Làm Nghi Thức Xức Tro Sớm Được Không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, vì lý do mục vụ thực tế, có thể làm phép tro và xức tro, chẳng hạn trong một nhà hưu dưỡng, nhà nuôi người cao tuổi hoặc nhà dưỡng lão, trước thứ Tư Lễ Tro (vào ngày thứ Hai hoặc thứ Ba Béo trước đó) được không? - R. P., Toronto, Canada

Đáp: Bởi vì gợi ý này, do các mục đích thực tế, nói trước sự khởi đầu của Mùa Chay, tôi không nghĩ rằng giải pháp này là có thể được.
 
Như Thông tư "Paschales Solemnitatis" năm 1988 của Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích về việc chuẩn bị và cử hành Đại lễ Phục Sinh viết:
 
“21. Vào Thứ Tư trước Chúa Nhật I Mùa Chay, tín hữu được xức tro để bước vào thời kỳ qui định cho việc thanh luyện tâm hồn. Dấu hiệu sám hối này là một truyền thống Kinh Thánh, và được duy trì trong số các tập tục của Giáo Hội cho đến ngày nay. Dấu hiệu này biểu tỏ con người là tội nhân, tìm cách để biểu lộ cảm thức tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa bằng một dấu chỉ khả giác nhằm diễn tả thái độ hoán cải nội tâm, với niềm xác tín rằng Thiên Chúa sẽ đoái thương. Dấu hiệu này cũng ghi dấu sự khởi đầu hành trình hoán cải. Hành trình này được tiến triển nhờ vào các cử hành của bí tích Hoà Giải trong những ngày trước Lễ Phục Sinh" (Bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam).
 
Phụng vụ đôi khi cho phép thay đổi các ngày truyền thống khi chúng không ảnh hưởng đến lịch phụng vụ chung. Ví dụ, Giám mục có thể cử hành lễ làm Phép Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh vào ngày sớm hơn, nhưng tốt hơn là vẫn trong Tuần Thánh, để tạo thuận lợi cho sự tham gia của càng nhiều linh mục giáo phận càng tốt. Việc này là khá phổ biến trong các giáo phận rộng lớn, nơi mà việc di chuyển đến nhà thờ chinh tòa có thể mất nhiều giờ.
 
Hơn nữa, giải pháp được đề xuất là không cần thiết để giải quyết các khó khăn mục vụ như vậy, bởi vì phụng vụ đã đưa ra một sự chọn lựa thay thế thỏa đáng. Sách Các Phép có một nghi thức làm phép tro và xức tro bên ngoài Thánh Lễ
 
Các số 1059-1062 của Sách các Phép chỉ dẫn như sau:
 
"1059. Mùa Chay bắt đầu với tập tục xưa là xức dầu cho các tín hữu như một dấu hiệu sám hối công khai và cộng đồng. Việc làm phép tro và xức tro ngày thứ Tư lễ Tro thường được cử hành trong thánh lễ. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh đòi hỏi, việc làm phép tro và xức tro có thể diễn ra ngoài Thánh Lễ, trong một buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa.
 
"1060. Qui định này cũng có thể được sử dụng, khi xức tro cho các bệnh nhân. Tùy theo trường hợp, nghi thức có thể được thừa tác viên thực hiện vắn gọn. Tuy nhiên, ít nhất có một bài đọc Kinh Thánh Thánh trong nghi thức.
 
"1061. Nếu tro đã làm phép được đưa đến để xức lên đầu người bệnh, thì không làm phép tro nữa, nhưng việc xức tro diễn ra ngay sau bài giảng. Bài giảng nên kết luận bằng cách mời gọi người bệnh chuẩn bị tâm hồn để được xức tro.
 
"1062. Nghi thức này có thể được cử hành bởi một linh mục hay phó tế, và có thể có thêm thừa tác viên giúp xức tro cho tín hữu. Tuy nhiên, việc làm phép tro chỉ dành cho một linh mục hay phó tế".
 
Do đó, có nhiều sự chọn lựa để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của các tín hữu trong các nhà dưỡng lão và các tình huống tương tự :
 
- Một linh mục hay phó tế có thể đến thăm địa điểm trong ngày, để làm phép và xức tro cho tín hữu. Nếu cần thiết, nghi thức có thể được vắn gọn.
 
- Linh mục hay phó tế mang tro đã làm phép đến địa điểm và thực hiện việc xức tro cho tín hữu.
 
- Một thừa tác viên giáo dân đã được chỉ định mang tro đã làm phép đến địa điểm, và thực hiện nghi thức xức tro theo phiên bản dành riêng. Các phiên bản này đã được dự kiến trong Sách Các Phép.
 
Do đó, để kết luận, thông thường không được phép làm phép tro và xức tro cho tín hữu vào ngày thứ Hai hoặc thứ Ba Béo trước thứ Tư Lễ Tro, và một nghi thức làm trước như thế là không cần thiết về mặt mục vụ.

 

Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ/ Zenit.org