Chúa Nhật XXIX TN Năm C

Tâm hồn phải sâu rộng, cầu nguyện mới đắt lời

Lời Chúa:  Lc 18, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc' ".

 Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

 

Suy Niệm

Trong Phúc âm theo thánh Luca, dụ ngôn này đi liền sau một bài giảng của Đức Kitô về ngày tận thế, có lẽ vì vậy câu cuối đoạn Phúc Âm hôm nay là “Tuy thế, Con Người đến sẽ còn gặp được niềm tin trên trái đất nữa không?”. Có lẽ nhân vật thẩm phán bạc ngược được dùng để làm nổi bật một sự tương phản. Bên này là một kẻ không có tình người, bên kia là Đấng Thượng Đế tuyệt đối nhân hậu. Nếu như kẻ bạo ngược chán chê mới nhận lời nài xin của bà goá chỉ vì muốn được yên thân với lòng ích kỷ của mình, tại sao Thiên Chúa, Đấng vô cùng nhân hậu, không tức khắc nhận lời cầu xin của con cái Người? Theo nhận xét bề ngoài, dụ ngôn nếu vấn đề thời hạn Thiên Chúa đặt ra để nhận lời chúng ta cầu xin. Vấn đề khác sâu sắc hơn: Thiên Chúa nhận lời, điều ấy nghĩa là gì? Khi chúng ta xin Thiên Chúa một điều rõ rệt, chẳng hạn xin lương thực hằng ngày, chúng ta có biết rõ tính chất sâu sắc bí ẩn của điều chúng ta xin không? Chúng ta có nhận thức không về tầm mức điều Thiên Chúa nhận lời ban cho, vì Thiên Chúa bao giờ cũng nhận lời? Chúng ta là những sinh vật sống trong giới hạn thời gian chúng ta đo bằng ngày giờ, bằng hiện tại và tương lai. Những ước vọng của chúng ta, tức là những lời cầu nguyện, hướng lên Thiên Chúa. Chúng ta sốt ruột nến phải chờ đến ngày mai, chúng ta muốn được thoả mãn ngay hôm nay, ngay tức khắc. Vậy mà Thiên Chúa nhìn chúng ta ở ngoài giới hạn thời gian ấy, Người nhận lời chúng ta tuỳ theo viễn ảnh toàn bộ định mệnh chúng ta, bây giờ và trong tương lai. Thiên Chúa vượt ra ngoài cái hiện tại trước mắt. Chúng ta ghi nhận hai điều sau:

1) Tại sao Thiên Chúa luôn luôn nhận lời? Bởi vì Người là Cha vô cùng nhân lành. Niềm tin chắc Thiên Chúa nhận lời cầu khẩn chính là một trong những cột trụ vững chắc nhất đời sống Kitô giáo. Nghi ngờ điều ấy là tội phạm đến đức cậy. Điều ấy quá đúng đến nỗi lời cầu nguyện của chúng ta không cần dài dòng vì Thiên Chúa biết trước biết rõ hơn chúng ta điều gì cần cho chúng ta. Thế mà Thiên Chúa là Cha chúng ta, luôn luôn sẵn sàng ban cho rất hậu tất cả những điều chúng ta cần. Toàn bộ Phúc Âm khẳng định sự thật ấy. Nếu vậy tại sao phải cầu nguyện? Cầu nguyện phải chăng là không cần thiết?

2) Bởi lẽ Thiên Chúa dựng nên chúng ta, những tạo vật có tự do, Người không bắt buộc chúng ta nhận lãnh ân huệ của Người cách miễn cưỡng. Thiên Chúa chỉ đáp ứng những nguyện vọng bày tỏ cách tự do. Lượng nhân hậu của Thiên Chúa đáp ứng quá lời cầu xin của chúng ta, nhưng Người muốn chúng ta phải cầu xin. Tại sao chúng ta thấy hình như Thiên Chúa rất nhiều phen để lâu mới trả lời. Sở dĩ như vậy vì nguyện vọng nung nấu và cầu nguyện bền bỉ mở rộng khả năng lòng trí chúng ta. Cầu nguyện hữu ích trước hết cho chúng ta, cầu nguyện đào sâu mở rộng tâm hồn. Thế mà Đấng nhân hậu vô biên cần có những tâm hồn sâu rộng… Hơn nữa, khi thấy Chúa mãi chưa cho, phải chăng Người có tham vọng sẽ ban chính mình Người cho chúng ta?

 

(Trích trong: "Lương Thực Ngày Chúa Nhật" – Achille Degeest)