Đau Khổ

Không ai biết đau khổ bắt nguồn từ đâu và đến bao giờ thì đau khổ sẽ chấm dứt, nhưng đau khổ vẫn từng ngày bao trùm nhiều thân phận con người. 

Người ta đau khổ khi không đạt được ý muốn, khi bệnh tật, khi thất bại, khi mất người thân yêu… đến nỗi nhà Phật đã phải dường như thốt lên rằng, cả cuộc đời con người toàn thấp thoáng đau khổ khi diễn tả qua một chu kỳ đau khổ của con người là sinh, lão, bệnh, tử. 

Khi viết lên những dòng chữ này, đau khổ đã và đang phủ lên những mái tóc điểm bạc trước sương gió của cuộc đời.

Đau khổ vẫn đang đè lên những đôi vai như trĩu xuống vì sức nặng của nó.

 Đau khổ vẫn đang từng ngày hằn lên khuôn mặt con người những nếp nhăn như những định mệnh đã được sắp đặt sẵn.

Đau khổ vẫn từng giờ gặm nhấm những tâm hồn đã và đang đặt những hy vọng đẹp đẽ trước cuộc đời.

Có bi quan quá chăng, khi tác giả Đinh Thanh Bình cũng đã phải thốt lên rằng “Hằn sâu trên định mệnh làm người là hai chữ khổ đau, kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Hằn sâu trong trái tim con người, là những khắc khoải day dứt tìm kiếm lời giải thích cho những hệ lụy khổ đau tràn ngập trong đời sống”.

Nhà toán học nổi tiếng Pascal, chắc hẳn đã từng trải qua những cung bậc này khi ông đã để lại cho đời một câu nói bất hủ “Con tim có những lý lẽ của riêng mình mà lý trí không thể biết được”. Và như thế, phải chăng, người ta sẽ đau khổ nhiều khi tiếng nói của lý trí nhường chỗ cho tiếng nói của con tim trước những vấn đề của cuộc sống.

Suy cho cùng, chắc cũng chẳng có một lý giải nào trọn vẹn để có thể giúp con người hiểu thấu được căn nguyên, ngọn nguồn của đau khổ, và chắc hẳn, chẳng có lý thuyết nào có thể có được những giải đáp thích đáng cho vấn đề đau khổ. Do vậy, đau khổ vẫn luôn và có lẽ sẽ luôn là một câu hỏi lớn cho bất cứ ai mang trong mình thân phận hữu tử.

Câu hỏi đặt ra là, thân phận con người có chút giá trị gì không khi xuất hiện trong vũ trụ mênh mông này? Đau khổ có là định mệnh luôn chờ chực để bao phủ thân phận con người? Và rồi liệu con người có thể vượt qua được chính bản thân để hoàn thành sứ mạng làm người không? Bởi lẽ, theo Karl Jaspers thì, mỗi con người dường như “ai cũng cảm thấy mình mang thân phận làm người với số kiếp và kinh nghiệm riêng tư của mình” và họ cũng cảm thấy rằng mình có một sứ mạng lớn lao là một khi đã được sinh ra trong số kiếp con người, ắt hẳn không thể trốn chạy cuộc đời, mà phải biết suy tư, ý thức về chính mình và sống cách trọn vẹn để hoàn thành sứ mạng làm người của mình.

Người ta chỉ có thể kiếm tìm những lối giải thích và những lối nhìn khác nhau về đau khổ để làm giảm bớt đi tính chất bi thương đang ảnh hưởng sâu đậm trên phận người, chứ không thể cất đi đau khổ khỏi vận mạng con người.

Biết rằng, tự thân những đau khổ trong cuộc đời này là một điều phi lý, nhưng người ta vẫn cứ muốn một lý giải cho nỗi đau của mình. Người sống theo tiếng gọi của con tim đi tìm câu trả lời trong những mong chờ, ước vọng. Người sống theo tiếng gọi của lý trí kiếm tìm trong những nghĩ suy. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi câu hỏi đều có lời giải đáp cách thoả đáng khi ta cứ mãi buông rơi đời mình để kiếm tìm trong những dòng suy tưởng xa vời. Có khi người ta tìm thấy được câu trả lời không ở đâu xa lạ mà ngay ở chính thực tại cuộc sống của mình sau khi đã rong ruổi suy tư. Cũng có khi từ chính những thực tại của đời thường lại khơi mở cho con người những thao thức, những trăn trở cho cuộc hiện sinh của mình, để rồi họ quyết tâm theo lời mời gọi lên đường khám phá những giá trị đó.

Tự thân những đau khổ đang xảy ra trong cuộc đời này, là một điều phi lý. Thế nhưng, nếu cuộc sống của con người tiếp tục có ý nghĩa là bởi vì con người không những chỉ biết dừng lại để trăn trở, thao thức, suy tư mà con người vẫn có thể tự do chọn lựa để hiên ngang đón nhận khổ đau, và xuyên qua khổ đau, con người được biến đổi, được thăng hoa phẩm giá để hoàn thành sứ mạng làm người trong một thực thể xã hội cụ thể của mình.

Khi đối diện với đau khổ, con người có một sự tự do đón nhận và xuyên qua nó, con người đi vào sự nhiệm hiệp với Đấng vì con người mà đau khổ. Đó là một sự thông hiệp sâu xa nhất của phận người. Một khi đã xác định được điều căn cốt của đời người, thì khi sống cuộc đời của mình là con người đang sống trong hành trình khao khát tuyệt đối để có thể sống trong Tuyệt Đối. Một khi đã bắt gặp Tuyệt Đối, con người có thể tự do buông mình trong Tuyệt Đối, để từ đó khai mở một lộ trình mới. 

Đó có thể là một lộ trình của tự do trao dâng, “tự do để buông rơi trong làn hơi của thần khí”. Để có thể bắt gặp và sống trong tuyệt đối, con người được mời gọi sống trong niềm hy vọng về sự giải thoát khỏi những vướng bận thường ngày để hướng đến một thực tại siêu việt từ một Đấng Vô Cùng Siêu Việt. Trong góc nhìn này, niềm hy vọng vào ơn cứu rỗi của Kitô giáo về một thực tại Siêu Việt đã mở ra cho con người những con đường được trải rộng bằng niềm hy vọng và giúp họ hoàn thành cái vận mạng cao cả là vận mạng làm người của mình. 

Chính trong lối nhìn này, mà con người không thất vọng dẫn đến tuyệt vọng trong thân phận làm người của mình. Con người hiện sinh trước siêu việt đã can đảm nhìn thẳng vào những thực tại sâu kín nhất của đời mình, để có thể lắng nghe những tiếng thì thầm yêu thương của một Đấng Siêu Việt ở ngay trong những tiếng rên siết thê lương nhất của kiếp người. 

Con người hiện sinh trong niềm hy vọng khi gặp đau khổ không cố tìm một lời giải đáp thoả đáng, bởi họ đã cảm thấu được một sự bình an trong tâm hồn, ngay cả trong những khoảnh khắc đau thương, bi thảm nhất của đời người.

Ai cũng muốn tránh đau khổ, nhưng chẳng ai thoát được đau khổ. Đứng trước những đau khổ và sự dữ trong cuộc đời, người ta tìm cách lý giải và tìm cho ra cội nguồn của nó, nhưng chẳng ai có thể tìm được. 

Các nhà hiền triết và các nhà thông thái tìm tòi trong những suy tư để cố lý giải ngọn nguồn của đau khổ. 

Nhà Phật chỉ dạy chúng sinh những cách thức để tránh đau khổ, nhưng đau khổ vẫn còn đó. 

Kitô giáo không cung cấp lý luận hay tìm cội nguồn của đau khổ, cũng không tìm đường tránh đau khổ. Kitô giáo giới thiệu một Con Người đã đi vào cuộc đời. 

Con Người đó, với đôi tay làm nên những điều kỳ diệu, đã chấp nhận những mũi đinh nhọn xuyên qua và cắm chặt vào thập giá. Đôi tay kỳ diệu luôn rộng mở để thực thi những điều kỳ diệu đã tả tơi, rách nát. 

Cũng Con Người đó, với đôi chân rong ruổi khắp các nẻo đường, từ thôn quê đến thành thị để loan báo về một Vương quốc không còn khổ đau cho nhân loại, đã bị chính những con người muốn giải thoát đau khổ đóng chặt bằng những mũi đinh vào thập giá. Đôi chân ấy đã bầm dập vì những vết đinh. 

Cũng Con Người đó, với những suy nghĩ và mong muốn cho mọi người được sống một đời sống tự do và hạnh phúc viên mãn, đã được đáp trả bằng cả một vòng gai nhọn xuyên qua đầu làm triều thiên. 

Cũng Con Người đó, với trái tim cháy bỏng yêu thương những người nghèo khổ, bần cùng, bệnh tật, những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội, đã chấp nhận bị lưỡi đòng đâm toạc cạnh sườn, chạm thấu trái tim vì sự phản bội, để rồi những giọt máu và nước cuối cùng cũng tuôn trào. 

Con Người đó chính là Đức Kitô – Con Thiên Chúa, đã đi đến tột cùng của đau khổ, đã đi qua những cung bậc đau khổ của kiếp người, đã trải nghiệm hết những đớn đau của sự phản bội khi đã yêu hết mình, nên đã có thể đồng cảm cách sâu xa với con người. Trong sự hiện diện của Đức Kitô, con người có được sự yên bình ngay cả trong bão tố khủng khiếp nhất của cuộc sống.

Như thế, con người, khi gặp những đớn đau trong cuộc đời, họ nghiệm thấy một sự đồng hành, cảm thông và một sự kết hiệp sâu xa với Đấng đã hoàn toàn đồng hóa với họ để sẻ chia, nâng đỡ và dìu dắt họ bước qua đau khổ để đi đến vinh quang. 

Có lẽ, trong lối nhìn này, vấn đề đau khổ được hóa giải bởi đã được khoác lên một ý nghĩa, để giúp con người có thể sống được chăng?

Và phải chăng, đó là mong muốn cuối cùng của mọi cuộc hiện hữu trên trần gian này?

 

Nguyên Minh