Chết !

Tháng kính nhớ các Đẳng Linh Hồn

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình. (Tv 103,15-16)

 Sinh ra trong thân phận con người, chúng ta phải chấp nhận những giới hạn, những mất mát trong cuộc sống. Chúng ta phải chấp nhận những những định luật tất yếu của cuộc đời. Mất mát đó, định luật đó là sự chết. Chết là sự mất mát to lớn trong đời người vì chẳng có gì quý hơn mạng sống con người. Chết luôn là đề tài khơi nguồn sáng tác cho biết bao thi sĩ, là chủ đề suy tư cho các nhà Thần học. Nói cách khác, Chết được cả đời và đạo quan tâm.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử, khi nói về sự chết, đã gửi những tâm tình rất đau xót khi đứng trước ly biệt, sự ly biệt không bao giờ gặp lại qua những vần thơ trong bài Những Giọt Lệ:

“Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.”

Hoặc như Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình, cũng có thái độ nuối tiếc khi phải chia lìa nơi trần thế đầy hoa thơm cỏ lạ. Ông đã viết trong bài thơ Vội vàng:

“Nếu  tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.”

Đó là cái chết dưới cái nhìn của người đời. Nhưng với người có niềm tin Kitô, chết không phải là một sự ly biệt đau xót, ngậm ngùi, sự ra đi không bao giờ trở lại. Chết trong niềm tin Kitô giáo là cánh cửa khép cuộc sống thế gian phù du mau qua và mở rộng cuộc sống thiên quốc hạnh phúc, vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu đã coi cái chết là giờ được tôn vinh: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha (Ga 17,1). Chúng ta, những người Kitô hữu, luôn tin rằng sự sống thay đổi chứ không mất đi. Chính vì thế, chúng ta có thói quen tảo mộ đầu năm (Mùng 2 Tết nguyên đán). Sự sống chỉ thay đổi nên chúng ta có tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời, đó là tháng 11. Sự sống chỉ thay đổi nên chúng ta có ngày lễ cầu nguyện cho  Các Đẳng linh hồn. Nhân dịp tháng cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn, mỗi người chúng ta cùng suy nghĩ về sự chết. Suy nghĩ về sự chết vì chính chúng ta cũng sẽ phải chết, suy nghĩ về sự chết để chúng ta thắp lên niềm hy vọng hằng sống nơi chính mình vì chính sự phục sinh của Chúa Giêsu đã làm thay đổi và mang lại cho cái chết một ý nghĩa.

1. Chết – một cuộc chiến thắng

Chết là một cuộc chiến thắng, chiến thắng tội lỗi. Thánh Kinh mặc khải cho chúng ta biết về nguyên nhân của sự chết, chết chính là hậu quả do tội lỗi gây nên: “Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết” (Rm 6,23). Vì tội lỗi nên loài người phải chết. Nhưng chính Chúa Giêsu đã dùng cái chết của mình để cứu chuộc loài người: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.” (Rm 5,19). Chúa Giêsu đã chết để minh chứng cho một tình yêu cao cả nhất: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13). Qua cái chết, Chúa Giêsu đã phục sinh: Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa” (Mc 16,6). Chúa Giêsu đã phục sinh để hủy bỏ sự chết và phục hồi sự sống. Chính sự phục sinh của Chúa Giêsu đã làm cho sự chết trở thành một cuộc chiến thắng. Đó là Chiến thắng tội lỗi: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1Cr 15, 55-57)

2. Chết - một cuộc biến đổi

Chết là một cuộc biến đổi. Biến đổi thân xácbiến đổi sự sống.

Thật vậy, thân xác con người là bụi đất, bụi đất rồi sẽ trở về bụi đất: Xin Ngài nhớ cho: Ngài đã tạo ra con bằng đất sét, rồi lại đưa con trở về cát bụi” (G 10,9). Vì thân xác con người được tạo dựng từ bụi đất nên thân xác ấy sẽ hư hoại. Nhưng qua cái chết, thân xác sẽ được biến đổi nên giống thân xác Chúa Giêsu, đó là thân xác vinh hiển: Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3,21)

Không chỉ biến đổi thân xác, nhưng qua cái chết, sự sống cũng được biến đổi, biến đồi từ sự sống dưới trần gian thành sự sống vinh quang trên trời, đó là sự sống đời đời. Chúng ta xác tín điều đó vì Giáo Hội dạy như thế trong nghi thức phụng vụ: “(…) Lạy Chúa là Cha chí Thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Chúng con được sinh ra bởi quyền năng của Chúa, được cai quản dưới sự điều hành của Chúa, Chúa ra lệnh, chúng con được giải thoát khỏi lề luật của tội ngay trên đất mà từ đó chúng con đã được tạo thành. Và nhờ con Chúa chịu chết, chúng con được cứu chuộc, bởi ý Chúa muốn, chúng con được sống lại để hưởng vinh quang phục sinh của Người. (…)” (Kinh Tiền Tụng IV cầu cho các tín hữu đã qua đời)

Sự biến đổi của thân xác và sự sống được thánh Phaolô tóm kết: “Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 5,21)

3. Chết – một niềm hy vọng

Từ niềm tin vào cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta xác tín về sự phục sinh của con người vào ngày tận thế. Qua cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng hằng sống. Chúng ta xác tín vào sự phục sinh của Chúa mang lại cho chúng ta sự sống mai sau: Đức Giêsu liền phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (Ga 11,25). Hơn nữa, Giáo Hội, trong nghi thức phụng vụ, luôn dạy chúng ta phải biết nuôi dưỡng niềm hy vọng hằng sống mai sau: “(…) Lạy Chúa là Cha chí Thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Nơi Người, niềm hy vọng sống lại vinh phúc đã chiếu tỏa trên chúng con, để những ai buồn sầu vì số phận chắc chắn phải chết cũng được an ủi vì Chúa đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt sau này. Vì, lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời (…)”. (Kinh Tiền Tụng I cầu cho các tín hữu đã qua đời).

Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một thời đại đầy biến động. Xin cho chúng con luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng hằng sống nơi chính mình qua cái chết, vì chết không phải là hết nhưng là một cuộc chiến thắng, một cuộc biến đổi. Xin cho chúng con luôn ý thức được sự mong manh của phận người để chúng con biết sống và chọn lựa cách sống để khi đối diện với cái chết, chúng con không còn sợ hãi:

“Xin nhớ rằng: đời con là một kiếp phù du,
loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi!
Sống làm người, ai không phải chết?
Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?” (Tv 89,48-49). Amen!

 

Giuse Vũ Duy An, Học viện TSĐT