Khái Lược Sách "Công Vụ Tông Đồ"

Khái Lược Sách "Công Vụ Tông Đồ"

Trước khi đọc sách Công vụ Tông đồ (CV), chúng ta nên biết qua một vài điểm quan trọng của sách. Những điểm đó là: cuốn sách và tác giả, sức phát triển của Ki-tô giáo nguyên thuỷ, các nhân vật, thánh Phao-lô, Lời Chúa và thính giả, Thánh Thần, những trở ngại trên đường truyền giáo và, sau hết, giá trị lịch sử của sách.

I. MỘT CUỐN SÁCH

Cuốn sách Công vụ được lưu lại dưới hai hình thức : một là hình thức các thủ cảo lớn, hai là hình thức gọi là ‘Tây phương’. Tuy nhiên, dù có những khác biệt, hai hình thức đều có một nội dung chính của một cuốn sách.

Theo tương truyền và một số các giáo phụ, như : I-rê-nê, Tê-tu-li-a-nô, thì thánh Lu-ca là tác giả một cuốn sách có thể mang tên là “Lịch sử các nguồn gốc Ki-tô giáo”. Nhưng, vào những năm 150, sách được chia làm hai, khi người Ki-tô hữu muốn các sách Tin Mừng được đặt vào một bộ. Từ đó, chúng ta có sách Tin Mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ.

Thánh Lu-ca đề tặng hai sách đó cho ông Thê-ô-phi-lô. Ông này là một Ki-tô hữu đã học giáo lý, nhưng cũng có thể là một người ngoại muốn tìm hiểu giáo lý Ki-tô giáo.

II. SỨC PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO HỘI NGUYÊN THỦY

Trong sách, thánh Lu-ca kể lại những sự việc xảy ra trong Giáo hội nguyên thuỷ, một Giáo hội được phát triển nhanh và mạnh từ Giê-ru-sa-lem cho đến Rô-ma, mà tác giả gọi là ‘tận cùng trái đất’ vì, lúc bấy giờ, đế quốc Rô-ma được coi là hùng mạnh nhất trên hành tinh.

Nói rõ hơn, sách Công vụ có thể chia ra làm hai phần:

A. Phần thứ nhất (1 – 12)

Phần thứ nhất (1 – 12) nói về những sự việc xảy ra tại Pa-lét-ti-na và những vùng lân cận. Nhân vật chính của phần này là thánh Phê-rô.

Ki-tô giáo được rao giảng từ Giê-ru-sa-lem đến Sa-ma-ri (8,4-40), Lốt (9,32-43), và Xê-da-rê Duyên hải (10,1 – 11,18), Phê-ni-xi và Sýp (11,19), và An-ti-ô-khi-a (11,22-26).

B. Phần thứ hai (13 – 28)

Phần thứ hai (13 – 28) nói nhiều về thánh Phao-lô và ba hành trình truyền giáo của ngài.

Sau khi trở lại với Đức Ki-tô (9,4), thánh Phao-lô đã truyền giáo. Trong công trình truyền giáo của ngài, có ba giai đoạn chính:

1. Hành trình thứ nhất (13,4 – 14,28) bắt đầu từ An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a đến tận Lýt-ra, Đéc-bê, rồi trở về An-ti-ô-khi-a (13,1) vào những năm 46 đến 48.

2. Hành trình thứ hai (15,36 – 18,22) bắt đầu từ An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a đến A-thê-na (Hy-lạp), Cô-rin-tô, qua Giê-ru-sa-lem và về An-ti-ô-khi-a (18,22) vào những năm 49 đến 52.

3. Hành trình thứ ba (18,23 – 21,16) bắt đầu từ An-ti-ô-khi-a đến Cô-rin-tô, rồi về Giê-ru-sa-lem (20,1-6).

Bị bắt giam tại Giê-ru-sa-lem, rồi tại Xê-da-rê Duyên hải (21,17 – 26,32), thánh Phao-lô bị dẫn đến Rô-ma.

III. CÁC NHÂN VẬT

Trong sách Công vụ, phải kể ra những nhân vật sau đây:

1. A-pô-lô (18,24-25): Ngài thông minh và rất giỏi môn Thánh Kinh, rao giảng chính xác về Đức Giê-su (18,24).

2. Ba-na-ba: Ngài theo đạo Đức Giê-su ngay trong những ngày đầu, đã giới thiệu thánh Phao-lô cho các Tông đồ và theo thánh Phao-lô trong hành trình truyền giáo thứ nhất.

3. Tê-pha-nô: Ngài là vị tử đạo đầu tiên trong Ki-tô giáo (6,5-14).

4. Gio-an Mac-cô: Ngài là cháu của thánh Ba-na-ba, đã theo thánh Phao-lô trong hành trình thứ nhất.

5. Phê-rô: Ngài là vị thứ nhất trong các Tông đồ, là nhân vật chính trong trình thuật từ sự kiện Hiện Xuống cho đến cho đến sau khi được thoát ngục (2,14 – 12,17).

6. Phao-lô: Ngài là anh hùng của sách, như chúng ta sắp thấy.

IV. THÁNH PHAO-LÔ

Qua cách trình bày, thánh Lu-ca cho thấy ngài thán phục thánh Phao-lô không giấu giếm.

Thánh Phao-lô sinh ra tại Tác Xô, một nơi khá nổi tiếng về văn hoá (21,39). Ngài là người Do-thái, nhưng có quốc tịch Rô-ma (16,21.37), thuộc gia đình tiểu công nghệ (18,3), là môn sinh của thầy Ga-ma-li-en danh tiếng (22,2). Ngài thông minh và can đảm (27,21-25) và là nhà lãnh đạo bẩm sinh. Trong những đức tính của ngài, chúng ta xin chỉ nêu lên hai mà thôi : Ngài là một nhà truyền giáo và là vị sáng lập nhiều giáo đoàn.

1. Nhà truyền giáo

Lúc đầu thánh Phao-lô bách hại Giáo hội (8,1-3). Nhưng, sau khi Đấng Phục sinh kêu gọi bất ngờ (9,1-18), ngài đã trở lại và trở thành nhà truyền giáo lỗi lạc (9,15), giảng dạy không biết mệt mỏi, bất chấp mọi khổ cực, lao tù. Ba hành trình truyền giáo mà ngài đã thực hiện là một bằng chứng. Để Lời Chúa được tự do, ngài không muốn dựa vào ai, dù phải làm nghề nặng nhọc (18,3 ; 20,34).

2. Nhà sáng lập giáo đoàn

Thánh Phao-lô sáng lập độ 20 hoặc 30 giáo đoàn, phần lớn ở những đô thị. Tín hữu khá đông, đa số là dân nghèo (1 Cr 1,26-28). Đã sáng lập các giáo đoàn, ngài còn tiếp tục lo lắng, viếng thăm và khuyến khích các tín hữu và giáo đoàn ngài đã sáng lập.

V. LỜI CHÚA VÀ THÍNH GIẢ

Thánh Lu-ca cho thấy, các Tông đồ đã làm chứng cho Lời Chúa. Các ngài làm chứng bằng lời nói (4,20-29), Lời Chúa lớn lên (6,7) và phát triển (12,24) lan tràn và vững mạnh (19,20). Vì thế, trong sách Công vụ, các diễn văn chiếm một chỗ đặc biệt (17,3.10 tt).

Thính giả Lời Chúa có ba hạng người : Do-thái, dân ngoại và Ki-tô hữu.

1. Khi nói với dân Do-thái là dân Chúa, thánh Phao-lô nói về Đấng Mê-si-a mà ông Mô-sê và các ngôn sứ loan báo. Các ngài tiên báo rằng Đấng Mê-si-a sẽ chết và sống lại, hơn nữa, nhờ Người mà tội lỗi được Thiên Chúa thứ tha (28,25-28).

2. Khi nói với dân ngoại, thánh Phao-lô giảng về một Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và điều khiển thời gian : sau một thời gian lầm lạc, loài người phải quay về với Thiên Chúa (17,22-31).

3. Khi nói với người Ki-tô hữu, thánh Phao-lô cắt nghĩa những việc mình làm và cảnh giác đề phòng những người giảng dạy điều sai lạc (20,31).

VI. THÁNH THẦN

Trong các sự kiện, phải kể sự kiện này, là Thiên Chúa ban Thánh Thần. Thánh Thần ngự xuống, các Tông đồ nhận lãnh sức mạnh của Thánh Thần và đi làm chứng khắp nơi (1,8). Thánh Thần hướng dẫn các sự kiện, đến nỗi chúng ta có thể gọi sách Công vụ là sách Tin Mừng Chúa Thánh Thần. Và đây là một đôi nét về hoạt động của Người.

1. Thánh Thần là Đấng thông ban. Các Tông đồ chịu phép Rửa trong Thánh Thần (1,5 ; 11,6). Phải sám hối, chịu phép rửa để được tha tội và lãnh nhận ân huệ là Thánh Thần (2,38 ; 8,18). Thiên Chúa trao Thánh Thần mà Người đã hứa, để Đức Giê-su đổ Thánh Thần xuống (2,33). Thánh Thần được ban xuống khi các Tông đồ đặt tay (8,18). Ngày Ngũ Tuần, các Tông đồ đều được tràn đầy ơn Thánh Thần (2,4). Đó là những thành ngữ thánh Lu-ca thường dùng để diễn tả nguồn gốc của Thánh Thần.

2. Thánh Thần hoạt động. Người an ủi (9,31), Người quyết định với các Tông đồ (15,28), Người chỉ dạy (8,29), Người cho nói các thứ tiếng khác (2,4), ra lệnh (10,19 tt), ngăn cản (16,6.7), sai đi (13,2-4), đặt những người coi sóc (20,25), Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong Đức Giê-su (10,38), và nhất là làm chứng (5,32 ; 15,8 ; 20,23).

3. Những tội mà con người có thể phạm đến Thánh Thần là : lừa dối (5,3), chống lại (7,51), đối địch (6,10), thử thách (5,9).

VII. NHỮNG TRỞ NGẠI GIÁO HỘI PHẢI GẶP

Nhờ Thánh Thần nâng đỡ và ban ơn (9,31), Giáo hội phát triển mạnh. Giáo hội thêm 3000 người theo đạo (2,41), số người đàn ông hôm sau thêm đến 5000 người (4,4), số môn đệ thêm đông (6,1), thêm rất nhiều (6,7). Giáo hội kính sợ Chúa và ngày một thêm đông, rất đông người Do-thái và Hy-lạp tin theo (14,1).

Tuy nhiên, trên con đường truyền giáo, thánh Phao-lô gặp đủ thứ trở ngại.

1. Phải nói ngay, không phải chính quyền Rô-ma. Các nhà cầm quyền Rô-ma tỏ ra dửng dưng hoặc thiện cảm, chứ không thù nghịch. Tổng trấn Xéc-ghi-ô Phao-lô còn trở lại đạo nữa là khác (13,7-12).

2. Nhóm người thù nghịch, trước hết là những người Ki-tô hữu gốc Do-thái : họ còn gắn bó với phép cắt bì (11,3), chỉ có Công đồng Giê-ru-sa-lem mới đem lại bình an cho Giáo hội (15,28).

3. Sau nữa, người Do-thái cũng là một trở ngại không nhỏ. Họ thù nghịch, lắm lúc hung bạo đối với thánh Phao-lô và, nói chung, đối với Chúa Ki-tô (3,12-15).

VIII. GIÁ TRỊ VỀ LỊCH SỬ

Thánh Lu-ca là một nhà sử đáng tin cậy. Ngài nắm một số sử liệu Hy-lạp và A-ram mà ngài đã thu thập được trong cộng đoàn Pa-lét-ti-na hoặc trong các cộng đoàn do thánh Phao-lô thiết lập.

Ngài không quan tâm đến những chi tiết về niên đại. Ngài chỉ nói qua những biến có khó chịu. Ngài còn bỏ qua cả một biến cố quan trọng gọi là ‘vụ rắc rối An-ti-ô-khi-a’, nghĩa là cuộc xung đột giữa thánh Phao-lô và thánh Phê-rô về cách thánh Phê-rô xử sự với anh em gốc dân ngoại (Ga 2,11-21).

Hội thánh nguyên thuỷ không có gì quá đáng. Thánh Phao-lô trong sách Công vụ cũng không hoàn toàn như thánh Phao-lô trong các thư của ngài. Bỏ qua đi, phê phán ít mà ca tụng nhiều, đó là những nét chung của sách Công vụ. Nhờ đó, tác phẩm cho chúng ta cảm giác thanh thản, đáng tin.

 

 

Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP.

http://catechesis.net/