Cái Xẻng

Một ngày…hai ngày…, rồi tới ngày thứ ba, chẳng thấy ma nào ngó ngàng tới nó. Nó vẫn đứng sừng sững, hiên ngang giữa trời đất với một niềm kiêu hãnh: “Một mình ta được tắm mưa chứ có ai được.” Sang ngày thứ tư, niềm kiêu hãnh ấy dần dần bị chùn xuống. Những vệt xám xịt gỉ sét bắt đầu hiện. Mặt nó buồn thiu và bắt đầu cảm thấy lo lắng. Giá như có “bố mày” ở đây thì hay biết bao. Mặc dù phải nghe mấy lời không được thuận cái lỗ nhĩ cho lắm nhưng nó sẽ được mang vào và sẽ được nằm ấm áp cùng với anh em của nó. Mà ít nhất một số anh em của “bố mày” cũng thấy mà mang nó vào chứ.

 Nhớ lại mấy hôm trước, nó vẫn âm thầm phục vụ với một niềm tự hào rằng : “Nếu như chẳng có mình thì chẳng ai có thể làm được.” Nhưng nghĩ tới lý do nó phải đứng chơ vơ ở đây, nó lại cảm thấy mình quá bị xem thường. Hôm đó, sau khi lao động xong, vì ai cũng lật đật vào ăn cơm nên nó bị bỏ quên ở sau vườn. Nó lặng lẽ đứng đó nhìn những mây, nhìn trời và nhìn mảnh vườn trong cô đơn. Có tiếng người càm ràm: “Mấy đứa này xúc đất xong rồi cũng không chịu cất xẻng vào. Làm việc không có chút ý thức nào cả.” Người khác đi qua lại làu bàu: “Có cái xẻng mà cũng không cất vào được.” Nhưng rồi không biết nghĩ sao lại mang vào cất rồi ra chơi thể thao. Cất xong cũng không quên chửi trổng: “Lần sau mà vứt lung tung vậy nữa thì mặc xác nó, ai mang vào thì mang chứ bố mày không rảnh để suốt ngày thu gom đồ đạc cho mấy đứa cẩu thả này.”

Nhưng mà sang hôm sau, chuyện đâu lại vào đấy. Thằng con rơi con rớt nào của “bố mày” lại vô tình để quên cái xẻng sau khi xúc mấy xe đất đổ vào bồn hoa. Thế là từ ngày đó, nó bị vứt chỏng chơ nơi đây mà không có một ai đếm xỉa tới thân phẩn hẩm hiu của nó.

Tới ngày thứ năm mới thấy có một bóng dáng lò mò tới gần cạnh nó. Nó ước gì giờ đây có thể chạy tới ôm chầm lấy người đó hay ít ra cũng có thể reo lên: “Tôi ở đây nè! Làm ơn mang tôi vô đi!” Nhưng nó là nó chứ không phải là con người. Thế nên con người làm sao hiểu được tiếng nó cơ chứ. Nó âm thầm chờ đợi trong hi vọng và quan sát nhất cử nhất động của người kia. Không biết đây có phải là “bố mày” không nữa. Cũng có thể là một người khác. Không giống như hai người trước mà nó đã gặp, người này trông có vẻ trầm tính và ít nói. Ông ta cặm cụi đào xới và kiên nhẫn nhặt từng gốc cỏ. Cẩn thận với từng nhát cuốc, ông vun xới cho từng gốc đậu bắp với khuôn mặt hiện lên đầy hi vọng.

“Chẳng lẽ ông không thấy mình sao?” Nó nghĩ thầm, chắc ông này còn vô tình, vô tâm hơn cả mấy người kia nữa. Nó lẩm bẩm một mình: “Ta mà chạy được thì ta cóc cần ai hết. Cứ dùng mà đào mà xúc rồi vứt đó đi. Ta tự khắc đi vào được chứ đâu cần phải khổ sở dầm mưa dãi nắng thế này.” Lẩm bẩm chán, nó lại than: “Ôi! Không biết đời nào ta mới thoát khỏi cái cảnh này đây.” Nghĩ cũng lạ. Sao con người lại vô tâm đến thế cơ chứ. Lúc làm việc thì trân trọng nâng niu ta biết bao nhiêu còn lúc xong việc rồi thì bỏ mặc ta như chưa hề quen. Ôi cái cuộc đời. Đúng là “ăn cháo đá cả nồi”.

Mặt trời dần xế bóng, cái nắng dần dịu lại. Lòng nó cảm thấy dễ chịu hơn khi nó không phải chịu cái nắng gay gắt như ban trưa nữa. Bất chợt, nó xịu lại khi nghĩ tới cái cảnh đêm nay. Vậy là gần hết năm ngày nó phải đứng chơ vơ giữa trời đất trong cô đơn, lẻ loi không một ai quan tâm. Nó vẫn hi vọng người kia sẽ nhìn thấy và thương tình mang nó trở về chốn xưa. Nó sẽ hạnh phúc và biết ơn người đó biết bao. Cho dù phải nghe bao lời càm ràm, than phiền, thậm chí chửi rủa gì nó cũng cam lòng. Chỉ mong sao thoát khỏi cái cảnh này càng sớm càng tốt. Ôi! Lòng nó thắt lại và mất hết hi vọng khi người đó đã vun xong mà dường như không đếm xỉa gì đến nó. Ôi thôi! Lại một đêm nữa nó làm bạn với sương đêm lạnh giá để rồi ngày mai, thân hình nó lại lấm lem những vệt gỉ sét. Sẽ chẳng có ai quan tâm gì đến nó nữa và cuộc đời nó coi như chấm hết từ đây. Nhưng thình lình người ấy quay lại và đi về hướng nó đang đứng. Nó khấp khởi vui mừng vì không biết người ta có trông thấy mình không. Nó lại hi vọng và thầm ước một phép màu xảy đến.

Người ấy đi thẳng tới nó, cầm lấy và vác lên. Ơ! Lạ thật. Sao không một lời than trách hay càm ràm gì hết vậy. Ông phải chửi ai đi chứ. Ông có phải là anh em họ hàng gì với “bố mày” không? Sao không nghe một lời nào vậy. Hay ông định đưa tôi đi đâu. Về thế giới bên kia ấy à! Thôi chết rồi! Đời ta coi như xong từ đây. Sẽ không còn được thấy ánh bình minh mỗi sáng mai nữa rồi. Cũng chẳng thể ngắm ánh hoàng hôn lúc chiều tà nữa. Nó ước gì được chịu sương đêm như trước còn hơn là phải rời xa thế giới này. Cuộc đời nó coi như chấm hết trên đôi vai ông này. Thà ông nói gì còn đỡ sợ hơn là cứ im im lặng lặng mà làm như thế này. Làm việc cũng lủi thủi một mình, giờ mang tôi đi cũng không nói một lời nào dù là than phiền hay chửi rủa gì. Mải chú ý đến ông này và suy nghĩ cho số phận hẩm hiu đời mình, nó không để ý tới hướng mà người này đang đi. Ông đi vào nhà chứ không phải đi đâu hết. Hành động âm thầm của ông này làm nó bất ngờ quá khiến nó quên béng đi đường về chốn xưa của nó. Ôi! Vậy là nó sắp được sum họp cùng anh chị em nó rồi. Nó sẽ được gặp anh cuốc, chị cào. Nó sẽ kể về những ngày tháng nó phải cô đơn giữa trời đêm không một âm thanh, không một tiếng động. Nó sẽ kể về những tháng ngày nó phải chống chọi với cái nắng trưa hè hay cái mưa tầm tã ban chiều. Và nó sẽ kể về hành động “kì quặc” của ông ân nhân đã mang nó trở về.

Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đây. Hành động lạ lùng của ông ân nhân khiến nó bất ngờ không thể thốt nên lời. Ông mang nó tới vòi nước và tắm mát cho từng dụng cụ mà ông đã làm. Và ông cũng không quên kẻ bị bỏ rơi này. Ông còn chăm sóc một cách đặc biệt khi kì cọ sạch hết tất cả những vế gỉ sét trên mình nó. Lạ thật! Vẫn không một lời mà chỉ hành động cần mẫn, tỉ mỉ để thân nó được sạch hơn. Ông cẩn thận kì cọ từng chút, từng chút một. Giờ đây, thân hình nó lại sáng bóng như thuở nào. Nó hình dung cái cảm giác hạnh phúc, tự hào khi được tôn trọng và sử dụng một cách nâng niu, cẩn thận. Nó sẽ lại được phục vụ hết mình theo khả năng vốn có của nó. Nghĩ tới đó, lòng nó phấp phới, ngập tràn bao hi vọng cho tương lai. Và nó cũng không thể nào hình dung cái vẻ mặt ngạc nhiên của anh chị em nó khi nó trở về lành lặn, thậm chí còn “đẹp trai” hơn xưa. Những anh chị em xung quanh nó chắc sẽ há hốc mồm kinh ngạc khi thấy nó trở về sau năm ngày lưu lạc mà không một chút thương tích. Nó sẽ kể về cuộc phiêu lưu và ông ân nhân kỳ lạ đã đưa nó trở về. Và họ sẽ tự hỏi ông này là ai mà khác với những người khác đến vậy? Ông này làm gì mà có cách cư xử lạ lùng vậy? Nếu như không có ông thì chắc chắn nó sẽ cùng chung số phận với những đứa bạn nó trước đây. Có đứa cũng đã từng gặp cảnh ngộ như nó nhưng lúc trở về thì thân hình đầy những thương tích và gỉ sét. Có đứa thì ra đi vĩnh viễn và không bao giờ có cơ hội gặp lại nữa. Nghĩ tới điều đó nó cảm thấy mình thật may mắn biết bao. Không những được trở về, được sum họp cùng anh chị em nó mà còn được có dịp gặp gỡ một người có cách hành xử khác người và hơn hết nó hiểu được một chân lý thật sâu sắc qua tính cách của ông: “Làm việc với tinh thần hăng say, cần mẫn và đối xử trân trọng với những gì đã mang lại lợi ích cho mình.”

Vậy đó, ba người cùng gặp một tình huống nhưng có cách hành xử thật khác nhau. Ông kia thì ném một cục tức rồi hục hặc bỏ đi. “Bố mày” thì hành động thật tốt nhưng với lòng cạu cọ, khó chịu như đấy không phải là bổn phận của tôi. Ừ! trách nhiệm thì có đấy. Không có trách nhiệm thì làm sao nén cục tức mà mang vào được. Nhưng làm mà cảm thấy ấm ức vậy liệu có vui vẻ gì không? Chắc “bố mày” mà gặp tình huống này vài lần nữa thì chắc cũng trở thành như người kia mất thôi. Còn người thứ ba chẳng biết gọi ông tên gì nữa. Gọi là người bình thường vậy. Làm một cách âm thầm, bình thường nhưng với một tâm hồn thật phi thường.

 

 

Giuse Nguyễn Văn Đông