội và người đạo đức. Trong Cựu ước, Thánh Gióp là tấm gương điển hình về dạng đau khổ này. Ngài bị đủ thứ khổ sở dù không đáng phải chịu.
Thánh Thomas tranh luận rằng lòng thương xót của con người cần phải là cả “lòng thương xót xúc động” và “lòng thương xót tác động”. Tuy nhiên, để là nhân đức thương xót đích thực, phải có hai đặc tính.
• Thứ nhất, phải có căn nguyên “đúng lý”. Nghĩa là, về sự thật đau khổ của người khác, và thực sự đó là “điều tốt” khách quan đối với người khác mà chúng ta tìm cách giúp đỡ. Ví dụ, người nghiện rượu có thể bị chao đảo và run rẩy vì thiếu rượu, nhưng “lý do chính đáng” đề nghị rằng cách tốt nhất đối với vấn đề của người này không là cho họ ly rượu, dù nghĩ rằng điều đó tạm thời làm giảm nỗi khổ của họ – và dù họ có thể xin rượu! Điều thương xót cần làm là cung cấp cho người nghiện rượu cái gì thực sự cần thiết theo khách quan: Cai rượu.
• Thứ nhì, nhân đức thương xót được chứng tỏ trong hành động hiệu quả (lòng thương xót tác động) đối với điều tốt của người khác, khi có thể. Nếu chúng ta chỉ “cảm thông” với nỗi khổ của người khác và “chia sẻ nỗi đau khổ của họ” mà không tìm cách thức hiệu quả để giúp đỡ họ, thì nhân đức thương xót không tồn tại trong chúng ta tới mức độ cao.
Thánh Thomas đưa ra hai câu hỏi liên quan:

   1. Lòng thương xót có là nhân đức cao cả nhất? Chắc chắn bao hàm sự cao thượng và sự cao quý, đến nỗi “lòng thương xót tác động” là sự giảm bớt nhu cầu và nỗi khổ của người khác để không “thừa thãi”. Chúng ta giúp người khác bằng của cải, kiến thức, kỹ năng hoặc sức mạnh khi chúng ta thấy người khác cần sự giúp đỡ như vậy. Theo nghĩa đó, lòng thương xót là hành động chiếu cố của người có “dư” sự may mắn nào đó để mà chia sẻ với người kém may mắn hơn mình. Nếu người có lòng thương xót lại “có điều kiện” (nghĩa là có điều gì đó hoặc thứ gì đó để chia sẻ), rồi nhân đức chính của họ sẽ là điều nối kết họ với sự “có điều kiện” của họ. Trong trường hợp con người, nhân đức “bác ái” là điều kết hiệp họ với Thiên Chúa (vì Thiên Chúa không cần lòng thương xót): “Do đó, vì con người có Thiên Chúa ở trên cao, đức ái kết hiệp với Thiên Chúa là điều lớn hơn lòng thương xót, làm giảm cảnh khổ của người khác” (Tổng luận Thần học, II-II.30.4). Mặt khác, khi chúng ta cân nhắc nhân đức nào sẽ “quản lý” các mối quan hệ của chúng ta với tha nhân, rõ ràng lòng thương xót đó trực tiếp đến với những người thiếu thốn chính là nhân đức cao thượng nơi con người (Tổng luận Thần học, II-II.30.4).

   2. Lòng thương xót có là thuộc tính cao cả nhất của Thiên Chúa? Thánh Thomas nói rằng vì Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, là Đấng sáng tạo tự hữu và hoàn hảo, Ngài không bao giờ vị kỷ, nhưng luôn luôn và chỉ hành động với lòng đại lượng vị tha, tuôn đổ điều tốt dư đầy lên các thụ tạo của Ngài. Do đó, tỏ lòng thương xót là điều phù hợp với Thiên Chúa theo cách đặc biệt, vì điều đó thể hiện sự hoàn hảo vô tận của Ngài, sự dư đầy vô hạn và sự đại lượng vô hạn của Ngài. Thánh Thomas viết:“Nếu chúng ta cân nhắc một nhân đức theo sự sở hữu của nó, chúng ta có thể nói rằng lòng thương xót là nhân đức lớn nhất trong các nhân đức nếu chính nhân đức đó lớn nhất, không ai ở trên ngài và mọi người đều ở dưới Ngài” (Tổng luận Thần học, II-II.30.4). Dĩ nhiên, điều này chỉ đúng về Thiên Chúa. Như vậy, theo nghĩa đó, lòng thương xót là thuộc tính quan trọng nhất của Thiên Chúa.

Vậy theo Thánh Thomas, Lòng Chúa Thương Xót là gì? Đó không thể là cảm xúc hoặc tình cảm vì Thiên Chúa hoàn hảo vô cùng và bất biến, Ngài không thể thay đổi các cảm xúc “xảy ra” với Ngài, “khắc phục” Ngài, hoặc làm giảm sự viên mãn của Ngài bằng bất cứ cách nào. Như vậy, Thánh Thomas nói rằng Lòng Chúa Thương Xót “tác động”, chứ không “xúc động”. Nói cách khác, lòng thương xót của Ngài được diễn tả trong hành động tích cực mà tình yêu là liệu pháp chữa trị đau khổ và thỏa mãn nhu cầu của các thụ tạo, chia sẻ với họ trong sự hoàn hảo của Ngài. Thánh Thomas viết:“Cảm thấy buồn về nỗi khổ của người khác không là thuộc tính của Thiên Chúa, nhưng loại trừ đau khổ mới là thuộc tính của Ngài, và ở đây chúng ta có ý nói tới bất kỳ nhược điểm nào. Các khuyết điểm không được loại bỏ để cứu vớt mà để đạt được sự thiện, và như chúng ta nói: Thiên Chúa là nguồn mạch sự thiện (Tổng luận Thần học, I.21.3).

Theo Thánh Thomas, trên hết mọi điều, sự tha tội là biểu hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tha tội là quyền tuyệt đối của Thiên Chúa: Tình yêu Thiên Chúa chứng tỏ mạnh hơn tội lỗi và sự dữ. Khi con người tha thứ cho nhau, chúng ta kiềm chế cơn giận dữ, đè nén sự phẫn uất, và hủy bỏ mọi cách trả thù. Nhưng chúng ta không thể miễn giảm chính các khuyết điểm. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thay đổi ý muốn của kẻ bất lương và làm cho họ ăn năn. Theo nghĩa này, chỉ có Thiên Chúa mới có thể miễn giảm tội lỗi. Như vậy, Lòng Chúa Thương Xót vô cùng mạnh mẽ để triệt tiêu tội lỗi, tái sinh và thánh hóa tội nhân.
Ví dụ, chúng ta thấy quyền phép của Lòng Chúa Thương Xót trong Tân ước, vì Chúa Giêsu không chỉ tha tội cho người bại liệt được người ta khiêng đến với Ngài, mà Ngài còn chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa làm như vậy bằng cách chữa lành thể bệnh của người đó: “Để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội: Ta truyền cho anh hãy đứng dậy, vác lấy chõng của anh mà đi về nhà!” (Mc 2:10-11).
Thật vậy, Thánh Thomas nói: “Tha thứ cho người khác là thương xót họ, đó là việc to lớn hơn việc tạo dựng thế giới” (Tổng luận Thần học, I-II.113.9). Hành động đưa thế giới vào hiện hữu là công trình vĩ đại, nhưng theo sự vĩ đại của công trình được thực hiện, sự bào chữa cho người không công chính là việc làm vĩ đại hơn, vì điều đó có giá trị hiệu quả vĩnh viễn. Các linh hồn được thánh hóa và được công chính hóa sẽ sống mãi trong Nước Chúa, vì rồi thế giới này sẽ qua đi mà thôi – chẳng chóng thì chày!
 
Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Marian.org)