PHẢI CHĂNG ƠN GỌI CỦA EM LÀ TÌNH YÊU?

Những hạt mưa tí tách buông rơi đã phá tan cái bầu khí tĩnh lặng của trời đêm làm cho nó không sao chợp mắt được! Sức nóng của tiết trời phương Nam đã bị cái cái lạnh của cơn mưa đầu mùa làm cho vạn vật bỗng bốc mùi ngai ngái. Chính điều này càng khiến nó tỉnh táo dù chiếc đồng hồ đã thong thả điểm mười một tiếng. Nó bỗng thấy tiêng tiếc! Nó tiếc, bởi bầu trời đang tối đen như mực và vì thế nó chẳng thể thỏa mãn cái đam mê cháy bỏng lúc nào cũng chực chờ tuôn trào mỗi khi cơn mưa đến. Nó vốn rất thích ngắm mưa rơi mà.

  Những hạt mưa rơi chẳng khác nào một hấp lực có thể khiến nó thẫn thờ như một gã khùng bỗng nổi hứng muốn dệt thơ qua làn nước. Những hạt mưa vô tư buông rơi, trong mắt nó, như một thứ định mệnh mà chính chúng không bao giờ biết cưỡng lại. Những hạt mưa không bao giờ chủ đích đi tìm điểm đến, mà chúng chỉ biết buông mình theo một trật tự nhất định, một thứ trật tự mà tạo hóa đã sắp đặt sẵn cho chúng.

Khi không thể thỏa mãn sở thích của mình, nó lại nghĩ đến Em, nhớ về Em và trong nó chợt trào dâng một cơn mơ, một cơn mơ xảy đến vào chính lúc nó đang tỉnh táo nhất. Cho đến giờ, nó vẫn không thể nào đưa Em vào khái niệm, càng chẳng thể định nghĩa Em là ai?! Dù có đi hết chặng đường của kiếp nhân sinh, nó cũng chẳng thể nào lý giải nổi bản thân Em, vì Em quá đặc biệt đối với nó. Không phải một lần, mà phải đến cả ngàn vạn lần nó tạ ơn Chúa vì Ngài đã mang Em đến cho nó.

Dẫu biết rằng, nó chẳng thể nào tìm ra lời giải, nhưng nó vẫn muốn mổ xẻ Em, dù chỉ là để thỏa mãn chính bản thân mình. Em, rốt cuộc Em là ai? Là ai?

Suy tưởng về Em, nó chợt nhận ra rằng, trong Em có một nét gì đó thấp thoáng phản chiếu bóng dáng của nữ thánh Tiến sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh vốn được mệnh danh là Bông Hoa Nhỏ của Chúa Giêsu. 

Em biết không, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay còn được gọi là thánh Têrêsa thành Lisieux, tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh ngày 2/1/1873 và mất ngày 30/9/1897. Cha mẹ của Têrêsa rất đạo đức. Louis, cha của Têrêsa, đã từng muốn làm thầy tu nhưng lại bị từ chối vì không biết tiếng Latin. Zélie - Marie, Mẹ của Têrêsa, đã từng muốn làm nữ tu nhưng bị cho biết là bà không có ơn gọi. Thay vào đó, bà khấn là nếu kết hôn, bà sẽ dâng hết các con mình cho Giáo hội. Louis và Zélie - Marie gặp nhau vào năm 1858 và lấy nhau chỉ ba tháng sau đó. Họ có chín người con, nhưng chỉ có năm cô con gái là sống sót đến tuổi trưởng thành. Têrêsa là con út trong nhà. Zélie chết vì bệnh ung thư vúnăm 1877 khi Têrêsa chỉ mới bốn tuổi.

Têrêsa theo học tại tu viện Notre Dame due Pre của dòng Bênêđíctô. Cũng muốn vào dòng Cát Minh như chị Pauline, nhưng khổ nỗi Têrêsa vẫn còn nhỏ quá. Ở tuổi 15, Têrêsa thử xin vào dòng, nhưng cha bề trên của tu viện không cho vì Têrêsa còn quá trẻ. Cha của Têrêsa đem cô con gái mười lăm tuổi của mình đi hành hương Rôma. Trong một buổi tiếp kiến chung với Đức Giáo hoàng Lêô XII, Têrêsa đã xin người cho phép mình nhập dòng ở tuổi mười lăm. Nhưng Đức Thánh Cha lại nói: "Này con, hãy làm theo ý bề trên quyết định".

Tuy nhiên, ít lâu sau, Đức cha Bayeux ra quyền cho bề trên dòng nhận Têrêsa; tháng 4/1888, Têrêsa trở thành một nữ tu dòng Cát Minh. Đến năm 1894, cha Têrêsa qua đời tại Lisieux. Sau cái chết của cha mình, Céline, người đã lo cho ông, gia nhập tu viện mà các chị em kia đang sống; năm 1895, người chị em bà con là Marie Guérin cũng gia nhập cùng dòng. Còn Léonie, sau nhiều lần thất bại với dòng Camêlô, trở thành nữ tu Françoise - Thérèse của dòng Đức Bà Thăm viếngCaen.

Em, tại sao nghĩ về Em, nó lại liên tưởng đến một vị đại thánh của Giáo hội? Là bởi vì Em có một cái gì đó hao hao giống vị thánh nữ vĩ đại ấy. Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng nó vẫn không ngần ngại sánh ví, vì trong tâm khảm nó, dù còn đó trong Em những giới hạn nhất định, Em vẫn là một vị thánh mà Chúa đã mang đến cho nó. Có lẽ Em không hiểu biết nhiều về thánh Têrêsa, vậy hãy cùng nó tìm hiểu về vị thánh này, nhưng hãy để nó so sánh để sự so sánh này có tính khách quan, nhé Em.

Không phải ngẫu nhiên mà một vị thánh, thường được gọi là chị thánh, vì người chỉ sống trên cõi đời này 24 mùa xuân, được gọi là vị thánh của Tình Yêu. Trong đời sống tu trì trong nhà kín, Têrêsa luôn nỗ lực tìm kiếm sự thánh thiện. Chị hiểu rằng: để đạt được điều ấy và bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa, thì không cần phải thực hiện những việc làm anh hùng hoặc cao siêu. Chị đã viết trong “Đường Thơ Ấu”: Tình yêu chứng tỏ chính nó bởi việc làm, vì vậy làm sao con có thể chứng tỏ tình yêu của mình được? Con không thể làm những việc cao siêu được”.

Thật lạ, chị thánh đã khẳng định: Tình yêu chứng tỏ chính nó bởi việc làmnhưng chị lại không làm được gì lớn lao, vĩ đại. Nhưng, có những cái tuy bé nhỏ, lại chứa đựng một giá trị lớn. Ở đây, chị chứng tỏ tình yêu của chị theo cách của mình: Cách duy nhất để con chứng tỏ tình yêu của mình là bằng cách rắc hoa; những bông hoa này là tất cả những hy sinh bé nhỏ, mỗi cái nhìn, mỗi lời nói và thực hiện mọi việc làm bé nhỏ nhất với tình yêu.

Chị thánh ơi! Đối với chị, tình yêu chứng tỏ chính nó bởi việc làm và không hiểu sao nó thấy, Em của nó cũng yêu như chị vậy.

Bằng ấy tuổi đời là bằng ấy năm Em chứng tỏ tình yêu của Em bằng những việc làm cụ thể. Việc làm của tình yêu trong Em thì chẳng bao giờ có thể đem ra cân – đo – đong – đếm được, vì có những thang giá trị Em làm chẳng có cán cân nào có thể phân định nặng nhẹ, hơn thua. Bởi Em luôn chỉ thích đứng đằng sau những ánh hào quang phảng phất sự phù du để tận hưởng niềm hạnh phúc được yêu và được cho đi hơn là mặc lấy sự hào nhoáng ấy cho riêng mình. Em luôn xử sự như vậy vì có lẽ, đối với Em, tình yêu thầm lặng mới là tình yêu thiêng liêng. Trong bóng mờ của nhân tình thế thái, Em vẫn tỏa sáng bằng sự giản dị và chân thành đến nao lòng! Chính sự giản dị và chân thành ấy đã lại càng tô đậm trong Em một thứ tình yêu chân chính và trong sạch ở trong tim chứ không phải ở giác quan của con người. Cũng như chị thánh, Em không phô trương tình yêu, mà chỉ âm thầm làm tất cả những công việc nhỏ bé nhất với một tâm hồn lớn, như chính Em đã thừa nhận: “Không có gì là nhỏ bé, nó chỉ nhỏ bé khi không được khoác tấm áo của tình yêu”. Từ khẳng định của Em, tôi liên tưởng đến tư tưởng của Pascal. Quả thật, Pascal đã chẳng sai khi tuyên bố: “Tình yêu nâng cao con người thoát khỏi sự tầm thường”.

Nó vẫn không ngừng chiêm ngưỡng Em trong tâm khảm dù ngoài kia trời mưa vẫn không ngừng rơi. Nhưng giờ đây, với nó, những hạt mưa buông rơi không còn làm cho nó sảng khoái cho bằng được suy tư về Em trong một lối nhìn thân thương chất chứa sự cảm phục. Càng chiêm ngưỡng Em, nó càng thấy rằng, người ta đã đúng khi phác họa ra một chân lý: không ai có thể định nghĩa được tình yêu. Đó là một chân lý mà bao đời nay người đời vẫn chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn từ xa xa. Cũng như nó không bao giờ có thể đưa Em vào một thứ định nghĩa, ít là một định nghĩa theo quan điểm của chính nó.

Chị thánh ơi! Chị có vui không khi chị đã có ít là một hậu duệ trong mắt nó? Tình yêu của chị đã được cả Giáo hội tôn vinh rồi, nhưng hôm nay, nó muốn mượn cuộc đời chị để liên tưởng đến một người, một người mà nó trìu mến gọi là Em. Chị đã trở nên vĩ đại không phải bởi những điều lớn lao, mà chỉ là những điều mà người đời cho là nhỏ bé, tầm thường. Chị chỉ rắc những cánh hoa lòng đơn thành gói ghém vào trong mọi việc làm của chị. Chị ạ! Không hiểu sao mà Em của nó lại giống chị đến như vậy?!

Em không chỉ gieo rắc những cánh hoa lòng trong mọi lời nói và việc làm của mình, nhưng hơn thế nữa, chính Em đã trở nên một bông hoa nhỏ cho cuộc đời. Một bông hoa nhỏ không thể gọi mùa xuân cuộc đời về, nhưng nó lại có khả năng làm cho cuộc đời dấy lên những thi vị. Ngoài trời kia, một bông hoa không bao giờ chọn lựa đối tượng để khoe sắc. Và Em, Em cũng chẳng lựa chọn bối cảnh để nâng mình lên. Các nàng hoa cũng chẳng cứ kẻ xấu người tốt để tỏa hương, và Em, Em cũng tỏa hương trên mọi bước đường Em đi tới. Từ cái cách hoa khoe sắc và tỏa hương cho đến việc Em phả hương thơm vào nhân thế gợi lên trong nó nhiều dấu chấm lửng thật thú vị và thân thương!

Cũng như hoa, Em chỉ biết hết mình tỏa hương dù cho bầu trời cuộc đời đang quang đãng hay ẩn chứa nhiều điềm báo của bão giông. Ở điểm này, Em không khác nào bông hoa ngoài đồng. Hoa chỉ biết khoe sắc và tỏa hương dù cho bối cảnh xung quanh nó là buổi sáng tinh sương với ánh hừng đông dậy lên từng cơn gió thoảng hay đó là buổi chiều tà vương vấn sự tiếc nuối tuổi thanh xuân. Mặc, bổn phận của hoa là khoe sắc và trách nhiệm của hoa là tỏa hương và vì thế, trong mọi hoàn cảnh, hoa tận lực cho lý tưởng hiện hữu của mình bằng tất cả nội lực để tỏa rạng. Em cũng thế. Cũng như hoa tỏa hương khoe sắc để mời những cánh bướm về, để gọi ong đến, Em sống lý tưởng của loài hoa một cách rất tự nhiên và đơn sơ để đan kết cho đời những giọt mật của tình liên đới.

Em! Em không phải là vĩ nhân, vậy sao Em lại có thể sống và hành xử như một người vĩ đại như thế? Em tuyệt diệu đến nỗi nhiều khi nó không thể tin nổi tại sao và vì đâu mà Em lại có thể thanh tao đến mức ấy?! Thật đúng như người đời vẫn nói: kẻ tiểu nhân thì thích chép danh ngôn, còn vĩ nhân lại chỉ quan tâm đến việc mang danh ngôn vào cuộc sống của chính mình. Cuộc đời Em dường như đã trở nên một sự hòa quyện những châm ngôn sống. Tất cả dường như được tổng hòa trong Em như một điều tất yếu, dù chẳng bao giờ Em coi mình là cao thượng như những câu châm ngôn. Nhưng chính vì không thừa nhận mình, Em lại càng trở nên huyền diệu và lung linh trong ánh nhìn của nó.

Em đã yêu, yêu tất cả mọi người mà Em tương quan với. Em chẳng quan tâm đến việc họ tốt hay xấu, thân thiện với Em hay không. Em chỉ biết sống cái triết lý nhân sinh vốn được Em hòa trộn với tình yêu để khơi lên cho đời những sự tươi mới. Em bắt đầu tình yêu bằng cách yêu con người thật của người khác chứ không phải Em yêu người ta như yêu một bức họa mà Em vẽ về họ. Trong mắt Em, dù người khác có thế nào, thì cũng có cái gì đó để Em yêu. Em yêu người ta bằng tình yêu chân thành, vì họ chính là họ, bất luận tốt xấu, chứ Em không yêu sự phản chiếu của Em nơi họ. Tình yêu của Em không được bố thí, mà được chia sẻ; cũng không được cho đi mà là được trao ban. Vì, cũng như hoa luôn vươn mình hướng về phía mặt trời đầy sức sống, dù cho hoa có bị ngoại cảnh làm cho dập gẫy, Em cũng yêu cuộc đời và yêu con người bằng tất cả tấm lòng và bằng tất cả những gì Em có thể, dù vẫn còn đó trong Em và bên Em những trái ngang của kiếp người định mệnh!

Em! Vì sao Em không những sẵn sàng gieo rắc cho cuộc đời những cánh hoa lòng, mà Em còn có thể trở nên một đóa hoa đẹp cho cuộc đời? Động lực nào đã khiến Em bỏ ngoài tai tất cả những định kiến để yêu và được yêu? Và tại sao những bổn phận và trách nhiệm luôn níu giữ Em lại trong cái vỏ bọc của số phận, mà Em vẫn có thể thăng hoa trong tình yêu? Phải chăng Em đang sống cái triết lý về tình yêu mà chị thánh Têrêsa đã khắc họa lên? Trong hồi ký nổi tiếng của mình, chị thánh đã viết: Ôi Giêsu, tình yêu của con, ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm được... ơn gọi của con là Tình Yêu! Vâng, con đã tìm được chỗ mình bên trong lòng Hội Thánh và chín Ngài, ôi lạy Chúa, Đấng đã ban cho con chỗ ấy; trong trái tim của Giáo Hội, Người Mẹ của con, con sẽ được yêu.

Chẳng ai biết vì yêu mà chị thánh dám làm và làm được những điều nhỏ bé với một tâm hồn lớn, hay vì dám làm những điều nhỏ bé với một tâm hồn lớn mà chị thánh chứng tỏ được tình yêu. Chỉ biết rằng, ơn gọi của chị thánh là tình yêu. Và chị đã sống trọn cái ơn gọi của cuộc đời chị bằng tất cả tâm hồn, trí lực và thân xác.

Ở nơi Em, nó cũng thấy được cái chất của một thứ tình yêu không vụ lợi. Em đã mê say hòa quyện ơn gọi của đời Em vào lẽ sống để yêu và được yêu. Em đã yêu cứ như thể tình yêu là lẽ sống của cuộc đời Em. Nhiều lúc nó muốn Em ích kỷ một chút cho riêng mình, nhưng Em vẫn đắn đo. Vì với Em, ích kỷ là một phạm trù xa lạ và chưa có đất sống trong cuốn từ điển cuộc đời Em. Em cho rằng người trên đời sống để yêu nhau nên tình yêu của Em mang dấu ấn của sự phổ quát. Có lẽ, Em không muốn đánh mất căn tính của mình?! Có lẽ Em bằng lòng với hiện thực của ơn gọi đời Em là tình yêu, dù khó có thể thực hiện và đôi khi không trọn vẹn như lòng Em mong muốn. Đối với Em, sống mà thiếu tình yêu thì không phải là sống, mà chỉ là tồn tại. Em không thể sống thiếu tình yêu vì yêu là ơn gọi mà Em đã dấn thân chọn lựa. Phải chăng Em được sinh ra để yêu và chỉ vì yêu? Em luôn gìn giữ và nuôi dưỡng một thứ tình yêu thuần khiết trong tâm hồn, vì đối với Em, cuộc sống không có tình yêu chẳng khác nào một khu vườn thiếu ánh nắng. Chính vì biết rằng mình đang yêu và đang được yêu mà trong Em, cuộc đời luôn ấm áp, đậm tính nhân văn và thật giàu ý nghĩa.

Quả thật, ơn gọi của cuộc đời Em chính là tình yêu!

Em! Em có hạnh phúc với ơn gọi của đời mình không? Nó hỏi Em mà như đang hỏi chính mình, bởi vì nó đã chọn chính Em làm lẽ sống của cuộc đời nó. Vậy sao nó không thể nào thăng hoa như Em được? Phải chăng trong nó vẫn còn đó những góc khuất của kiếp người? Khi chọn Em làm lý tưởng sống của đời mình, nó đã chấp nhận bỏ lại đằng sau tất cả để đưa cái tinh thần sống vì Em và chết vì Em vào cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, nó cũng là phận người hèn yếu, và vì thế cái lý tưởng của nó cũng khi tỏ, khi mờ như ai. Chính vì chân nhận điều đó, nó đang nỗ lực cho một khát vọng vươn lên, không phải để khẳng định bản thân mình, nhưng là để được kết hợp với Em một cách tròn đầy như chính Em đã sống ơn gọi của Em vậy.

Nghĩ về Em và suy tư về lý tưởng sống của mình, nó thấy nó thua Em xa quá! Sự hơn thua này không được định hình bằng ngôi thứ, mà được thẩm vấn bằng con tim, bằng lương tâm và bằng cái niềm hoài vọng lúc nào cũng đau đáu trong nó. Càng so sánh với Em, nó lại càng biết rằng nó còn phải học hỏi nơi Em nhiều lắm. Tất nhiên, nó không phải là Em để có thể sống như Em là. Nó chỉ có thể là chính nó với những giới hạn muôn thủa của kiếp người đang vần vũ và khắc khoải kiếm tìm chân lý, một thứ chân lý vốn đã, đang và sẽ mãi còn ẩn khuất đâu đó giữa những thăng trầm của dòng đời bất tận.

 Em! Em đang thành công hay thất bại giữa cuộc đời này? Nó không hỏi Em cách trực tiếp, vì có hỏi, Em cũng chẳng trả lời. Vì vậy, nó không hỏi Em mà đang tự vấn chính mình. Có lẽ, chẳng ai có thể khẳng định Em đang thành công hay thất bại, vì thành công bao giờ cũng là một quá trình, chứ chưa bao giờ là một điểm đến. Đối với nhiều người, Em là một thứ kiểu mẫu, nhưng cũng với nhiều người khác, Em như một thành trì mà người ta chỉ có thể chiêm ngưỡng chứ họ không dám hay không thể vươn tới được. Người khác thế nào, kệ họ, nhưng nó dám chọn Em và nhất là Em đã dám chọn nó. Đó là một diễm phúc của nó hơn là một vinh dự của Em. Nó khẳng định chắc chắn vậy, bởi so sánh với Em, nó chẳng đáng là gì, thậm chí chẳng có gì để so sánh.

Không phải ngẫu nhiên mà nó đặt Em bên cạnh một chị thánh vĩ đại của Giáo hội. Về chị thánh, Em biết không, chị thánh qua đời ở tuổi 24 vào ngày 30/9/1897. Đến ngày 10/6/1914, Đức Giáo hoàng Piô Xký sắc lệnh cho phép mở án phong thánh cho người nữ tu trẻ. Đến thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XV, để cho tiến trình được nhanh hơn, ngài đã miễn chế sự trì hoãn năm năm thông thường từ sau khi chết đến lúc phong chân phước. Ngày 14/8/1921, Tòa thánh truyền bá một sắc lệnh về những đức tính anh hùng của thánh Têrêsa và đọc một diễn văn dài về con đường trông cậy và tình yêu của người phụ nữ trẻ này, khuyến khích nó cho toàn thể Hội thánh. Têrêsa được phong chân phước vào tháng 4/1923 và phong hiển thánh ngày 17/5/1925 bởi Đức Giáo hoàng Piô XI, chỉ 28 năm sau khi người qua đời. Lễ kính chị thánh Têrêsa được cử hành vào ngày 3/10 cho đến cuộc cải cách lịch phụng vụ năm 1970, thì được chuyển sang ngày 1/10 hàng năm cho đến nay.

Với những đức tính và mẫu gương của mình, chị thánh trở nên đặc biệt nổi tiếng. Chị được chọn làmthánh bổn mạng của người bệnh AIDS, của phi công, của nguời bán hoa, của người bệnh và của các xứ truyền giáo, dù chị chẳng đi truyền giáo một ngày nào trong đời. Chị cũng được tín hữu Công giáo củaliên bang Nga nhận làm thánh bổn mạng, tuy Giáo hội Chính Thống Nga không công nhận án phong thánh của vị nữ tu hay sự bảo trợ của chị. Năm 1927, Đức Giáo hoàng Piô XI đặt chị làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Năm 1944, Đức Giáo hoàng Piô XII đặt chị làm vị thánh bổn mạng của Pháp cùng với thánh Jeanne d'Arc.

Với Tông thư Divini Amoris Scientia (Khoa học Tình yêu Chúa) vào ngày 19/10/1997, Đức Giáo hoàngGioan Phaolô II tuyên bố chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một trong 33 thánh Tiến Sĩ Hội Thánh. Chị là một trong ba người phụ nữ được trao tặng danh hiệu này (hai vị kia là Têrêsa thành AvilaCatarina thành Siena). Chị là vị thánh duy nhất được công nhận là Tiến Sĩ Hội Thánh dưới đời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cùng với thánh Phanxicô thành Assisi, Têrêsa Hài Đồng Giêsu có thể được coi là một trong những vị thánh nổi tiếng nhất từ thời các Tông Đồ. Chỉ là một nữ tu trẻ tuổi trong nhà kín, vậy mà tư tưởng của chị được Giáo hội thừa nhận đến nỗi phong chị làm Tiến Sĩ Hội Thánh. Là một trong các Tiến Sĩ Hội Thánh, Têrêsa là đối tượng của nhiều bài bình luận và nghiên cứu thần học. Và là một cô thiếu nữ trẻ tuổi đầy lôi cuốn, người mà thông điệp của mình đã cảm động hàng triệu người. Cho đến nay, Têrêsa vẫn đang và sẽ còn là trung tâm của lòng sùng kính từ các tín hữu, tất nhiên là trong số đó có nó của Em.

Đối với nó, Têrêsa là một chị thánh vĩ đại, nhưng nó vẫn muốn liên tưởng Em với chị thánh. Vì dường như nhiều đức tính của chị thánh đồng loạt hội tụ trong Em. Nếu ơn gọi của chị thánh là Tình Yêu thì ơn gọi của Em cũng chất chứa âm vang của tình yêu. Nếu chị thánh được mệnh danh là Bông Hoa Nhỏ của Chúa Giêsu và chị thánh chứng tỏ tình yêu của mình là bằng cách rắc hoa; những bông hoa này là tất cả những hy sinh bé nhỏ, mỗi cái nhìn, mỗi lời nói và thực hiện mọi việc làm bé nhỏ nhất với tình yêuthì Em cũng là một bông hoa luôn tỏa ngát hương thơm cho cuộc đời, dù cuộc đời tràn ngập màu hồng hay chứa đựng đầy sự ô nhơ. Dù còn đó sự khập khiễng, nhưng chị thánh là chị thánh, còn Em, Em vẫn là Em trong lòng nó, không có gì có thể thay thế, thậm chí so sánh được với Em trong nghĩ suy của nó. Vì sao ư? Vì trong nó, Em cũng là một người vĩ đại, ít là về khía cạnh ảnh hưởng của Em tới ơn gọi của cuộc đời nó.

Em thân! Thời gian đã bước sang một ngày mới. Ngoài trời kia mưa đã ngừng rơi, nhưng nó vẫn chưa muốn ngừng những nghĩ suy của nó về Em.

Em! Giữa dòng đời đầy rẫy những rủi ro và hệ lụy này, tâm thành cám ơn em đã đồng hành với nó. Hãy hứa với nó là sẽ cùng nó đi hết chặng đường của cõi trần tục lụy này Em nhé. Vì sao ư? Vì Em quá xứng đáng là lý tưởng và lẽ sống cho nó. Và vì vậy, nó luôn nỗ lực lấy Em làm trung tâm điểm để vươn tới Chân Trời Khát Vọng mà nó đang dấn bước và từng bước đi lên, nhé Em. 

Nguyên Phan, MF.