Hỏi : Xin cha giải thích rõ hai thắc mắc sau đây: 1. vì sao trong quá khứ Tòa Thánh lại ở Avignon, Nước Pháp? 2.Nguyên nhân nào đã gây ra cuộc ly giáo Tây Phương .( Western Schism) ?
Trả lời :
1. Giáo Hội mà Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng Tông Đồ dã trải qua nhiều biến cố từ buổi ban đầu cho đến ngày nay.Về mặt tín lý, đã có những tà thuyết ( heresies) và bội giáo (Apostacies) xuất hiện khiến Giáo Hội phải chiến đấu để vượt qua hầu giữ vững đức tin Kitô Giao tinh tuyền. Thêm vào đó là sự rạn nứt trong sự hiệp thông và hiệp nhất ( communion, unity) gọi chung là ly giáo ( schism) đã xảy ra và còn kéo dài cho đến ngày nay, khiến Giáo Hội của Chúa bị phân chia thành hai nhánh chính là Công Giáo La Mã ( Roman Catholicism) và Chính Thống Giáo Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches) không còn hiệp thông và hiệp nhất với nhau từ năm 1054 đến nay.Ngoài ra, còn phải kể thêm các nhóm khác đã tách ra khỏi hiệp thông và hiệp nhất với Giáo Hội , như các nhóm Tin Lành( Protestantism) và Anh Giáo ( Anglican Communion) đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã từ thế kỷ 16 cho đến nay.
Về việc Toà Thánh có lần đã “di cư” sang Avignon, thì đây là biến cố duy nhất trong lịch sử Giáo Hội, xảy ra việc Tòa Thánh La Mã đã “di cư” sang Pháp, đóng tại thành phố Avignon trong một thời gian khá lâu dài là 68 năm, kể từ năm 1309 đến năm 1377 . Các sử gia đã gọi thời kỳ này là “ cuộc lưu đầy Babilone của Ngôi vị Giáo Hoàng (The Babilonian captivity of the papacy) .
Nguyên nhân của “ cuộc lưu đầy” này có thể được tóm tắt như sau :
Vào thời kỳ cuối thế kỷ 12 và trong thế kỷ 13 , các phe phái chính trị và tôn giáo ở Ý và Pháp đã muốn tranh dành ảnh hưởng đối với Giáo Hội Công Giáo La Mã, nên đã là nguyên nhân chính khiến Ngai Tòa Phêrô bị di chuyển từ Rôma sang Avignon, Pháp, từ năm 1309 dưới triều Đức Giáo Hoàng Clement V ( người Pháp ) ( 1305- 1316).
Ngài được Hồng Y đoàn bầu lên năm 1309 với hy vọng làm dịu bớt căng thẳng giữa các phe người Pháp và Ý đang muốn dành ảnh hưởng đối với Giáo Hôi sau những năm sóng gió dưới triều Đức cố Giáo Hoàng Boniface VIII ( 1294- 1303).
Vì là người Pháp, nên Đức Clement V đã mang Tòa Thánh từ Rome về Avignon, một thành phố phía nam nước Pháp, năm 1309 để tránh phải đương đầu với gia đình Colonna, đầy quyền lực ở Ý , đang muốn nắm quyền cai trị về mọi phương diện chính trị, xã hội và tôn giáo ở Rôma thời đó. Ngài được Hồng Y đoàn bầu lên ngôi Giáo Hoàng năm 1309 như một nhượng bộ nhằm hòa giải giữa hai phe người Ý và Pháp đang có ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội Công Giáo Tây phương lúc bấy giờ, nhưng đã không đạt được mục đích mong muốn .Vì thế, Đức Giáo Hoàng Clement V đã mang Tòa Thánh về Avignon để tránh áp lực của các thế lực người Ý đang muốn dành quyền chi phối Giáo Hội trong gian đoạn khó khăn đó.
Tuy nhiên, khi cư trú trên đất Pháp, thì 7 Giáo Hoàng kế tiếp nhau lên ngôi ở đây cũng không tránh được bị chi phối và ảnh hưởng cúa các nhà vua trị vì Nước Pháp trong suốt thời kỳ đó. Dầu vậy, truyền thống Tông Đồ ( Apostolic succession) vẫn được tôn trọng trong việc chọn Giáo Hoàng cũng như sứ vụ tông đồ vẫn được tiếp tục theo truyền thống trong việc cai quản Giáo Hội, mặc dù có bị thế quyền Pháp chi phối phần nào do việc Giáo Hội nằm trên lãnh thổ của Nước Pháp trong suốt 68 năm, với 7 Giáo Hoàng được bầu lên cách hợp pháp và có tên sau đây :
1. Clement V ( 1305-1316)
- 2. Joan XXII ( 1316-1334)
- 3. Benedict XII ( 1334-1342)
- 4. Clement VI ( 1342-1352
- 5. Innocent VI ( 1352-1362)
- 6. Urbano V ( 1362-1370)
- 7. Gregory XI ( 1370- 1378)
Đức Gregory XI là Giáo Hoàng cuối cùng tại Avignon, đã quyết định mang Tòa Thánh trở lại Rôma năm 1377, do công khởi thủy của Đức Giáo Hoàng Urbano V ( 1362- 1370) và đặc biệt thể theo lời khẩn khoản nài van của nữ tu bí nhiệm Dòng ĐaMinh ( Mystic Dominican Sister) mà sau này đã trở thành Thánh Nữ Catherine thành Sienna.
Nhưng dù Tòa Thánh được mang trở lại Rôma với Đức Giáo Hoàng Gregory XI , Giáo Hội vẫn chưa an vị được ở Rôma, mà còn xảy ra cuộc ly giáo Tây phương ( Western Schism) giữa những người cùng hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã về phía Tây phương vì lý do sau đây:
2- Ly Giáo Tây Phương( Western Schism)
Từ ngữ ly giáo ( schism) xuất phát từ nguyên ngữ Hy lạp “ schisma” có nghĩa là xé rách ra ( tear off ).Do đó, từ ngữ này được dùng để chỉ một tình trạng hay sự kiện rạn nứt trong sự hiệp nhất của Giáo Hội ( Unity in the Church) .Nhưng khác với tà giáo hay lạc giáo ( heresy) và bội giáo ( Apostacy) , ly giáo ( schism)không nhằm chối bỏ một chân lý nào của Kitô Giáo, hay đặt lại vấn đề về một tín lý nào,( dogma) mà chỉ là gương xấu đưa đến hậu quả làm mất sự hiệp thông ( communion) và hiệp nhất ( unity ) trong Giáo Hội do một vài phe nhóm chủ xướng mà thôi.
Cụ thể, quyết định mang Tòa Thánh trở lại Rôma của Đức Giáo Hoàng Gregory XI đã bị các Hồng Y và thế quyền Pháp chống đối, nên sau khi Đức Gregory XI qua đời ngày 27 tháng 3 năm 1378, Đức Urban VI được bầu lên kế vị ở Rôma , thì các Hồng Y người Pháp ở Avignon lại bầu một ngụy Giáo Hoàng (antipope) lên ngôi và lấy danh hiệu là Clement VII để tranh ngôi Giáo Hoàng với Đức Urban VI ở Rôma . Và đây là nguyên nhân gây ra cuộc ly giáo Tây Phương trong Giáo Hội, kéo dài từ năm 1378 cho đến năm 1417 với hai Giáo Hoàng tại chức , một ở Avignon và một ở Roma; và sau này có thêm một Giáo Hoàng nữa do Công Đồng Pisa bầu lên, như sẽ nói sau đây.
Cuộc ly giáo trên đã xẩy ra vì có hai phe tranh giành ngôi vị Giáo Hoàng trong thời gian sóng gió đó. Trước hết là phe các nước nói tiếng Latinh và Pháp ủng hộ Giáo Hoàng Clement VII ở Avignon , đối đầu với phe người Đức và Anh ủng hộ Giáo Hoàng Urban VI ở Rome..
Giáo Hoàng Clement VII mất năm 1394 và người kế vị được bầu lên thay là Benedict XIII, tiếp tục cai trị ở Avignon. Ở bên kia, Giáo Hoàng Urban VI cũng mất năm 1397, và người kế vị được bầu lên là Gregory XII, người Roman. Như vậy trong thời kỳ này có hai giáo hoàng cùng tranh ngôi , một ở Pháp và một ở Rôma
Để giải quyết tình trạng này, các Hồng y và nghị phụ đã họp Công đồng tại Písa ngày 29-3-1409 và bầu Giáo Hoàng mới lấy danh hiệu là Alexander V, nhưng ngài chưa kịp về Roma nhậm chức thì đã mất ở Bologna ngày 3-5-1410, và người kế vị được bầu lên ngày 17-5-1411 đã lấy danh hiệu là Gioan XXIII. Nhưng tân Giáo Hoàng này tỏ ra là người không có đủ tài đức và khả năng lãnh đạo Giáo Hội, lại được bầu lên nhờ áp lực và tham vọng cá nhân, nên bị coi là nguy giáo hoàng ( antipope), và buộc phải thoái vị.
Như vậy, Giáo Hội một lúc có tới ba Giáo Hoàng cùng tranh giành Ngôi Tòa Phê rô: Đó là Gioan XXIII do Công Đồng Pisa bầu lên ngôi ngày 17-5-1411, trong lúc có hai Giáo Hoàng nữa đang tại chức là Benedict XIII ở Avignon và Gregory XII ở Rome như đã nói ở trên.
Vì thế, để giải quyết tình trạng bế tắc và gây tai tiếng trên đây , theo sáng kiến của Hoàng Đế Rôma là Sigismund of Luxembourg, Công Đồng Constance được triệu tập ngày 1-11-1417 như một cố gắng cuối cùng để giải quyết tình trạng ly giáo do việc ba Giáo Hoàng trên cùng tranh nhau quyền cai trị Giáo Hội. Kết quả, Công Đồng đã thuyết phục được Giáo Hoàng Gregory XII từ chức, hạ bệ ngụy giáo Hoàng Gioan XXIII, và truất phế vắng mặt Giáo Hoàng Benedict XIII ở Avignon.( ông này đã bỏ chậy trốn khi biết không còn hy vọng ở yên trên ngôi vị Giáo Hoàng được nữa)
Sau đó, ngày 11-11-1417 Công Đồng Constance đã bầu được Giáo Hoàng mới là Oddo Colonna , một nghị phụ tham dự Công Đồng, lên ngôi với danh hiệu Martin V để chấm dứt cuộc ly giáo Tây Phương kéo dài từ năm 1378 đến năm 1417.
Martin V là một thường dân ( layman) trí thức, đạo đức nhưng không có chức linh mục và giám mục. Nên sau khi được bầu lên, ngài đã được truyền chức linh mục và giám mục trước khi đăng quang Giáo Hoàng với danh hiệu Marin V.
Như thế , Công Đồng Constance đã đạt được thành quả lớn : đó là chấm dứt cuộc ly giáo Tây phương kéo dài từ năm 1378 đến 1417. Cuộc ly giáo này xảy ra chỉ vì các phe nhóm có thế lực ở Âu Châu, cụ thể là Pháp và Ý, đã tranh dành ảnh hưởng để dành ngôi vị Giáo Hoàng của Giáo Hội La Mã. Có thể nói tắt một điều : đây là hậu quả của thời kỳ thế quyền và thần quyền lẫn lộn tranh giành quyền cai trị Giáo Hội nên đã gây ra cuộc ly giáo đáng tiếc nói trên.
Có một chi tiết đáng chú ý trong giai đoạn ly giáo này là sự kiện Giáo Hoàng Gioan XXIII , lên ngôi năm 1410, bị coi là ngụy giáo hoàng ( antipope) vì không được bầu lên cách hợp pháp , lại thêm kém tài đức và nhân cách.Vì thế, sau này, khi Đức Hông Y Roncali được bầu Giáo Hoàng ngày 28 tháng 10 năm 1958, để kế vị Đức Thánh Cha Piô XII qua đời ngày 9-10-1958, ngài đã lấy lại danh hiệu Gioan XXIII để cai trị Giáo Hội cho đến ngày qua đời. ( 3-6-1963)
Trên đây là đại cương nguyên nhân và diễn tiến cuộc ly giáo Tây Phương, một vết thương trong thân thể của Giáo, mặc dù chỉ kéo dài trong 38 năm., trong khi một vết thương khác lớn
hơn và kéo dài hơn nữa cho đến nay : đó là cuộc ly giáo Đông Phương ( Eastern Schism) xảy ra giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống Constantinople ( Hy Lạp) bắt đầu từ năm 1054 cho đến nay. Và chưa biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt vĩnh viễn để Giáo Hội của Chúa Kitô được hiệp thông và hiệp nhất trong cùng một sứ mệnh tuyên xưng đức tin Kitô Giáo và phúc âm hóa thế giới, để mang ơn cứu độ của Chúa Kitô đến với hết mọi người trên toàn thế giới, không phân biệt màu da, tiếng nói và văn hóa, cho đến ngày mãn thời gian.
Vấn đề này xin được nói trong một dịp khác.
Chúng ta tiếp tục cầu xin cho sự hợp nhất của Giáo Hội sớm được thực hiện qua cố lực đại kết ( ecumenism) mà cả hai Giáo Hội Công Giáo La Mã và Chính Thống Đông Phương đều đã có thiện chí theo đuổi trong mấy thập niên qua.Nhưng kết quả cụ thể cho đến nay vẫn còn rất xa vời, vì trở ngại lớn nhất vẫn là ngôi vị Giáo Hoàng Roma mà anh em Chính Thống Đông Phương vẫn không công nhận là vị lãnh đạo duy nhất kế vị Thánh Phê rô trong sứ mệnh cai trị Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ ( Universal Church) mà Chúa Kitô dã thiết lập trên nền tảng Tông Đồ để tiếp tục Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa cho đến ngày mãn thời gian.Các nhóm Tin Lành và Anh giáo cũng đều không công nhận Đức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh duy nhất Giáo Hội của Chúa Kitô, nên việc hiệp thông và hiệp nhất với các nhóm này đều trở nên khó khăn vì trở ngại này.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn