Điều gì khác biệt giữa nghe và lắng nghe? Đơn giản chỉ là một chữ “lắng”. Nhưng để thực hiện được điều đó thì không đơn giản một chút nào. Khi đối thoại với người khác, mỗi người thường có xu hướng nói nhiều hơn là nghe. Khi giải quyết xung đột cũng vậy, có chăng nghe chỉ để phản ứng lại. Và có nghe thì chẳng qua cũng là nghe với lòng hậm hực, giận dữ và chỉ chờ cho người đối diện nói xong để giành quyền lên tiếng. Vì thế, trước khi nghe người khác, hãy lắng nghe tâm hồn mình. Tâm hồn khi giận dữ tựa như một cốc nước đục. Cốc nước đầy những bụi bẩn cần được lắng xuống. Tâm hồn đầy những thành kiến, chỉ trích, ghen ghét, giận dữ cũng cần được lắng đọng. Lắng để nghe người khác và hơn hết để nghe chính mình. Cốc nước có lắng xuống mới trong, tâm hồn có lắng xuống suy nghĩ mới sáng suốt, nhận định, xem xét sự việc mới chính xác. Việc lượng giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề mới cân bằng. Hơn nữa, việc lắng và nghe sẽ giúp mỗi người tránh được những xung đột, tranh chấp không đáng có, giúp tình thân ái, lòng khoan dung và tha thứ được triển nở khắp nơi. Đó chính là ý nghĩa của việc lắng trước khi nghe.
Giuse Nguyễn Văn Đông