Mt 3,1-12: Lời Loan Báo Của Gioan Tẩy Giả

Bản Văn Tin Mừng: Mt 3,1-12 [1]

1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: 2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. 3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. 5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. 6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. 7Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? 8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. 9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham”. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. 10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. 11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

***

1.- Ngữ cảnh

Phần Mở của Tin Mừng theo Matthew đi từ 1,1–4,16. Về nội dung, trong bốn Chương Mở Đầu này nói về những sự việc diễn ra trước khi Đức Giêsu xuất hiện công khai, có hai người khám phá ra Đức Giêsu là ai, theo hai đường song song và riêng tư: Giuse (Chương 1–2) và Gioan Tẩy Giả (Chương 3–4).

- Giuse thì được thiên thần Thiên Chúa báo tin trong giấc mơ rằng, Đức Giêsu là con (cháu)vua David;

- Gioan Tẩy Giả (Gioan Tiền Hô) thì được một tiếng từ trời cho biết rằng, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Cả hai vị đều muốn tránh né ơn gọi đặc biệt mà các vị được mời đảm nhận trong sự liên hệ với Đức Giêsu; vị đầu (Giuse)sẽ đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua David, vị sau (Gioan Tẩy Giả) sẽ trở thành khí cụ để tấn phong làm Đấng Messiah trong phép rửa.

Trong cả hai trường hợp, cảm thức về sự bất xứng của hai vị đã là động lực khiến các vị có thái độ như thế (chính theo nghĩa này mà ta phải hiểu sự “bối rối” của Giuse). Nhưng ngay chính trong sự băn khoăn bối rối của các vị, Thiên Chúa đã tác động qua thiên thần hoặc chính Đức Giêsu để xóa tan đi những nỗi bối rối băn khoan đó. Cuối cùng, cũng như Giuse, khi chấp nhận đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua David, đã kéo theo cuộc bách hại của vua Herod Cả; còn Gioan Tẩy Giả, khi chấp nhận ban phép rửa cho Đức Giêsu và tạo cho Người cơ hội được tấn phong làm Đấng Messiah, đã kéo theo những đợt tấn công của Satan.

Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay là phân đoạn đầu thuộc nửa sau của Phần Mở Đầu.

Phần sau của phần Mở Đầu dường như làm thành một bức tranh bộ đôi: ba đoạn liên hệ đến Gioan, và ba đoạn liên hệ đến Đức Giêsu.

- Về Gioan: Giới thiệu tổng quát về bản thân và sứ vụ của ông (Mt 3,1-6); lời rao giảng sự sám hối (Mt 3,7-10); lời rao giảng về Đấng Messiah (Mt 3,11-12).

- Về Đức Giêsu: Phép rửa (Mt 3,13-17);[2] các cám dỗ (Mt 4,1-11);[3] các lời mào đầu về sứ vụ (kết thúc sứ vụ của Gioan, Đức Giêsu trở về Galilee, Người cư ngụ ở Capharnaum: Mt 4,12-16).[4]

2.- Bố cục

     Bản văn có thể chia thành ba đơn vị:

          1) Những chi tiết tổng quát về bản thân và sứ vụ của Gioan (3,1-6);

          2) Lời rao giảng sự sám hối (3,7-10);

          3) Lời rao giảng về Đấng Messiah (3,11-12).

3.- Vài điểm chú giải

- Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến (1): Động từ “paraginomai” có nghĩa là “đến, xuất hiện [trên sân khấu]”. Sau này, Đức Giêsu cũng được Tin Mừng thứ I giới thiệu như thế ở Mt 3,13. Gioan Tẩy Giả chính là người giới thiệu trước Đức Giêsu. Cả hai đều hoạt động tại hoang địa, loan báo Nước Trời và sự hoán cải (Mt 3,2 // Mt 4,17),[5] và có làm một phép rửa (câu 11a // câu 11c). Chỉ có điều, Đức Giêsu “mạnh hơn” (câu 11), nên Gioan không xứng đáng xách dép cho Người (câu 11), càng không xứng đáng làm phép rửa cho Người (câu 14).

- Hoang địa (1): Đây là một ghi chú địa lý (thung lũng sông Jordan), nhưng hơn thế nữa, còn là một ghi chú thần học. Trong truyền thống Kinh Thánh, “hoang địa” là nơi lý tưởng để gặp gỡ Thiên Chúa (x. Hs 12,16-22; Gr 2,2-3; Ed 16,23; Đnl 8,2).[6] Trong hoang địa, Đức Chúa (YHWH) đã nói với Moses (Xh 3), với Israel (Xh 19), với ngôn sứ Eliah (1V 19).

- Ông rao giảng (1): Động từ Hy Lạp “kérysso”, “làm người tiền hô; rao giảng; loan báo”. Đây là một động từ chuyên biệt của Tân Ước (61 lần) để chỉ công việc công bố Tin Mừng. Các chủ từ của động từ này luôn luôn là Gioan (Mt 3,1), Đức Giêsu (Mt 4,17) các Tông Đồ (Mt 10,7). Đối tượng của việc công bố này luôn luôn là Tin Mừng, Nước Thiên Chúa. Vì được vay mượn từ Cựu Ước (38 lần, theo Bản Thánh Kinh Hy Lạp LXX. Chẳng hạn xem: Is 61,1tt),[7]như thế động từ này nối kết Gioan Tẩy Giả vào truyền thống các ngôn sứ, thiên sai và khải huyền.

- Hối cải (2): Động từ “metanoeò”, “suy tưởng sau”, “suy nghĩ tiếp đó”; “thay đổi ý kiến”; “hối tiếc”, “hối hận”, “hoán cải” (động từ Hipri “shub”). Đây là việc chuyển đi từ tình trạng này sang một tình trạng khác, tức là thay đổi trọn vẹn lối sống. Sự thay đổi này có một phương diện tiêu cực (bỏ [apo, from] con đường tội lỗi: x. Cv 8,22; Dt 6,1)[8] và một phương diện tiêu cực (quay về [eis, epi, to] với Thiên Chúa: Cv 20,21; 26,20).[9]

Trong Tin Mừng theo Matthew, danh từ “metanoia” được dùng 2 lần (Mt 3,8.11) và động từ “metanoeò” được dùng 5 lần (Mt 3,2; 4,17; 11,20; 11,21; 12,41).[10] Xin so sánh: “metanoia”: Mc một lần, Lc 5 lần, Ga 0 lần, Cv 6 lần, Phaolô 4 lần, Dt 3 lần, 2 Pr một lần; “metanoeò”: Mc 2 lần, Lc 9 lần, Ga 0 lần, Cv 5 lần, Phaolô một lần, Kh 12 lần. Tác giả chỉ áp dụng động từ “metanoeò” cho hoạt động của Gioan Tẩy Giả (Mt 3,2) và Đức Giêsu (Mt 4,17) mà thôi, tức là chỉ liên kết vị Tiền Hô và Đức Giêsu với nhau.

- Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (3): Câu này trích ở đầu “Sách Yên Ủi” (Is 40–55). Bản văn Hipri là: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn một con đường cho Yhwh (Đức Chúa); trong hoang giao, hãy san bằng một lối đi cho Thiên Chúa chúng ta”. Bản Thánh Kinh Hy Lạp LXX: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, hãy sửa cho thẳng những nẻo đường của Thiên Chúa chúng ta”. Các bản văn đều không xác định ai là “người hô”; phải chăng một thiên thần? Các Tin Mừng đã trích Bản LXX, và gán cho Gioan là “người hô”, và thay thế “Thiên Chúa” bằng đại từ “Người” để áp dụng cho Đức Giêsu.

  • Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn(4): “Trichas kamélou”, “lông lạc đà”, không có nghĩa là “da” lạc đà; đây là cái áo dài và rộng dệt bằng lông lạc đà. “Zoné”, “dây thắt lưng”, không phải là dây thắt lưng của người Tây phương, nhưng là một thứ như cái “ruột tượng” của ta. “Châu chấu” là thức ăn của các dân trong sa mạc (rang với muối hay phơi khô, ăn với dấm và mật ong rừng hoặc làm nhân bánh đa). Kiểu mô tả Gioan khiến độc giả nhớ đến ngôn sứ Eliah (x. 2V 1,8);[11] thật ra Matthew mặc nhiên nói rằng Gioan là ngôn sứ Eliah.

- Nhiều người thuộc phái Pharisee và phái Sadoc đến chịu phép rửa (7): Dịch sát là “đến với” (giới từ epi + đối-cách)[12] có nghĩa là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, được tỏ ra trong “Ngày của Đức Chúa” (x. Is 13,6-9; Xp 2,2; Ml 3,2.23-24).[13] Các ngôn sứ khẳng định “cơn giận” này sẽ được giáng xuống trên những kẻ tội lỗi (x. Am 3,2),[14] nhưng Do Thái giáo thời Tân Ước lại dạy rằng cơn giận này chỉ được giáng xuống trên Dân Ngoại, đặc biệt trên những kẻ áp bức Israel: như thế là bắt đầu quan niệm về Đấng Messiah chính trị.

- Những hòn đá này trở nên con cháu (9): Có lẽ ở đây có một kiểu chơi chữ bằng tiếng Aram: hai từ số phức abenyyá’, “những hòn đá”benayyá’, “những con cháu”, nghe gần giống nhau.

- Gốc cây (10): Trong Cựu Ước, “cây” là hình ảnh chỉ “dân chúng” (cây vân hương: Is 6,13; cây hương bá: Ed 31,10-13; một cây [= đế quốc Babylon]: Đn 4,7-12).[15]

- Quăng vào lửa (10): Lửa thiêu đốt tượng trưng hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên kẻ vô đạo (x. Am 1,4–2,5; Ed 22,18-22; Xp 1,18; Ml 3,2-19; Is 66,15-16).[16]

- Quyền thế (11): Dịch sát là “mạnh hơn” (“ischyroteros”, do danh từ ischys, “sức mạnh; quyền lực; quyền thế”).

- Trong Thánh Thần và lửa (11): Trong Cựu Ước, lửa đôi khi được dùng với ý nghĩa là một phương tiện để thanh luyện (Lv 13,52; Ds 31,23; Ml 3,2; Dcr 13,9),[17] để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14),[18] và để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2).[19] Vậy có thể hiểu là Chúa Thánh Thần tẩy luyện như lửa (Khi đó, liên từ và có vai trò giải thích). Nhưng ở câu 10 và đến câu 12, “lửa [không hề tắt]” lại là “hình phạt”, tức là “cơn thịnh nộ”của Thiên Chúa (x. câu 7). Vậy hợp lý là cho rằng không lý gì mà tác giả thay đổi quá nhanh ý nghĩa của một từ như thế từ câu 10 sang câu 11 rồi lại trở về nghĩa cũ ở câu 12 mà không báo trước gì cả, nên “lửa” ở các câu 11-12 đều có nghĩa là “cơn thịnh nộ” con người gánh chịu khi đối diện với sự thánh thiện của Thiên Chúa (Khi đó, liên từ và thêm vào một sắc thái đặc biệt). Xem dụ ngôn “Cỏ lùng” (Mt 13,37-42).[20]

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Giới thiệu tổng quát về bản thân và sứ vụ của Gioan (1-6)

Các ghi chú của Tin Mừng theo Matthew về Gioan Tẩy Giả không phải là một bản tiểu sử, nhưng là một bản văn mang tính thần học và biện giáo. Các ghi chú này không nhắc đến hoàn cảnh gia đình ông, cuộc chào đời, ơn gọi (như Lc 1–2), nhưng chỉ nêu ra những điểm liên hệ đến con người và hoạt động của ông, nơi chốn, đề tài và nội dung lời ông rao giảng, các nghi thức kèm theo.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, nơi gặp gỡ với Thiên Chúa, nơi đã là sân khấu cho một thời kỳ hồng ân, khi dân Israel đang tiến về Đất Hứa, sống trong tình trạng thân mật với Thiên Chúa (Đnl 2,7; Gr 2,2t; Hs 2,16). Ông xuất hiện như là nhà rao giảng về Đấng Messiah (các câu 1-3) với dáng vẻ một ngôn sứ (câu 4); đặc biệt với y phục của ông, ông giống với ngôn sứ Eliah (x. 2V 1,8) là vị ngôn sứ mà dân chúng chờ đợi đến để khai mạc thời đại thiên sai (x. Ml 3,23; Mt 11,10). Quả thật, vào thời ấy, người ta tin rằng Eliah chưa chết thật, nên ông sẽ tái xuất hiện để giới thiệu Đấng Messiah cho thế giới. Nhưng tác giả Matthew cho biết rằng, ngôn sứ Eliah mà người Do Thái vẫn trông mong chính là Gioan (x. Mt 11,14; 17,13).[21] Tác giả Matthew giới thiệu Gioan Tẩy Giả như một ẩn sĩ (x. Mt 11,8),[22] ăn mặc thô sơ, ăn uống kham khổ (Mt 3,4) và so sánh lời rao giảng của ông với một lời than vãn trong đám tang (x. Mt 11,17). Ông đã loan báo một sứ điệp được tóm tắt là: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (câu 2).

Ông Gioan Tẩy Giả không nói cho biết “Nước Trời” nghĩa là gì; nhưng chúng ta biết những nỗi niềm chờ mong của dân chúng thời Đức Giêsu. Israel đã được những vị vua bất trung và bất xứng cai trị lâu quá rồi. Ho nghĩ, nay đã đến lúc Thiên Chúa nắm lấy mọi sự và thay đổi. Có những nhà thuyết giảng đến bảo dân chúng đừng mất tinh thần, họ bảo rằng thế giới cũ sắp chấm dứt rồi, và một thế giới mới sẽ đến. Khi đó, những buồn phiền đau khổ không phải là dấu chỉ của sự chết, mà là của sự sống, giống như những đau đớn của người mẹ sắp sinh con. Đấng Messiah sẽ chà đạp những kẻ áp bức và một vương quốc mới sẽ được thiết lập, trong đó Thiên Chúa trực tiếp cai quản. Dân chúng sẽ làm bất cứ đòi hỏi nào để được vào trong vương quốc ấy.

Dân chúng “từ Giêrusalem và khắp miền Judeah, cùng khắp vùng ven sông Jordan, kéo đến”với Gioan. Ghi chú này có phóng đại nhưng không phải là không có phần đúng, bởi vì vào những thời điểm có những căng thẳng trầm trọng về tôn giáo và chính trị, một ngôn sứ thường thành công. Gioan làm một nghi thức diễn tả lòng thống hối kèm theo lời rao giảng (câu 6). Cách làm của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thời ông, khi mà người ta vẫn cử hành các nghi thức thanh tẩy được Lề Luật quy định (x. Lv 14–15). Nhưng cách làm của ông cũng có phần khác: phép rửa của ông được ban dưới dấu chỉ metanoia, của sự hoán cải luân lý, tức là lấy lại điểm cốt yếu trong giáo huấn của Cựu Ước, nhưng đặt vào viễn tượng của Nước Thiên Chúa đang đến gần. Không có chỗ nào nói rằng nhờ nghi thức này, người ta được tha các tội, nhưng nghi thức này đánh dấu việc thay đổi đã xảy đến hoặc sắp xảy đến nơi người nhận phép rửa.

* Lời rao giảng sự sám hối (7-10)

Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả mà tác giả Matthew ghi lại là những lời đe dọa hơn là một lời loan báo đầy tính an ủi. Giọng điệu của bài là giọng châm biếm, nội dung thì mang tính khải huyền. Thay vì nói đến ơn cứu độ gần kề, hay là giảng về phép rửa, Gioan Tẩy Giả cho thấy “ngày của Đức Chúa” (ngày phán xét) đã gần bên, ngày chất chứa cơn thịnh nộ đổ xuống dân Chúa (x. Am 5,18-20; Hs 6,1-3; 9,7-9; Mk 4,6-7).[23]

Có những người thuộc phái Pharisee và Sadoc đã đến có lẽ để nhận phép rửa dù không tin, Gioan đã gọi họ bằng một tên rất nặng: “nòi rắn độc”, họ là những đứa con thoái hóa của tổ phụ Abraham (câu 9), những cây không sinh quả (câu 10). Không một ngôn sứ nào trong Cựu Ước đã nói với cử tọa nặng lời như thế. Và Gioan khẳng định rằng, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên mọi kẻ tội lỗi, dù là Dân Ngoại hay Do Thái; do đó, mọi người phải hoán cải và nhận phép rửa để được tái tháp nhập vào dân Israel chân chính. Sau này tư tưởng này được hỗ trợ bằng các hình ảnh “cái rìu”, “lửa”“công việc sàng sảy lúa” (các câu 10.12). Đứng trước cái khối người kiêu ngạo và phản loạn này, Gioan Tẩy Giả nói như thể để phản đối và thách thức: “Ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống?”. Câu hỏi này là kiểu nói hùng biện nhằm nhấn mạnh rằng không thoát được án phạt. Dù thế, vị Tiền Hô cũng nói với họ một lời khích lệ. Để tránh được “cơn thịnh nộ gần kề”, chỉ có một con đường duy nhất, con đường hoán cải, được chứng thực không phải bằng lời nói suông, mà bằng những công việc tốt lành (câu 8; x. Mt 5,16).[24] Người hoán cải là một cây mới đang cho thấy có sự thay đổi tích cực (“quả”). Dân Do Thái tưởng rằng họ sẽ thoát khỏi án phạt bởi vì họ là thành viên của dân Thiên Chúa tuyển chọn (“con cháu tổ phụ Abraham”); chính sự yên tâm này đã đưa một số người đến chỗ sống buông thả về luân lý và giải thích thái độ tự mãn tự phụ của người Pharisee. Gioan Tẩy Giả khẳng định rằng, tư cách đó không bảo đảm gì cả và có là “con cháu” (benayyá’) hay là “các hòn đá” (abenyyá’) thì cũng như nhau. Người Do Thái tưởng có thể kết luận rằng vì Thiên Chúa đã hứa, thì Ngài cần có Israel để trung thành với lời hứa. Gioan Tẩy Giả phản ứng để khẳng định sự tự do hoàn toàn của Thiên Chúa: Ngài có thể hoàn tất lời hứa khi loại trừ con cháu Abraham về xác thịt, nếu họ từ chối hoán cải, bởi vì Ngài có thể tạo thành một Israel mới (x. Mt 8,11-12; 21,43; Rm 9,6-8).[25] Israel là một cây, nếu không sinh hoa kết trái tốt lành thì chỉ đáng chặt đi mà quăng vào lửa.

* Lời rao giảng về Đấng Messiah (11-12)

Bây giờ bản văn giới thiệu dung mạo Đấng Messiah. Ở đây nổi rõ những bận tâm Kitô học, nhưng cũng có bận tâm biện giáo: tác giả giới thiệu Đức Giêsu nhưng cũng xác định khoảng cách giữa Đức Kitô và vị Tiền Hô. Gioan đi trước Người, nhưng chỉ như người nô lệ đi trước chủ mình, để dọn đường. Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, nhưng chỉ là phép rửa trong nước để thôi thúc đi tới hoán cải. Đấng Messiah (“Đấng đang đến”: erchomenos) thì “mạnh [quyền thế]” hơn (ischyroteros) và làm một phép rửa “trong Thánh Thần và lửa”. “Quyền lực” (ischys)là một phẩm tính của Thiên Chúa; nhưng đối với Isaia (Is 9,6),[26] đây là một đặc điểm của Đấng Emmanuel, và đối với tác giả Matthew, đây là một đặc điểm của Đấng Messiah (x. Mt 12,29).[27] Đứng trước Người, Gioan Tẩy Giả không xứng đáng làm công việc của một người nô lệ thông thường là xách dép cho chủ. Điểm này cho thấy vị Tẩy Giả hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng Messiah.

Đấng Messiah được giới thiệu như là Vị thẩm phán cánh chung: Người sẽ đến với sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa để loại trừ các kẻ bất chính và bất lương. Lịch sử Israel đã đến lúc kết thúc. Thời gian thu hoạch đã gần kề. Lúa đã được gặt về và đập rồi, nay chỉ con chờ được rê để tách vỏ trấu ra khỏi hạt gạo. Nhưng người nông phu (Đức Kitô) đã cầm nia trong tay mà rê sạch gạo. Rơm và trấu thì cháy nhanh, nhưng lửa sẽ thiêu đốt người gian ác thì sẽ cháy mãi cũng như sự gian ác của họ vẫn còn đó.

+ Kết luận

Như thế, bằng ba cách, Gioan Tẩy Giả đã khẳng định sự trổi vượt của Đức Giêsu: 1) Người là Đấng mạnh hơn, Người vượt xa Gioan bằng sức mạnh thực thụ. 2) Người có phẩm giá cao vời: ngay đến việc xách dép cho Người, Gioan cũng không xứng đáng. 3) Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, trong khi Gioan chỉ làm phép rửa trong nước.

Tuy nhiên, lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả còn giúp chúng ta ở nhiều điều khác nữa. Đây không chỉ là một hồi niệm, nhưng còn là một lời khuyến cáo nghiêm khắc cho mọi người mọi thời. Qua bút pháp của tác giả Matthew, lời rao giảng của Gioan cũng phản ánh cuộc bút chiến giữa các Kitô hữu tiên khởi với hội đường. Tuy nhiên, tác giả cũng muốn gửi đến cho giáo đoàn Kitô hữu một sứ điệp. Lời mời gọi “hãy sinh hoa quả xứng với lòng hối cải” hẳn là nhắm đến các Kitô hữu hơn là đến người Pharisee. Các Kitô hữu có thể nhìn vào người Pharisee như nhìn vào một tấm gương để điều chỉnh đời sống mình.

Lời đe dọa bị kết án cũng liên hệ đến các Kitô hữu nào chỉ bằng lòng với việc nhận Bí tích Thánh Tẩy mà không quan tâm sống phù hợp với những cam kết đã lấy. Vẫn còn đó ảo tưởng cho rằng mình là môn đệ của Đức Giêsu, là thành viên thực thụ của Hội Thánh, thì đã được bảo đảm hạnh phúc muôn đời.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta được mời gọi tin vào sự trung tín của Thiên Chúa: Ngài đã lên kế hoạch cứu độ, thì khi đến thời Ngài đã định, Ngài sẽ ban gửi các vị loan báo Tin Mừng Cứu Độ đến. Sứ điệp Gioan Tẩy Giả loan báo mang lại cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui, bởi vì ông nói cho dân chúng biết rằng họ bị thất sủng, tương quan của họ với Thiên Chúa đã bị rối loạn, nhưng đồng thời ông khẳng định rằng Thiên Chúa đầy lòng thương xót đối với họ và Ngài muốn thắng vượt tình trạng thất sủng của họ.

2. Giống như các ngôn sứ tiền bối, Gioan tố giác một nếp sống đạo giả hình, chỉ hoàn toàn ở bên ngoài (x. Am 5,21-27; Is 1,10-20; Gr 7,1–8,3;…), dần dần đưa tới một tình trạng cứng cỏi. Đức tin không phải là một di sản quốc gia hay dòng tộc, nhưng là một dấn thân của trọn vẹn con người. Trong cuộc dấn thân này, con người cứ phải liên tục rà soát lại bản thân để có thể đáp trả trọn vẹn hơn những đòi hỏi của Thiên Chúa.

3. Người Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.

4. Những lời Gioan Tẩy Giả trách giới lãnh đạo Israel cũng liên hệ đến các nhà hữu trách của cộng đoàn Matthew, cũng như tất cả các vị hữu trách của mọi cộng đoàn Kitô hữu mọi thời. Các ngài cũng được mời gọi “sinh hoa quả tốt”. Và đây chính là tiêu chí giúp biện phân ra các ngôn sứ thật với các ngôn sứ giả.

 

 Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM. Catechesis.net


[1] Bản Kinh Thánh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Mt 3,13-17: 13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. 16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.17 Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

[3] Mt 4,1-11: 1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. 5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. 7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. 8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. 10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. 11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

[4] Mt 4,12-16: 12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! 16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

[5] Mt 3,2 // 4,17: 2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. 4 17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

[6] x. Hs 2,16-22: 16 Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. 17 Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập. 18 Vào ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa. 19 Ta sẽ không cho nó mở miệng gọi tên thần Ba-an, chẳng còn ai nhớ đến các thần này mà gọi tên chúng nữa. 20 Trong ngày đó, vì dân Ta, Ta sẽ thiết lập một giao ước với thú vật đồng hoang, với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất: Ta sẽ bẻ gãy cung nỏ gươm đao, chấm dứt chiến tranh trên toàn xứ sở, và Ta sẽ cho chúng được sống yên hàn. 21 Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; 22 Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA.

x. Gr 2,2-3: 2 Hãy đi mà thét vào tai Giê-ru-sa-lem như sau: ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng. 3 Bấy giờ Ít-ra-en là của thánh thuộc về ĐỨC CHÚA, là phần hoa lợi đầu mùa của Người; tất cả những ai ăn lạm vào đó đều phạm lỗi, chúng phải mang tai mắc hoạ, - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

x. Ed 16,2-3: 2 Hỡi con người, hãy cho Giê-ru-sa-lem biết các điều ghê tởm của nó. 3 Ngươi sẽ nói: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này với Giê-ru-sa-lem: Gốc gác ngươi, dòng họ ngươi phát xuất từ đất Ca-na-an; cha ngươi là người E-mô-ri, mẹ ngươi là người Khết.

x. Đnl 8,2: 2 Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.

[7] Is 61,1: 1 Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân.

[8] x. Cv 8,22: 22 Vậy anh hãy sám hối về việc xấu ấy của anh, và cầu xin Chúa, may ra Người sẽ tha cho anh tội đã nghĩ như thế trong lòng.

x. Dt 6,1: 1 Vì thế, gác một bên giáo huấn sơ đẳng về Đức Ki-tô, chúng ta hãy vươn tới trình độ giáo huấn trưởng thành mà không trở lại những điều căn bản, là lòng sám hối ăn năn vì những việc đưa tới sự chết, là niềm tin vào Thiên Chúa.

[9] Cv 20,21; 26,20: 21 Tôi đã khuyến cáo cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giê-su, Chúa chúng ta. 26 20 Trái lại, tôi đã rao giảng trước hết cho những người ở Đa-mát, rồi cho những người ở Giê-ru-sa-lem và trong khắp miền Giu-đê, sau đó cho các dân ngoại, kêu gọi họ sám hối và trở về cùng Thiên Chúa, đồng thời làm những việc chứng tỏ lòng ăn năn sám hối.

[10] Mt 3,2; 4,17; 11,20; 11,21; 12,41: 2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. 4 17Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. 11 20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: 21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 12 41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.

[11] x. 2V 1,8: 8 Họ trả lời: “Đó là một người mặc áo da lông, đóng khố da”. Vua nói: “Đó là ông Ê-li-a người Tít-be!”.

[12] Nghĩa là không có bổ ngữ nào theo sau. Bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh đã thêm “của Thiên Chúa” vào cho rõ nghĩa.

[13] x. Is 13,6-9: 6 Hãy rên siết, vì ngày của ĐỨC CHÚA đã gần kề; ngày đó đến như cuộc tàn phá của Đấng Toàn Năng. 7 Vì thế ai nấy đều rụng rời tay chân, đều sờn lòng nản chí. 8Chúng kinh hoàng, lên cơn đau, quằn quại, đau thắt như sản phụ. Chúng sửng sốt nhìn nhau, mặt đỏ bừng như lửa. 9 Kìa, ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày khắc nghiệt, ngày của phẫn nộ và lôi đình, ngày làm cho đất tan hoang và tiêu diệt phường tội lỗi, không còn một tên nào ở đó.

x. Xp 2,2: 2 trước khi các ngươi bị phân tán như vỏ trấu bị gió thổi bay trong một ngày, trước khi ĐỨC CHÚA bừng bừng nổi giận đến trừng phạt các ngươi, trước khi ĐỨC CHÚA nổi trận lôi đình đến trừng phạt các ngươi.

x. Ml 3,2.23-24: 2 Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. 23 Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. 24 Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.

[14] x. Am 3,2: 2 Giữa mọi thị tộc trên mặt đất, Ta đã chỉ biết các ngươi thôi. Vì thế, Ta sẽ hạch hỏi các ngươi về mọi tội các ngươi đã phạm.

[15] Is 6,13: 13 Và nếu ở đó còn sót lại một phần mười, thì đến lượt phần đó cũng sẽ bị lửa thiêu, như một cây vân hương, một cây sồi bị đốn, chỉ còn sót lại cái gốc thôi. Gốc ấy là một mầm giống thánh”.

Ed 31,10-13: 10 Vì thế, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Nó tự cao tự đại vì có thân to lớn, ngọn vươn lên trên các tầng mây, nó cậy mình cao rồi sinh lòng kiêu ngạo, 11nên Ta sẽ trao nó vào tay kẻ thống lãnh các dân, để xử với nó theo sự gian ác của nó. Ta sẽ loại trừ nó. 12 Những kẻ ngoại bang, những kẻ hung dữ nhất trong các dân tộc, sẽ đốn ngã và bỏ mặc nó. Cành của nó ngổn ngang khắp núi đồi và thung lũng; lá nó bị giập nát phủ đầy mọi khe rãnh trong xứ; mọi dân trong xứ đi khỏi bóng mát của nó và bỏ mặc nó. 13 Trên đống đổ nát của nó, mọi thứ chim trời đến ở; nơi lá cành của nó, mọi dã thú đến nương mình.

Đn 4,7-12: 7 “Nằm trên giường, ta đã thấy trong đầu ta như thế này: “Ta đang nhìn, bỗng thấy một cây ở giữa mặt đất, một cây cao lắm. 8 Cây ấy lớn lên và vững mạnh, ngọn cây chạm tới trời, và ở tận cùng mặt đất cũng thấy được. 9 Lá đẹp, trái nhiều, nó cung cấp thức ăn cho mọi loài. Thú vật ngoài đồng tìm bóng mát dưới gốc, chim trời trú ngụ trên cành. Mọi loài có xương thịt đều lấy nó làm thức ăn. 10 Nằm trên giường, ta đang nhìn xem thị kiến trong đầu, bỗng có một vị Canh thức, một vị thánh từ trời xuống. 11 Vị ấy kêu lớn tiếng và nói thế này: “Đốn cây xuống, chặt cành đi, giũ cho trụi lá, quăng trái nó đi; thú vật hãy rời xa bóng nó, và chim trời hãy lìa bỏ cành nó. 12 Nhưng gốc rễ nó, hãy để lại dưới đất, lấy đai sắt, đai đồng mà xiềng giữa cỏ xanh đồng nội. Nó phải chịu dầm sương và ăn cỏ chung với thú vật ngoài đồng.

[16] x. Am 1,4–2,5: 4 Ta sẽ phóng hoả vào nhà Kha-da-ên và lửa sẽ thiêu rụi đền đài của Ben Ha-đát. 5 Ta sẽ bẻ gãy then cửa thành Đa-mát, Ta sẽ bứng nhà lãnh đạo khỏi Bích-át A-ven và người cầm phủ việt khỏi Bết E-đen. Dân A-ram sẽ bị đày đến xứ Kia - ĐỨC CHÚA phán như vậy. 6 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Ga-da đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì chúng đã đưa cả đoàn người đi đày để nộp vào tay Ê-đôm, 7 Ta sẽ phóng hoả lên tường thành Ga-da, và lửa sẽ thiêu rụi đền đài ở đó. 8 Ta sẽ bứng nhà lãnh đạo khỏi Át-đốt, và người cầm phủ việt khỏi Át-cơ-lôn; Ta sẽ trở tay đánh Éc-rôn, và tàn quân Phi-li-tinh sẽ bị tiêu diệt - ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán như vậy. 9 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Tia đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì chúng đã nộp cho Ê-đôm cả đoàn người đi đày, và không nhớ đến lời giao kết với các nước anh em, 10 nên Ta sẽ phóng hoả lên tường thành Tia, và lửa sẽ thiêu rụi đền đài ở đó. 11 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Ê-đôm đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì nó đã cầm gươm truy kích anh em, bóp nghẹt lòng thương xót; vì nó còn nuôi hoài cơn giận, và giữ mãi mối hận thù, 12 nên Ta sẽ phóng hoả vào Tê-man, và lửa sẽ thiêu rụi đền đài Bót-ra. 13 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Am-mon đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì chúng đã mổ bụng đàn bà có thai ở Ga-la-át để mở rộng bờ cõi, 14 Ta sẽ phun lửa lên tường thành Ráp-ba, và lửa sẽ thiêu rụi các đền đài ở đó, giữa tiếng thét gào của một ngày xung trận, giữa cơn cuồng phong của một ngày dông tố. 15 Vua của chúng sẽ phải đi đày, cả vua lẫn quan cùng một lúc - ĐỨC CHÚA phán như vậy. 2 1 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Mô-áp đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì nó đã đốt hài cốt vua Ê-đôm thành than, 2 nên Ta sẽ phóng hoả vào Mô-áp, và lửa sẽ thiêu rụi đền đài Cơ-ri-giốt; Mô-áp sẽ tiêu vong trong cảnh hỗn loạn, giữa tiếng gào thét, giữa tiếng tù và. 3 Ta sẽ bứng vị thẩm phán đi khỏi nó và Ta sẽ giết sạch các quan cùng với vị này - ĐỨC CHÚA phán như vậy. 4 ĐỨC CHÚA phán thế này: Vì tội của Giu-đa đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì chúng đã khinh thường luật pháp của ĐỨC CHÚA và không tuân giữ các thánh chỉ của Người. Vì những thần dối trá xưa cha ông chúng chạy theo đã làm cho chúng ra lầm lạc, 5 nên Ta sẽ phóng hoả vào Giu-đa và lửa sẽ thiêu rụi đền đài Giê-ru-sa-lem.

x. Ed 22,18-22: 18 Hỡi con người, đối với Ta, nhà Ít-ra-en đã trở thành rỉ sắt; tất cả bọn chúng là đồng, thiếc, sắt, chì ở giữa lò; chúng là rỉ sắt ở trong lò. 19 Vì thế ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán như sau: Vì tất cả các ngươi chỉ là rỉ sắt, nên Ta sẽ gom các ngươi vào giữa Giê-ru-sa-lem. 20 Như người ta gom đồng, sắt, chì, thiếc vào giữa lò, rồi thổi lửa cho chảy tan ra thế nào, thì Ta cũng sẽ nổi cơn lôi đình thịnh nộ, gom các ngươi lại, rồi làm cho các ngươi chảy tan ra ở giữa thành như thế. 21 Ta sẽ quy tụ các ngươi, rồi thổi lửa phẫn nộ của Ta vào đó. Các ngươi sẽ phải chảy tan ra ở giữa thành. 22 Như bạc chảy ra trong lò thế nào, các ngươi cũng sẽ chảy tan ra ở giữa thành như vậy; bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã trút cơn thịnh nộ của Ta xuống phạt các ngươi.

x. Xp 1,18: 18 Dù bạc hay vàng cũng không cứu nổi chúng: trong ngày ĐỨC CHÚA nổi lôi đình, lúc cơn ghen của Người bừng lên như lửa; bấy giờ toàn cõi đất sẽ bị thiêu rụi. Quả thật, Người sắp thi hành án diệt vong để trừng phạt dân cư toàn cõi đất, điều ấy thật kinh hoàng.

x. Ml 3,2-19: 2 Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. 3 Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với ĐỨC CHÚA, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. 4 Lễ vật của Giu-đa và của Giê-ru-sa-lem sẽ làm đẹp lòng ĐỨC CHÚA như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước. 5 Ta sẽ tới gần các ngươi mà xét xử; Ta sẽ mau mắn làm chứng chống lại các tên phù thuỷ, các kẻ ngoại tình, bọn thề gian cũng như quân bóc lột người làm công và cô nhi quả phụ; chống lại kẻ áp bức ngoại kiều cùng những kẻ chẳng kính sợ Ta, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. 6 Quả thật, chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta không hề thay đổi; còn các ngươi là con cái Gia-cóp, các ngươi vẫn là thế. 7 Từ thời cha ông các ngươi, các ngươi đã trệch xa và không tuân hành các chỉ thị của Ta. Hãy trở lại với Ta và Ta sẽ quay lại với các ngươi. - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. Các ngươi nói: “Chúng tôi sẽ trở lại thế nào?” - 8 Người phàm có được phép lường gạt Thiên Chúa không? Vậy mà các ngươi đã lường gạt Ta. - Các ngươi nói: “Chúng tôi lường gạt Ngài ở chỗ nào?” - Về thuế thập phân và phần trích dâng. 9 Chính các ngươi đang mắc tai hoạ, thế mà các ngươi lại lường gạt Ta, các ngươi và toàn dân. 10 Các ngươi hãy đem tất cả thuế thập phân vào nhà kho, để có lương thực trong Nhà Ta. Hãy làm thế thử xem Ta có mở cổng trời cho các ngươi, hoặc có tuôn đổ phúc lành dư dật xuống trên các ngươi không? - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. 11 Vì các ngươi, Ta đã ngăn cản không cho cào cào phá hoại hoa màu ruộng đất của các ngươi, không để cho nho ngoài đồng không sinh trái, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. 12 Mọi dân tộc sẽ khen các ngươi có phúc, vì các ngươi sẽ là mảnh đất xinh đẹp, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. 13 Các ngươi ăn nói cứng cỏi chống lại Ta - ĐỨC CHÚA phán - thế mà các ngươi lại bảo: “Chúng tôi có nói gì chống lại Ngài đâu?” 14 Các ngươi nói: “Phụng thờ Thiên Chúa thật là viển vông, tuân giữ các lệnh truyền của ĐỨC CHÚA và bước đi ủ rũ trước nhan Người, nào ích lợi chi? 15 Giờ đây chúng tôi cho những kẻ kiêu ngạo là có phúc; phải, những kẻ làm điều ác được thịnh đạt, họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì”. 16 Bấy giờ những người kính sợ ĐỨC CHÚA sẽ nói với nhau: ĐỨC CHÚA đã để ý và Người đã nghe: một cuốn sổ được viết trước nhan Người, ghi tên những kẻ kính sợ ĐỨC CHÚA và tôn kính Danh Người.17 Vào ngày Ta hành động, chúng sẽ thuộc về Ta như sở hữu riêng, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán, Ta sẽ xót thương chúng như người cha xót thương đứa con phụng dưỡng mình.18 Bấy giờ, các ngươi sẽ lại phân biệt được người công chính với kẻ gian ác, kẻ phụng thờ Thiên Chúa với kẻ không phụng thờ Người. 19 Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán - không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào.

x. Is 66,15-16: 15 Vì này đây ĐỨC CHÚA ngự đến trong lửa, xa giá của Người như thể cuồng phong, để trút cơn giận trong trận lôi đình, và lời đe doạ trong ngọn lửa thiêu. 16 Vì ĐỨC CHÚA sẽ dùng lửa và lưỡi kiếm mà xét xử mọi người phàm; nhiều người phải mạng vong vì lưỡi gươm của ĐỨC CHÚA.

[17] Lv 13,52: 52 Người ta phải đốt áo dệt hay áo đan bằng len hay bằng gai, hay bất cứ đồ vật gì bằng da có vết, vì đó là phong hủi dễ lây; đồ vật ấy phải bỏ vào lửa mà thiêu.

Ds 31,23: 23 nghĩa là tất cả những gì chịu được lửa, anh em mới phải cho qua lửa để các vật ấy được sạch; tuy nhiên, các vật ấy phải được thanh tẩy bằng nước tẩy uế. Tất cả những gì không chịu được lửa, thì anh em phải nhúng vào nước.

Dcr 13,9: 9 Ta sẽ đưa một phần ba này qua lửa, sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc, và thử chúng như thử vàng. Chính chúng sẽ kêu cầu danh Ta, và Ta, Ta sẽ đáp lời chúng; Ta sẽ nói: “Chúng là dân của Ta”, chúng thưa lại: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của chúng tôi”.

[18] Gr 23,29: 29 Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Is 33,14: 14 Tại Xi-on, quân tội lỗi khiếp sợ rụng rời, bọn bất lương kinh hoàng run rẩy. Chúng rằng: “Ai trong chúng ta ở gần được lửa thiêu? Ai trong chúng ta ở gần được hoả hào muôn kiếp?”.

[19] St 19,24: 24 ĐỨC CHÚA làm mưa diêm sinh và lửa từ ĐỨC CHÚA, từ trời, xuống Xơ-đôm và Gô-mô-ra.

Xh 9,24: 24 Đã có mưa đá và lửa loé ra giữa mưa đá; mưa đá rất nặng, như chưa từng có trên khắp đất Ai-cập, kể từ khi chúng thành một dân.

Tv 66,12: 12 mặc thiên hạ cỡi lên đầu lên cổ. Cơn nước lửa, chúng con từng gặp bao lần, nhưng Ngài đã cứu thoát, đem ra chỗ thảnh thơi.

Is 43,2: 2 Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn; ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.

[20] Mt 13,37-42: 37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

[21] x. Mt 11,14; 17,13: 14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. 17 13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

[22] x. Mt 11,8: 8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.

[23] x. Am 5,18-20: 18 Khốn cho những kẻ khát mong ngày của ĐỨC CHÚA. Ngày của ĐỨC CHÚA sẽ là gì cho các ngươi? Ngày đó sẽ là tối tăm, chứ không phải ánh sáng. 19 Cũng giống như người chạy trốn sư tử lại gặp phải gấu; người ấy về đến nhà, chống tay lên tường lại bị rắn cắn! 20 Ngày của ĐỨC CHÚA chẳng phải là tối tăm thay vì ánh sáng đó sao? Ngày âm u, không một tia sáng nào!

Hs 6,1-3; 9,7-9: 1 “Nào chúng ta hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. 2Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người. 3 Chúng ta phải biết ĐỨC CHÚA, phải ra sức nhận biết Người; như hừng đông mỗi ngày xuất hiện, chắc chắn thế nào Người cũng đến. Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai”. 9 7 Đã đến rồi những ngày trừng phạt, đã đến rồi những ngày báo oán: Ít-ra-en sẽ thấy điều này! - “Ngôn sứ điên rồi! Người được linh hứng nói sảng!”. Ngươi nói vậy, vì tội ác của ngươi tầy trời, ngươi lại còn bày đủ trò khủng bố. 8 Ngôn sứ là người canh gác Ép-ra-im, vẫn ở cùng Thiên Chúa, thế mà thiên hạ lại giăng bẫy trên khắp mọi nẻo đường ông đi, khủng bố ông ngay trong nhà Thiên Chúa. 9 Chúng chìm sâu trong vũng lầy hư hỏng như hồi ở Ghíp-a. Người không quen điều gian ác chúng làm, nhưng sẽ trị tội chúng.

Mk 4,6-7: 6 Ngày ấy - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - chiên nào què, Ta sẽ quy tụ lại, chiên nào đi lạc xa hay bị Ta giáng hoạ, Ta sẽ tập hợp về. 7 Ta sẽ dùng chiên què làm số sót, biến chiên đi lạc thành dân tộc hùng cường. ĐỨC CHÚA sẽ cai trị chúng tại núi Xi-on từ nay đến muôn đời muôn thuở.

[24] x. Mt 5,16: 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

[25] x. Mt 8,11-12; 21,43: 11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. 12Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. 21 43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

Rm 9,6-8: 6 Nói thế không có nghĩa là lời Thiên Chúa đã hoá ra vô hiệu. Vì không phải tất cả con cháu ông Áp-ra-ham đều là dân Ít-ra-en; 7 cũng như không phải vì họ thuộc dòng dõi ông Áp-ra-ham mà họ đều là con cái ông. Nhưng chính dòng dõi I-xa-ác mới được mang tên ngươi, 8 nghĩa là không phải hễ là con đẻ của ông Áp-ra-ham, thì là con cái Thiên Chúa; nhưng con cái sinh ra do lời Thiên Chúa hứa mới được kể là chính tông.

[26] Is 9,6: 6 Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.

[27] x. Mt 12,29: 29 “Làm sao người ta có thể vào nhà một kẻ mạnh và cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó?.